Kết thúc Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng lần thứ 16, những nhà “sáng tạo phần mềm” bé nhất (từ lớp 2 đến lớp 5) lại có một số lượng phần mềm đồ sộ gồm 87/123 sản phẩm dự thi. Đặc biệt trong số đó, nhiều em học sinh đạt giải nhất lại học ở các trường ngoại thành, xa trung tâm thành phố, điều kiện học tập và tiếp cận với máy tính chưa nhiều…
Đinh Quảng Hiệp, học sinh Trường TH Trần Bình Trọng và cô giáo dạy môn tin học Nguyễn Thị Chinh. |
Những giải nhất thuyết phục
Nguyễn Ngọc Bảo Hân, lớp 2/4 Trường TH Trần Quang Diệu, quận Ngũ Hành Sơn là một trong hai thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia hội thi đoạt giải phần mềm sáng tạo (PMST). Bảo Hân viết phần mềm “Bé bắt đầu học tiếng Anh” dựa vào giáo trình Let’s go, khi em mới bắt đầu tiếp cận với môn ngoại ngữ này vào đầu học kỳ 2 của lớp 2. Phần mềm được đánh giá là khá đầy đủ, thông qua các trò chơi, mỗi bài (unit) gồm 5 phần như học từ vựng, mẫu câu, luyện phát âm, luyện nghe…, cuối mỗi bài học có một bài hát hoặc một câu chuyện khá hấp dẫn, nói về phần nội dung đã học. Dù “Bé bắt đầu học tiếng Anh” chỉ có một nửa trong số 15 unit của giáo trình này, nhưng những bài học thông qua trò chơi sẽ giúp các em làm quen và học tiếng Anh một cách dễ dàng, sinh động, không nhàm chán.
Với phần mềm “Cẩm nang sơ cấp cứu”, Dương Hoàng Tuấn, học sinh lớp 4/2 Trường TH Hoàng Dư Khương, quận Cẩm Lệ lần thứ 2 nhận được giải nhất phần thi PMST cấp tiểu học. Năm ngoái, Tuấn đoạt giải nhất với phần mềm về các thảm họa thiên nhiên. “Cẩm nang sơ cấp cứu” được Tuấn làm trong vòng 1 tháng, sau khi “con xem video và đọc các bài báo trên mạng Interner, xem ti-vi về sơ cấp cứu và đọc thêm Cẩm nang sơ cấp cứu của bác sĩ Nguyễn Lân Đính mượn ở thư viện nhà trường mới hiểu thế nào là sơ cấp cứu để làm phần mềm”, Hoàng Tuấn kể về quá trình sáng tạo của mình. Theo Tuấn, các tài liệu về sơ cấp cứu rất khó kiếm, nên chỉ trong một thời gian ngắn em vừa học, vừa tìm kiếm tài liệu để viết một phần mềm hoàn chỉnh, có đầy đủ nội dung về sơ cấp cứu bệnh nhân ở nhiều trường hợp như bị tai nạn, bị bệnh là “một nỗ lực rất lớn”.
Cùng học một trường với Dương Hoàng Tuấn, em Mai Đăng Huân, học sinh lớp 5/3 Hoàng Dư Khương năm nay đoạt giải nhất PMST với đề tài “Học tốt toán lớp 5”. Năm lớp 3, Huân từng đoạt giải khuyến khích cuộc thi này với phần mềm về những cây thuốc nam “Cây cỏ quanh ta”. Huân học giỏi nhất là môn Toán, bởi thế em đầu tư rất nhiều cho phần mềm học toán lớp 5 này cũng không có gì lạ. Và ước mơ của Huân khi viết phần mềm là để giúp những bạn học yếu môn toán trong lớp khi xem phần mềm sẽ thấy thích thú và học tốt với môn học này.
