.

Những công trình từ... giảng đường

.

Nếu hiện tại chúng ta đầu tư thích đáng về nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ thì trong tương lai chúng ta sẽ không thiếu những nhà sáng chế giỏi.

“Người máy” DNIC-ROBOT có thể vượt được mọi địa hình: cát, đầm lầy, đất đá không bằng phẳng…
“Người máy” DNIC-ROBOT có thể vượt được mọi địa hình: cát, đầm lầy, đất đá không bằng phẳng…

Đam mê nghiên cứu khoa học

Nếu không được giới thiệu, ít ai biết rằng trên tầng 3 trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng (Liên hiệp Hội), 205 Lê Duẩn, lại là “bản doanh” của CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp, mà còn là nơi trưng bày mô hình, máy móc từ các công trình nghiên cứu khoa học của các bạn trẻ. Tại đây, chúng tôi để ý đến một con robot rất “ngầu”, chạy trên bốn bánh xe truyền động bằng dây đai, phần thân vươn về phía trước như chiếc sừng tê giác khổng lồ với hai camera - theo thuyết minh của nhóm chế tạo, có thể quan sát được mọi hướng cả ngày lẫn đêm.

Chàng “người máy” nặng 60kg này có tên là DNIC-ROBOT, làm nhiệm vụ tuần tra, do thám, được 5 sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng chế tạo đầu tháng 2 năm nay, gồm: Bùi Phước Lai, Lê Đắc Tùng, Nguyễn Nhật Anh, Trương Văn Phước Tiến và Lê Anh Tiến. Hôm đó, Lai, Chủ nhiệm CLB, sinh viên năm cuối Khoa Sư phạm, ngành Điện – Điện tử đang đi thực tập tại Huế nên Tùng làm “người phát ngôn”: “Hai đầu đất nước đều đã có robot mà miền Trung thì chưa. Bác Hồ Việt, Chủ tịch Quỹ Khuyến khích Sáng tạo Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hồ Nghinh giao nhiệm vụ cho CLB là phải nghiên cứu thiết kế robot để bằng chị bằng anh”.

Hiện nay, tội phạm hoạt động ngày một trở nên tinh vi và nguy hiểm nên việc tiếp cận, thu thập thông tin, bắt quả tang... càng trở nên khó khăn. Theo thiết kế, DNIC-ROBOT sẽ thay con người làm những công việc này, đồng thời lưu trữ được những thông tin quan trọng vào thẻ nhớ cũng như truyền trực tiếp hình ảnh về máy tính, thiết bị hiển thị… Camera IP có thể quay được những hình ảnh trong điều kiện hoàn toàn không có ánh sáng, góp phần nâng cao hiệu quả về trinh sát.

CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng hiện có 30 hội viên, trong đó có 27 hội viên đạt được nhiều thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Mới đây, hai bạn Hồ Thanh Vỹ quê Duy Xuyên và Lê Như Tấn quê Đại Lộc (Quảng Nam) cùng học lớp 08CDT2, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nghiên cứu thành công công trình máy sấy nông sản mini nhằm giúp nông dân giảm bớt đi phần nào nỗi vất vả, bởi cả hai đều xuất thân từ nhà nông.

Tuy gặp khá nhiều khó khăn nhưng cả hai được sự hỗ trợ, động viên rất lớn từ Liên hiệp Hội, các hội viên CLB Sáng tạo trẻ. Đặc biệt, sự hướng dẫn tận tình của thầy Phạm Thanh - giảng viên Khoa Nhiệt điện lạnh, đã giúp hai “nhà sáng tạo” hoàn thiện cơ cấu của máy cũng như giải quyết bài toán về nhiệt - phần không phải chuyên môn của hai bạn.

Trong khi đó, Lê Anh Tiến và Võ Xuân Phi cũng vừa thiết kế, chế tạo xong Xe dò đường vẽ bản đồ trên máy vi tính và smartphone, được cấp giấy chứng nhận cấp Khoa của ĐH Bách khoa về nghiên cứu khoa học. Sản phẩm này chuẩn bị tham gia Giải thưởng Hồ Nghinh và cuộc thi do Texas Instruments (viết tắt là TI) - một trong những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, tổ chức.

CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng là nơi tập hợp những bạn trẻ đam mê nghiên cứu, không có rào cản về độ tuổi. Nguyễn Trần Huyền Trang, sinh viên khoa Du lịch, ngành Du lịch Trường ĐH Duy Tân và Lê Tiến Minh Châu, học sinh lớp 7/4 Trường THCS Trưng Vương, tuy không cùng tuổi tác, nhưng lại có chung đam mê khoa học để cùng viết phần mềm “Learning English ES3”.

Thực ra việc liên kết giữa một sinh viên và một học sinh lớp 7 không có gì là khó khăn đối với em, Trang chia sẻ. Khi được làm việc với Châu, Trang gặp rất nhiều thuận lợi, được hiểu thêm rằng, học sinh THCS rất khác với sinh viên trong cách tư duy về môn tiếng Anh. Từ hai cách tư duy khác nhau đó, bộ đôi này mới hình thành nên được sản phẩm “Learning English ES3” độc đáo này.

Nhờ thông thạo tiếng Anh - kỹ năng bắt buộc phải giỏi đối với sinh viên ngành Du lịch, Trang cùng Châu xây dựng phần mềm học tiếng Anh theo phương pháp học mà chơi, chơi mà học, nhằm giúp người học không bị nhàm chám khi đến với việc học tiếng Anh.

