Hàng chục năm qua, Đà Nẵng đã góp phần làm vơi nhẹ gánh nặng xã hội qua việc nuôi dưỡng, bảo trợ không riêng gì người địa phương mà cả hàng trăm người đến từ các tỉnh bạn.
Bệnh nhân TT Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng được chăm sóc sức khỏe (ảnh trái) và tham gia các hoạt động văn thể mỹ. |
Trung tâm (TT) Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng hiện có 331 bệnh nhân (BN) được điều trị tại 5 khu: 3 dành cho nam, 1 dành cho nữ, 1 khu chăm sóc đặc biệt dành cho người già và người tàn tật không tự chăm sóc được, đặc biệt là các BN lên cơn kích động mạnh đe dọa tính mạng BN khác. Lúc chúng tôi đến gặp bữa trưa, các nhân viên của TT đang lấy từng mẩu xương trong món cá kho trước khi mang đến cho BN không tự chăm sóc được để đảm bảo an toàn cho họ.
Trong tổng số 331 BN đang điều dưỡng tại TT có 202 BN người Đà Nẵng, 75 người thường trú ở Quảng Nam và 32 người đến từ các tỉnh, thành khác và 22 người không rõ địa chỉ. 22 người này sau một thời gian điều trị thuyên giảm ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng mà không có thân nhân, được đưa về TT để tiếp tục điều dưỡng và chờ người thân đến nhận.
Theo Giám đốc TT Nguyễn Văn Được, Trung tâm hiện chỉ đủ sức cho 300 BN, thế nhưng vào cuối tháng 11 năm ngoái nơi này đã phải nhận đến 362 BN. Qua khảo sát, trong 202 BN người Đà Nẵng đã có đến 146 BN còn thân nhân nhưng không ai muốn nhận người bệnh về, họ cứ tưởng là Trung tâm phải có nhiệm vụ chăm sóc BN người nhà của họ suốt đời. Thực tế thì chỉ có hai đối tượng BN được TT chăm sóc suốt đời là BN có hành động nguy hiểm cho xã hội, bị bệnh hoang tưởng (giết cha mẹ, anh em…) và BN không còn thân nhân.
Theo quy định, BN người Đà Nẵng có thể làm đơn để được xét đưa vào chữa trị tại TT. Đối với BN các tỉnh bạn thì chỉ có trường hợp lang thang mới được giải quyết đưa vào đây. Vì thế, ông Được cho biết, một số người thường trú ngoài Đà Nẵng có người nhà mắc bệnh tâm thần đã “chạy chính sách” bằng cách nhập hộ khẩu vào thành phố. Người lang thang, nếu xác minh được quê quán thì TT liên lạc với người nhà đến đón họ về địa phương, một số người tỉnh táo hơn thì mua vé xe cho họ về. Qua thực tế, chính trường hợp thứ hai này thường quay trở lại Đà Nẵng nhiều hơn, bởi họ xem TT như là gia đình thứ hai, vào rồi là không ra nữa, trừ trường hợp bất khả kháng.
Bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên, Trưởng phòng Y tế, gần 20 năm công tác tại TT đã điều trị cho biết bao hoàn cảnh đáng thương, trong đó có một số ca là phụ nữ tâm thần mang thai ngoài xã hội. Mấy năm trước, có chị L.T.N. khoảng ngoài 30 tuổi, người Đăk Lăk, lang thang cơ nhỡ, khi vào TT thì mang thai đã gần 3 tháng. Chị hoàn toàn không biết khái niệm sinh nở là gì, đến khi chuyển dạ được bác sĩ chăm sóc mẹ tròn con vuông. Có điều, hài nhi chào đời xong là được làm thủ tục chuyển sang TT Bảo trợ xã hội ngay sát bên, vì người mẹ tâm thần không chăm sóc bé sơ sinh được. Những người cha bất đắc dĩ hãy nhìn lại mình, chớ nên lợi dụng sự không biết gì của phụ nữ tâm thần mà gây ra cảnh chia lìa đến đứt ruột tình cảm mẹ con thiêng liêng như thế.
TT Bảo trợ xã hội, ngoài trẻ mồ côi, còn nuôi dưỡng thêm 4 nhóm đối tượng khác: người cao tuổi không nơi nương tựa, người khuyết tật, người tâm thần nhẹ và người lang thang xin ăn. Theo ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc TT mỗi nhóm có một cách chăm sóc riêng, trong đó lo nhất là người tâm thần nhẹ, không biết họ “lên cơn” vào lúc nào. Có người, như ông Nguyễn Ngọc Tuấn người Nam Định, khi tỉnh thì cảm ơn sự chăm sóc của TT, khi “chập điện” là chửi đổng suốt cả ngày. Cá biệt, có người bị “tà nhập”, đang làm vườn thì bất thình lình giơ cuốc lên đập vào người bên cạnh một phát, phải đưa đi cấp cứu.
Ước tính Việt Nam có khoảng 10% dân số bị rối loạn tâm trí, tương đương khoảng 8,8 triệu người. Công tác điều trị cho người bệnh tâm thần vẫn còn những khoảng trống. Ngày 22-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Đề án 1215) với trọng tâm là điều trị y tế với người bệnh tâm thần, giúp họ phục hồi chức năng, để người bệnh tâm thần vẫn có thể sống tốt và giúp ích cho xã hội.
Với Đà Nẵng, trước khi triển khai đề án nhân văn này, lãnh đạo thành phố đã quyết định nâng cấp 3 phòng tại TT Điều dưỡng người tâm thần với tổng kinh phí 150 triệu đồng, dành riêng cho các BN diện chính sách (có 6 BN diện chính sách đang điều dưỡng tại TT: một thương binh nặng 1/4, một bệnh binh 2/3 và 6 con liệt sĩ).
Hàng chục năm qua, Đà Nẵng đã góp phần làm vơi nhẹ gánh nặng xã hội qua việc nuôi dưỡng, bảo trợ không riêng gì người địa phương mà đến hàng trăm người đến từ các tỉnh bạn. Nhân viên các TT nói trên còn kiêm luôn việc… đi xin tài trợ từ các nhà hảo tâm để nâng cao chất lượng suất ăn cho người được nuôi dưỡng.
115 tỷ đồng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần Cuối năm 2011, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012-2015, với tổng kinh phí dự kiến 115 tỷ đồng. Theo đó, từ nguồn kinh phí này, TT Bảo trợ xã hội sẽ được xây dựng một khu riêng với các trang thiết bị phục hồi chức năng để điều trị cho người tâm thần nhẹ; TT Điều dưỡng người tâm thần sẽ được nâng cấp mở rộng với quy mô từ 300 người lên 500 người, bảo đảm nuôi dưỡng, tổ chức lao động trị liệu, phục hồi chức năng cho người tâm thần nặng; Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố sẽ triển khai thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại bệnh viện, sửa chữa, nâng cấp và cung cấp trang thiết bị phục hồi chức năng... Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