.

"Tôi không quên tiếng Pháp"

.

Sau bão số 11, điện thoại Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh ở số nhà 72 trên đường phố cùng tên bị hỏng. Chúng tôi đường đột đến thăm người đang trông nom ngôi nhà là bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại của nhà cách mạng mở đầu phong trào Duy tân này mà không báo trước. Rất may, bà có ở nhà và đón chúng tôi với nụ cười khả kính.

Gần chạm nấc cửu tuần, bà chừng như quên hẳn tuổi tác chồng chất mỗi khi có ai đó hỏi về những năm tháng khó thể nguôi quên trong đời mình. Mái tóc bạc trắng, mắt dấu chân chim, nhưng giọng nói của bà vẫn sôi nổi như những lần chúng tôi gặp trước đó…

Học tiếng Ý qua... tiếng Pháp

Học tiếng Việt đến độ biết đọc biết viết, cô nữ sinh ngày đó là bà phải tập trung học tiếng Pháp, tuy đây là ngôn ngữ phụ nhưng lại là chính, bởi các môn học ngày đó đều được thầy, cô giáo giảng bằng tiếng Pháp. Bà cũng thích, bởi nó hay, một ngôn ngữ lâu đời với những văn hào lớn. Chính những cuốn sách như Những người khốn khổ của Victor Hugo, Truyện ngụ ngôn của La Fontaine… đã mang lại cho bà niềm đam mê văn học.

Văn ôn võ luyện, nhất là ngoại ngữ, nếu không ôn luyện thì sẽ mai một ngay. Thời chống Pháp, bà bỏ bê “ngôn ngữ của thực dân” cho đến khi ra Bắc, tham gia đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Để có đủ vốn từ tham gia hội nghị, bà bỏ ra mấy ngày trời xem ti-vi, nghe người ta nói tiếng Pháp mà ôn lại sau mấy chục năm; chỗ nào không hiểu thì hỏi anh em Việt kiều. Lúc đầu họ bảo một Việt kiều theo làm phiên dịch cho bà, nhưng thấy người này nói không hay, bà kiếm cớ từ chối khéo.

Hồi đó bà chủ yếu làm công tác ngoại giao với các nước trong khối tiếng Pháp như Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch… Người nước ngoài thấy mình hiểu được tiếng nói, lịch sử của nước họ thì họ dễ cảm thông lắm. Lúc làm Đại sứ ở Ý, bà lúc đầu nhờ nhân viên Tòa Đại sứ làm phiên dịch, sau thấy họ nói tệ quá, không diễn đạt hết ý của mình nên bà quyết tâm học cho được tiếng Ý. Cũng may, tiếng Pháp và tiếng Ý trùng nhau hơn một nửa.

Bên Pháp có sách dạy cho người Pháp tự học tiếng Anh, tiếng Ý và một số ngôn ngữ khác. Tôi tự học bằng cách đó – bà nhớ lại. Ban ngày việc quá nhiều, đến tối mới ngồi dở sách ra, mở băng ghi âm, vừa nghe vừa nhẩm theo. Nhiều khi buồn ngủ, máy cứ nói, người cứ ngủ. Nhưng nó cũng nhập vô tiềm thức... 3 tháng sau, khi đến làm việc với người ta, tôi nói trực tiếp bằng tiếng Ý. Mọi người ngạc nhiên, khen lấy khen để. Tôi thì bảo, tôi học tiếng Ý qua tiếng Pháp nên lõm bõm vậy thôi, chỗ nào sai thì nhờ anh em sửa giùm, chứ học mót thì sao giỏi bằng học có bài bản được.

Đi tìm ông ngoại bên trời Tây

"Mãi đến giờ tôi vẫn không quên tiếng Pháp, sau tiếng Việt mẹ đẻ thì tiếng Pháp là ngôn ngữ giúp tôi diễn tả hết các trạng thái mình muốn nói. Có lần tôi tả cảnh chiến tranh ở nước mình, người dân thắc thỏm sống dưới mưa bom bão đạn, trẻ em phải đội mũ rơm đến lớp… dân Pháp nghe, họ khóc. Ngôn ngữ có thuận lợi như thế."

