.

Cơ chế đặc thù cho nghệ sĩ

.

Đã đến lúc có một cơ chế đặc thù đối với nghệ sĩ để ngay cả những gia đình có truyền thống hoạt động sân khấu cũng không quay lưng lại với nghệ thuật.

Tiết mục múa “Đà Nẵng tình người” của Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng tại lễ khánh thành cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.
Tiết mục múa “Đà Nẵng tình người” của Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng tại lễ khánh thành cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.

Nâng ngạch không qua thi

Khác với lĩnh vực ca múa nhạc, diễn viên Tuồng cống hiến cả đời, từ trẻ đến cao tuổi vai nào cũng đóng được. Bà Lê Thị Hương Trà, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, diễn viên Tuồng bằng cấp cao nhất cũng chỉ đến cao đẳng (chưa có đại học Tuồng) nên rất hạn chế, thiệt thòi trong việc dự thi nâng ngạch, nâng bậc lương. Đơn cử như diễn viên Huỳnh Thị Minh Hải, trung cấp Tuồng, vào nhà hát đầu năm 1991, đến nay đã vượt khung lương 5% với hệ số 4,06. Nếu mỗi năm vượt khung 1% thì 16 năm nữa, khi nghỉ hưu Minh Hải sẽ được 21% với hệ số 4,06, thu nhập hưu trí như thế là quá thấp.

Nhà hát Tuồng hiện có 37 diễn viên thì chỉ có một diễn viên hạng 2 còn lại đều là hạng 3. Theo bà Trà, Sở Nội vụ thành phố đã nhận thấy khó khăn của đội ngũ diễn viên Tuồng nên đã tháo gỡ bằng cách cho các diễn viên có bằng cao đẳng Tuồng được thi vào ngạch đạo diễn để anh chị em có thu nhập tuy không bằng diễn viên hạng 2 nhưng cũng cao hơn hạng 3.

Diễn viên lương khó tăng, chế độ phụ cấp lại quá lạc hậu. 7 năm trước, Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) ban hành Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21-2-2006 về chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, viên chức văn hóa-thông tin. Theo đó, diễn viên Tuồng và nhạc công bộ hơi (kèn, sáo…) được phụ cấp mức 3 hệ số 0,30 so với lương tối thiểu, nhạc công nói chung chỉ được mức 2 với hệ số 0,20.

Xuất phát từ những bất cập về chế độ chính sách đối với các nghệ sĩ, ngày 15-4-2013 vừa qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã có Công văn số 315/NTBD-VP gửi Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về việc rà soát thống kê xây dựng Đề án xét nâng ngạch diễn viên. Việc làm này sẽ phục vụ thiết thực cho việc xây dựng đề án để Bộ trình các cơ quan chức năng xem xét tổ chức nâng ngạch không qua thi áp dụng đối với các nghệ sĩ đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Có danh không có hiệu

Ca sĩ Tùng Dương hát ca khúc “Chiếc khăn Piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho đã được trao giải thưởng “Bài hát của năm” của Giải Âm nhạc Cống hiến 2013 trị giá 1 tỷ đồng. Trong khi đó, những người cống hiến cả đời cho nghệ thuật như chúng tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND cũng chỉ nhận hơn 10 triệu đồng và... chấm hết. Dù hai nguồn kinh phí khác nhau nhưng 1 tỷ trong mấy phút so với 10 triệu đồng cho cả cuộc đời thì nghĩ cũng chua xót lắm. Yêu nghề, chúng tôi vẫn mong sớm có chế độ trợ cấp thế nào đó để động viên các nghệ sĩ đã có danh tiếp tục cống hiến.

NSND LÊ HUÂN

Ngay cả ở nhà hát cấp quốc gia như Nhà hát Tuổi trẻ, chế độ chính sách đối với diễn viên cũng không hơn gì. NSND Lê Khanh, từ diễn viên gạo cội lên Phó Giám đốc chuyên trách của Nhà hát, đã 17 năm vượt khung lương diễn viên hạng 3 mà vẫn không được nâng ngạch. Tại buổi gặp mặt gần 200 văn nghệ sĩ toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương tổ chức tại Hà Nội hôm 25 Tết Quý Tỵ vừa rồi, chị đã chia sẻ nỗi niềm của mình, đại khái là: Tài năng và đóng góp cho nghệ thuật của chị đã được Nhà nước công nhận rồi, nhưng mức lương thì không đủ sống. NSND chả có chế độ gì, lương mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng mà nghệ sĩ tên tuổi như chị thì không thể chạy sô như các bạn trẻ khác để thêm thu nhập.

