Câu chuyện tôi kể về ông Hồ Nghinh sau đây có nhiều người chứng kiến và còn nhớ rõ. Với tư cách là người có mặt công tác ở Hội An ngay từ những ngày đầu giải phóng, trực tiếp chứng kiến các sự việc và qua các nhân chứng, tôi ghi lại có đầu có đuôi các mẩu chuyện này.
Hội An hôm nay đã là Di sản văn hóa của thế giới, mỗi năm đón gần 1,5 triệu khách du lịch. Ảnh: NGỌC HỢI |
Hội An, một thành phố cổ hiền hòa trầm mặc, nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, có lịch sử văn hóa lâu đời, nơi giao thoa tiếp biến đậm nét các nền văn minh từ Sa Huỳnh đến Chăm-pa, Đại Việt. Đặc biệt hơn, một đô thị - thương cảng sầm uất hình thành và phát triển rực rỡ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 cùng với “con đường tơ lụa, con đường gốm sứ” trên biển đưa Hội An giao thương, kết nối với các nền văn minh bậc nhất Á - Âu
Có một Hội An ngày nay là công lao của bao thế hệ người Hội An, người Việt Nam và cả các ngoại kiều, từ khi đặt nền móng đầu tiên đến chăm lo, nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ trải qua nhiều thế kỷ. Lẽ dĩ nhiên, trong một góc độ nào đó, còn phải kể đến yếu tố may mắn, sự may mắn lạ lùng thể như được lịch sử ưu ái.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Hội An là tỉnh lỵ Quảng Nam của địch, đồn bót ken dày từ trong phố đến nông thôn. Nhiều lần quân giải phóng tập kích vào nội thị, trong đó tiêu biểu là hai lần giải phóng nhà lao Hội An chỉ cách trung tâm chưa đầy 500 mét vào năm 1967, hoặc như sự kiện Xuân Mậu Thân năm 1968, một mũi quân giải phóng với trang bị hỏa lực mạnh đã tiến sát đến trường Lễ Nghĩa nằm trên đường Trần Phú (trung tâm khu phố cổ), nhiều lần pháo kích vào tiểu khu, vào tỉnh đường Quảng Nam, nhưng kỳ lạ thay, không một viên đạn, quả pháo nào làm tổn hại đến một viên ngói hay một bức tường gạch rêu phong trong khu phố cổ.
Vậy nên, sau ngày giải phóng, nhà văn Nguyễn Tuân đến thăm Hội An năm 1985 đã thốt lên: “Quê hương chúng ta đổ vỡ nhiều quá. Nhỏ thường như cái bát, cái chén nay còn giữ lại được vẫn là quý, huống hồ chi đây là một thành phố”. Song có một điều quan trọng nữa mà có lẽ Nguyễn Tuân không hề biết, đó là: Còn được một Hội An như lúc ông đến (1985), nó đã gặp một may mắn nữa. Nhưng khác, may mắn này có được xuất phát từ sự chỉ đạo của một con người khả kính, hội đủ cả tâm lẫn tài, vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: Hồ Nghinh.
Hội An những năm đầu sau giải phóng (1975), cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt văn hóa, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những di hại của nền văn hóa nô dịch, lai căng, vừa tích cực thực hiện công cuộc khôi phục và phát triển nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, việc bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan không tránh khỏi những hạn chế. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc triển khai đợt phá bỏ các thiết chế liên quan đến tín ngưỡng cổ truyền như đền, miếu, các am thờ trên toàn thị xã.
Phường Minh An được chọn thực hiện trước vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc đình, miếu. Một buổi chiều đầu năm 1976, tại địa điểm nay là trước trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hội An, ông Nguyễn Hưng, Trưởng ban An ninh thị xã (sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Hội An) huy động hơn năm trăm người bao gồm thanh niên, ngụy quân, ngụy quyền đang học tập cải tạo, với trang bị đầy đủ búa tạ, xà ben, cuốc, thuỗng... phân công thành từng nhóm, đội có cán bộ an ninh phụ trách, chuẩn bị đến từng đình, miếu đã được lên danh sách để phá hủy cái gọi là nơi gieo rắc, phát sinh mê tín, dị đoan.
