.

Tìm mộ trên đất bạn

.

Đã 3 tháng trôi qua mà ông Lê Hữu Đốc, Vụ trưởng Vụ Công tác miền Trung và Tây Nguyên của Văn phòng Quốc hội vẫn chưa nguôi xúc động khi kể về hành trình tìm người chú của mình hy sinh trên đất bạn Lào với bao tình tiết ly kỳ.

Cất bốc hài cốt liệt sĩ Lê Hữu Hường (ảnh trái) và các hài cốt liệt sĩ được quy tập ở nước bạn.
Cất bốc hài cốt liệt sĩ Lê Hữu Hường (ảnh trái) và các hài cốt liệt sĩ được quy tập ở nước bạn.

Hai lần chạm đến khu mộ

Chiến sĩ Lê Hữu Hường quê làng Lệ Sơn, Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) thuộc đại đội trinh sát của Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trong  trận chiến đấu ở Đường 9 Nam Lào năm 1971, ông đã hy sinh cùng với 4 chiến sĩ trinh sát khác. Chiến sự đang ác liệt nhưng đơn vị vẫn chôn cất các liệt sĩ chu đáo với 5 ngôi mộ nằm liền kề nhau trên sườn đồi thuộc bản Mạy-ka-chá, huyện Sê-pôn, tỉnh Sa-van-na-khét (Lào), cách Sở Chỉ huy đường dây 559 chừng 30 phút lội bộ. Sau này CCB Phan Văn Vương, nguyên trung đội trưởng trinh sát, người từng thăm mộ kể lại như thế, và suốt 40 năm qua, gia đình chỉ biết trên giấy báo tử ghi liệt sĩ Lê Hữu Hường hy sinh ở chiến trường miền Nam.

Chị Hà Thị Luyện, chủ cửa hàng Hà Luyện bán dụng cụ thể thao 116 Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng nói rằng, tuy chỉ là cháu dâu của liệt sĩ Hường, nhưng hình ảnh người chú hy sinh và hài cốt lưu lạc đâu đó luôn thôi thúc chị phải đưa về cho bằng được. Hơn chục năm nay, chị cùng chồng là anh Đốc đi đến các nghĩa trang ở A Lưới, Hướng Hóa, Đường 9, Trường Sơn để dò tìm, nhưng đều thất vọng. May mắn đến, khi gia đình gặp ông Nguyễn Đức Chuyển, Phan Thị Kim Anh (Oanh), Phan Văn Vương là đồng đội cùng đơn vị với chú mình. Đặc biệt Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển thông thạo tiếng Lào, từng nhiều lần đưa đồng đội về nước, có mối quan hệ thân thiết với các ngành chức năng bên đó nên các thủ tục để qua nước bạn được tiến hành nhanh chóng.

Năm 2011, cả đoàn gồm anh Đốc và các CCB có chuyến đi đầu tiên. Từ huyện lỵ Sê-pôn, họ đi theo đường xe kéo gỗ vào bản Mạy-ka-chá. 40 năm đã trôi qua, dẫu nhớ rất kỹ nơi đơn vị từng đóng quân, nhưng các CCB vẫn không thể nào xác định được khu mộ. Sườn đồi trống trải năm nào, bây giờ là rừng cây lúp xúp. 5 ngày mày mò đi tìm, họ đành về tay không. Chờ hết mùa mưa, tháng 4-2012, đoàn lại tiếp tục lên đường. Lần này có thêm chị Hà Luyện và cán bộ, chiến sĩ đội quy tập liệt sĩ của Quân khu 4. Lại hai ngày ròng rã, quần nát cả khu vực nghi ngờ, cả đoàn đành thất vọng trở về. Họ không ngờ rằng, chỗ họ tìm chỉ cách các mộ liệt sĩ chừng 50m.

