.

Học ăn, học nói, học... bơi

1. Học ăn, học nói không chỉ dành cho trẻ thơ, bởi người lớn lắm khi cũng phải học ăn, học nói một cách nghiêm túc thì mới có thể tránh khỏi những va vấp sai sót không những làm mất thể diện của chính mình mà có lúc còn làm ảnh hưởng đến quốc thể. Ăn phải trông nồi, ngồi/ngồi ăn phải trông hướng - như ông cha xưa từng đúc kết kinh nghiệm trong tục ngữ. Học ăn còn là để tránh bệnh từ miệng vào, giống như học nói là để tránh vạ từ miệng ra, bởi không phải ngẫu nhiên mà ông cha xưa từng cảnh tỉnh rằng trước khi nói phải uốn lưỡi mấy lần, lựa lời mà nói... Tuy học ăn, học nói không chỉ dành cho trẻ nhỏ nhưng những ai được học ăn, học nói cẩn thận từ thuở ấu thơ thì khi lớn lên thường rất tự tin trong cuộc sống.

Chính vì vậy mà các bậc cha mẹ và các nhà trường đều hết sức quan tâm đến cách ăn uống, nói năng của con trẻ, xem đó là hành trang không thể thiếu để con em mình/học trò mình vững bước vào đời.

2. Muốn vào đời với tư cách những người trưởng thành, trước hết trẻ thơ phải được sống một cách an toàn ngay khi còn nhỏ. Chính vì thế mà từ buổi ban đầu mới cắp sách đến trường, học sinh ở các nước - nhất là ở những nước thường xảy ra động đất hay sóng thần - đã sớm được giáo dục ý thức và kỹ năng phòng chống nguy cơ. Không phải nước ta không từng chú ý đến yêu cầu giáo dục quan trọng này. Chẳng hạn trước đây khi máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, các nhà trường chúng ta đã dạy học sinh biết “mang mũ rơm đi học đường dài” (thơ Tố Hữu) để phòng tránh bom bi.

Ngày nay nhiều nhà trường mẫu giáo và tiểu học cũng dạy học sinh về luật giao thông đường bộ nhằm phòng tránh tai nạn giao thông. Tuy nhiên đối với một đất nước mà ba bề là mênh mông biển cả, sông suối, ao hồ, ghềnh thác chỗ nào cũng có, nguy cơ đuối nước đối với trẻ nhỏ là rất lớn, không ít bậc cha mẹ và nhất là không ít nhà trường vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục ý thức và kỹ năng phòng chống nguy cơ đuối nước cho con em mình/học trò mình.     

3. Trong phòng chống nguy cơ đuối nước đối với trẻ nhỏ thì học bơi ở trường học là giải pháp căn bản nhất. Học sinh học bơi trước hết để thấy xuống nước là đang dấn thân vào chốn hiểm nguy, nhất là xuống nước trong tư thế thụ động như trượt chân ngã hay bị ai xô đẩy… Học sinh học bơi còn để thấy trong khi chưa có khả năng tự chế ngự được sự hiểm nguy ấy thì không nên chủ động xuống nước và cũng không nên để lâm vào tình huống xuống nước thụ động. Học sinh học bơi còn để có khả năng bình tĩnh phối hợp với người giúp mình chế ngự được sự hiểm nguy do đuối nước, bởi nếu không có khả năng này dẫn đến hoảng hốt không cần thiết thì nhiều khi bản thân mình không thể thoát hiểm mà người giúp mình cũng thiệt mạng theo. Và nếu không tính đến mục tiêu cao hơn là để có khả năng giúp người khác thoát khỏi nguy cơ đuối nước và cao hơn nữa là để trở thành “kình ngư” trong các cuộc thi. Học sinh học bơi trong trường tiểu học và trước khi rời trường tiểu học chủ yếu là để có khả năng tự chế ngự được sự hiểm nguy có thể xảy ra với mình khi xuống nước - cả chủ động lẫn thụ động.

Để đạt được mục tiêu rất nhân văn này, ngành giáo dục và đào tạo cần đặt ra và trả lời mấy câu hỏi sau đây: Vì sao nhà trường tiểu học phải tổ chức dạy bơi cho học sinh? Nhà trường có đủ giáo viên dạy bơi không? Không đủ giáo viên dạy bơi thì làm thế nào? Nhà trường có/có đủ bể bơi cho học sinh học bơi không? Không có/không có đủ bể bơi thì phải làm gì?       