Kể lại chuyện trên, NSND Lê Huân, Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước trực thuộc Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng, bình luận: “Ai cũng tưởng được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT chắc thế nào cũng được hưởng thêm chế độ hỗ trợ gì đó. Khi biết sự thật, anh em động viên tôi rằng, ông được danh vậy là quý rồi, chứ bỏ tiền tỷ ra cũng có mua được đâu”.

Thực ra, theo NSND Lê Huân, 5 năm trước cũng từng có chuyện diễn viên được phong danh hiệu, NSƯT được nâng 1 bậc lương, NSND được nâng 2 bậc lương; thực hiện được một vài đoàn nghệ thuật quân đội thì bị bên dân sự phản ứng mạnh nên bên quân đội thôi ngay.

Vậy nên, danh hiệu cũng vẫn chỉ là… danh hiệu. NSƯT Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, nói đùa rằng, nhận tiền thưởng danh hiệu NSƯT được 7 triệu đồng, nhưng tiền “rửa” danh hiệu thì vượt xa con số đó. NSƯT Kim Oanh, Phó Giám đốc tổ chức biểu diễn Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước, thì chơi chữ một cách thâm thúy: Có danh mà không có hiệu. (Chữ hiệu ở đây được hiểu là hiệu quả).

Cơ chế đặc thù

NSƯT Kim Oanh có người con trai là Thiện Tuấn tốt nghiệp cao đẳng đạo diễn âm thanh. Khi Tuấn đầu quân vào Nhà hát Tuổi trẻ, Giám đốc nhà hát bảo: Lần đầu tiên Nhà hát có được người phụ trách âm thanh có bằng cấp hẳn hoi. Khen Tuấn rất vững chuyên môn, nhưng ông chỉ trả lương theo quy định là... 2 triệu đồng một tháng! Thành ra, để có thể “trụ” lại ở Hà Nội, nó phải chạy sô làm thêm cho một vài nơi khác, “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Khác với cán bộ, công chức, giới nghệ sĩ chỉ có một thời hoàng kim, đó là lúc còn thanh còn sắc. Bước lên sân khấu với tinh thần thoải mái, vật chất đủ đầy thì thanh mới tươi, sắc mới thắm. Chứ lên đó mà nghĩ ngày mai ăn gì, tháng sắp tới tiền đâu nộp học phí con học… thì làm sao mà diễn tốt được. Nghệ sĩ là giới ăn trắng mặc trơn. Nam còn đỡ, chứ nữ thì lo trang bị từ đầu đến chân, nay mặc bộ này, mai mặc bộ khác. Diễn xong cũng phải ăn khuya, nhưng bồi dưỡng chỉ 50 nghìn đồng, cao nhất 100 nghìn đồng thì cũng phải đắn đo lắm nỗi - NSƯT Kim Oanh chia sẻ.

Đã đến lúc có một cơ chế đặc thù đối với nghệ sĩ để ngay cả những gia đình có truyền thống hoạt động sân khấu cũng không quay lưng lại với nghệ thuật. Một nghệ sĩ không muốn nêu tên nói rằng ông có hai đứa con đều chơi rất giỏi piano, nhưng lại hướng chúng đi ngành… kinh tế!

Để giữ lửa và tiếp lửa cho sân khấu nghệ thuật, cần những việc làm cụ thể như Đề án xét nâng ngạch diễn viên của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Trước mắt, tin vui đến từ NSND Lê Huân: Dự Trại sáng tác múa toàn quốc diễn ra tháng 4 vừa qua tại Đà Lạt, ông nghe thông tin rằng những NSND trên 75 tuổi sẽ có chế độ trợ cấp thêm hằng tháng, cụ thể bao nhiêu thì tháng 7 này sẽ công bố.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.