.

Người thầy của chúng tôi

.

Với anh Hồ Nghinh, cuộc đời hoạt động cách mạng của anh rộng lớn, tôi không biết hết, chỉ nêu lên một góc rất nhỏ hẹp sự quan hệ lãnh đạo của anh đối với Ban Tuyên huấn và Trường Đảng Quảng Đà thời chống Mỹ.

Hiệu trưởng Trường T74 Hồ Nghinh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, nhân viên của trường năm 1974. (Ảnh tư liệu)
Hiệu trưởng Trường T74 Hồ Nghinh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, nhân viên của trường năm 1974. (Ảnh tư liệu)

Bài giảng phải gắn lý luận với thực tiễn

Là Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, lo lãnh đạo toàn diện, nhưng anh Nghinh vẫn luôn quan tâm đến trường Đảng.

Trường Đảng lúc ấy ở phía sau núi Đại Lộc (Dốc Gió), anh Nghinh luôn ở phía trước (núi Hòn Tàu). Trong khi đang công tác ở Điện Bàn, nơi địch đánh phá rất ác liệt, anh vẫn viết thư đề “Gửi anh Lầu”. Trong thư, anh nhắc nhở hãy quan tâm đến nội dung thiết thực, chú ý đến khâu phục vụ lớp chu đáo. Anh bảo tôi soạn bài “Vai trò công tác vận động quần chúng trong cách mạng”, có lý luận và thực tiễn, để làm tài liệu phục vụ cho việc giành dân, giữ dân. Trong khi nhiều vùng trong tỉnh địch xúc dân vào khu dồn làm thưa dân trắng đất. Tôi soạn bài này làm bài giảng ở trường và phục vụ các hội nghị giành giữ dân của tỉnh.

Học viên trường Đảng thường là ở xã, vùng địch kiểm soát hoạt động hợp pháp, ít được tiếp xúc với cán bộ lãnh đạo. Anh Nghinh (và cả Thường vụ) luôn chú ý đến họ khi về trường Đảng học. Như tặng trên chuẩn gạo ăn, đưa bác sĩ và thuốc bổ từ văn phòng sang phục vụ. Mỗi học viên được tiêm chích từ 1 đến 2 lọ thuốc bổ từ miền Bắc gửi vào.

Anh Nghinh và Thường vụ phân công các anh Hồng Quang - Thường vụ, anh Lê Quân (Đặc khu ủy) sang treo võng nằm cùng với cán bộ trường chỉ đạo lớp. Đặc biệt, những lớp học chính sách hòa hợp dân tộc, lớp bí thư xã chuẩn bị cắm cờ giành đất, giành dân khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Anh Nghinh sang trường 10 ngày liên tục trực tiếp chỉ đạo và giảng bài, hướng dẫn thực hiện. Khi về, họ đã cắm cờ giữ đất, bất chấp hy sinh, tổn thất.

Sau Hiệp định Paris (năm 1973), anh Nghinh vào công tác ở Khu 5, cùng Thường vụ Khu ủy chủ trương mở lớp T74 cho bí thư xã toàn Khu. Bí thư các xã từ Phú Yên đến Quảng Đà về dự lớp do anh Nghinh trực tiếp chỉ đạo, giảng bài chuẩn bị cho giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Tôi hướng dẫn đoàn học viên Quảng Đà, anh Đống Lương hướng dẫn đoàn Quảng Nam vào dự lớp.

Nhân lớp trường Đảng bế mạc, anh Nghinh đến thăm.

Trước đó vài giờ, đồng chí Phó bí thư trực tiếp phụ trách trường đến. Tôi làm báo cáo tóm tắt kết quả lớp học bằng văn bản và đưa cho đồng chí ấy. Khi anh Nghinh đến, anh Nghinh bảo tôi báo cáo tình hình lớp. Tôi lật đật, chạy và tìm đồng chí Phó bí thư lấy bản báo cáo... Anh Nghinh kêu giật tôi lại và nói: “Thôi, thôi, ngồi đây, nói nghe”. Tôi ngồi lại báo cáo tóm tắt kết quả lớp học. Anh nghe và lấy đó phát biểu trước lớp. Không cho tôi lấy lại bản báo cáo viết sẵn...

