Ăn chắc mặc bền. Không biết từ bao giờ, thành ngữ này đã gắn liền với thuộc tính của người dân xứ Quảng trong việc ăn và mặc.
Áo lương là một trang phục khó bị lỗi thời của người Quảng (ảnh trái). Trang phục áo cưới cổ truyền khiến cho người nước ngoài cũng phải nể phục. TRONG ẢNH: Cảnh rước dâu trong một đám cưới ở quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. |
1. Thời tóc để chỏm, tôi là thằng bé hạnh phúc nhất trong đám trẻ con ở làng Hà Lộc quê tôi, cách Hội An chưa tới 5 cây số. Mỗi lần có lễ lạt là y như rằng tôi được ông nội “giao nhiệm vụ” ôm đôi guốc đẽo bằng gỗ thầu đâu tháp tùng theo ông trước ánh mắt ngưỡng mộ của lũ nhóc ở làng. Đó là đôi guốc được ba tôi lùng mua khắp chợ Hội An, có quai bằng da bò chính hiệu để làm quà Tết cho nội. Gần trưa, gác lại chuyện ruộng vườn, rửa mặt qua loa xong là nội “trồng” vào bộ áo dài khăn đóng, với tay lấy cái dù đen móc trên tường và lớn tiếng giục tôi.
Hầu hết các cụ trong làng tôi ngày đó đều đi chân trần, chừng như để cho cơ thể mình lúc nào cũng gần gũi với đất đai, cái mà nội bảo là một trong tam tài Thiên Địa Nhân theo sách vở thánh hiền. Chỉ tới khi gần tới nơi có lễ lạt, mới tạt xuống ao làng rửa chân qua quýt và xỏ guốc vào, vuốt nhẹ vạt áo dài, chỉnh lại cái khăn đóng rồi trịnh trọng cất bước. Quai da bò thấm nước, nở ra ôm mấy ngón chân quá khổ và đầy sẹo của nội. Nội nhón chân bước đi, mãi về sau này tôi vẫn không rõ vì nội sợ quai tuột mất hay vì chân trần ra ruộng không quen đi guốc?
Ba tôi kể, vào hàng nội tổ của tôi ngày trước có ông Quyền, ông từng tham gia Nghĩa hội Quảng Nam của Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu. Thời họ Nguyễn cùng với Châu Thượng Văn (người Minh Hương ở Hội An) lên làng tôi theo học cụ Cử nhân Lê Tấn Toán thì mọi người còn bới tóc thành một nắm tròn đằng sau như củ hành, gọi là búi tó củ hành. Thành thử, các cụ trong làng mặc áo lương - loại hàng mỏng dệt bằng tơ, thường dùng để may áo dài đàn ông, tương tự như áo the của người miền Bắc - nhưng cái đầu thì rất chi là... An Nam như di ảnh của vua Hàm Nghi (1871 - 1943).
2. Khi ra sống ở vùng Cẩm Lệ, tôi biết khá nhiều thợ may cao tuổi, không hẳn vì đam mê à la mode (ăn mặc sành điệu, đúng mốt) như cách gọi của những người chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp này, mà vì thường đưa mẹ tôi đến để may áo dài.
Ông Hồ Văn Thùy kể, nội ông có tài viết liễn đối bằng chữ Nho cả vùng đất Hòa Xuân xưa không ai theo kịp, được ban hàm Cửu phẩm, gọi theo tên con là ông Cửu Trứ. Nếu ông Cửu “hoa tay” mười ngón thì con ông, tức cha ông Thùy, dù không nối nghiệp chữ nghĩa nhưng cũng nổi tiếng khắp vùng là thợ may giỏi, chuyên may các loại áo dài, áo bà ba, áo thầy tu… thời Pháp. Khi ông Thùy nối nghiệp cha thì các loại “đồ cổ” đó đã bị démodé (“đề-mốt”, lỗi thời), phải xuống Đà Nẵng để học cách may Âu phục.
Do đã biết nghề nên ông Thùy không phải “thí công” như trường hợp các ông Nguyễn Lộc, Hồ Văn Thông. Hai ông này mất nửa năm làm nhiệm vụ lau tủ, pha trà, đơm khuy, làm nút... trước khi thầy cho đụng tới cái máy may. Ông Lộc 3 năm sau ra nghề, bỏ hai cây vàng mua cái máy may hiệu Singer mở tiệm bên chợ Cẩm Lệ. 60 năm qua, tuổi máy bằng tuổi nghề, ông đã may không biết bao nhiêu là áo quần các loại. Thập niên 50 thế kỷ trước, ông bảo, dân mình mặc toàn đồ màu sẫm, đằm để thích ứng với nghề nông - tất nhiên là trừ một số quan chức, người giàu có. Phụ nữ dù có màu mè hơn cũng không đến độ sặc sỡ, phần do quan niệm phụ nữ nông thôn phải mặc thế, phần do chất liệu vải ngày đó không phong phú như bây giờ.