Như năm ngón tay trên một bàn tay

Hàng chục đêm giấc ngủ không tròn, tâm linh mách bảo với hai vợ chồng anh Đốc rằng, họ không thể nào tìm được chú mình nếu không đưa các liệt sĩ hy sinh với chú cùng về. Năm người như năm ngón tay trên một bàn tay. Không thể tách họ ra khỏi đồng đội đã từng sống chết có nhau. Muốn vậy phải thông báo cho gia đình các liệt sĩ ấy biết. Đại tá Nguyễn Đức Chuyển liên lạc với Ban Chính sách Sư đoàn 2 và Phòng Chính sách Quân khu 5 để tìm trích lục tên và quê quán các liệt sĩ. Anh Đốc lại nhờ cô em dâu làm ở Cục Chính sách, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tìm kiếm trong hồ sơ nơi ở hiện nay của các gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Trưởng (Hà Nam), Dương Hương (Bắc Giang), Vũ Tấn Cảnh (Hà Nội), Ngô Đình Thành (Bắc Giang). Dựa vào bạn bè, anh Đốc liên hệ với địa phương các liệt sĩ, xin số điện thoại và sắp xếp để họ lên Hà Nội gặp mình.

Các gia đình đã vô cùng bất ngờ khi biết được tung tích hài cốt người thân. Mọi người đón xe tàu vào Đà Nẵng. Cuộc hội ngộ bên sông Hàn có cả những giọt nước mắt mừng mừng, tủi tủi. Với lộ phí là 20 triệu đồng từ sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và thêm tiền hỗ trợ của gia đình anh Đốc, hơn hai mươi người, trong đó có những người giàu kinh nghiệm trong việc tìm mộ chí và cất bốc hài cốt liệt sĩ chia làm 3 xe, tiếp tục cuộc tìm kiếm.

Đến Sê-pôn vào lúc chiều tối ngày 5-4-2013, rà lại khu vực đã tìm lần trước, chỉ lệch đi một chút, thật bất ngờ, đoàn nhanh chóng phát hiện được khu mộ. Niềm vui òa vỡ tột cùng, cả đoàn trải bạt thức cả đêm ngoài rừng, đốt lửa đề phòng thú dữ, mong cho trời mau sáng. Nấm mồ đầu tiên được xác định là liệt sĩ Lê Hữu Hường nằm nông trên đất.

Liền đó chừng hai gang tay là liệt sĩ Trưởng, Cảnh, Hương. Xa hơn chừng 5m là liệt sĩ Thành. Khẽ khàng đưa từng mảnh xương đã nát vào túi và phủ lên quốc kỳ, những người em, người cháu liệt sĩ nghẹn ngào khi nghĩ đến mấy chục năm nay thân nhân của mình đã nằm lạnh lẽo giữa rừng núi xa xôi.
Một tình huống mới phát sinh trong quá trình quy tập. Cách khu mộ tập trung chừng 15m, đoàn xác định thêm một mộ liệt sĩ, tìm hiểu từ các nguồn thì biết rằng đây là chiến sĩ của đường dây 559, quê quán có thể ở Tuyên Quang. Không thể để đồng đội của chú mình tiếp tục nằm bơ vơ ở đây, vợ chồng anh Đốc quyết định cất bốc đem về Đà Nẵng. Năm lá cờ sải ra để phủ lên 6 hài cốt.

Vậy là 5 liệt sĩ của đại đội trinh sát năm xưa đều đã hồi hương và được địa phương đón tiếp trọng thể. Riêng ở xã Hòa Tiến, ngày 7-4-2013, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã truy điệu cả liệt sĩ Hường và liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Gia đình anh Đốc đã quyết định đặt hai quách chung một mộ ngay tại khu mộ gia đình, hy vọng với sự thành kính thiêng liêng, họ sẽ nhanh chóng tìm được thân nhân của liệt sĩ vô danh. Đến bây giờ ngôi mộ này mới chỉ lấp đất chứ chưa xây vững chắc để chờ đợi một ngày…

HỒNG VÂN
 

;
.
.
.
.
.