.

Nghiên cứu khoa học trong sinh viên: Cần môi trường thực chất

.

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) đang diễn ra ngày càng mạnh ở các trường đại học trên địa bàn thành phố, góp phần giúp sinh viên phát huy được tư duy sáng tạo, tạo tiền đề cho sinh viên tiếp tục theo đuổi hoạt động nghiên cứu về sau này.

Robocon là một trong những điểm mạnh trong NCKH ở các trường Đại học. TRONG ẢNH: Đội Robocon Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Robocon là một trong những điểm mạnh trong NCKH ở các trường Đại học. TRONG ẢNH: Đội Robocon Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Bệ phóng cho nhiều sinh viên

Đoạt giải nhì giải thưởng “Sinh viên NCKH cấp Bộ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2012, Bùi Phan Nhã Khanh, giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Kinh tế Đà Nẵng chia sẻ: “Trong quá trình học tập em rất thích và tâm huyết với các đề tài NCKH của những anh chị đi trước. Em tham gia làm đề tài khoa học để rèn luyện tư duy và muốn có một sản phẩm khoa học do mình làm ra”. Bùi Phan Nhã Khanh chỉ là một trong nhiều sinh viên thật sự có đam mê với hoạt động NCKH và xem đây như một thử thách cần vượt qua để làm dày thêm thành tích học tập của mình.

Thực tế tại các trường, phần lớn sinh viên bắt tay vào làm đề tài từ năm thứ 4 (Đại học Bách khoa) và năm thứ 3 tại các trường đại học khác. Đây là khoảng thời gian mà sinh viên đã tích lũy được cho mình một số vốn kiến thức nhất định để tự tin tìm kiếm và triển khai ý tưởng nghiên cứu của mình. Năm học 2011-2012, trường Đại học Bách khoa có 110 đề tài/18.101 sinh viên, Đại học Kinh tế là 48 đề tài/8.960 sinh viên… Ở cấp ĐH Đà Nẵng, năm học 2011-2012 có 700 đề tài/48.239 sinh viên, trong đó có 230 đề tài được chọn để báo cáo tại các Tiểu ban khoa học cấp ĐH Đà Nẵng.

Tiến sĩ Đào Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế nói: “Ở Trường Đại học Kinh tế, hầu hết các sinh viên tham gia NCKH đều là sinh viên giỏi, các em thật sự đam mê và mong muốn khám phá thế giới bí ẩn của khoa học. Đa số các sinh viên có đề tài đoạt giải đều được giữ lại trường, nhận học bổng để học thạc sĩ ở nước ngoài, một số em khác sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tiếp tục nhận học bổng làm luận án tiến sĩ”.

Những năm qua, Trường Đại học Bách khoa là đơn vị dẫn đầu trong việc tìm đầu ra cho sinh viên thông qua hoạt động NCKH. Hiện, nhiều sinh viên giỏi của trường sau khi được giới thiệu đến thực tập đã được một số đơn vị giữ lại công tác như Viện Dầu khí Việt Nam, Nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Xây dựng môi trường thực chất

Hoạt động NCKH trong sinh viên ngày càng được các trường đại học trên địa bàn thành phố đẩy mạnh, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Có thể kể đến một số cái tên nổi bật như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ… Bên cạnh hoạt động nghiên cứu để tham gia giải thưởng “Sinh viên NCKH” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hằng năm, sinh viên ĐH Đà Nẵng còn tham gia nghiên cứu và dự thi nhiều cuộc thi chuyên ngành và đạt kết quả cao như cuộc thi Robocon (trong lĩnh vực chế tạo và điều khiển robot), giải thưởng Loa Thành (trong lĩnh vực xây dựng và kiến trúc), cuộc thi thiết kế các bộ vi điều khiển của Texas Instrument, thiết kế hệ thống nhúng của Intel, cuộc thi phát triển ứng dụng trên thiết bị di động của Trung tâm Phát triển phần mềm SDC, Ý tưởng kinh doanh sáng tạo (trong lĩnh vực kinh tế)…

Từ năm 1996 đến năm 2012, sinh viên Đại học Đà Nẵng đã đoạt được 7 giải Nhất, 26 giải Nhì, 57 giải Ba và 167 giải Khuyến khích (tổng cộng 261 giải thưởng).

ĐH Bách khoa hiện là đơn vị đi tiên phong trong việc đầu tư, liên kết. Từ hoạt động này, tính ứng dụng trong các đề tài khoa học của sinh viên ĐH Bách khoa được nâng lên rõ rệt như công trình xe lăn cho người khuyết tật được điều khiển bằng giọng nói, sử dụng vật liệu nano để chế tạo các tấm lọc nước… PGS-TS Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Khoa học, sau Đại học và Hợp tác quốc tế (ĐH Bách khoa) cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi đã hợp tác với nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tranh thủ sự hổ trợ, đầu tư của họ như: Viện nghiên cứu sinh học, Viện dầu khí Việt Nam, Công ty Vedan, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Intel (Mỹ), Technip (Pháp)… Trong cuộc thi Robocon vừa qua, Công ty Ô-tô Trường Hải đã hỗ trợ 110 triệu đồng cho sinh viên làm robot dự thi”.

Tính đến nay, hoạt động NCKH trong sinh viên đang được triển khai sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần giúp sinh viên phát huy được tư duy sáng tạo, tạo tiền đề cho sinh viên tiếp tục theo đuổi hoạt động nghiên cứu về sau này. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế như số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu còn quá thấp, kinh phí dành cho sinh viên tham gia nghiên cứu ít ỏi, nhiều trường chưa thật sự quan tâm… PGS-TS Võ Trung Hùng, Trưởng Ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, ĐH Đà Nẵng, cho rằng: “Cái chúng ta đang thiếu là xây dựng một môi trường NCKH thực chất cho cả giảng viên và sinh viên. Trong đó bao gồm cơ sở vật chất, mối liên kết với các doanh nghiệp và tư duy làm khoa học. Hiện nay, mức hỗ trợ cho sinh viên tham gia NCKH ở các trường chỉ từ 500.000 – 1,5 triệu đồng, nếu không có sự hỗ trợ từ các đơn vị liên kết thì rất nhiều đề tài khoa học của sinh viên khó để hoàn thành được”.

Khắc phục tình trạng trên, bắt đầu từ năm 2013, ĐH Đà Nẵng triển khai thực hiện một số giải pháp như trích 3% từ nguồn học phí theo quy chế chi tiêu nội bộ, tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp và các tổ chức khác nhằm tăng nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, bổ sung 1-2 tín chỉ về phương pháp NCKH trong chương trình đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên, tổ chức phân cấp về phối hợp tham gia hoạt động nghiên cứu.

KHÁNH HÒA
 

;
.
.
.
.
.