.

Đào tạo nhân tài

.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhân tài luôn luôn được xem là một hoạt động quan trọng và mang ý nghĩa quyết định cho sự tồn vong, sự phát triển của dân tộc và đất nước. Nhiều địa phương đã có những chính sách để thu hút nhân tài bằng các chính sách ưu đãi. Trong thành tựu chung khá lớn của Đà Nẵng về đào tạo, sử dụng nhân tài những năm qua, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) - một đại học (ĐH) Vùng quy mô lớn đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”.

Giới thiệu sản phẩm UD Smart Book tại Triển lãm thành tựu kết quả nghiên cứu khoa học năm 2012. (Nguồn: ĐHĐN)
Giới thiệu sản phẩm UD Smart Book tại Triển lãm thành tựu kết quả nghiên cứu khoa học năm 2012. (Nguồn: ĐHĐN)

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao

ĐHĐN được thành lập theo Nghị định số 32/CP ngày 4-4-1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại các cơ sở đào tạo ĐH, Cao đẳng (CĐ) và Trung học chuyên nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh QNĐN (cũ). Đây là một ĐH vùng trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa cấp và đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo đội ngũ nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung.

Hiện nay ĐHĐN có 1.460 giảng viên (trên tổng số 2.197 cán bộ); mỗi năm tuyển mới khoảng 12.000 sinh viên (SV) hệ chính quy, hơn 5.000 SV hệ vừa học vừa làm và từ xa; hiện đang đào tạo cho 20 chuyên ngành ở bậc tiến sĩ, 30 chuyên ngành bậc thạc sĩ, 75 chuyên ngành bậc ĐH và 22 chuyên ngành bậc CĐ. Đội ngũ cán bộ tốt nghiệp từ ĐHĐN luôn được các đơn vị tiếp nhận đánh giá rất cao về chất lượng.

Trong những năm qua, ĐHĐN đã chủ động mở ngành và tăng quy mô đào tạo cho nhiều ngành nghề quan trọng: Cơ khí chế tạo máy, điện kỹ thuật, điện tử - viễn thông, xây dựng cầu - đường, cơ khí động lực, công nghệ thông tin, cơ - điện tử, công nghệ môi trường, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật năng lượng và môi trường, quản lý môi trường, công nghệ hóa thực phẩm, công nghệ hóa dầu và khí, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học; cử nhân hóa dược, cử nhân khoa học môi trường, sư phạm sinh học, cử nhân sinh - môi trường; quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ, kinh doanh thương mại, ngoại thương, kinh tế phát triển... (ở bậc ĐH);  Kỹ thuật động cơ nhiệt, công nghệ chế tạo máy, công nghệ và thiết bị nhiệt, công nghệ và thiết bị lạnh, công nghệ thực phẩm và đồ uống, công nghệ sinh học thực phẩm, mạng và hệ thống điện, khoa học máy tính, tự động hóa, cơ học kỹ thuật, hóa hữu cơ, tưới tiêu cho cây trồng, công nghệ môi trường, sinh thái học và kinh tế nông nghiệp... (ở bậc sau ĐH). Mỗi năm, số lượng SV tốt nghiệp từ các chuyên ngành này khoảng 6.000 kỹ sư/cử nhân và hàng chục tiến sĩ cùng hàng trăm thạc sĩ.

Đặc biệt, ĐHĐN đã tiên phong trong việc mở các chuyên ngành mới để đón trước nhu cầu nguồn nhân lực. Cách đây hơn 10 năm, ĐHĐN đã phối hợp với các trường ĐH của Cộng hòa Pháp để mở chuyên ngành công nghệ lọc và hóa dầu, số SV tốt nghiệp chuyên ngành này hiện nay đóng vai trò chủ lực tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. ĐHĐN cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Logistic khi hợp tác với ĐH Liège của Vương quốc Bỉ và đội ngũ này đang phát huy hiệu quả kiến thức học được tại các công ty cảng biển, công ty kho vận tại miền Trung và cả nước. Ngoài ra, ĐHĐN cũng đã mạnh dạn mở các chuyên ngành đào tạo mới như công trình thủy, phát triển nguồn nước, sinh thái học, hệ thống nhúng...

Để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, ĐHĐN đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng tầm các chương trình đào tạo ngang với các tiêu chuẩn quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình, bồi dưỡng giảng viên, và tạo ra sự lan tỏa lớn.

