.

Đầy ắp tình người

.

Một hay hai nghìn đồng cho phí mỗi lần gửi xe ở các bệnh viện (BV) có thể không phải là lớn với nhiều người, nhưng với người bệnh và người nhà bệnh nhân ra vào các BV cả chục lượt mỗi ngày, thì chủ trương miễn phí giữ xe (BV công lập) của thành phố Đà Nẵng kể từ ngày 1-1-2011 được xem là một quyết định đầy ắp tình người. Bởi cuộc sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn cũng từ những chủ trương đầy tính nhân văn, tưởng là nhỏ nhặt nhất ấy…

Chủ trương miễn phí giữ xe tại các BV của Đà Nẵng giúp bệnh nhân và người nhà đỡ một phần chi phí trong quá trình khám chữa bệnh.
Chủ trương miễn phí giữ xe tại các BV của Đà Nẵng giúp bệnh nhân và người nhà đỡ một phần chi phí trong quá trình khám chữa bệnh.

Gửi chiếc xe máy vào bãi xe của BV Đà Nẵng xong, chị Huỳnh Thị Kim Hoa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) xách cà-mèn cháo bước vội về khoa Nội tiêu hóa, chị cho biết mẹ chồng bị đau dạ dày nằm viện gần cả chục ngày nay, bà không ăn được cháo nấu ở ngoài nên chị phải hầm cháo đưa xuống cho bà. “Vợ chồng chị và hai đứa con mỗi ngày vô, ra BV cả chục lượt, đầu xe máy lúc mô cũng đầy dấu phấn số xe. May mà gửi xe không mất tiền chứ tính cả thời gian bà nằm viện thì số tiền cũng khá nhiều. Một vài trăm nghìn với người có thì không sao, nhưng với người nghèo mà cộng thêm vào tiền chữa bệnh nữa là tốn kém lắm đó em”, chị Hoa cho biết. Chính những người làm công việc giữ xe ở các BV cũng cho rằng việc miễn phí giữ xe đỡ một phần chi phí cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Nếu tính mỗi lần gửi xe phải mất 2.000 đồng/lượt xe máy thì mỗi ngày người nhà bệnh nhân (nằm điều trị nội trú) phải tốn trên dưới 10.000 đồng gửi xe để vào bệnh viện thăm nuôi. Và 3 năm nay thực hiện chủ trương miễn phí gửi xe cho người dân tại các BV và cơ quan công sở, thành phố đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng hỗ trợ công việc này.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Phó trưởng phòng Hành chính BV Đa khoa Hải Châu, cho biết BV được hỗ trợ 9 triệu đồng/tháng để trông giữ xe miễn phí. Số tiền này dành để trả cho 3 người có nhiệm vụ giữ xe (2 triệu đồng/người/tháng) và hỗ trợ thêm cho 4 bảo vệ của bệnh viện kiêm thêm việc hỗ trợ trông giữ xe hằng ngày bởi lượng xe khá lớn, vào khoảng 700 chiếc/ngày.

BV Phụ sản - Nhi mới đưa vào hoạt động hai năm nay nhưng nhà xe của BV cũng luôn rơi vào tình trạng quá tải. Bác sĩ Lê Thị Hòa, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, cho biết mỗi tháng ngân sách thành phố cấp cho BV 40 triệu đồng chi phí để giữ xe miễn phí. Và không phải vì miễn phí mà được chăng hay chớ, BV luôn quán triệt để anh em trong tổ bảo vệ có tinh thần phục vụ tốt nhất, có trách nhiệm với tài sản của người gửi.

Tổ giữ xe khu vực xe khách hàng của BV Phụ sản - Nhi gồm 8 người, mỗi ca 4 người làm liên tục 24 giờ, nghỉ 24 giờ. Ông Lê Văn Công, nhân viên giữ xe cho biết, nhà xe của BV rộng 280m2 chỉ đủ sức chứa khoảng 500 xe, số xe còn lại mỗi lượt vào khoảng 500-700 xe đành chấp nhận để giữa trời. Mỗi ca làm việc ngoài 2 người viết và thu phiếu, 2 người còn lại phải luôn chân luôn tay sắp xếp xe cho ngăn nắp, gọn gàng và giúp đẩy xe có những bệnh nhân đang mang thai đi một mình.