Ông Thông ra nghề, ban đầu đi làm cho ông Ngô Tấn Sanh trên cầu Đỏ, may và sửa đồ Âu cho lính Pháp đóng quanh đó. Giới bình dân người mình chủ yếu may
sơ-mi cổ bẻ, chỉ một ít “đại gia” mới may sơ-mi cổ cồn. Nữ thì áo dài cổ đứng cao 2-3cm chứ không cổ thuyền, cổ vuông, cổ tròn… như chừ. Áo dài nữ không hoa, không thêu, ai sang thì may áo lụa, như câu thơ của Nguyên Sa: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Ông Thông hóm hỉnh: Hồi đó cũng chít eo, nhưng gọi là cho có chít, chứ không sít sao từng… nửa xăng-ti-mét như chừ. Chừ, cô nào mập chút là lo đi tập thể dục để mặc áo dài chỗ nào ra chỗ nấy!
3. Có người cho rằng chuyện thời trang có khi chỉ là cái không “đụng hàng”. Ví như cái váy của phụ nữ, trong tiệc tùng, dạ hội nếu có ai đó mặc cái váy cao hơn mọi cái váy khác một chút là sẽ trở thành cái đinh để mọi người nhìn ngắm và nghiễm nhiên thành... mốt! Sau đó, mọi người sẽ đua nhau mặc váy cao hơn, đến độ không còn có thể cao hơn nữa buộc phải dừng lại và mốt váy cực cao trở thành… bão hòa. Thế rồi, bỗng dưng xuất hiện một cái váy thấp hơn, nó hút ánh nhìn, nó thành mốt, thiên hạ đua nhau mặc váy thấp đến độ không thể thấp hơn nữa… Cuối cùng, mốt là gì? Chỉ là sự cao lên hay thấp xuống của chiếc váy phụ nữ!
Câu trả lời nửa đùa nửa thật đó cũng vận vào cái ống quần. Ông Lộc 60 năm nghề may đã trải qua mấy lần quần ống loe ra rồi ống túm. Mãi đến giờ ông vẫn không rõ cái nào là mốt, loe hay túm?!
Ông Thông thì đưa ra cái ví dụ về trang phục áo cưới, “quỹ đạo” của nó cũng chạy qua chạy về giữa đồ Tây và đồ ta. Vùng Quảng Nam - Đà Nẵng chịu ảnh hưởng gu ăn mặc của hai đầu đất nước, khi mà thiên hạ đã quá “no mắt” với thiên hình vạn trạng áo cưới Tây Âu rồi thì hình ảnh “về tắm ao ta” với khăn đóng áo dài bỗng dưng trở thành… mốt! Chú rể diện áo dài đỏ hoặc xanh có hoa văn chữ phúc hay chữ thọ, đầu đội khăn đóng. Cô dâu thì mặc áo dài kép, áo trong màu đỏ hoặc hồng, áo ngoài xanh hoặc lục, đeo các loại nữ trang như dây chuyền, vòng xuyến, bông tai…
Vừa rồi, một đám cưới đưa dâu toàn bằng xe Jeep ở Đà Nẵng, lạ lẫm, độc đáo và sang trọng mà không một hãng xe thời thượng nào có thể sánh kịp, cũng là một ví dụ thú vị.
4. Những ông thợ may đất Cẩm Lệ xưa tuy đã ngót nghét bát tuần nhưng vẫn lấy việc đạp máy may giải khuây tuổi già. Ông Thông từng may đồng phục cho Công ty Kỹ nghệ bông vải Việt Nam trước năm 1975, nay là Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, nay nhìn lại, ông thấy người Quảng đâu có thua gì ai về ăn mặc. Một số các bà, các cô bây giờ “chê” mặc áo dài thêu, vì nặng và khi bị “đề-mốt” phải đắn đo, bỏ thì thương mà vương thì tội. Vải áo dài giờ in màu vừa rẻ hơn thêu, vừa nhẹ nhàng “tung bay tà áo tung bay”, và quan trọng hơn là có thể dễ dàng thay áo mới khi bị lỗi thời mà không phải xót của.
Nói thế, chứ phần lớn người Quảng vẫn chưa thoát ly ra hẳn quan niệm ăn chắc mặc bền lâu đời của mình. Dẫu cho một bộ phận giới trẻ và cả người lớn có điều kiện “theo đuổi” các loại thời trang thì số đông còn lại vẫn xem ăn mặc như là cách ứng xử sao cho thích nghi với môi trường sống và gia thế của mình. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà chiếc áo lương thời nội tôi vẫn còn “sống” đến chừ qua các hội làng hay các lễ lạt cổ truyền, nơi mà khăn đóng áo dài còn giữ hồn vía cho tinh thần tự tôn dân tộc.
VĂN THÀNH LÊ