.

Luôn có một tấm lòng

Gần đây trên cánh cổng một trường học ở tỉnh Thái Bình có câu khẩu hiệu đầy ấn tượng: “Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin - Nếu sống trong tình thương, em có lòng nhân ái”.

Câu khẩu hiệu này treo đúng vào vị trí biển tên trường nên chắc cũng chỉ nhằm phục vụ cho một đợt sinh hoạt chính trị nhất thời nào đó ở ngôi trường này, nhưng qua đấy có thể nhận ra thông điệp để đời của nhà trường về mục tiêu đào tạo: phải đào tạo những học sinh vừa có lòng tự tin vừa có lòng nhân ái, cũng là thông điệp để đời về sứ mệnh của người dạy học: phải biết khích lệ những nỗ lực dù rất nhỏ của học trò và phải luôn có tấm lòng yêu thương học trò.

Ai cũng biết rụt rè có thể do bản tính mà có, nhưng tự tin chỉ có thể do giáo dục mà thành. Người học cảm thấy tự tin khi mình có đủ hiểu biết và muốn thế thì phải cần đến nhà trường, bởi nhà trường chính là nơi cung cấp kiến thức/tri thức một cách hệ thống và phong phú nhất. Tuy nhiên không phải lúc nào người học cũng thừa tự tin để cảm thấy mình hiểu biết đầy đủ cái hệ thống kiến thức/tri thức phong phú ấy. Trong trường hợp này, người học rất cần tới sự khích lệ. Người đủ sức vươn đến đích cũng cần sự khích lệ. Người vươn đến đích sớm nhất càng cần sự khích lệ. Nhưng cần sự khích lệ hơn cả là người chưa đến đích thậm chí là người còn xa mới đến đích. Nếu không được khích lệ đúng mức để có thể tự tin rằng mình vẫn có, vẫn còn khả năng đến đích thì người chưa đến đích và nhất là người còn xa mới đến đích rất dễ nản lòng bỏ cuộc.

Nghề dạy học có một điều thú vị là người nhớ đến thầy giáo/cô giáo cũ dài lâu nhất, chân thành nhất lại thường là những học sinh va vấp - chứ không phải những học sinh suôn sẻ - trong quá trình học tập. Đó chính là những người đến đích chậm hơn thiên hạ mà không quên rằng mình có thể đã không đến đích được nếu không có sự khích lệ vô giá của cô giáo/thầy giáo ngày nào.   

Chính nhờ biết khích lệ để tạo nên lòng tự tin cho học trò mà nghề dạy học và người dạy học vẫn tiếp tục đồng hành cùng cuộc sống đương đại. Người thầy giáo dạy qua mạng hoặc trên truyền hình dẫu có phong cách mô phạm mẫu mực đến mấy cũng không thể khích lệ được người học, kể cả người đủ sức vươn đến đích, người vươn đến đích sớm nhất, người chưa đến đích và người còn xa mới đến đích. Vì muốn khích lệ thì đòi hỏi phải có sự giao tiếp giữa thầy và trò, và quan trọng hơn là phải xuất phát từ niềm tin của người thầy vào nỗ lực vươn lên trong bản thân từng người học. Đối với người chưa đến đích và người còn xa mới đến đích, người thầy phải có niềm tin rằng họ vẫn có thể đến đích nếu không nản lòng bỏ cuộc; còn đối với người đủ sức vươn đến đích và người vươn đến đích sớm nhất, người thầy phải xuất phát từ niềm tin vào sự hưng phấn và chí tiến thủ không ngừng của họ.

Tuy nhiên với những cô giáo/thầy giáo có năng lực sư phạm, khích lệ không hề đồng nghĩa với sự vuốt ve. Khích lệ để tạo nên lòng tự tin là khích lệ có ràng buộc điều kiện. Muốn có được lòng tự tin thì người học không nên mặc cảm tự ti - điều đó đã đành - mà cũng không nên tự cao tự đại, và quan trọng nhất là cần biết rõ bản thân đang có khiếm khuyết hạn chế gì có thể cản trở mình đến đích hoặc vươn tới một đích xa hơn, một đỉnh cao hơn. Khích lệ để tạo nên lòng tự tin chính là làm cho người học có đủ quyết tâm và lòng kiên trì vượt qua trở lực ấy của chính họ.

