.

Chuyện ở làng Hà Khê

.

Ngày trước, mộ tiền hiền làng thường nằm không xa đình làng là mấy. Có lẽ cha ông xưa muốn thuận tiện cho con cháu khi giỗ chạp và viếng mộ như một lời tri ân với tổ tiên. Sau bao nhiêu năm chỉnh trang đô thị, hầu hết những ngôi mộ đã được cải táng hoặc giữ nguyên trạng, nhưng vẫn còn những ngôi mộ không có cả lối vào hương khói...

Trong lúc mộ tiền hiền làng Hòa Mỹ uy nghi, đường bệ (ảnh trái) thì mộ tiền hiền làng Hà Khê bị “vây hãm” trong các bức tường trường học và nhà dân.
Trong lúc mộ tiền hiền làng Hòa Mỹ uy nghi, đường bệ (ảnh trái) thì mộ tiền hiền làng Hà Khê bị “vây hãm” trong các bức tường trường học và nhà dân.

Người ta bảo người già thường hay sống với quá khứ, điều đó quả không sai chút nào. Qua giới thiệu của ông Bảy Trung, Bí thư chi bộ Thanh Khê Đông, chúng tôi đến gặp ông Hai Kinh tức Nguyễn Văn Kinh, 80 tuổi, nguyên chánh bái làng Hà Khê. Trong căn nhà ngói ba gian hướng ra biển, ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nhị vị tiền hiền làng Hà Khê trong những ngày đầu khai canh lập nghiệp.

Ông cho biết, ngày trước khuôn viên đình làng Hà Khê đất rộng thênh thang. Cây me cổ thụ xum xuê ba người ôm không xuể. Đình thờ thập nhị tôn phái (12 tôn phái), có sắc vua ban. Bên cạnh đình là mộ cụ Tiền hiền Nguyễn Công Mao và con là Nguyễn Công Tuân. Theo lời ông Hai Kinh, ngày trước ông nội ông để lại quyển sách ghi chép chuyện làng Hà Khê bằng chữ Hán. Cơn bão Xangsane năm 2006 làm hỏng cuốn sách một phần, phần còn lại ông vẫn cất giữ như một báu vật.

Sách ghi rằng, cụ Tiền hiền Nguyễn Công Mao quê Thanh Hóa, dẫn theo con trai vào nơi đây khai khẩn đất hoang, lập làng chài lưới, bày người dân cách làm thúng chai, câu cua câu ghẹ… Hai cha con cụ cất chòi kiếm sống bằng nghề lưới quanh khe Phú Lộc đến dọc bờ biển Xuân Hà. Sau khi mất, cả hai cha con được tôn làm tiền hiền làng… Câu chuyện hàng trăm năm trước nếu không được chính ông Kinh kể lại thì chỉ còn là dòng chữ khô khan ghi trên bia mộ mà thôi.

Trao đổi với chúng tôi về thực hiện chủ trương di dời mộ ở trên địa bàn phường ra khỏi khu dân cư, ông Đinh Quảng Tưởng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Hà, quận Thanh Khê cho biết, vừa qua cả phường đã dời 16 mộ, còn 2 mộ ở tổ 10 (tổ 4 cũ) của hai cha con được cho là tiền hiền làng Hà Khê, nay là Tân Trung 2 tạm thời để lại. Khi chúng tôi đến để tìm hiểu thêm sự việc thì tận mắt thấy hai ngôi mộ tiền hiền làng Hà Khê bị “vây kín” bởi một bên là Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, ba bên là nhà dân. May mà có hộ ông Nguyễn Văn Lâm đang tháo dỡ nhà xây dựng lại nên mới có lối vào viếng hương…

Người quản lý hai ngôi mộ là ông Nguyễn Văn Ngọc, hiện cư trú Thanh Khê Đông nhưng lại làm ăn nơi khác. Cuối tháng 5 vừa qua, ông Ngọc làm đơn xin hoãn di dời 2 mộ này vì “bị trở ngại về kinh phí di dời và xây dựng”.

Trông người mà ngẫm...

Ngày trước, mộ tiền hiền làng thường nằm không xa đình làng là mấy. Có lẽ cha ông xưa muốn thuận tiện cho con cháu khi giỗ chạp và viếng mộ như một lời tri ân với tổ tiên. Như mộ vị tiền hiền làng Thạc Gián hiện nằm phía sau đình Thạc Gián. Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Ban quản lý đình Thạc Gián cho biết: Vị tiền hiền họ Huỳnh, theo đoàn quân Nam tiến mở cõi của vua Lê Thánh Tôn, cách đây trên 500 năm. Ngôi mộ được 6 tộc trong làng trùng tu lần cuối cùng vào đầu thập niên 30 thế kỷ trước và giữ nguyên trạng cho đến nay.

Mộ tiền hiền làng Hòa Mỹ (tộc Nguyễn), phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cũng đã được hậu sinh cải táng ở nơi trang trọng. Ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cho biết, mộ tiền hiền trước nằm ở nghĩa địa làng, sau khi triển khai dự án tái định cư phía Tây đường Nguyễn Huy Tưởng, hàng trăm ngôi mộ được di dời, nhưng riêng mộ tiền hiền được ban quản lý dự án bố trí đất và các họ tộc trong làng cùng với tộc Nguyễn tiền hiền tổ chức cải táng về phía trước đình Hòa Mỹ.

Mộ tiền hiền làng Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, cũng không ngoại lệ. Vùng đất này được các tiên dân Khuê Trung khai phá lập làng xã từ thời Nhà Lê, đời vua Lê Thánh Tông. Mộ hai vị tiền hiền tộc Trần của làng nguyên ở chân núi Ngũ Hành Sơn, năm 1972 được cải táng đưa về Khuê Trung.

Trông người mà ngẫm lại mình, ông Hai Kinh ngậm ngùi nói với chúng tôi rằng: Rắn phải có đầu, con người phải có tổ có tông mới sống ra con người được… Nay mộ chư vị tiền hiền chưa biết cấp trên định đoạt như thế nào? Bà con tộc Nguyễn cũng như dân làng Hà Khê luôn mong mỏi được giữ lại mộ tổ và mở một lối vào để hương khói. Đình làng Hà Khê đã không còn nữa, phải đưa bài vị của tổ tiên ra thờ ở Lăng Ông. Bây giờ mộ nhị vị tiền hiền di dời nữa thì con cháu biết về đâu…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.