4. Có lẽ câu hỏi vì sao nhà trường tiểu học phải tổ chức dạy bơi cho học sinh không khó trả lời bằng câu hỏi vì sao nhà trường tiểu học không tổ chức dạy bơi cho học sinh. Có nhiều lý do nhưng chung quy có hai lý do chính: Một là, nhận thức về yêu cầu giáo dục ý thức và kỹ năng phòng chống nguy cơ đuối nước và tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu” của các nhà trường chưa ngang tầm với đòi hỏi đang ngày càng bức bách; hai là, điều kiện để các nhà trường triển khai việc dạy bơi không có hoặc không đủ. Mấy câu hỏi nhà trường có đủ giáo viên dạy bơi không? Không đủ giáo viên dạy bơi thì làm thế nào? Nhà trường có/có đủ bể bơi cho học sinh học bơi không? Không có/không có đủ bể bơi thì phải làm gì đều xuất phát từ lý do thứ hai. Về hai câu hỏi nhà trường có đủ giáo viên dạy bơi không và nhà trường có/có đủ bể bơi cho học sinh học bơi không thì có thể trả lời ngay và ai cũng có thể trả lời đúng rằng không đủ, rằng còn thiếu rất nhiều so với yêu cầu. Tuy nhiên hai câu hỏi phái sinh không đủ giáo viên dạy bơi thì làm thế nào và không có/không có đủ bể bơi thì phải làm gì - là hai câu hỏi có ý nghĩa thiết thực nhất - lại khó trả lời hơn rất nhiều.

5. Trong học bơi thì thực hành quan trọng hơn lý thuyết, và trong lý thuyết thì lời giảng trực tiếp của giáo viên có khi không hiệu quả bằng một đoạn băng ghi hình sinh động. Chính vì thế, để trả lời câu hỏi không đủ giáo viên dạy bơi thì làm thế nào, theo người viết bài này, ngành giáo dục và đào tạo chỉ cần đầu tư để tập huấn nghiệp vụ dạy bơi cho một số ít giáo viên đủ để bố trí ở mỗi trường tiểu học một/một vài giáo viên dạy bơi cơ hữu. Số lượng giáo viên dạy bơi như vậy chắc chắn sẽ không đủ nhưng hoàn toàn có thể giải quyết được nhu cầu dạy lý thuyết với sự hỗ trợ của các giáo trình học bơi dưới hình thức băng ghi hình. Ngoài ra ngành giáo dục và đào tạo có thể huy động một số lượng nhất định sinh viên đại học và học sinh trung học phổ thông ở địa phương biết bơi để trợ giảng cho giáo viên dạy bơi trường tiểu học, giúp họ trong khâu hướng dẫn học sinh thực hành và cả khâu phòng hộ/cứu nạn khi cần thiết - không nên quên rằng bản thân các giờ dạy bơi vẫn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước đối với trẻ nhỏ.

Còn để trả lời câu hỏi không có/không có đủ bể bơi thì phải làm gì, người viết bài này cho rằng nên chia quá trình học bơi của học sinh tiểu học thành hai giai đoạn: học - khi chưa bơi được và tập - khi đã bơi được. Trong điều kiện thực tế của các trường tiểu học hiện nay, việc xây dựng bể bơi cố định cho từng trường là không khả thi, cho nên khả thi nhất vẫn là đầu tư hình thành các bể bơi di động. Bể bơi di động sẽ đáp ứng yêu cầu của học sinh tiểu học ở giai đoạn học - khi chưa bơi được. Còn ở giai đoạn tập - khi đã bơi được, có thể tận dụng các bể bơi cố định ở địa phương, thậm chí có thể tận dụng sự đa dạng của các nguồn nước tự nhiên như biển cả, sông suối, ao hồ, ghềnh thác - đương nhiên phải đề cao năng lực  phòng hộ/cứu nạn đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ nhỏ.

Tháng 5-2012, Bộ LÐ-TB-XH công bố kết quả “Cuộc khảo sát tai nạn thương tích quốc gia năm 2010”. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, với khoảng 4.500 em chết mỗi năm. Tính trung bình, mỗi ngày có 12 em bỏ mạng vì chết đuối. Ðà Nẵng là TP duy nhất trong cả nước thực hiện dự án “Bơi an toàn” dưới sự tài trợ của TASC và Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc, được triển khai từ năm 2009, đến nay đã dạy bơi miễn phí cho 22.700 HS tiểu học. Kế hoạch của UBND TP Ðà Nẵng là sẽ phấn đấu đến năm học 2016-2017, tất cả HS hoàn thành chương trình tiểu học của TP đều biết bơi.

(Nguồn:Nld.com.vn)

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.