Có thực mới vực được... mô hình

“Người máy” DNIC-ROBOT, sau nhiều lần hiệu chỉnh, đến nay đã hoàn thiện phiên bản 1. Vừa qua, tại buổi chạy thử nghiệm, các thầy ở ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đại diện Sở KHCN, Liên hiệp Hội đánh giá cao công trình và khuyên các tác giả phát triển thêm nhiều tính năng nữa khi nâng cấp lên phiên bản 2 như tích hợp phần mềm nhận điện ảnh mặt vào robot nhằm đưa ra thông tin cụ thể của từng người trong điều tra, giám sát (được quay lại nhờ camera), tích hợp công nghệ xử lý ảnh để robot có thể tự động xử lý hành vi theo từng tình huống cụ thể mà không thông qua máy chủ điều khiển như phiên bản 1.

Xe dò đường vẽ bản đồ trên máy vi tính và smartphone hứa hẹn nhiều ứng dụng trong thực tế.
Xe dò đường vẽ bản đồ trên máy vi tính và smartphone hứa hẹn nhiều ứng dụng trong thực tế.

Máy sấy nông sản mini phiên bản 1 cũng đã hoàn thành và đang thử nghiệm, kết quả khá lạc quan tuy còn bộc lộ một số khuyết điểm. Trong thời gian tới, các tác giả sẽ cho ra đời phiên bản 2 ưu việt hơn và khắc phục được những khuyết điểm của phiên bản 1, sau đó tiến hành đưa vào sử dụng trong thực tế. Sản phẩm này có tính ứng dụng rất cao, nó giải phóng được một lượng lớn sức lao động cũng như nâng cao năng suất, chất lượng nông sản mà giá thành cũng vừa phải, hợp với túi tiền của người nông dân.

Phần mềm học tiếng Anh “Learning English ES3” đã được Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ VIII (2011- 2012) trao giải Ba. Trên thị trường hiện có rất nhiều phần mềm học tiếng Anh, nhưng không có phần mềm nào học tiếng Anh thông qua các trò chơi như sản phẩm của hai hội viên CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng, ngoài việc chạy được trên máy vi tính, nó còn có khả năng chạy được trên điện thoại di động, đây là tính  năng mới, chưa thấy có trên các dòng sản phẩm khác. Các tác giả dự định sẽ cải tiến thêm vài chức năng, và sau đó sẽ kết hợp với CLB để triển khai trong toàn thành phố Đà Nẵng, rộng hơn nữa là ra toàn quốc.

Nếu “người máy” DNIC-ROBOT được tài trợ 100% kinh phí từ Quỹ Khuyến khích Sáng tạo KHCN Hồ Nghinh thì sản phẩm “Learning English ES3” chỉ nhận được sự hỗ trợ một phần từ Quỹ. Tuy nhiên, như nhận xét của Trang, chính nguồn quỹ này đã giúp các bạn trong việc sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nữa. Để có kinh phí lập phần mềm học tiếng Anh này, Trang phải đi dạy kèm, đôi khi xin thêm tiền của cha mẹ. Xin tiền cha mẹ cũng là “giải pháp” của Vỹ và Tấn khi nghiên cứu mô hình chiếc máy sấy nông sản mini, ngoài việc tiết kiệm tối đa các chi phí không cần thiết.

Tuy Quỹ Khuyến khích Sáng tạo KHCN Hồ Nghinh là “bà đỡ” của các nhà-nghiên-cứu-khoa-học-trẻ Đà Nẵng thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ so với sự phát triển của đội ngũ này.

Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng, cho hay: “Những năm qua thành phố rất quan tâm đến các cuộc thi, hội thi, tuy nhiên kinh phí cho các cuộc thi vẫn còn hạn chế. Để khuyến khích, động viên hơn nữa các tác giả trẻ để xuất phát suôn sẻ và về đích đạt thành quả cao cho Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng toàn quốc lần thứ IX (2012 - 2013), đề nghị lãnh đạo các trường học quan tâm nhiều hơn, nhất là khâu tuyên truyền vận động, và kịp thời biểu dương, khen thưởng. Thiết nghĩ, lãnh đạo thành phố quan tâm nâng mục đầu tư kinh phí để hỗ trợ cho các em, nhất là khâu hỗ trợ hoàn thiện mô hình sau khi thẩm định giá trị sáng tạo và tính ứng dụng của ý tưởng mà các em đề xuất”.

Tại buổi tổng kết Cuộc thi Sáng tạo Thanh-Thiếu niên, Nhi đồng thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII (2011-2012) vừa qua, Ban tổ chức nhận xét rằng, việc ứng dụng các đề tài đoạt giải vào đời sống xã hội còn nhiều hạn chế, một số giải pháp mới dừng lại ở mức độ đăng ký bản quyền tên và nội dung của đề tài. Chưa có đơn vị nào đảm nhận việc đưa các mô hình, ý tưởng của các em ứng dụng vào thực tiễn và đời sống.

Khả năng nghiên cứu sáng tạo của sinh viên, học sinh Đà Nẵng là rất lớn. Có thực mới vực được… mô hình, nếu hiện tại chúng ta đầu tư thích đáng về nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ thì trong tương lai chúng ta sẽ không thiếu những nhà sáng chế giỏi.

Tham dự Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ VIII (2011-2012), Đà Nẵng là địa phương đứng thứ ba toàn quốc về số lượng đề tài và về số lượng đề tài đoạt giải với 6/75 giải (chiếm 8%), trong đó có 1 giải nhì, 4 giải ba và 1 giải khuyến khích.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.