.

Vừng ơi, mở cửa...!

.

Sự kỳ diệu của khoa học kỹ thuật là có thể giúp cho con người mở mọi cánh cửa cuộc sống. Điều đó đang là ước mơ của các học sinh Đà Nẵng nói chung, Trường THPT Phan Châu Trinh nói riêng.

Phan Đức Nhật Quang và sản phẩm “Dụng cụ quét rác thông minh”.
Phan Đức Nhật Quang và sản phẩm “Dụng cụ quét rác thông minh”.

Trường Phan Châu Trinh không chỉ là ngôi trường có bề dày thành tích dạy và học mà còn là chiếc nôi ươm mầm những ý tưởng sáng tạo cho thanh niên học sinh. Những gương mặt trẻ được vinh danh tại các cuộc thi khoa học-kỹ thuật trẻ ở các cấp thành phố, quốc gia và cả quốc tế đã chứng minh điều đó.
Hai chàng trai Phan Đức Nhật Quang và Nguyễn Xuân Phi, hiện cùng học lớp 11/8 Trường THPT Phan Châu Trinh, đã nghiên cứu thành công sản phẩm “Dụng cụ quét rác thông minh” - công trình đem về hai bạn giải nhì thành phố trong cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật dành cho cấp trung học năm học 2012-2013.

Mấy ai biết được rằng sản phẩm của hai cậu học trò chuyên Lý lại bắt đầu từ trái tim nhạy cảm, thanh khiết của tuổi học trò. Quang tâm sự, mỗi lần đi học sớm, nhìn các cô chú vệ sinh quét rác trên con đường dài hun hút với chiếc chổi tre em lại thấy nao lòng. Quang đã đem tâm sự này thổ lộ cùng với người bạn thân và cả hai cùng nảy sinh một ý tưởng… Từ  chiếc xe đạp cũ từ hồi trẻ con, đôi bạn thân đã tháo tung hai bánh, xích, líp để mày mò lắp ráp suốt một tháng trời thành dụng cụ quét rác có hiệu quả cao hơn so với quét rác bằng chổi. Số tiền đầu tư cho sản phẩm khá khiêm tốn: 800.000 đồng. Ngày thử nghiệm, cả hai hồi hộp kiếm giấy báo về xé vụn, vo tròn vứt khắp sân vườn…

Ngoài ra, Nhật Quang còn là đồng tác giả với Nguyễn Xuân Phi, Đoàn Nguyên Duy về đề tài “Mô hình mô phỏng thí nghiệm về lực quán tính” và mang về giải Ba Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 (2011 - 2012).

Cùng một ý tưởng về đề tài làm sạch môi trường, Đào Vạn Quang hiện là học sinh lớp 12/17, từng rạng danh trong cuộc thi sáng tạo cấp toàn quốc lần thứ 8 nói trên với sản phẩm “Máy dọn rác thải trên mặt nước”. Mỗi lần ra công viên tập thể dục, nhìn mặt hồ lềnh bềnh rác và giọt mồ hôi rơi trên khuôn mặt đầy nhọc nhằn của người lao công, Quang đã tự hỏi: “Mặt hồ rộng thế kia, làm sao có thể vớt hết rác thải….”. Thế là ý tưởng chế tạo chiếc máy làm sạch mặt nước đó ra đời. Với kiến thức vật lý, toán học ở trường và niềm đam mê vô bờ bến… sau 3 tháng thực hiện, chiếc máy ra đời có thể dọn rác trong vòng bán kính 40m. Vạn Quang cho biết, sau này có điều kiện sẽ nâng cấp công suất để máy có thể dọn rác với bán kính rộng hơn.