Ở một trường vùng xa khác, Trường TH Trần Bình Trọng, quận Liên Chiểu, phần mềm “Thi trắc nghiệm” của cậu học trò lớp 5/2 Đinh Quảng Hiệp thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo cuộc thi Tin học trẻ lần thứ 16 với nhận xét “được xây dựng hoàn thiện và đóng gói khá tốt”. Phần mềm “Thi trắc nghiệm” có thể sử dụng trong các bài thi kiểm tra chất lượng, bài kiểm tra giữa kỳ… dành cho học sinh các trường tiểu học. Chỉ cần giáo viên nhập đề bài, với một máy tính được nối mạng, các em học sinh có thể vào phần mềm để làm bài thi của mình và xem được kết quả ngay khi bài thi kết thúc. Phần mềm này nếu có điều kiện, có thể áp dụng rộng rãi cho các trường tiểu học. Ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng Giáo dục quận Liên Chiểu cho biết, sắp tới phòng sẽ thành lập một hội đồng khoa học để đánh giá hiệu quả của phần mềm bởi đây như một công trình khoa học của một học sinh; sau khi thẩm định hiệu quả của phần mềm, “Thi trắc nghiệm” sẽ được đăng tải trên trang web của phòng giáo dục và khuyến khích các trường ứng dụng PM này vào quá trình giảng dạy của mình.
Phía sau những công trình sáng tạo
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng, cho rằng với 87 phần mềm đoạt giải, các em học sinh cấp tiểu học có các sản phẩm đa dạng, nhiều chủ đề, được các em đầu tư nhiều thời gian và công sức. Hạn chế lớn nhất của các em là các đề tài không mới, công nghệ sử dụng chưa có tính đột phá… Bởi thế, đa số phần mềm của học sinh khối tiểu học nếu có tính ứng dụng cao thì cũng chủ yếu là giới hạn trong trường học của học sinh đó, chưa thể giới thiệu rộng rãi cho nhiều trường trong thành phố.
Khi hỏi chuyện các nhà “sáng tạo phần mềm”, mới hiểu là việc tiếp cận với công nghệ thông tin của các em không nhiều, nhưng niềm say mê sáng tạo, sự giúp đỡ của bố mẹ và thầy cô giáo đã giúp các em cho ra lò những sản phẩm hỗ trợ học tập khá tốt. Nói như Dương Hoàng Tuấn, “mỗi năm con đều có các đề tài khác nhau để làm phần mềm, và việc làm phần mềm cũng như máy tính giúp con mở mang, hiểu biết thêm nhiều lĩnh vực trong xã hội”. Cậu học trò lớp 4 này rất tự tin, chững chạc, nên “khi thuyết trình để giới thiệu về phần mềm “Cẩm nang sơ cấp cứu”, cậu không hề run. Cậu bé dự định sang năm sẽ làm phần mềm về thể thao, để giúp các bạn thích chơi thể thao hơn, nhất là những môn có lợi cho sức khỏe. Chị Hoàng Hoài Phương, mẹ của Tuấn cho biết mỗi ngày chỉ cho con ngồi máy tính từ 1 đến 1 giờ rưỡi vào 2 ngày cuối tuần, được cái cậu bé rất có ý thức nên chủ yếu dùng máy tính để học thay vì chơi game như nhiều bạn khác.
Và không hẹn mà gặp, nhiều “nhà sáng tạo” có cùng ước mơ là sau này làm bác sĩ để cứu người. Như Mai Đăng Huân, Dương Hoàng Tuấn và Nguyễn Ngọc Bảo Hân là “người bệnh ngày càng nhiều, con muốn cứu họ”. Và cậu học trò Đinh Quảng Hiệp cũng muốn làm bác sĩ, ngoài ước mơ khi lớn lên sẽ trở thành nhà khoa học vũ trụ.
Học giỏi và say mê sáng tạo có lẽ không loại trừ lứa tuổi nào, khi các em trong bài viết này được làm quen với máy tính từ lúc còn học mẫu giáo hay đến lớp 3 mới biết bấm bàn phím. Nhưng các em đã dùng máy tính để khám phá tri thức, hỗ trợ cho việc học các môn ở trường và hơn hết, các em đã khám phá ra sự sáng tạo của chính mình qua những phần mềm các em đã làm. Dù chỉ mất một tháng để viết phần mềm như Hoàng Tuấn hay cần tới bốn tháng để hoàn thiện phần mềm làm quen với tiếng Anh của Bảo Hân, thì suốt thời gian sáng tạo đó, các em cũng đã hoàn thiện chính mình, để những ước mơ, sáng tạo tiếp tục được ươm mầm trong tương lai…
HOÀNG NHUNG