Đúng lúc đó, một chiếc xe con chầm chậm dừng lại cuối sân. Một cán bộ đứng tuổi, mặc áo trắng cộc tay, dáng vẻ ung dung xuống xe đứng chăm chú lắng nghe. Ông Hưng thoáng giật mình vì thấy đồng chí Hồ Nghinh, người lãnh đạo mà bất cứ cán bộ nào cũng nể trọng uy danh. “Làm chuyện chi mà đông người thế?”. Ông Hưng thưa lại toàn bộ sự việc. Nghe xong, với phong thái bình tĩnh vốn có, ông Hồ Nghinh chỉ nói: “Thôi về Văn phòng Thị ủy để nói chuyện. Cậu cho mọi người giải tán đi”. Rồi ông lệnh phải mời đầy đủ các thành viên Ban Thường vụ Thị ủy đến cùng trao đổi. Giọng ông nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát.
Thời đó, chưa có điện thoại di động, trời sẩm tối, cán bộ văn phòng thị ủy phải chạy đến từng nhà nên vài tiếng đồng hồ sau mọi người mới đông đủ. Lúc đó, Bí thư Thị ủy Hội An là ông Võ Hiên, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban quân quản là ông Nguyễn Đức Minh và các anh khác trong Ban Thường vụ đều có mặt. Mở đầu, ông hỏi ngay: “Các anh định làm cách mạng văn hóa đó à?”. Tất cả đều im lặng. Phòng họp chỉ còn nghe giọng ông Hồ Nghinh đều đặn giảng giải: “... Các anh nên nhớ rằng chỉ vài tháng sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ra sắc lệnh bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam, yêu cầu phải gìn giữ nguyên vẹn đình, chùa, miếu mạo, bi ký, các sách vở văn tự của cha ông để lại không được phá hủy hay làm hư hại. Các anh huy động hàng trăm người với khí thế hừng hực thế kia họ chỉ đập phá vài ngày thôi thì còn gì di tích đình, chùa nữa? Làm như thế là trái lệnh của Bác Hồ, không đúng chủ trương của Đảng, là bắt chước cách mạng văn hóa bên Tàu”. Rồi ông nhỏ nhẹ: “Các anh biết không, sau này đất nước phát triển, mở cửa giao thương với thế giới, khách du lịch nước ngoài đến đây, các đình chùa, miếu mạo và các cổ tích, nhà xưa kia sẽ lạ lẫm, hấp dẫn đối với du khách và là nguồn sinh lợi cho dân Hội An đấy”. Sau buổi làm việc này, mọi người như ngộ ra được nhiều điều mà từ trước tới nay chưa hề nghĩ tới.
Với tác phong sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, thấu hiểu giá trị văn hóa dân tộc, chuyến công tác về địa phương kiểm tra tình hình chiều hôm ấy đã cứu cho Hội An thoát được mối nguy bị hủy hoại.
Một chuyện khác liên quan đến chùa Ông Bổn (1), mà nếu không có Bí thư Hồ Nghinh kịp thời ngăn chặn thì liệu không biết hậu quả sẽ ra sao? Hội An có câu “thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn” diễn tả không gian phố xưa, đầu có chùa Cầu, cuối có chùa Ông Bổn, những công trình kiến trúc, tín ngưỡng tiêu biểu của phố cổ (2). Chùa Ông Bổn cũng là hội quán bang Triều Châu của người Hoa - Hội An. Trong chùa thờ Phục Ba Tướng quân, thần chinh phục sóng gió, bảo vệ thương thuyền trên biển. Phục Ba Tướng quân chính là tước hiệu vua nhà Hán tấn phong cho Mã Viện trước khi xuất quân xâm lược Giao Chỉ, đàn áp phong trào khởi nghĩa và giết hại Hai Bà Trưng vào năm 43. Chính điện ngôi chùa có pho tượng với bài vị ghi rõ tên Mã Viện.
