.

Mầm non không có hè

.

Sau 9 tháng bận rộn với trường lớp, giáo viên các cấp học tạm thời được nghỉ “xả hơi” 2 tháng, riêng các cô giáo mầm non chỉ được nghỉ từ 1 tuần đến 10 ngày đã phải trở lại lớp học. “Giáo viên mầm non vẫn được nghỉ 2 tháng hè bình thường, nhưng do đây là ngành đặc thù, theo yêu cầu của phụ huynh nên các cô đều nhận dạy trong hè”, bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Đà Nẵng cho biết.

Đến việc đi giày của bé, cô giáo cũng phải hướng dẫn cho các cháu.
Đến việc đi giày của bé, cô giáo cũng phải hướng dẫn cho các cháu.

Hầu hết các trường mầm non sau buổi tổng kết năm học vào cuối tháng 5 là thời gian nghỉ hè, kéo dài trong 5 đến 10 ngày. Riêng các nhóm, lớp mầm non tư thục, các cháu được nghỉ 2 ngày nhưng trong đó đã có một ngày tổng kết năm học; và các trường mầm non trên địa bàn huyện Hòa Vang có thời gian nghỉ hè kéo dài đến 3 tuần.

Nghỉ hè, phụ huynh lo ngay ngáy

Được cô giáo thông báo thời gian nghỉ hè của con gái từ cuối tháng 5 đến ngày 5-6, anh Huỳnh Đức Minh ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, có con đang học lớp chồi một trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu tỏ ra rất lo lắng, vì nếu cháu nghỉ hè, phương án bắt buộc là một trong hai vợ chồng anh phải xin nghỉ làm để trông con. “Năm ngoái trường cháu cho học sinh nghỉ 10 ngày, cả hai vợ chồng đều không nghỉ phép được, đành gửi cháu nhờ hàng xóm trông hộ. Ông bà nội, ngoại đều ở xa không thể nhờ vả được, nên năm nay chúng tôi quyết định bố hoặc mẹ phải nghỉ phép trông con. Chỉ mong trường nhanh nhanh đón cháu đi học trở lại”, anh Minh cho biết.

Không riêng anh Minh, rất nhiều gia đình có con độ tuổi học nhà trẻ-mẫu giáo đều tỏ ra lo lắng vì không có người trông con khi các trường bắt đầu nghỉ hè. Hầu hết các gia đình trẻ chỉ có cha mẹ và 1-2 đứa con nên chuyện gửi con ở đâu khi các cháu có kỳ nghỉ dài ngày là điều “nan giải”. Nhiều gia đình còn lựa chọn “giải pháp”: nhờ bà nội hoặc bà ngoại ở quê vào trông khi cháu nghỉ hè, có người đưa con đến cơ quan nhưng trong trường hợp này thì bố hoặc mẹ cũng không thể làm việc được vì bận để mắt đến con...

Nắm bắt nhu cầu phụ huynh, hầu hết các trường đều tổ chức dạy hè cho các lớp học sinh cũ của trường và tổ chức đón cháu mới. Chị Nguyễn Thị Kiều, có con đang học Trường mầm non Tuổi thơ, quận Liên Chiểu cho rằng, với mức thu học phí học chương trình hè tăng vài chục nghìn so với trong năm học, hầu hết các bậc cha mẹ đều đồng ý, có thể yên tâm vì con được chăm sóc tốt, ý thức, nền nếp của cháu cũng tốt hơn là về quê với ông bà.