 Nguyễn Ngọc Trâm Kha (ngoài cùng bên phải) và đồng đội người Việt tại IEYI 2012 diễn ra ở Thái Lan.( Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nguyễn Ngọc Trâm Kha (ngoài cùng bên phải) và đồng đội người Việt tại IEYI 2012 diễn ra ở Thái Lan.( Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với thành tích hai năm liền đoạt giải nhì, ba ở cuộc thi sáng tạo cấp toàn quốc lần thứ 7, lần thứ 8, Vạn Quang còn cùng Nguyễn Duy Viên giành giải 3 trong Hội thi Intel ISEF 2013 về lĩnh vực khoa học máy tính. Khi được hỏi về quỹ thời gian dành cho những đam mê sáng tạo thì câu trả lời của cậu học sinh cuối bậc phổ thông khá bất ngờ: “Những lúc làm toán không ra, Quang để đầu óc phiêu lưu cùng những ý tưởng…”. Đó cũng là cách giải trí mà Quang ưa thích nhất khi có thời gian rảnh rỗi…

Nguyễn Ngọc Trâm Kha hiện là sinh viên năm thứ 3 khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, từng là một gương mặt khá nổi trội trong phong trào sáng tạo khoa học, kỹ thuật của Trường Phan Châu Trinh. Trâm Kha đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 8 (2011-2012) với đề tài: “Đồ dùng học tập môn toán: Mô hình mô phỏng đồ thị hình Sin”. Đây cũng là đề tài được chọn tham gia Cuộc thi – Triển lãm Quốc tế Sáng tạo Khoa học công nghệ trẻ lần thứ 8 năm 2012 tại Thái Lan.

Cảm giác háo hức say mê như vẫn còn đâu đó trong giọng kể của Trâm Kha khi kể về chuyến đi đặc biệt trong đời học sinh của mình. Trâm Kha đã chịu khá nhiều áp lực của việc ôn thi cuối cấp để tham gia IEYI 2012 tại Thái Lan. Nhưng rồi khi mẹ và người thầy dạy môn Vật lý động viên: Hãy sống hết mình với niềm đam mê… thì Trâm Kha mới nhẹ gánh lên đường. Đoàn Việt Nam gồm 9 thành viên đến từ các trường THPT và THCS trên toàn quốc. Lần ấy, đại diện cho học sinh Đà Nẵng ngoài Trâm Kha còn có Lê Tiến Minh Châu là học sinh Trường THCS Trưng Vương. Chuyến đi đã mở ra cho cô gái trẻ thế giới khoa học đầy sáng tạo của bạn bè quốc tế. Để rồi, ngày trở về em đã lao vào học bù lượng bài vở đã bỏ qua để gồng mình vào cuộc đua đại học.

Trải lòng mình trước ngưỡng cửa tương lai, cô sinh viên sư phạm khoa Vật lý nói về ước mơ của mình: Làm sao để qua những bài giảng có thể khơi gợi niềm đam mê sáng tạo cho thế hệ trẻ… Trong khi thực tế chương trình học quá nặng về lý thuyết, không có nhiều thời gian cho thực hành nên những ước mơ bay bổng của học sinh khó có đất dụng võ. Ba năm học dưới mái trường Phan Châu Trinh, Trâm Kha đã thấy mình may mắn khi được học các thầy cô cháy bỏng niềm đam mê khoa học đã dám “điên” cùng với học trò trong thế giới khoa học đầy đam mê. Bên cạnh đó, ngôi trường Phan Châu Trinh là nhịp cầu quan trọng nối liền những ước mơ của các em đến với thế giới khoa học sáng tạo. Trước mỗi cuộc thi, học sinh luôn nhận được sự động viên, quan tâm của ban giám hiệu, các thầy cô giáo chủ nhiệm và bộ môn…

Thần tượng của Trâm Kha là nhà nữ khoa học Marie Curie, người nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ… Mong rằng trong tương lai, Trâm Kha sẽ trở thành một nhà giáo tiên phong trong cách khơi thông dòng chảy sáng tạo trong khối óc của thế hệ trẻ tương lai. Vừng ơi, mở cửa ra… câu thần chú trong câu chuyện cổ tích Ngàn lẻ một đêm luôn chờ các chàng trai cô gái giàu đam mê sáng tạo…

NHƯ HẠNH
 

;
.
.
.
.
.