Nghĩ đến giới nghệ sĩ, chúng ta hay mường tượng ra hình ảnh những người tiền đầy túi, đi xe xịn, ăn mặt đẹp, trang điểm lộng lẫy và “cháy” hết mình trên sân khấu. Điều đó không sai, nhưng ở Đà Nẵng, hình ảnh đó là cả một giấc mơ mà ít nghệ sĩ nào chạm tới được…
Việc các công ty tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng các sự kiện quan trọng cũng mang lại cho nghệ sĩ đất diễn trên sân khấu. |
Sân khấu ngày càng thu hẹp
Thời buổi kinh tế khó khăn khiến nhu cầu thưởng thức văn hóa của con người trở thành thứ yếu. Ngay cả phòng trà ca nhạc Memory Lounge, nơi duy nhất ở Đà Nẵng (đến thời điểm này) có đủ tài lực để mời các ngôi sao ca nhạc hàng đầu như Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Ngọc, Mỹ Lệ hay một số ca sĩ “đinh” ở Đà Nẵng như Anh Tuấn, Huy Tuấn, Mỹ Phượng, Mai Anh… thì khách đến đây hằng đêm vẫn khá thưa thớt. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của ca sĩ.
Hai mươi năm theo nghề, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng, Huy Tuấn là một trong số ít ca sĩ đắt sô nhất hiện nay tại Đà Nẵng. Với giọng ca chuyên trị dòng nhạc cổ điển, trữ tình, nam ca sĩ này được nhiều ông chủ phòng trà để mắt tới. Vì thế, trừ những lúc phải đi diễn theo đoàn, anh thường xuyên có mặt ở các phòng trà như Memory Lounge, Tiếng dương cầm, Thanh Trà, Hợp Phố… Miệt mài lao động, nhưng cộng cả lương, tổng thu nhập cả tháng của ca sĩ Huy Tuấn cũng chỉ trên dưới 10 triệu đồng. Nếu đem so sánh với những ngôi sao ca nhạc đang hành nghề hai đầu đất nước, thì giọng ca ở Đà Nẵng có giá “rẻ như bèo”. Ca sĩ Huy Tuấn tâm sự, thi thoảng lắm anh mới nhận được lời mời từ các công ty tổ chức sự kiện hợp đồng hát tại hội nghị khách hàng hay khai trương chi nhánh, công ty mới. “Trung bình mỗi đêm, các phòng trà trả ca sĩ từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng cho 2 bài hát. Hát ở hội nghị có khá hơn, gần 1 triệu cho 1, 2 bài nhưng lâu lâu mới có một lần, có khi cả tháng chẳng nhận được suất diễn nào. Bèo bọt là thế, nhưng là ca sĩ, có đất diễn là hạnh phúc”, Huy Tuấn nói.
Được biết, nhu cầu đi hát của ca sĩ ở Đà Nẵng hiện nay rất lớn. Họ sẵn sàng chọn phòng trà, nhà hàng tiệc cưới, biểu diễn phục vụ khách du lịch hay đứng trên sân khấu hội nghị, tổ chức sự kiện để mang lời ca, tiếng hát đến với công chúng. Ngược lại, dù trả thù lao thấp, các ông chủ phòng trà cũng tỏ ra “kén cá chọn canh” khi chỉ chọn những ca sĩ hát hay, diễn tốt trong thời buổi cạnh tranh giữ chân khách. Ngay như Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng có đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản thì hiện nay cũng chỉ có 4 - 5 ca sĩ thường xuyên biểu diễn tại các phòng trà, số còn lại tìm đến những địa chỉ khác để được hát, được múa.
NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, Chủ ban nhạc Tre Xanh khá nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, cho rằng thị trường âm nhạc tại Đà Nẵng hiện nay khá trầm lắng. Nghệ sĩ và khán giả không có sự giao thoa văn hóa, vì thế, cung và cầu cũng trở nên mờ nhạt. Dù hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không khí làm việc của ông và đồng nghiệp “cứ bình bình, thỉnh thoảng mới đi diễn khi có lời mời”. Phục vụ sáo trúc, đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn tứ… nên nhóm Tre Xanh khá kén khán giả. Là NSƯT, thù lao mỗi lần diễn của Trịnh Mạnh Hùng cũng chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng. Chọn đi chạy sô, theo ông, là cách để được làm nghề, được đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả chứ thu nhập không đáng là bao. Được biết, “đất diễn” hiện nay của nhóm hầu hết là nhà hàng, khách sạn lớn ở Hội An và mỗi năm ban nhạc này cũng chỉ nhận được khoảng hơn 10 lời mời biểu diễn như thế.
