Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam than phiền rằng người ta không sợ kẹt xe nhưng sợ nhất là việc nhấn còi xe vô tội vạ của người sử dụng phương tiện giao thông.
Trong giao thông, đơn giản như cách bóp còi cũng cần phải học. |
Bóp còi mọi lúc mọi nơi
Người ta than thở về một Sài Gòn, Hà Nội với nạn kẹt xe như cơm bữa. Đó là một phần tất yếu của những thành phố lớn, đông dân nhưng giao thông đường bộ còn nhiều bất cập. Và Đà Nẵng đang trên đà phát triển thành một đô thị lớn ở miền Trung-Tây Nguyên nên cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam than phiền rằng người ta không sợ kẹt xe nhưng sợ nhất là việc nhấn còi xe vô tội vạ của người sử dụng phương tiện giao thông…
Việc tùy tiện nhấn còi mọi lúc, mọi nơi dường như trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Lúc chạy xe qua ngã ba, ngã tư hay chỗ đông người qua lại thì nhấn còi báo hiệu đã đành, đằng này chạy bon bon trên đường vắng vẻ cũng nhấn một hồi còi dài cho… đỡ buồn! Về đến trước nhà, dù sáng sớm hay đêm khuya, lười xuống xe mở cửa, liền nhấn còi toe toe, ba hồi ngắn, hai hồi dài để vợ con nhận “mật hiệu” mà còn ra mở cổng! Thậm chí, mấy cậu trẻ trai không việc gì làm hứng chí rủ nhau phóng xe, đánh võng lượn lờ khắp khu dân cư vừa rú ga vừa bóp còi inh ỏi như xe cứu hỏa.
Đó mới chỉ là những thanh âm đơn lẻ chưa thấm vào đâu so với dàn hợp xướng tiếng còi tại các ngã ba, ngã tư ở các nút giao thông thường xảy ra kẹt xe. Mỗi tầm tan trường, là địa bàn có hai Trường THPT Phan Châu Trinh và Trần Phú lớn nhất nhì thành phố. Dù giờ tan học của hai trường đã bố trí lệch giờ nhau đến 15 phút nhưng hiện tượng kẹt xe vẫn xảy ra như cơm bữa. Phụ huynh đến đón con em giành nhau chỗ đỗ xe, dù nhà trường đã có bảng chỉ dẫn chỉ được đậu xe cách trường hàng trăm mét. Đón được rồi thì lại chen chúc giành đường ra về. Thế là tiếng còi được sử dụng thay cho ngôn ngữ nói - một bản “hòa tấu” đinh tai các loại còi xe từ xe máy đến ô-tô.
Cần học cách bóp còi
Nhiều người xứ Quảng có dịp đi ra nước ngoài về nhận xét một cách rất chi là... Thủ Thiệm: Ở châu Âu, châu Mỹ cái chi cũng có, nhưng chỉ cái còi thì không! Mặc dù hệ thống giao thông ở các nước Âu, Mỹ vô cùng hiện đại nhưng không tránh khỏi vấn nạn kẹt xe. Tuy nhiên, người tham gia giao thông kiên nhẫn chờ đợi và không bóp còi. Ngay như ở Băng Cốc, Thái Lan, thành phố được mệnh danh là “Không kẹt xe không phải Băng Cốc” thì lái xe vẫn không có thói quen dùng còi khi tham gia giao thông, đến nỗi có người nói đùa rằng bên Thái người ta tháo hẳn bộ phận còi khi bán xe cho dân. Chính vì vậy, nhiều người Việt khi mới sang sinh sống và học tập ở trời Tây đã phải học bài học đầu tiên về… cách bóp còi!
Thực ra nhiều người tham gia giao thông thừa biết tiếng còi chỉ có tác dụng xin đường. Những lúc kẹt xe thì âm thanh ấy không giải quyết được gì mà chỉ làm căng thẳng thần kinh hơn. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Trung tâm Dịch vụ Y học lao động và Môi trường thì khi tiếp xúc âm thanh tiếng còi có cường độ cao trong thời gian dài thì gây ra bệnh điếc không phục hồi, mệt mỏi, stress… gián tiếp làm tăng các bệnh tim mạch, tiêu hóa. Và nếu bất ngờ nghe tiếng còi có âm lượng 130dB thì có thể… rách màng nhĩ.
Đó là chưa kể một số tai nạn thương tâm xảy ra vì lái xe bóp còi vô ý thức, như trường hợp một người mẹ chở con gái 2 tuổi chạy xe Attila trên đường Kha Vạn Cân, TP. Hồ Chí Minh trước đây. Bất ngờ có tiếng còi quá lớn của chiếc xe bồn chạy phía sau, người mẹ một tay giữ con, một tay bóp thắng. Gấp quá, xe chị ngã xuống đường, đứa bé văng ra ngoài, ngay lúc đó bánh xe bồn trờ tới... Một cái chết thảm vì tài xế không học cách bóp còi!
Vậy mà hằng ngày, hằng giờ tiếng còi xe máy, ô-tô vẫn được người tham gia giao thông sử dụng hết công suất. Hóa ra bên cạnh nỗi lo về thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên… thì giờ đây chúng ta lại phải đương đầu với sự ô nhiễm tiếng còi và các hệ quả của nó mang lại. Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm còi từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau nhưng xem ra không mấy hiệu lực. Đêm đêm, tiếng còi vẫn ngang nhiên lôi con người khỏi giấc ngủ bình yên.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, dân mình cần phải học lại cách bóp còi. Cần phải tạo cho người tham gia giao thông ý thức sử dụng tiếng còi một cách hiệu quả; nếu được phải đưa luôn vào chương trình giáo học từ bậc tiểu học để hình thành một nhận thức về văn hóa tham gia giao thông.
Và trong khi chờ đợi các biện pháp tích cực từ nhiều phía thì người dân chỉ ước rằng: Giá như đừng có cái còi…
NHƯ HẠNH