.

Làm quen với tự chi trả

.

“Miễn phí phương tiện tránh thai mà còn khó vận động chị em, huống gì áp dụng hình thức mua bán, dù rằng “hàng” đã được Nhà nước trợ giá theo kiểu nửa bán, nửa cho. Tuy vậy, theo thời gian, phụ nữ sẽ dần quên chuyện đi lấy thuốc tránh thai hay đặt vòng miễn phí tại trạm y tế và dần quen với việc sẽ phải trả tiền”, nhiều cán bộ làm công tác dân số cho biết.

Khi đã đạt mức sinh thay thế, đời sống nhân dân được nâng cao thì việc chuyển dần cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai (PTTT) sang hình thức người sử dụng tự chi trả là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm tính bền vững của các chương trình DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, việc tiếp thị xã hội (TTXH) các PTTT vẫn gặp không ít khó khăn do lâu nay người dân quen được miễn phí.

Khám bệnh và tư vấn về các phương pháp, phương tiện tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Hòa Vang.
Khám bệnh và tư vấn về các phương pháp, phương tiện tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Hòa Vang.

Trả tiền để thấy giá trị của phương tiện tránh thai

Gặp chúng tôi tại Trạm Y tế phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, chị B.T.H ở tổ 7 Thành Vinh cho biết, 2 năm trước chị đặt vòng sau khi sinh bé thứ hai nhưng công việc buôn bán, chở hàng khá nặng nhọc khiến sức khỏe chị không tốt, nên chị chuyển sang uống thuốc tránh thai. “Phải mua chớ có được cấp miễn phí như hồi trước mô. Bỏ tiền ra mua nên ráng nhớ mà uống”, chị H. nói. Chị Lê Thị Tươi, phụ trách mảng chăm sóc sức khỏe sinh sản, trạm y tế Thọ Quang cho rằng, chính hành động người dân bỏ tiền ra để được sử dụng PTTT giúp họ thấy giá trị của sản phẩm nên họ coi trọng việc tránh thai hơn và quý vỉ thuốc hơn. Trước đây, thuốc cấp miễn phí nên họ dễ quên, sau đó bỏ vỉ thuốc rất uổng”.

Chương trình TTXH PTTT được áp dụng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà từ tháng 6-2012. Mỗi vỉ thuốc tránh thai hiệu Nigh Happy bán trong chương trình giá 3.000 đồng, mỗi bao cao su giá 4.000 đồng, chỉ bằng một nửa so với giá thị trường. Theo chị Tươi, mức này đã được Nhà nước trợ giá, phù hợp với mặt bằng kinh tế chung của đại đa số người dân tại đây. Nếu trước đây việc miễn phí hoàn toàn PTTT áp dụng cho mọi đối tượng phụ nữ trên địa bàn, thì nay chỉ khoảng 20 người (ưu tiên phụ nữ nghèo) được cấp thuốc uống trên tổng số hơn 6.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Năm nay toàn phường có 77 ca được miễn phí đặt vòng trong chương trình TTXH, được hỗ trợ thêm 50 nghìn đồng từ ngân sách thành phố; từ ca thứ 78 trở đi ngoài tiền được hỗ trợ, người sử dụng phải trả 13 nghìn đồng tiền kỹ thuật vòng. Nhưng nếu là phụ nữ thuộc diện hộ nghèo thì đến sau ca thứ 77 vẫn được miễn phí. Thọ Quang là phường ven biển nên ngoài chương trình chi trả trên, phụ nữ đến khám tại đây được cấp miễn phí thuốc rửa vệ sinh và thuốc đặt liều thấp.