Các nhà trường phổ thông nhiều chục năm nay có một câu được xem là kinh nhật tụng đối với thầy giáo/cô giáo: Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu. Cho nên tình yêu thương dành cho học trò từ lâu đã trở thành một trong những phẩm chất hàng đầu của người làm nghề dạy học. Chính lòng yêu thương mới là nhân tố quan trọng để cô giáo/thầy giáo có thể sẵn sàng khích lệ mọi học sinh. Tất nhiên tùy vào khí chất, thậm chí tùy vào giới tính mà mỗi người thương yêu học trò mình theo một cách khác nhau.

Có người - cô giáo cũng như thầy giáo mà thường là cô giáo - thể hiện tình thương yêu học trò qua ánh mắt dịu dàng và nụ cười đôn hậu và khi học sinh gây ra chuyện phiền lòng thì hoặc chỉ là một cái nhíu mày hay quá lắm là một nụ cười buồn. Có người - thầy giáo cũng như cô giáo mà thường là thầy giáo - thể hiện tình thương yêu học trò qua vẻ mặt đăm chiêu và cái nhìn nghiêm khắc và có thể thẳng thắn bộc lộ sự phiền lòng đối với học trò một cách giận dữ. Hạnh phúc thay cho những ai trong quãng đời đi học được cô giáo/thầy giáo dạy mình yêu thương bằng cả hai sắc thái tình cảm vừa nêu. Và đúng như câu khẩu hiệu treo trên cổng trường được nhắc ở đầu bài viết, rõ ràng sống trong tình thương yêu của thầy cô, học sinh sẽ có lòng thương người hay cao hơn một mức là lòng trắc ẩn, sẽ không vô cảm trước nỗi buồn/nỗi đau/nỗi bất hạnh của người khác.

Tuy nhiên cần thấy sự khích lệ và tình thương yêu đáng quý nhất, có ý nghĩa nhất, sâu sắc nhất mà các cô giáo/thầy giáo có thể dành cho học trò mình là sự khích lệ và tình thương yêu được thể hiện qua từng giờ dạy và qua toàn bộ nhân cách người thầy. Những giờ dạy “cháy hết mình” đầy ám ảnh đó bộc lộ không chỉ kiến thức uyên thâm mà còn cả tài năng sư phạm của người dạy học. Những giờ dạy mang tính chuyên nghiệp cao như vậy không có chỗ cho sự hời hợt trong quá trình chuẩn bị lên lớp, không có chỗ cho sự đơn điệu nhàm chán do lối dạy độc thoại thầy đọc trò chép và biến tướng trong thời đại công nghệ thông tin là thầy chiếu trò ghi

Nhân cách người thầy và đạo đức nhà giáo trước hết đòi hỏi tính chuyên nghiệp không ngừng được rèn giũa đồng thời đòi hỏi khả năng vượt qua/thoát khỏi các áp lực mà người dạy học phải chịu đựng, chẳng hạn như áp lực của bệnh thành tích/hư danh trong thi cử, như áp lực của sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang làm tổn thương trực tiếp đến truyền thống tôn sư trọng đạo, như áp lực của cơm áo đời thường giữa thời bão giá… Có không ít người làm nghề dạy học dẫu rất yêu nghề mà đành phải bỏ nghề vì không trụ nổi trước những áp lực nặng nề và ghê gớm ấy và đương nhiên cũng có không ít người vẫn ngời sáng như một tấm gương cho học trò noi theo về lẽ sống ở đời. Nhờ có họ - đúng hơn là nhờ họ luôn có tấm lòng yêu thương học trò mà các thế hệ học sinh ngày nay có thể rời ghế nhà trường bước vào cuộc mưu sinh với hai hành trang căn bản là lòng tự tin và lòng nhân ái.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.