Thường, lớp học trường Đảng kết thúc chương trình vào dịp Tết âm lịch. Đồng chí Phó bí thư Đặc khu ủy, phụ trách trường đến bảo tôi: “Ông không được có tư tưởng Tết. Chương trình phải tới sáng ngày 30 học viên mới được về”. Nhưng, anh Nghinh lại đến thăm lớp bảo tôi: “Ông Lầu! Làm chi thì làm chứ đến ngày 23 đưa ông Táo về trời là phải xong chương trình, chứ sau đó đầu óc học viên đi theo ông Táo về trời chứ không còn ở đây mô mà học”! Tôi nín thinh và tự sắp xếp chương trình rút gọn để ngày 28 Tết là bế giảng.

Có lần, một cán bộ (trung cấp) làm nghệ thuật từ miền Bắc vừa về đến núi Đại Lộc đã bổ sung vào Ủy viên Ban Tuyên huấn Quảng Đà. Khi anh này vừa xuống đến Xuyên Thanh (cơ quan Ban Tuyên huấn đang đóng ở đó), gặp ngay quân Mỹ tập kích một trận pháo 2 giờ liền. Pháo vừa dứt, đồng chí đó lên khỏi hầm bỏ cả gùi cá nhân chạy một mạch lên núi Đại Lộc. Anh Tin - Phó Ban trực phân công cán bộ văn phòng Ban - mang gùi, súng lục, cả bao gạo đem lên giao tận tay anh ta. Anh Nghinh bố trí cho đồng chí này ở núi tiếp các nhân sĩ ở Đà Nẵng vào. Khi anh Nghinh đến thăm các nhân sĩ đó và tặng quà bằng một phong bì tiền. Nghe anh em kể lại, đồng chí đó chia đều số tiền cho 3 nhân sĩ và không quên phần mình: “Đây là phần của tui!”, anh Nghinh ngạc nhiên: “Cán bộ, đảng viên mà rứa!”.

Phát động dân phá khu dồn về làng cũ

Khi giảng bài, anh Nghinh thường phân tích, lý giải về lý lẽ, kết hợp với thực tiễn để chứng minh, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục. Sau đó thường rút gọn thành chân lý để học viên dễ nhớ và thực hiện. Chỉ kể ra trong bài viết này hai ví dụ nhỏ:

Hướng dẫn cho học viên khi vào công tác ở vùng ven khu dồn, phải nói cho dân hiểu những thắng lợi của ta, thất bại của địch, và nhiệm vụ của dân phải làm gì. Cuối cùng anh tóm lại một câu: “Ta thắng lớn, địch thua to. Có gạo có mắm bán cho mang về”. Học viên cười vui vẻ. Hướng dẫn học viên phát động dân phá khu dồn về làng cũ, anh đưa ra câu chữ nho ví von, dân ở khu dồn như “Lung kê hữu thực oa than cận”, dân ở vùng giải phóng như “Giả hạc vô lương thiên địa khoan”, khiến các cụ già ở khu dồn mỗi khi thấy Mỹ - ngụy đưa hàng viện trợ tới, các cụ càng nghĩ, mình như con gà tuy có cái ăn mà phải ở trong lồng, lại kề nồi nước sôi và con dao. Các cụ khuyên con cháu phải phá khu dồn bung về làng cũ. Thà làm con hạc ở vùng giải phóng, tuy thiếu lương, nhưng trời đất bao la.

Chúng tôi lấy câu chữ nho đó dùng vào việc giảng dạy, ở trường và cán bộ tỉnh, huyện, xã phát động dân trụ bám trở thành phong trào “Một tấc không đi, một li không rời”. Vậy mới có chuyện, một bà mẹ ở Mỹ Lược, lính Mỹ đi càn cõng vào khu dồn kiểm lâm, khi chúng vừa thả xuống, cụ chạy ngay về làng, trên tay vẫn còn cầm nguyên chiếc đũa bếp khuấy cám heo.