Khó triển khai tiếp thị xã hội

Chấm dứt chuyện phát không PTTT và chuyển dần sang hình thức TTXH, đó là thực tế. Tuy nhiên, không ít chị em còn ngỡ ngàng trước cách làm này vì lâu nay, không những không tốn tiền khi áp dụng các PTTT theo chương trình mục tiêu quốc gia, chị em còn có tiền mang về như một cách khuyến khích kế hoạch hóa. “Mỗi lần đặt vòng được cho 50 nghìn đồng, thuốc tránh thai thì xin mấy cũng có, xin càng nhiều, cán bộ dân số càng phấn khởi”, một phụ nữ cho hay. Thế nên, khi áp dụng hình thức mua-bán PTTT thì không ít chị em đã phản ứng. Chị Ngô Thị Kim Thời, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hòa Vang chia sẻ, có người còn gọi điện thoại cho cả Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện để phản ứng là sao “cán bộ lại tự ý đem thuốc đi bán”. “Mọi người chưa hiểu về TTXH nên tưởng cán bộ làm bậy. Trước đây, đến kỳ tiêm thuốc tránh thai hoặc phát thuốc, lắm lúc cộng tác viên dân số phải đến từng nhà nhắc nhở vì sợ chị em quên. Đã cho không mà còn nhiệt tình đến vậy. Thế nên, bây giờ chuyển qua thu tiền thì phụ nữ chưa quen lắm”, chị Thời nói.

Với những người làm công tác dân số, việc triển khai, vận động phụ nữ tham gia TTXH gặp không ít khó khăn. Vì việc TTXH thực hiện theo kiểu nửa cho, nửa bán nên cũng gây không ít trở ngại ở chỗ phân loại “khách hàng” ai là đối tượng được cho, ai là đối tượng phải trả tiền khi sử dụng. Dĩ nhiên, người nghèo được ưu tiên miễn phí. Nhưng như một cán bộ dân số cho biết, lắm lúc mình có kế hoạch đưa  chị nào đó vào danh sách miễn phí PTTT, nhưng chị này lại đang không có ý định tránh thai mà muốn sinh con. Thế nên, người được ưu tiên thì không dùng, người có nhu cầu thì không được miễn phí.

Cần tuyên truyền nhiều hơn về TTXH

Chị Ngô Thị Kim Thời, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Hòa Vang dẫn ra một con số: Trong quý I-2013, Trung tâm nhận về 24 nghìn bao cao su nhưng chỉ bán trong chương trình TTXH được 3.100 cái; nhận 1.500 vỉ viên uống tránh thai nhưng chỉ bán được 104 vỉ. Trong khi chỉ tiêu Chi cục DS-KHHGĐ thành phố giao cho huyện năm 2013 về viên uống tránh thai là 1.500 vỉ, trong đó 614 vỉ phát miễn phí, 500 vỉ bán trong chương trình TTXH (có trợ giá) và 386 vỉ bán theo giá thị trường. Theo chị Kim Thời, cán bộ dân số buộc phải giải thích rất kỹ với từng chị em, và cần có các chương trình quảng bá TTXH đến rộng rãi với người dân hơn.

Để khuyến khích việc thực hiện TTXH, thành phố Đà Nẵng đã tăng mức trợ cấp cho cán bộ, cộng tác viên dân số từ 50 nghìn đồng/tháng như trước đây thành 100 nghìn đồng/tháng; kèm theo đó là họ được hưởng thêm 0,2% mức lương cơ bản theo quy định của Nhà nước. Riêng ở Hòa Vang, cán bộ dân số cơ sở còn được đề ra chỉ tiêu “nhẹ” để dễ thực hiện TTXH. Cụ thể, mỗi cộng tác viên dân số phải vận động được 2 người dùng viên tránh thai, 4 người dùng bao cao su trên tổng số hộ quản lý.

Theo số liệu từ Tổng cục DS-KHHGĐ, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2015 và duy trì ở mức 27 triệu người cho đến năm 2025. Đây là thời điểm có số lượng người trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt độ tuổi từ 20 đến 29 đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam. Chính vì thế đây là thời điểm nhu cầu đòi hỏi cung cấp PTTT lớn nhất.

Mục tiêu TTXH của Đà Nẵng là có 33% thuốc viên tránh thai và 32% bao cao su; 43,5% thuốc tiêm tránh thai, 62,5% thuốc cấy tránh thai, 45,1% dụng cụ tử cung được cung cấp qua kênh TTXH…

HIỀN LƯƠNG - TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.