.

Phía trước tay lái là cuộc sống

.

Hơn một tháng thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe đường bộ” của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường cho đội ngũ lái xe (LX). Tìm hiểu tại một số cơ sở đào tạo cho thấy, yếu tố “nghề” vẫn chưa được nhiều học viên chú ý…

 Giáo viên hướng dẫn học viên thực hành bài lùi xe theo đường zic zăc.			      Ảnh: T.Y
Giáo viên hướng dẫn học viên thực hành bài lùi xe theo đường zic zăc. Ảnh: T.Y

Điểm mới trong kỳ thi sát hạch

Bắt đầu từ 1-7, các trung tâm, cơ sở đào tạo LX trên cả nước bắt đầu áp dụng bộ đề theo quy chuẩn mới của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam trong thi sát hạch cấp giấy phép LX. Theo quy định mới, bộ câu hỏi sát hạch LX cơ giới đường bộ gồm 450 câu thay vì 405 câu như trước đây. Ngoài ra, một số câu hỏi có từ 1 đến 2 đáp áp đúng, không còn câu trả lời kiểu “tất cả các câu trên đều đúng”. Nội dung câu hỏi tăng thêm tập trung nâng cao đạo đức người LX, hiểu biết luật, kỹ năng xử lý tình huống, phương pháp sơ cấp cứu khi gặp người bị nạn. Thời gian thi lý thuyết trắc nghiệm 30 câu hỏi được thực hiện trong 20 phút (rút ngắn 5 phút) và người thi hạng B1, B2 phải trả lời đúng đáp án 26/30 câu hỏi, C, D, E là 28/30 câu hỏi mới đủ điểm đậu.

Ngoài lý thuyết, phần thực hành cũng được điều chỉnh theo hướng khó hơn. Giáo trình mới yêu cầu học viên phải học thêm đường đi zic zăc, thực hành trên xe số tự động trong vòng 10 tiếng. Dù chưa đưa vào phần thi chính thức, nhưng kết thúc mỗi phần học này, học viên sẽ được kiểm tra. Đặc biệt, trong bài “để xe vào nơi đỗ”, chiều ngang bãi đỗ giảm từ 6,5 mét xuống 5,2 mét, đồng thời phần đường “lấy đà” trước khi đánh xe vào bãi đỗ bị rút xuống còn 12,8 mét (trước là 15,25 mét).

Ông Nguyễn Hồng Khanh, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề số 5 thuộc Bộ Quốc phòng cho biết, điều khiển xe tiến, lùi trên sa đồ hình zic zăc rất khó với học viên học hạng B1, B2. Nhiều học viên thực hành liên tục cả tuần vẫn không đạt. “Với sa đồ trên, học viên cần phải tập luyện nhiều hơn mới mong thi đỗ. Mặt khác, thời gian thi rút ngắn còn 15 phút (rút ngắn 5 phút) sẽ gây không ít khó khăn cho học viên”, ông Khanh nói.

Những điểm mới trong bộ đề sửa đổi buộc học viên phải nghiêm túc, dành nhiều thời gian cho việc học lý thuyết và thực hành. Ông Nguyễn Đình Thảo, Hiệu phó Trường Trung cấp Nghề Giao thông công chính thuộc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2012, nhà trường đã mời cán bộ y tế về hướng dẫn phương pháp sơ cấp cứu cho đội ngũ giáo viên, trang bị 2 xe số tự động từ tháng 3-2013, bảo đảm việc áp dụng thi đề mới đầu tháng 7. Cũng theo ông Thảo, “bên cạnh giáo trình soạn thảo theo hướng mới, chúng tôi khuyến khích giáo viên đưa thêm tình huống giao thông và cách xử lý nhằm nâng cao ý thức, đạo đức người LX. Nếu học viên học đối phó thì khó vượt qua các kỳ thi sát hạch”.

“Đầu ra” có chất lượng?

Thời gian đào tạo không thay đổi nhưng bộ câu hỏi “dày” hơn, hóc búa hơn và phần thực hành khó khăn hơn khiến nhiều người thắc mắc, liệu học viên có đủ thời gian để học kỹ từng môn. Và, liệu “đầu ra” có phản ánh đúng thực chất năng lực cũng như đạo đức người LX?

Về điều này, ông Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề 579 cho rằng, thời gian đào tạo vài tháng chỉ giúp học viên nắm được một số kiến thức cơ bản chứ chưa thể chuyên sâu vào từng mục cụ thể. Bên cạnh đó, bằng cấp khó phản ánh đúng kiến thức và kỹ thuật của LX, càng không thể đánh giá được đạo đức nghề nghiệp. Không hiếm trường hợp học viên quên ngay biển báo giao thông khi vừa kết thúc khóa học bởi suy nghĩ học chỉ để có bằng.