Nghỉ hưu, bà tập trung lo làm nhà thờ và viết sách về ông ngoại mình. Bà cất công qua Pháp, đến Thư khố Quốc gia Hải ngoại Pháp ở Aix-en-Provence để tìm tài liệu về các phong trào và nhân vật quan trọng ở Đông Dương từ trước và trong đầu thế kỷ XX. Sau hai đợt sưu tầm trong các năm 1995 và 1998, tổng cộng 6 tháng ở Pháp, được sự giúp đỡ của một số nhà nghiên cứu ở Pháp và trong nước, bà và bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) đã thu gom được hàng ngàn trang tư liệu quý giá liên quan tới cụ Phan Châu Trinh.

Pháp dịch tất cả các văn kiện nước ngoài sang tiếng Pháp, bà bảo, bản gốc thì không biết ở đâu, nhưng bản sao thì có đầy. Nhờ biết tiếng Pháp nên tôi rất thuận lợi trong việc đi tìm tư liệu về ông ngoại mình. Tìm và chọn xong, nhờ nhân viên Thư khố photocopy, tốn tiền nhiều nhất về khoản này. Họ biết thế, nên rút nhỏ khổ lại còn một nửa cho mình đỡ tốn kém. Mình tặng họ mấy hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, họ rất thích, sẵn lòng giúp ngay…

Bà dừng lại, nhấp chén trà. Tôi hình dung ra khối lượng công việc của bà nơi trời Tây để hình thành nên bộ sách quý Phan Châu Trinh qua những tư liệu mới 2 tập do NXB Đà Nẵng ấn hành với gần 1.800 trang.

Những dịch giả xưa của Pháp họ kinh khủng lắm, bà tiếp. Bản Trung Kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký (Tập ký kêu oan kể đầu đuôi vụ dân biến ở Trung Kỳ của Phan Châu Trinh - NV), họ cũng dịch sang tiếng Pháp. Cả những bản cụ Phan tố cáo ách cai trị của Pháp cũng đều dịch hết. Họ làm kỹ lắm, dịch lột hết ý bản gốc, đọc rất thích. Những người Pháp sang bên nước mình, họ dịch từ chữ Nho sang quốc ngữ, rồi từ quốc ngữ sang tiếng Pháp, có người dịch thẳng từ chữ Nho sang tiếng Pháp. Quá giỏi!

Mà đâu chỉ riêng tiếng mình, mà các thứ tiếng thuộc địa của họ, họ đều dịch hết. Thuộc địa đến đâu, họ hốt hết tài liệu. Tàu họ kéo cờ vào cảng bắt đầu xâm lược ngày hôm trước là ngày hôm sau đã có văn kiện gửi về nước. Họ tả tỉ mỉ những đoàn của mình qua Pháp như thế nào, như chuyện Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh qua Pháp, tả cảnh vô cung điện, chào hỏi như thế nào. Nhờ đó mà mình hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa nước nhà…

Bà đang tập trung viết về ông Ernest Babut, một nhân vật người Pháp có tầm ảnh hưởng nhất định đến cuộc đời cụ Phan. Cường độ làm việc của bà thật đáng nể! Mỗi lần đi ngang số nhà 72 Phan Châu Trinh, lại mường tượng đến một bà lão tóc trắng như mây, ngót nghét cửu tuần mà vẫn chưa bằng lòng với những gì mình đã làm được trong việc khắc họa rõ nét hơn về hành trạng của ông ngoại mình qua ngôn ngữ thứ hai là tiếng Pháp.

Bà Lê Thị Kinh  (ảnh trên) sinh năm 1925, khi đi làm đối ngoại lấy tên là Phan Thị Minh. Từng tham gia đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Sau 1975, tiếp tục làm việc trong Bộ Ngoại giao thống nhất. Từ năm 1982 đến 1986, là đại sứ Việt Nam tại Ý, kiêm nhiệm một số nước vùng Địa Trung Hải và các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Rome; Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế tại Bộ Ngoại giao cho đến khi về nghỉ hưu tại Đà Nẵng năm 1990. Sáng lập và chủ trì Hội từ thiện và CLB Tiếng Pháp QN-ĐN.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.