Mùa hè của cô và cháu: học mà chơi, chơi mà học

Từ quê đến thành phố, trường công cũng như trường tư, giáo viên mầm non với đặc thù nghề nghiệp là chăm sóc, nuôi dạy những lứa học sinh nhỏ tuổi nhất, từ vài tháng đến 5 tuổi, chưa thể tự chăm sóc bản thân, nên hầu hết những người đã lựa chọn nghề này đều chấp nhận không thể nghỉ hè trọn vẹn như giáo viên các cấp học khác. Cô Nguyễn Thị Mùi, phụ trách nhóm trẻ tư thục ở đường Trần Quang Khải, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết, nhóm trẻ có trên 30 cháu thuộc nhiều độ tuổi, hầu hết cha mẹ các cháu đang công tác tại vùng 3 Hải quân hoặc là công nhân, người buôn bán hay làm công ở cảng cá Thọ Quang, khó có thể xin nghỉ một ngày làm việc để ở nhà trông con, nên nhóm trẻ chỉ có thể “nghỉ hè” 2 ngày, trong đó đã có một ngày tổ chức lễ tổng kết năm học. Cô Mùi tâm sự: “Đã làm giáo viên mầm non, lại làm ở nhà trẻ tư thì giáo viên cũng phải hiểu hoàn cảnh của phụ huynh, làm quanh năm không có ngày nghỉ. Cũng không vì thế mà thu nhập tăng lên bởi với nhóm trẻ tư nhân thì không thể tăng học phí dù đó là mùa hè hay trong chương trình chính khóa của năm học”.

Ở Trường mầm non Hòa Tiến 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, năm nay kỳ nghỉ hè của giáo viên và học sinh kéo dài từ ngày 23-5 đến 17-6. Cô Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng trường cho biết, kỳ nghỉ hè năm nay kéo dài hơn 3 tuần, theo lịch của Phòng Giáo dục - Đào tạo Hòa Vang, như thế là tạm đủ cho các cô giáo lấy lại sức để tiếp tục chăm sóc các cháu. Với trên 40 giáo viên và nhân viên phục vụ, có khoảng một nửa trong số 450 học sinh của trường tham gia học hè, cô Hòa cho biết với mức học phí từ 35.000 đồng/tháng, tăng lên 70-80.000 đồng/tháng theo quy định, thì ngoài khoản lương cố định do Nhà nước trả, mỗi giáo viên dạy hè có thêm thu nhập khoảng 1,7 - 1,8  triệu đồng/tháng.

Tham gia dạy hè, điều đầu tiên là các trường giải quyết hài hòa nhu cầu của phụ huynh, và với đặc thù công việc, các bé luôn quấn quýt với cô giáo khi ở lớp, nên hầu hết giáo viên mầm non vui vẻ khi làm thêm hè. Ngoài ra, chương trình học hè của các bé tập trung vào các môn rèn kỹ năng, nền nếp, thay đổi các thói quen khi chuyển từ lớp bé lên lớp lớn hơn, khi bé đã làm quen với chế độ sinh hoạt của lớp lớn thì khi vào năm học, cô giáo không cần rèn luyện lại mà chỉ cần hướng dẫn là bé có thể tự chăm sóc. Các môn phát triển năng khiếu, thẩm mỹ được chú trọng trong chương trình hè, giúp trẻ phát triển cân đối thể lực và cảm thụ thẩm mỹ. Cô Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường mầm non Bé Thông Minh cho rằng, với trẻ cần giáo dục mọi lúc, mọi nơi. Nếu bé không đi học, ở nhà với ông bà, người trông trẻ mà chỉ được chăm sóc chứ không được giáo dục thì trẻ sẽ dừng sự phát triển trí tuệ trong một thời gian và chỉ được phát triển về thể chất.

Cô Thọ cũng cho biết là hầu hết các trường mầm non đều cân đối thời gian để mỗi cô giáo được quyền đăng ký nghỉ một số ngày trong thời gian nghỉ hè như là nghỉ phép năm, được trả lương đầy đủ. Cách giải quyết này giúp các cô bảo đảm lợi ích, không bị áp lực công việc, tạo tinh thần sảng khoái trước khi bước vào năm học mới. Và nói như cô Nguyễn Thị Trâm, giáo viên lớp Baby 6 Trường mầm non Bé Thông Minh, là “chỉ nghỉ 1 ngày chủ nhật thôi em đã thấy nhớ các cháu rồi, mà bảo nghỉ 3 tháng hè chắc không cô nào chịu nổi. Nhớ nghề, nhớ cháu nên cô giáo nào cũng mong được đứng lớp, dù đó là mùa hè...”.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.