“Sự hấp dẫn đặc biệt nhất của CTTT ECE là một đội ngũ sinh viên (SV) chất lượng cao với động lực học tập không ngừng và được huấn luyện đào tạo trong môi trường thuận lợi cho sự phát triển trình độ học vấn chuyên nghiệp. Chất lượng tốt của cán bộ trẻ và kỹ năng giỏi của đội ngũ quản lý tạo ra một nền tảng chuẩn mực để giúp SV đạt được kết quả học tập tốt nhất có thể”.
TS Nguyễn Duy Thái Sơn cùng với 2 học sinh của Đà Nẵng đoạt Huy chương Bạc Toán quốc tế ở Kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2010 tổ chức tại Kazakhstan. |
Đó là nhận xét khách quan nhất về hướng đi của ĐH Đà Nẵng những năm gần đây của GS Evan Goldstein, Khoa Kỹ thuật Điện, Trường Đại học Washington, thỉnh giảng hai khóa học từ năm 2009 – 2010 Chương trình tiên tiến ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành hệ thống số (CTTT ECE) tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Đặc biệt, việc thu hút gần 20 PGS, TS về ĐH Đà Nẵng những năm qua và gửi đi đào tạo hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài giúp cho trường có một đội ngũ hùng hậu những giảng viên giỏi, những nhà nghiên cứu tài năng.
“Chiêu hiền đãi sĩ” đúng hướng
TS Nguyễn Duy Thái Sơn, Giảng viên khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đến giờ vẫn chưa hết ngạc nhiên về cách “chiêu hiền đãi sĩ” của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Năm 2003, TS Thái Sơn về nước sau 5 năm được mời làm GS và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm quốc tế về vật lý lý thuyết thuộc Cộng hòa Ý; Trường ĐH Ohio, Hoa Kỳ; ĐH Kyoto Sangyo, Nhật Bản; ĐH Vienna, Cộng hòa Áo. “Đối với mình là chuyện lạ vì nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã dành một buổi trò chuyện, hỏi về tâm tư, nguyện vọng để tìm chỗ thích hợp cho mình cống hiến”. Và TS Thái Sơn đã chọn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, chọn con đường dạy toán cho học trò.
Trong 7 năm, ông đã mang về cho Đà Nẵng 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng toán quốc tế, truyền đam mê học toán cho bao lứa học sinh. Và hơn một năm nay, TS Thái Sơn chuyển về giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng, để có thể cống hiến cho ngành toán ở cấp trung ương. Hằng năm, ông tham gia ra đề cho giải học sinh giỏi quốc gia, bồi dưỡng đội toán thi quốc tế. TS Thái Sơn có thể dạy toán bằng tiếng Anh ở chương trình tiên tiến của ĐH Bách khoa, nghiên cứu với tư cách phản biện trong các khóa luận tốt nghiệp, nghiên cứu phương pháp học toán gắn với giáo dục…
Theo TS Thái Sơn, khoảng vài năm nữa những lớp học sinh chuyên toán ông đã giảng dạy có thể đóng góp hết sức mình cho sự phát triển của thành phố, khi họ hoàn thành các chương trình học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài trở về. Bởi những người giỏi gặp một đội ngũ lãnh đạo biết lắng nghe sẽ khai thác đúng tiềm lực, trí tuệ họ gom góp được trong quá trình học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Tinh hoa công nghệ thông tin
Nguyên là SV của ĐH Bách khoa ĐN, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Công nghệ thông tin (CNTT) giành được học bổng sang Pháp khi đang là SV khoa CNTT cách đây hơn 15 năm. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, anh trở về làm giảng viên của trường, từ chối lời mời từ các doanh nghiệp dù lúc đó ngành CNTT còn khá mới mẻ ở Việt Nam. TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc làm giảng viên ở trường ĐH vừa là một mong muốn của anh trước khi đi học tập ở nước ngoài vừa phát huy tốt việc nghiên cứu khoa học. Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng là một trong những trường tạo điều kiện tốt nhất cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, trường rất chú trọng hợp tác quốc tế, vì vậy giáo viên trẻ có cơ hội cọ xát và tham gia môi trường giảng dạy và nghiên cứu tầm quốc tế.
Và năm 35 tuổi, TS Nguyễn Thanh Bình được bổ nhiệm làm trưởng khoa CNTT, một trong những trưởng khoa trẻ nhất của ĐH Đà Nẵng thời điểm cách đây hơn 3 năm. “Khi mới nhận trách nhiệm, tôi rất lo lắng và bị áp lực. Nhưng tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp và hiểu rằng, muốn làm được việc gì cần có tâm, vì công việc chung và không sợ thất bại thì sẽ làm được”, TS Thanh Bình tâm sự. Và anh đã cùng đồng nghiệp đưa khoa CNTT trở thành một khoa “danh giá” ở trường ĐH Bách khoa.
Năm 2011, chương trình Tinh hoa CNTT được áp dụng giảng dạy dành cho SV giỏi. Hiện có khoảng 70 SV đang theo học chương trình này, được học tăng cường tiếng Anh và có thể chuyển tiếp học tại ĐH Monash của Úc (ĐH hàng đầu thế giới về đào tạo ngành CNTT). Ngoài ra, SV của khoa được tham gia chương trình chất lượng cao PFIEV ngành CNTT, hợp tác với các ĐH Marseille và ĐH BK Grenoble, Pháp. SV theo học dựa trên các chương trình đào tạo của các ĐH đối tác tại Pháp, tăng cường ngoại ngữ và được cấp bằng kỹ sư công nhận bởi chính phủ Pháp (tương đương kỹ sư châu Âu).
Hằng năm, khoa còn tổ chức tuần lễ hướng nghiệp CNTT giữa doanh nghiệp và SV, tuyển dụng trực tiếp các SV năm cuối trong vòng 1 tuần lễ. Mời các chuyên gia doanh nghiệp giảng dạy chính khóa cho SV. Được biết, khoa CNTT và IBM Việt Nam đã hợp tác mở Trung tâm xuất sắc IBM tại trường ĐHBK, và trong năm nay, sẽ hợp tác với Nokia Việt Nam xây dựng phòng thí nghiệm Nokia Lab cho SV.
Hiện nay ĐH Bách khoa Đà Nẵng đang triển khai 2 chương trình tiên tiến: ngành Điện tử - Viễn thông (ECE), liên kết với ĐH Washington (UW) - Hoa Kỳ triển khai từ năm 2006, đã và đang đào tạo được 193 SV; ngành Điện - Điện tử (EEE), liên kết với ĐH Porland State (PSU) - Hoa Kỳ, triển khai từ năm 2008, đến nay đào tạo được 69 SV. Có các chương trình hợp tác: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao hợp tác Việt–Pháp (PFIEV); Chương trình đào tạo tăng cường Pháp ngữ; Chương trình đào tạo liên kết Việt – Nhật; Chương trình liên kết đào tạo Việt – Úc. Trường ĐH Kinh tế có 3 chương trình hợp tác đào tạo quốc tế ngành Quản trị kinh doanh với: Tập đoàn Giáo dục Tyndale–Singapore, Trường ĐH Sunderland–Vương quốc Anh và ĐH Towson–Hoa Kỳ. |
HOÀNG NHUNG