Mới hơn 14 tuổi, Thanh Tiền rời quê hương Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam) về đầu quân cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khi đoàn về đây biểu diễn và chọn diễn viên. Cùng về Đà Nẵng với cô lúc đó có 10 bạn, nhưng bây giờ, sau hơn 15 năm, chỉ còn lại 5 người. Với Thanh Tiền, bao trau chuốt dồn cả vào vai diễn và nếu cho chọn lại, cô cũng sẽ đi theo con đường nghệ thuật tuồng vốn đầy khó khăn, thử thách…
Thi tốt nghiệp chuyên ngành múa ở Trường VHNT Đà Nẵng năm 2012. |
Có đam mê mới giữ được nghề
Lúc mới về Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Thanh Tiền có “vốn” nghệ thuật bẩm sinh là hát và múa, được thừa hưởng từ mẹ và ông ngoại là hai diễn viên của đoàn nghệ thuật Tiên Lãnh. Nhà hát Tuồng gửi Thanh Tiền sang Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng (VHNT) học chương trình trung cấp tuồng 3 năm. 3 năm vừa học vừa biểu diễn, năm 17 tuổi Tiền mới được về nhà ăn Tết kể từ khi dấn thân vào con đường nghệ thuật. Hơn 5 năm sau, Tiền theo tiếp chương trình cao đẳng nghệ thuật tuồng khi Nhà hát kết hợp với Trường VHNT, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh mở khóa đào tạo diễn viên, nhạc công. Hơn 15 năm theo nghề, tình yêu với nghệ thuật tuồng vẫn còn cháy bỏng trong cô diễn viên trẻ. Cô cho rằng, cái nghề này đến giờ đã được xem là cái nghiệp với mình, bởi cũng có những lúc bi quan khi khán giả xem tuồng ngày càng ít, đồng lương thu nhập của diễn viên tuồng không đáng là bao, nhưng những vở diễn đã lôi cuốn cô thực sự, đó chính là đam mê không thể dứt bỏ.
Một nghệ sĩ tuồng để được xem là có nghề, ngoài thời gian học trong trường, cần phải có kinh nghiệm sân khấu từ 10 - 15 năm hoặc lâu hơn nữa để rèn giũa thường xuyên qua từng buổi tập, từng đêm diễn, cộng với tài năng và sự khổ luyện. Thế nhưng vẫn có nhiều diễn viên không trụ được với nghề. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã 10 năm nay, sau Thanh Tiền và các bạn cùng lứa, chưa có một lớp diễn viên kế cận được đào tạo bài bản.
Để bảo tồn và phát triển sân khấu truyền thống (SKTT), đào tạo là khâu vô cùng quan trọng nhằm chuyển giao tri thức về sân khấu cổ truyền cho thế hệ sau, tạo nên lực lượng kế cận đủ tài năng để bảo tồn, phát triển SKTT đúng hướng. Bà Lê Thị Hương Trà, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, lâu nay nhà hát vẫn sử dụng hình thức đào tạo tại chỗ, tức người có nghề truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ. Chấp nhận phương án đào tạo này, nhưng nhiều năm nay Nhà hát vẫn khó tuyển được diễn viên thực sự có năng khiếu, có đam mê với tuồng.
Khán giả thành phố không mặn mà với tuồng như ngày trước, nhưng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng vẫn có đất diễn thường xuyên thông qua chương trình biểu diễn phục vụ du lịch và các show diễn do các phường quanh thành phố, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi mời đoàn đến biểu diễn. Đó cũng là con đường giúp diễn viên tuồng không ồ ạt bỏ nghề, ra đi.
Đào tạo để có lớp diễn viên có nghề
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương, Trưởng đoàn ca múa nhạc thành phố cho biết, lớp diễn viên của Nhà hát với khoảng 30 người hiện nay chỉ có một nửa là được đào tạo bài bản từ các trường nghệ thuật, số còn lại là diễn viên “tay ngang”. Như với diễn viên múa thì buộc phải trải qua trường lớp mới có thể biểu diễn, nhưng với ca sĩ thì chỉ cần có năng khiếu, có chất giọng tốt thì việc đầu quân cho đoàn dễ dàng hơn.