Đào tạo LX ô-tô từ tháng 10-2007, Trung tâm Đào tạo nghề 579 là 1 trong 8 cơ sở đào tạo được cấp phép hoạt động tại Đà Nẵng. Trung bình mỗi khóa, tỷ lệ đậu ở trung tâm này khoảng 90%, thấp nhất Đà Nẵng. Giải thích điều này, ông Lê Thanh Hùng nói: “Học viên nào vắng quá 20% số giờ quy định và không đạt trong các kỳ kiểm tra sẽ phải ôn luyện chờ thi khóa sau. Theo tôi, nếu không quản lý chặt “đầu ra” sẽ rất nguy hiểm bởi sẽ cho ra đời một đội ngũ LX không đạt chuẩn”.

Ông Lê Văn Sanh, giáo viên tại Trung tâm Đào tạo nghề 579 có bằng lái từ 1989 và nhiều năm làm tài xế tuyến đường Bắc-Nam nên hiểu khá rõ về Luật Giao thông cũng như thói quen tham gia giao thông ở từng địa phương. Khi đứng trên bục giảng, ông Sanh không những truyền đạt kiến thức có theo giáo trình mà xen kẽ vào đó là những tình huống đúc kết từ kinh nghiệm cầm lái của mình. Ông cho biết, trong thời gian ngắn, học viên khó thuộc hết hàng trăm biển chỉ dẫn mà chủ yếu là làm quen để nâng cao sự hiểu biết. Nhiều học viên học lý thuyết khá thụ động, học thuộc chỉ để đối phó với bài thi ở lớp. Việc đòi hỏi sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, học viên phải nắm hết kiến thức về giao thông đường bộ là điều quá sức với học viên cũng như các trung tâm. Bởi ý thức là tự thân, dựa trên hiểu biết về luật và cần có thời gian để ý thức ấy chín muồi.

Yếu tố “nghề” chưa được chú ý

Hiện nay, học viên tại các trung tâm đào tạo phần lớn lấy bằng LX hạng B2. Điểm khác nhau duy nhất là B2 được hành nghề vận tải, kinh doanh còn B1 thì không. Chỉ cần thêm thời gian 1 tuần học về nghề vận tải và vài trăm nghìn học phí, học viên có thể lấy bằng hạng B2 với nội dung đào tạo không khác là bao. Vì thế, nhiều học viên học B2 nhưng không có ý định hành nghề tỏ ra rất lơ là trong những tiết học về nghề vận tải cũng như cách ứng xử với hàng hóa, hành khách. Anh Lê Văn Khoa, phường Chính Gián, quận Thanh Khê đang theo học hạng B2 tại Trường Cao đẳng nghề số 5 thẳng thắn: “Nhân thời gian rảnh tôi đi học lấy cái bằng LX để đó khi nào có dịp cần thì dùng đến chứ chưa xác định học ra để làm gì. Vì thế, những kiến thức về nghề vận tải tôi chỉ đọc qua cho biết chứ chưa thật sự chú ý”.

Bên cạnh đó, để nâng hạng giấy phép LX ô-tô thì ngoài quy định chung đối với người học, còn quy định thêm về thâm niên và số km LX an toàn. Cụ thể hạng B1 lên B2 từ 1 năm trở lên và có 12.000km LX an toàn; hạng B2 lên C, C lên D, D lên E và các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng có 3 năm trở lên và 50.000km LX an toàn. Trường hợp B2 lên thẳng D; C lên thẳng E có 5 năm trở lên và 100.000km LX an toàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lãnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề số 5 nói, khi học viên đến đăng ký, rất khó để kiểm chứng học viên đã đi đủ km an toàn hay chưa bởi hồ sơ chỉ dựa vào bản xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc bản tự khai có xác nhận của chính quyền cấp xã, phường về km an toàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cho ra đời những “quái xế” điều khiển những xe khách, xe vận tải có đầy đủ bằng cấp nhưng thiếu độ chín trong nghề, hạn chế về luật nên khi gặp tình huống bất ngờ rất dễ gây ra tai nạn.

Một số giáo viên phản ánh rằng, học viên nâng hạng giấy phép LX thường hay mắc lỗi ý thức vì tư tưởng chủ quan, nghĩ mình lái tốt. Ông Nguyễn Nam Phương, giáo viên Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính chia sẻ: “Khi hướng dẫn thực hành, nếu học viên mắc lỗi về kỹ thuật thì có thể bỏ qua, nhắc nhở nhưng lỗi về ý thức thì rất khó. Bây giờ, họ nghe lời giáo viên vì có nhiều ràng buộc chứ khi kết thúc khóa học thường quay lại những thói quen giao thông cũ. Nếu họ học về hành nghề mà không tự ý thức phía trước tay lái là cuộc sống, là sinh mạng của nhiều người thì chắc chắn, tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra trên mỗi chặng đường”.

Bên cạnh ý thức và đạo đức nghề nghiệp, đối với người LX ô-tô thì yêu cầu quan trọng nhất là phải tuyệt đối tuân thủ luật giao thông đường bộ và các quy định về sức khỏe, tránh mỏi mệt khi cầm lái, điều đó rất có lợi cho sự an toàn của bạn và cả cộng đồng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.