.

Tái định cư cho "người âm"

.

Việc tồn tại những ngôi mộ trong khu dân cư gây ra tác hại không nhỏ về môi trường và nhiều phiền toái cho người dân, nhất là khi cái nhà của họ nằm bên cạnh cái mồ của người khác.

Nghĩa trang Hòa Sơn nay đã mở rộng đến 300ha với trên 100 nghìn mộ.
Nghĩa trang Hòa Sơn nay đã mở rộng đến 300ha với trên 100 nghìn mộ.

Âm dương liền kề

Đụng đến chuyện mồ mả là đụng đến chuyện tâm linh, vô hình. Một số người đã dựa vào tâm lý Á Đông này để “làm khó” người khác.

Bà Trương Thị Thanh ở tổ 20, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, mỗi sáng mở cửa ra là “chạm trán” với một cảnh không thể gọi là vui vẻ: một ngôi mộ lớn nằm chình ình ngay dưới hiên nhà mình. Chưa hết, sát vách nhà bà còn có 3 dãy dài với 29 ngôi mộ vô chủ. Theo chủ trương của thành phố, 29 mộ vô chủ đã được phường Hòa Cường Nam dời lên nghĩa trang Hòa Ninh, nhưng cái mộ trước hiên nhà bà thì còn cấn cái. Mặc dù bà Thanh tỏ ý sẵn sàng chịu tất cả mọi chi phí dời mộ, nhưng ông Võ Văn Dưỡng, cháu nội của người nằm dưới mộ, phần đổ thừa là coi ngày chưa được, phần đưa ra những yêu sách vô lý.

Biết là ông Dưỡng “làm eo”, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường mời ông lên, bày tỏ thiệt hơn, nói chuyện đạo lý ở đời. Ông hiểu ra vấn đề, thêm vào đó, bà Thanh vui vẻ hỗ trợ một số tiền đủ để ông dời và xây mộ bà nội mình khang trang hơn trong nghĩa trang gia tộc ở quê. Sự “nghe ra” của thân nhân các ngôi mộ đã góp phần để phường Hòa Cường Nam hoàn thành việc di dời tổng cộng 203 ngôi mộ trên địa bàn vào ngày 25-4 vừa qua.

Ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, bên đường sắt đi qua tổ 89 (39 cũ), trước có một người phụ nữ đến khai phá đất hoang, khi mất được con cháu an táng ngay trên đất đó. Sau, có một ông tên là Nguyễn Minh Đắc đến mua đất này làm nhà, mộ bà chủ đất cũ nằm ngay sát bên bếp. Ông Đắc chạy xe xích lô, nhà có một đứa con bị nghễnh ngãng nên rất khó khăn. Nghe người đời nói xa nói gần, ông nghĩ có lẽ do trong nhà có mộ nên gia đình mình mới ra thế kia. Ông mấy lần đề nghị con trai bà chủ đất, ông Trần Thanh, dời mộ đi: “Tôi khó thì khó, chứ nếu anh dời mộ thì tôi sẽ hỗ trợ thêm”. Ông Thanh đưa ra điều kiện là đất trống sau khi dời mộ phải giao lại cho mình.

Ông Lê Văn Thành, cán bộ địa chính phường Xuân Hà, đến vận động, bảo trước mắt ông Thanh cứ dời mộ mẹ, rồi nếu ông chứng minh được rằng đất mộ đó thuộc quyền sở hữu của ông thì Nhà nước sẽ giao cho ông. Là họ yêu sách vậy thôi, chứ ngôi mộ này nằm lọt trong phần đất sở hữu của ông Đắc thì làm chi có chuyện mấy thước đất mả mồ đó thuộc quyền sở hữu của ông Thanh được – ông Thành kết luận.

Việc cái nhà của mình nằm sát bên cái mồ của người khác đã khiến cho những người rơi vào hoàn cảnh như bà Thanh, ông Đắc phải chịu hằng ngày một áp lực tâm linh vô hình. Nhất là ngày Tết, cả chủ nhà và khách đến thăm xuân ai cũng ái ngại. Đối với những khu vực nhiều mộ hơn, “người âm” và “người dương” sống chung, ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan, những nơi này dễ trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội vào ban đêm bởi chúng nằm lọt sâu trong khu dân cư.