Nỗ lực bám nghề
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cố gắng bám trụ với nghề là nỗ lực rất đáng trân trọng của người nghệ sĩ. Tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, điều này càng thể hiện rõ. Vài năm trở lại đây, nhà hát được biết đến là địa chỉ văn hóa-giải trí khi thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Thế nhưng, có đến tận nhà hát, mới thấy “đất diễn” dành cho nghệ sĩ tuồng không nhiều.
Bà Lê Thị Hương Trà, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho biết chương trình biểu diễn nghệ thuật tổ chức đều đặn từ 20 giờ đến 20 giờ 50 các tối thứ tư và thứ bảy hằng tuần, bao gồm những trích đoạn tuồng cổ được chọn lọc từ hơn 10 vở tuồng cổ kinh điển như Ngoại tổ dâng đầu, Lý Phụng Ðình, Hộ sinh đàn... Ngoài ra, chương trình còn có hòa tấu nhạc cụ dân tộc trên nền những tác phẩm âm nhạc và các bài dân ca Việt Nam, độc tấu đàn bầu, kèn Chăm, trình diễn các tiết mục múa, hát độc đáo của ba miền Bắc, Trung, Nam. Bà Trà bộc bạch: “Thời gian 5 - 10 phút cho một trích đoạn ngắn không đủ để nghệ sĩ tuồng biểu diễn, chuyển tải nội dung, thông điệp đến người xem. Ngược lại, sự xuất hiện chóng vánh của nhân vật trên sân khấu khiến khán giả (đặc biệt là du khách nước ngoài) khó hiểu và khó cảm nhận”.
Ngoài diễn phục vụ tại nhà hát, từ 2007 đến nay, bình quân mỗi năm Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức đi biểu diễn phục vụ khán giả gần 150 buổi. Tuy nhiên, con số ấn tượng này không tỷ lệ thuận với nguồn thu nhập của nghệ sĩ trong đoàn. Đơn cử, cách đây không lâu, tỉnh Quảng Nam mời đoàn tuồng về hát phục vụ bà con với hợp đồng 7 triệu/đêm diễn. Vào Quảng Nam, sau khi dựng rạp, anh em trong đoàn thấy bà con đến xem đông đúc nên quyết định ở lại diễn miễn phí đêm thứ 2 phục vụ bà con. Sau 2 đêm diễn, cầm 7 triệu trong tay, 50 anh em trong đoàn chia cho nhau sau khi đã trích 2 triệu trả tiền xe vận chuyển. Hoặc không ít lần, đã đến giờ diễn nhưng ở hàng ghế khán giả chỉ lèo tèo vài ba người đến rạp, nuốt nỗi buồn vào trong, các anh, các chị vẫn hát, vẫn diễn, họ xem đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm lẫn niềm đam mê được cống hiến, sống chết với nghề.
Một số nghệ sĩ tâm sự rằng, chuyện chạy sô ở Đà Nẵng hiện khá chật vật, nhưng nếu người nghệ sĩ diễn bằng cái tâm, biết xem đó là môi trường để khẳng định bản thân thì ở đâu cũng có thể hát hay, diễn tốt. Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đình Thậm nói, thiếu đất diễn là thực trạng chung của các ca sĩ, nghệ sĩ tỉnh lẻ. Hiếm ai có đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà ổn định cuộc sống, nói gì đến xe hơi, đồ hiệu. Cũng theo Đình Thậm, “vấn đề nghệ sĩ quan tâm không chỉ là đất diễn, mà còn là nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống đắt đỏ hiện nay”. Có lẽ, đây cũng là thực trạng chung, khi mà những khó khăn về tài chính đã ít nhiều ảnh hưởng đến “đất diễn” của người nghệ sĩ.
TIỂU YẾN