Khi đang học năm cuối khoa Tiếng Anh du lịch của ĐH Duy Tân, ca sĩ Mai Anh xin hát tại phòng trà Memory và được nhạc sĩ Đình Thậm “phát hiện”, đưa cô về Đoàn ca múa nhạc thành phố. Theo ca sĩ Mai Anh, khi về đoàn, cô học được rất nhiều khi biểu diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp. Như biểu diễn dạn dĩ hơn, có phong cách hơn, được các ca sĩ trong đoàn luyện cách lấy hơi, nhả chữ điêu luyện hơn; khác với trước đây nếu hát liên tục suốt tháng, giọng Mai Anh sẽ bị khàn đặc. Hiện nay Mai Anh đã định hình được phong cách sân khấu của mình với dòng nhạc trữ tình và hát các bài hát tiếng Anh. Mai Anh mong muốn được đi học tại một trường VHNT để có thể phát huy hết khả năng ca hát của mình, khi cô xác định đây là con đường để cô đeo đuổi suốt đời, nhất là khi Đà Nẵng đã có nhiều sân chơi, nhiều chương trình sự kiện để ca sĩ có đất diễn.
Theo nhạc sĩ Đình Thậm, bắt đầu từ năm nay, Đoàn ca múa nhạc sẽ gửi mỗi năm khoảng 2-3 ca sĩ/nhạc công đi đào tạo bài bản tại Trường VHNT Quân đội, bằng ngân sách của Nhà hát. Quyết định này sẽ hiện thực hóa đề án đào tạo nguồn nhân lực cho Đoàn ca múa nhạc mà Ban Giám đốc Nhà hát Trưng Vương xây dựng mấy năm nay. Trong khi mới đây, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã hoãn kế hoạch tuyển sinh đào tạo diễn viên, nhạc công của Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vì lý do kinh phí. Như vậy với nội lực của mình, Đoàn ca múa nhạc thành phố còn có cơ hội đào tạo những lớp diễn viên có nghề, kế cận lứa diễn viên có tuổi. Trong khi Nhà hát Tuồng ngậm ngùi nhìn bao lứa diễn viên già đi, việc thu hút lớp trẻ có năng khiếu vào diễn tuồng ngày càng khó khi chế độ lương bổng thấp và các đãi ngộ khác không có.
Ông Vũ Đức Tiến, Hiệu trưởng Trường VHNT Đà Nẵng cho biết, sau lớp CĐ Tuồng mở năm 2003, đến nay trường bị hẫng 10 năm không tuyển sinh được bộ môn dân ca, tuồng. Những em thực sự có năng khiếu toàn sống ở các vùng sâu, vùng xa của các tỉnh, nhưng phụ huynh các em không muốn cho con theo học các ngành này. Còn học sinh ở Đà Nẵng thì tịnh không có em nào đăng ký học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bởi thế không chỉ tuồng, dân ca, mà các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc khác cũng khó tuyển sinh, dù các đoàn nghệ thuật ở Hội An luôn “đặt hàng” đào tạo cho nhà trường. Mỗi năm đến kỳ thi tốt nghiệp, trường đều mời các đoàn nghệ thuật các tỉnh miền Trung đến dự để họ bổ sung nguồn diễn viên. Nhưng các cơ chế khác như mức lương 1,86 với trình độ trung cấp; nhiều ngành học không có hệ đại học; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí đào tạo dành cho học sinh các tỉnh, thành khác không được thành phố giải quyết… thì khó có một lực lượng diễn viên/nhạc công được đào tạo bài bản. Trong khả năng của mình, Trường VHNT chỉ có thể tăng cường chế độ học bổng, miễn giảm 80 - 100% học phí để thu hút tuyển sinh. Có lẽ giải quyết từng phần nhỏ như thế mới có được những diễn viên bộ môn nghệ thuật truyền thống bổ sung cho các nhà hát; trước khi nói đến một chương trình đầu tư dài hơi, cần nguồn lực vượt ra khỏi một nhà trường hay một đoàn nghệ thuật.
HOÀNG NHUNG