Cách đây tròn một năm, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức gặp mặt thân mật 150 đại biểu, đại diện hơn 3.000 con liệt sĩ, con thương binh đang học tập, công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố. Trong khán phòng hôm ấy, cô nữ sinh lớp 12B2 Lê Thị Thục Hảo, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là đại biểu nhỏ tuổi nhất và là 1 trong 4 báo cáo viên điển hình tại buổi gặp mặt.
Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Luyến |
Không đơn độc
Trong chia sẻ của mình, Hảo viết: “Sinh ra trong một gia đình có ba là thương binh, em thường nghe ba kể về những năm tháng cùng đồng đội chung chiến hào đánh đuổi giặc Mỹ. Các cô, chú ấy, có người còn, người mất. Mỗi khi nhìn vào ánh mắt của ba, em càng thêm trân trọng những giá trị của cuộc sống hôm nay và chỉ biết học thật tốt để ba má vui lòng”.
Thục Hảo là học trò chuyên Sinh. Trong những năm tháng cắp sách đến trường, em đã mang về cho mình một số giải thưởng như giải nhất học sinh giỏi cấp thành phố môn Sinh học lớp 9 và 11, giải nhì môn Sinh học lớp 10. Hảo bảo, may mắn của em là được vào học tập tại ngôi trường Lê Quý Đôn. Gặp bạn giỏi, thầy cô giỏi đã giúp em góp nhặt thêm nhiều kiến thức cũng như kỹ năng sống. Tự tin nhưng không tự kiêu, dịu dàng nhưng không ủy mị, hòa đồng nhưng không dễ dãi là những gì chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với em. Ông Lê Quốc Hải, ba của Hảo là thương binh 4/4, thường xuyên đau ốm, nhất là khi trái gió trở trời nên mọi việc trong nhà cứ dồn hết lên vai mẹ. Hảo chia sẻ, mỗi khi nhìn thấy ba như thế, em càng thương ba đau ốm, thương mẹ vất vả. Kết quả năm học vừa qua, cô nữ sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, giúp Hảo thêm tự tin để thi vào 2 trường đại học uy tín là ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngành Công nghệ thực phẩm và ĐH Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh ngành Công nghệ sinh học.
Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, toàn thành phố có gần 17.000 lượt học sinh, sinh viên là con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh được hưởng chế độ ưu đãi của ngành giáo dục. Trong đó có hơn 9.000 học viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo hưởng trợ cấp hằng tháng. Kinh phí thực hiện ưu đãi trong 15 năm qua khoảng trên 54 tỷ đồng. Hiện nay, số hồ sơ do Sở quản lý có 5.190 học sinh phổ thông và 3.391 sinh viên trình độ trung cấp đến đại học.
Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, việc thực hiện đầy đủ mọi chính sách ưu đãi đã tạo điều kiện cho con em gia đình chính sách có cơ hội học tập và có việc làm ổn định cuộc sống. Việc thành phố tổ chức các buổi gặp mặt nói lên sự trân trọng của cả một hệ thống chính trị, là sự động viên và ghi nhận quá trình rèn luyện, phấn đấu liên tục của các đồng chí trong học tập và xây dựng đất nước.
Thục Hảo (đứng giữa) cùng bạn bè trong ngày bế giảng. |
Thêm những đóa hoa thơm
Tháng 7, chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Luyến, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Chồng chị, anh Tạ Văn Chuyền, đã qua đời cách đây 5 năm khi đang trên đường từ đơn vị trở về nhà, cách một ngày sau khi cầm trên tay quyết định trở thành Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 161, thuộc Vùng 3 Hải quân. Theo lời kể của chị Luyến, 10 năm sau ngày cưới, ba mẹ con chị mới từ quê hương Thái Bình chuyển vào Đà Nẵng để gia đình đoàn tụ. Vì thế, dù lấy nhau được 17 năm nhưng thời gian anh chị gần gũi có khi tính chưa đầy 50 tháng. Chừng ấy thời gian không đủ cho người bố làm tròn trách nhiệm với gia đình. Thế nhưng, với hai cô con gái Tạ Nguyệt Minh và Tạ Nguyệt Phương, thì bố luôn là thần tượng trong đạo đức, sự học và tinh thần cầu tiến.
Cầm trên tay tấm Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất do Chủ tịch nước trao tặng cho chồng, chị Luyến không cầm được nước mắt bởi nỗi nhớ về anh luôn dày vò. May mắn cho anh chị là có hai cô con gái học giỏi, ngoan hiền. Hai chị em Minh và Phương, kẻ trước người sau dắt tay nhau vào học tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nếu như cô chị học chuyên Anh thì cô em lại chọn chuyên Toán. Cô chị đoạt giải ba toàn quốc cuộc thi viết thư Quốc tế UPU năm lớp 10 thì cô em cũng đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi này vào năm học lớp 9. Đặc biệt, cô em gái Tạ Nguyệt Phương cũng là 1 trong 4 học sinh đạt 57 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Minh giờ đang là sinh viên năm 3, ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Kinh tế-Luật, thuộc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Thắp nén nhang trên bàn thờ của ba, Minh bảo, với em, ba luôn là thần tượng. Em học được ở ba tính ngăn nắp, gọn gàng, làm việc gì cũng lên kế hoạch rõ ràng và sống có nguyên tắc. Khi còn sống, mỗi khi có điều kiện gần bên gia đình, anh Chuyền luôn là người động viên, hướng dẫn hai con học tập. “Bố khi còn sống giỏi lắm nên hai chị em luôn xem bố là mục đích phấn đấu. Cái gì hỏi bố cũng biết, cũng chỉ dạy tận tình. Đặc biệt bố rất giỏi tiếng Anh. Nhờ thừa hưởng tình yêu tiếng Anh của bố mà em trở thành học sinh chuyên Anh rồi đoạt giải nhất tiếng Anh thành phố năm học lớp 12”, Minh bộc bạch.
Theo cô em Tạ Nguyệt Phương, bố mẹ dù rất yêu thương con cái nhưng khá nghiêm khắc nên dần tạo cho em thói quen nền nếp. Phương chia sẻ, vì bố, mẹ và chị gái đều bước vào cánh cửa đại học nên em càng cố gắng. Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Phương rất tự tin khi đăng ký thi hai khối A1 và D vào ngành Ngoại thương, ĐH Kinh tế Đà Nẵng.
“Cỏ may không ngào ngạt mùi hương như hoa lan, cũng không kiều diễm như hoa trinh nữ, nhưng màu tím biếc ngây thơ ấy còn đọng lại trong mỗi người, trên những ống quần găm đầy hoa cỏ…”. Xin mượn lời bài văn miêu tả về loài cỏ may của Tạ Nguyệt Phương năm lớp 7 để nói về các em, những bông hoa cỏ may nhỏ xinh nhưng căng tràn sức sống.
TIỂU YẾN