Bác sĩ Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ BV Đà Nẵng, cho biết trước đây BV tự thu phí giữ xe thì ngoài số tiền trả lương cho anh em bảo vệ, số còn lại hỗ trợ một phần đời sống cán bộ, nhân viên BV. Từ khi có chủ trương miễn phí giữ xe, thành phố hỗ trợ cho người thầu bãi giữ xe 65 triệu đồng mỗi tháng, BV không còn chịu trách nhiệm về kinh phí nhưng vẫn luôn nhắc nhở anh em phải có tinh thần phục vụ tốt, sắp xếp xe bảo đảm nhanh nhẹn, kịp thời, trường hợp không còn chỗ để xe thì phải linh hoạt báo cho khách hàng và BV biết để nhanh chóng xử lý.

Bất cập sau chuyện miễn phí

Tại Đại hội Công chức năm 2013, BV Phụ sản - Nhi đưa vấn đề cải tạo và xây dựng thêm nhà để xe dành cho khách hàng và cán bộ nhân viên BV vào nghị quyết để thực hiện trong năm nay. Nhưng theo BS Lê Thị Hòa, BV phải ưu tiên giải quyết hai vấn đề lớn là triển khai đề án thụ tinh trong ống nghiệm và mổ tim cho bệnh nhi, sau đó nếu còn dư kinh phí mới có thể làm nhà xe. Nếu dự án này được thực hiện thì BV phải chi từ 800 đến 1 tỷ đồng xây dựng hai nhà xe mới, nâng cấp toàn bộ nền nhà xe của bệnh nhân. Ông Lê Văn Công cho biết, nền nhà xe của BV Phụ sản – Nhi xuống cấp khi nhà xe đưa vào vận hành chừng nửa năm; mặt nền san sát những ổ voi, ổ gà, nhiều phụ nữ té ngã khi dắt xe ở đây. Còn ở bên ngoài là nền đất, mùa mưa xe để ngoài toàn bị lún, ngã, hậu quả là nhân viên bảo vệ phải nghe khách cằn nhằn; mùa nắng thì những chiếc xe nằm phơi nắng, “nhìn rất xót của nhưng bà con phải chấp nhận vì nhà xe luôn trong tình trạng chật cứng, trong khi nguyên tắc phòng và chữa cháy là mỗi xe để cách nhau 1,5m nhưng điều đó là không khả thi với các nhà xe BV”.

Vấn đề nan giải với BV Hải Châu là thời gian tới có thể không có chỗ giữ xe cho người bệnh và cả nhân viên BV, khi trong sân BV chỉ đủ một lối để dựng xe máy, các nhà dân xung quanh trước đây tận dụng để giữ xe (có thu phí) nhưng nay cũng dẹp dần. BV đã xin UBND quận tận dụng vỉa hè để xe cho nhân viên, tận dụng một bãi đất trống chuẩn bị xây dựng khu điều trị đa năng để giữ xe cho bệnh nhân. Dự kiến quý 4 năm nay khu điều trị này triển khai xây dựng thì chỗ để xe cho nhân viên còn khó, chưa nói đến chuyện giữ xe cho khách hàng.

Hầu hết các BV đều kêu khó trong chuyện không có kinh phí, không có mặt bằng làm chỗ giữ xe. Như BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng nhiều năm nay vẫn giữ xe cho khách giữa trời, phải chờ khu điều trị xây xong mới có tầng hầm giữ xe. Các BV tuyến quận thì nhà giữ xe nhỏ, hẹp, quá sức chứa lượng xe khách hàng. Nhiều bệnh nhân cho rằng, họ sẵn sàng trả tiền gửi xe để tài sản của họ được bảo quản tốt. Nên đằng sau chuyện miễn phí tại các nhà xe BV, kinh phí ở đâu để nâng cấp, mở rộng hay làm mới nhà giữ xe giúp bệnh nhân hoàn toàn yên tâm khi đến BV vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải…

Hiền Lương
 

;
.
.
.
.
.