Đào tạo đội ngũ giảng viên giỏi được xem là khâu đột phá quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Giảng viên phải chuẩn bị ngoại ngữ để đi học sau ĐH ở nước ngoài, tuyệt đối không cho giảng viên trẻ học sau ĐH trong nước. Hiện nay, ĐHĐN đã có hơn 150 giảng viên tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài và hiện có 320 cán bộ đang học tập, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, trong đó gần 50% là đào tạo tiến sĩ.

Trung bình mỗi năm, ĐHĐN được đầu tư từ các dự án và các tổ chức hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm và các trung tâm nghiên cứu với trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải thiện cơ sở vật chất để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu.

Tại ĐHĐN, hoạt động nghiên cứu được quan tâm và trở thành hoạt động bắt buộc đối với mọi cán bộ giảng viên. Kết quả nghiên cứu sẽ được áp dụng vào thực tế sản xuất và đồng thời được lồng ghép vào bài giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Mỗi năm, hàng trăm đề tài được triển khai, thực hiện nhiều hợp đồng sản xuất/chuyển giao với giá trị khoảng 20 tỷ đồng và công bố hơn 300 bài báo khoa học.

Để tạo ra các chương trình có chất lượng cao, ĐHĐN đã tăng cường phân tầng trong công tác đào tạo, cần có đồng thời 4 yếu tố là người học giỏi, người dạy giỏi, môi trường học tập và một quy trình đào tạo đúng đắn. Phân tầng để có những chương trình tốt nhất dành cho những SV và những thầy giáo giỏi nhất.

Thu hút, bồi dưỡng nhân tài

Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, ĐHĐN đã có những chính sách để thu hút, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Khái niệm nhân tài được hiểu là những cá nhân có những năng lực vượt trội hơn các cá nhân khác.

ĐH Đà Nẵng tổ chức Lễ vinh danh thủ khoa và sinh viên xuất sắc năm 2012.
ĐH Đà Nẵng tổ chức Lễ vinh danh thủ khoa và sinh viên xuất sắc năm 2012.

Thu hút nhân tài bao gồm thu hút cán bộ giảng dạy và thu hút sinh viên. ĐHĐN đã thu hút được gần 20 PGS và tiến sĩ từ các nơi khác về công tác. Thu hút SV thông qua các chính sách, hoạt động để có được nhiều học sinh giỏi nhất vào học tại trường. Điểm tuyển sinh vào ĐHĐN luôn thuộc nhóm đứng đầu trong cả nước, cá biệt có nhiều chương trình điểm tuyển đầu vào rất cao như công nghệ lọc hóa dầu, xây dựng, điện tử - viễn thông...

Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là ưu tiên hàng đầu của ĐHĐN. Hiện nay, ĐHĐN có 351 cán bộ đang theo học thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài và riêng năm 2012 đã có 52 tiến sĩ mới tốt nghiệp về lại ĐHĐN. Đối với SV, chính sách phân tầng để có các chương trình đặc biệt và chất lượng dành cho các SV giỏi. Ngoài ra, các chương trình học bổng du học nước ngoài, học bổng tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội,... đã tạo điều kiện cho SV giỏi có điều kiện học giỏi hơn hoặc ra nước ngoài học tập và nghiên cứu.

Từ thực tế đào tạo nguồn nhân lực và thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, kiến nghị quan trọng nhất của ĐHĐN đề xuất với thành phố là tạo lập sự liên kết giữa ĐHĐN và TP Đà Nẵng trong đào tạo và sử dụng nhân tài. Giảng viên, cán bộ nghiên cứu của ĐHĐN có thể tham gia các dự án, nghiên cứu tại các đơn vị thuộc TP quản lý và cán bộ của TP có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường, viện của ĐHĐN. TP đặt hàng cho ĐHĐN về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để đào tạo, bồi dưỡng trong các lĩnh vực mà ĐHĐN có năng lực hoặc kết hợp với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, TP tiếp tục hỗ trợ cho ĐHĐN về nhà ở cho giảng viên, cán bộ nghiên cứu có năng lực và ngành nghề phù hợp với hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Cùng với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của lãnh đạo TP, sự cố gắng của tất cả các trường ĐH- CĐ trên địa bàn và sự hỗ trợ, tham gia của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, chúng ta tin tưởng, ĐHĐN sẽ đào tạo ra được một nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, tốt về chất lượng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

"... Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn..."

(Danh sĩ Thân Nhân Trung (1419-1499) làm quan nhà Hậu Lê dưới hai đời vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông, soạn- ghi trên bia Tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám khoa thi năm 1442).

PGS.TS TRẦN VĂN NAM

Giám đốc Đại học Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.