.

Tài năng và tâm huyết

.

Bác sĩ Trần Thị Hoàng đẩy nhẹ cánh cửa kính phòng chăm sóc nhi sơ sinh, đồng nghiệp của chị khẽ chào còn các sinh linh bé nhỏ thì nằm yên trên những chiếc “giường” xinh xắn gắn đầy các thiết bị y tế, có vẻ như chờ ánh mắt và bàn tay của người bác sĩ trẻ. 12 năm công tác ở khoa Nhi, từ lúc khoa còn trực thuộc Bệnh viện Đà Nẵng cho đến khi là một bộ phận của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, bác sĩ Hoàng, theo đánh giá của lãnh đạo bệnh viện, là một trong những bác sĩ vững chuyên môn, giàu y đức.

Bác sĩ Trần Thị Hoàng chờ nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Melbourne.
Bác sĩ Trần Thị Hoàng chờ nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Melbourne.

Hoàng tốt nghiệp Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh năm 2000, năm sau chị về Đà Nẵng nộp đơn thì được Sở Nội vụ nhận bố trí về Khoa Nhi Bệnh viện Đà Nẵng. Năm 2002, chị được bệnh viện cử đi dự thi đào tạo thạc sĩ theo Chương trình “Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” thuộc Đề án 322 của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Thi đỗ, chị sang học hai năm tại Trường Đại học Melbourne, Australia, rồi về tiếp tục công tác tại bệnh viện.

Cho mãi đến giờ, Hoàng vẫn nghĩ mình là người may mắn. Nếu được chọn lại từ đầu, chị vẫn không từ bỏ ngành Y. Từ nhỏ chị vốn không được khỏe, bị suy dinh dưỡng, phải đi khám bác sĩ hoài. Vì thế, khi gia đình “buộc” mình phải đi ngành Y, chị thấy làm bác sĩ cũng... được. Tuy nhiên, để có được sự đam mê nghề, sống chết với nghề thì khi ra nước ngoài học tập chị mới có được cái điều tâm huyết đó.

Đến năm 2009, Hoàng được Bệnh viện cử đi đào tạo tiến sĩ theo chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố. Vào lúc đó chị có tên trong danh sách các nghiên cứu sinh được Trường Đại học Melbourne cấp học bổng nên đi theo diện này và được hưởng thêm hỗ trợ sinh hoạt phí từ ngân sách thành phố. Thêm 3 năm rưỡi đi về giữa Australia và Việt Nam, chị hoàn thành chương trình học và điều quan trọng là nhờ đó mà đã khám phá ra nhiều điều rất hay.

Chị ngạc nhiên khi lần đầu thấy bác sĩ ở nước ngoài quỳ gối dưới sàn bên giường bệnh trong phòng tối, thầm thì nói chuyện với bệnh nhi vì sợ làm ảnh hưởng đến các bệnh nhi khác đang ngủ. Sự yêu thương, tôn trọng bệnh nhân của họ làm chị phải suy nghĩ, ở một nơi đầy đủ máy móc hiện đại nhưng vẫn xem tâm lý tiếp xúc bệnh nhân như là một liệu pháp. Về lại Đà Nẵng, may mắn được lãnh đạo và đồng nghiệp cởi mở, chan hòa như một đại gia đình, chị đưa ra những ý tưởng nào, nhất là về tâm lý tiếp xúc bệnh nhân, cũng được mọi người hỗ trợ.

Nếu bác sĩ Hoàng 12 năm miệt mài ở Khoa Nhi thì chị Trần Thị Thanh Tâm cũng khoảng chừng đó thời gian “tự rèn luyện mình” (như chị tự nhìn nhận) ở Sở Tài chính và Văn phòng UBND thành phố trước khi về đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, năm 1998 Tâm về Sở Tài chính, năm sau thi vào ngạch công chức. Khi thành phố triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực thì qua quá trình công tác của mình, chị được xét vào đối tượng. 10 năm làm việc ở Phòng Ngân sách - Sở Tài chính, ban đầu chị không khỏi bỡ ngỡ vì thực tế có những điều không như sách vở đã học. Để có thể làm tốt công việc của mình, chị đã nỗ lực học hỏi rất nhiều từ lãnh đạo đến đồng nghiệp. “Có những việc tuy nhỏ nhưng áp lực lại lớn và đòi hỏi bản thân phải có sự đam mê mới thành công được. 10 năm đó có những khó khăn nhất định, nhưng đã rèn luyện được tôi rất nhiều, nói là phải làm, không có kiểu sẽ hoàn thành mà từ từ làm. Nhờ đó mà tôi nhanh trưởng thành và biết được nhiều hơn” - chị chia sẻ.

Những người tâm huyết với nghề như chị Hoàng, chị Tâm đã chứng minh ưu điểm của chính sách thu hút nhân tài về Đà Nẵng như đánh giá của Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ: “Đó là góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung nhân lực kịp thời khi đơn vị có yêu cầu; bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, năng lực, dám nghĩ dám làm góp phần vào sự phát triển của thành phố”.

TS,BS. Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, cho biết, chỉ tính riêng trong gần 1 năm trở thành bệnh viện (trước là Trung tâm Phụ sản - Nhi trực thuộc Bệnh viện Đà Nẵng), nơi đây đã tiếp nhận 46 bác sĩ trong diện thu hút nhân tài, góp phần làm cho bệnh viện nhanh chóng phát triển và đạt hiệu quả trong chữa trị. Theo TS,BS. Trần Như Tú, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện tiếp nhận 5 bác sĩ về khoa thì 4 người đã được cử đi học chuyên sâu về chuyên môn do bệnh viện tài trợ kinh phí. Các bác sĩ đều trẻ, có ý chí vươn lên, nếu bệnh viện không hỗ trợ kinh phí cũng sẵn sàng bỏ tiền nhà ra đi học.

Chị Hoàng hiện là Phó Trưởng phòng Nhi sơ sinh, là điểm sáng của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng và sẽ nâng lên thành khoa trong nay mai. Chị Tâm thì vững vàng trong cương vị phó chủ tịch phụ trách kinh tế của UBND quận Sơn Trà. Họ là đại diện của những người có năng lực, trình độ và cả niềm đam mê yêu nghề trong đội ngũ nhân lực trẻ của thành phố.

Tuy nhiên, trong 15 năm qua đã có 153 người về Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài nhưng lại ra đi. Về việc này, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng đã phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá 15 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng” hôm 23-4 vừa qua: “Giải pháp mang tính quyết định để thu hút và giữ chân người giỏi là phải làm cho Đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Chỉ có như vậy thì người giỏi đến với Đà Nẵng mới có đất dụng võ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mới có cơ hội bộc lộ hết tài năng và tâm huyết”.

Trong số 1.043 đối tượng về làm việc tại Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài trong 15 năm qua có 13 tiến sĩ (chiếm 1%), 224 thạc sĩ (22%) và 806 đại học (77%); trong đó số đối tượng tốt nghiệp ở nước ngoài có 45 trường hợp (chiếm 4,3%).

(Nguồn: Sở Nội vụ Đà Nẵng)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.