Ra đi và trở về

Huyện ủy Duy Xuyên tổ chức một cuộc họp Huyện ủy mở rộng tại bờ nam đập Vĩnh Trinh (lúc địch lấn chiếm hết vùng giải phóng, sau Hiệp định Paris) ra nghị quyết đánh địch thu hồi vùng giải phóng. Anh Nghinh về dự và ví cuộc họp đó là: “Hội nghị Lương Sơn Bạc”.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, trước khi anh ra Hà Nội nhận công tác ở Trung ương. Anh dồn tất cả bốn, năm quyển sổ ghi công tác dày cộp thời chống Mỹ vào một va-li, nhờ đồng chí thư ký mang sang giao cho Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh QN-ĐN. Tôi đã bàn giao lại cho tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên huấn thành phố Đà Nẵng. Khi chúng tôi biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh QN-ĐN từ khi thành lập đến năm 1975, tranh thủ mỗi khi anh Nghinh về Đà Nẵng, anh Phát bảo tôi đưa bản thảo để anh Nghinh góp ý. Trước khi lên máy bay vào Sài Gòn, anh gửi bản thảo cùng với số tiền (bồi dưỡng công đọc) lại cho anh Võ Văn Đặng và không góp ý một câu nào. Và lần sau cũng thế.

Sau một thời gian, được tin anh Nghinh về Đà Nẵng, tôi đến gặp và nói: “Anh là bí thư, lịch sử Đảng bộ, anh phải góp ý chứ. Sao anh không góp câu nào”. Anh chậm rãi nói với tôi: “Tôi mà góp ý... thì hắn hỏng hết... Công việc của các ông còn chi”.

Tôi kể lại. Anh Phát cười. Còn anh Bốn Hương thì nói: “Ổng nói có ý đấy”. Người trong cuộc (làm sử), từ đó tôi suy nghĩ chữ “có ý đấy” của anh Bốn Hương. Tôi liên hệ về lịch sử Đảng bộ, có người nói với tôi về sự kiện Quốc dân Đảng phá cầu Chiêm Sơn (năm 1946). Anh Nghinh không tán thành là sự thật. Nhưng anh không nói và không cãi. Cũng nhân hôm đó, tôi mạo muội “rầy yêu anh” rằng: “Anh có bất mãn chi thì bất mãn với Trung ương, chứ bất mãn chi với dân QN-ĐN mà anh bỏ xứ anh đi vô Sài Gòn anh ở. Dân ĐN-QN vẫn yêu mến anh cơ mà”... Và rồi, sau đó, không biết vì sao, anh lại về Đà Nẵng sống cho tới ngày qua đời.

Với anh Hồ Nghinh, cuộc đời hoạt động cách mạng của anh rộng lớn, tôi không biết hết. Chỉ nêu lên một góc rất nhỏ hẹp sự quan hệ lãnh đạo của anh đối với Ban Tuyên huấn và Trường Đảng Quảng Đà thời chống Mỹ. Qua góc nhìn nhỏ hẹp ấy và sự hiểu biết của tôi, tôi cảm nhận được rằng anh là một con người tình nghĩa, giàu lòng vị tha, tế nhị, sâu sắc, nhạy cảm, hiểu rộng, nhìn xa.  Đối với anh em Tuyên huấn và Trường Đảng chúng tôi, anh Hồ Nghinh là người thủ trưởng uy tín, tài năng, là người thầy, là anh Ba thương mến. Với cách mạng, anh vượt mọi khó khăn gian khổ, luôn đi đầu trước mọi ác liệt, hy sinh. Triệt để chấp hành các chủ trương của Đảng, cấp trên và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo sao cho đạt hiệu quả tốt và bền vững lâu dài. Có lẽ vì thế mà ông Trần Bạch Đằng gọi ông là “Hồ Ngang”, chứ anh đâu có ngang, có bao giờ cãi lại ai đâu, như người Quảng Nam hay cãi khác.

Tôi tâm đắc câu nhận xét của nhà báo Đặng Minh Phương (nguyên thường trú Báo Nhân Dân tại Đà Nẵng) về Hồ Nghinh: “Nho cốt cách, Mác tinh thần”. Riêng tôi thêm Hồ Nghinh: “Nho cốt cách, Mác - Hồ Chí Minh tinh thần”.

NGÔ GIA LẦU, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn, Phó Ban Trường Đảng Đặc khu Quảng Đà
 

;
.
.
.
.
.