Năm 1979, Trung Quốc xua quân xâm lược nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, quần chúng khắp nơi trong thị xã mít-tinh phản đối và đưa ra chương trình hành động góp phần cùng cả nước đánh thắng quân bành trướng. Để thể hiện lòng yêu nước và sự căm thù quân xâm lược, phụ nữ phường Sơn Phong nơi có chùa Ông Bổn ký tên đòi đập phá tượng Mã Viện, đóng cửa ngôi chùa vì đây là tổ tiên của quân bành trướng, kẻ có tội lớn với dân tộc ta. Đơn được đồng thuận của hàng ngàn hội viên toàn thị xã gửi đến văn phòng Thị ủy. Thấy việc trở nên đại sự, ông Đinh Phú Tùng, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Hội An, lúc đó là Chánh Văn phòng Thị ủy xin ý kiến ông Võ Hiên, Bí thư Thị ủy với đề xuất nên mời “ông già” vào mới xong, vì chỉ một câu nói của ông bằng anh em mình giải thích trăm lần.
Văn phòng Thị ủy Hội An điện mời buổi sáng thì buổi chiều ông đã có mặt. Ngoài Ban Thường vụ Thị ủy Hội An còn có đại diện Mặt trận và Hội Phụ nữ thị xã và phường Sơn Phong. Cũng vẫn giọng nói ôn tồn, đầm ấm, ông phát biểu: “Đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân địa phương đã tự tay xây dựng nên và chiêm bái, lễ lạc hàng trăm năm nay rồi, nay ta manh động đập phá thì tác động chính trị ngược lại. Hơn nữa đây là hội quán của bà con người Hoa Triều Châu. Trung Quốc đang làm điều phi nghĩa, mang quân xâm lược nước ta ở biên giới phía Bắc, hơn lúc nào hết, ta phải tranh thủ bà con người Hoa đứng về phía chính nghĩa của ta. Chùa Ông Bổn không chỉ thờ Mã Viện mà còn thờ các vị phúc thần khác, các hoành phi, câu đối trong chùa còn răn dạy đạo làm người. Theo tôi, ta vận động bà con cất bài vị Mã Viện đi, và xem đây là thần của sông nước, phù hộ bà con ngư dân, thương thuyền làm ăn đi lại trên sông, trên biển, vì có ai thấy Mã Viện đâu mà biết”. Rồi ông hỏi: “Ở đây có ai gặp Mã Viện chưa?” mọi người cười xòa và thán phục cách giải quyết thấu lý, vẹn tình của ông. Thì ra, trước khi đến cuộc họp, ông đã đến nghiên cứu kỹ chùa Ông Bổn.
Hội An hôm nay đã là Di sản văn hóa của thế giới, mỗi năm đón gần 1,5 triệu khách du lịch, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 1.500 USD/năm. Lời tiên đoán năm xưa của ông Hồ Nghinh đã thành sự thật. Dù quê hương đã hoàn toàn thay da đổi thịt, nhưng người Hội An xưa nay vẫn trước sau trọn nghĩa, vẹn tình. Họ không nghĩ đến chuyện to tát như lập bia đá, xây tượng đài, nhưng trong tim mỗi người dân phố Hội luôn mãi nặng ơn nhà trí thức cách mạng Hồ Nghinh, đã không những cứu nguy cho di sản của tiền nhân mà còn góp phần làm cho di sản trở thành tài sản để người dân phố Hội phát huy, thụ hưởng.
HÀ PHƯỚC MAI
(1) Chùa Ông Bổn còn có tên gọi là chùa Âm Bổn. Bổn đây có nghĩa là bản, là tiền của, vốn liếng cõi âm. Nhiều thương nhân vào đây làm lễ xin vay vốn, cầu cho mua may, bán đắt và cúng tạ, trả lãi hàng năm hoặc sau chuyến đi buôn.
(2) Câu này còn có nghĩa Hội An nhỏ hẹp, có chuyện gì xảy ra thì tích tắc đầu làng, cuối phố đều biết.