Tổ 53, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, có 15 ngôi mộ tập trung trên khu đất khoảng 400m2. Ban đêm, một số thanh, thiếu niên các nơi tụ tập đến hút chích ma túy. Người dân rất lo, nếu chúng lên cơn nghiện mà thiếu tiền mua thuốc sẽ sinh ra trộm cắp, cướp giật… Mà đúng thế thật, đã xảy ra mấy vụ mất trộm trong xóm. Vấn đề an sinh xã hội trong khu dân cư bị đe dọa. Vừa qua, khu mộ này đã được di dời, trả lại sự bình yên cho người dân.

“Người âm” an cư, “người dương” lạc nghiệp

Theo ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, việc dời mồ mả ra khỏi khu dân cư theo chủ trương của thành phố, chủ yếu tập trung ở 3 quận là Hải Châu, Sơn Trà và Thanh Khê. Theo số liệu từ các quận báo lên, tổng số mộ nằm trong khu dân cư đã đăng ký di dời lên Nghĩa trang Hòa Ninh là 4.925 mộ, trong đó Hải Châu 1.015 mộ, Sơn Trà 2.671 mộ, Thanh Khê 1.242 mộ. Đó là chưa kể một số mộ khác được thân nhân dời về các nghĩa trang gia tộc không nằm trong quy hoạch ở Hòa Khương hoặc ở một số xã của huyện Điện Bàn giáp ranh với Đà Nẵng như Điện Nam, Điện Ngọc…

Từ năm 1978, xuất phát từ quan niệm dân gian “sống cái nhà, già cái mồ”, các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã lo chuyện “về cõi vĩnh hằng” cho người dân khi cho thành lập Nghĩa trang Sơn Gà (quen gọi là Gò Cà) với diện tích gần 20ha ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Năm 2001, thành phố Đà Nẵng mở thêm Nghĩa trang Hòa Sơn với gần 135ha tại xã Hòa Sơn. Mấy năm gần đây, để giải quyết việc di dời mồ mả từ các vùng dự án quá lớn, Đà Nẵng mở tiếp Nghĩa trang Hòa Ninh với diện tích trên 50ha, hiện đã có gần 13 nghìn mộ.

Nếu Nghĩa trang Sơn Gà đã “khóa sổ” với trên 30 nghìn mộ thì Nghĩa trang Hòa Sơn nay đã mở rộng đến 300ha với trên 100 nghìn mộ (chủ yếu di dời từ các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ), đang mở rộng thêm 30ha để tiếp tục dời mồ mả từ các dự án ở Ngũ Hành Sơn. Ông Hoàng phân tích, đây là một quyết định hợp đạo nghĩa: Lúc đầu, thành phố định bố trí các mộ sẽ dời đợt mới ở Ngũ Hành Sơn lên Hòa Ninh, nhưng xét thấy “người dương” trong cùng một địa phương mà “người âm” lại ở hai nơi xa xôi, nên chỉ đạo dời lên Hòa Sơn để bà con có thể đi thăm viếng một chỗ.

Nghĩa trang là nơi gặp gỡ của hai “thế giới” - người sống và người đã khuất. Bình yên cho nơi yên nghỉ của hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người là điều cần thiết. Bởi lẽ, dương sao âm vậy, nghĩa trang cũng là một trong những công tác an sinh xã hội. Những ngôi mộ nằm lẫn khuất đâu đó trong khu dân cư một khi được “hòa nhập” với thế giới “người âm” tại những nghĩa trang cao ráo, sạch đẹp – nói theo quan niệm dân gian về tâm linh - sẽ mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn, an cư cho “người âm” và lạc nghiệp cho “người dương”.

10 năm trước, có đoàn công tác tỉnh Bình Dương (đang có nhiều bức xúc trong công tác di dời, giải tỏa) đến thăm Đà Nẵng, rất ngạc nhiên khi thấy Đà Nẵng cấp đất chôn cất người chết mà không thu một khoản lệ phí nào. Đoàn công tác càng ngạc nhiên hơn, khi biết ra rằng việc làm nhân nghĩa đó đã góp phần đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng các KCN, thể hiện tính nhân văn bắt nguồn từ truyền thống dân tộc “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.

Năm nay, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng Thái Đình Hoàng, tỉnh Cà Mau có ý định xây dựng nghĩa trang nhân dân và họ không ngần ngại ra học hỏi kinh nghiệm thành lập, quản lý nghĩa trang của Đà Nẵng.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.