.

Bụi trần rũ sạch...

.

Với diện tích chỉ hai cây số vuông mà đã có đến 13 cảnh chùa và 17 hang động, mỗi nơi cất giấu một vẻ huyền bí, trầm mặc riêng, năm ngọn Ngũ Hành trở thành đài thờ trong lòng khách hành hương và nguồn cảm hứng bất tận cho các tao nhân, mặc khách từ cổ chí kim.

Viếng hương Nghiêm Trang tự trong động Huyền Không. (Ảnh do Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cung cấp)
Viếng hương Nghiêm Trang tự trong động Huyền Không. (Ảnh do Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cung cấp)

1. Nếu chưa đến Ngũ Hành Sơn thì coi như chưa đến Đà Nẵng. Điều này thì nhiều người nói đến rồi. Hôm đưa tôi dạo một vòng quanh khu danh thắng để tìm lại những góc nhìn xưa qua bưu ảnh của người Pháp ngót nghét trăm năm trước, chị Nguyễn Thị Phượng, cán bộ quảng bá của khu danh thắng, còn thêm rằng: Chưa thăm động Huyền Không thì coi như chưa đến Ngũ Hành Sơn!

Thủy Sơn được xem là “núi chủ” với số chùa và số hang động nhiều nhất trong năm cụm Ngũ Hành. Tại đây, trong 4 ngôi chùa đã có hai chùa (Tam Thai và Linh Ứng) được phong là quốc tự và trong 11 hang động thì động Huyền Không rộng nhất, đẹp nhất và huyền bí nhất khu danh thắng. Rộng và đẹp chỉ là vẻ đẹp của thể hình, chính vẻ huyền bí mới là cái tinh túy làm cho nơi đây đầy đủ thần hồn khiến khách hành hương phải đi từ ngạc nhiên đến mê đắm và “dùng dằng nửa ở nửa về”.

Người ta bảo rằng, động Huyền Không đã nức tiếng từ đầu thế kỷ XX, không chỉ người Việt đến thắp hương để cầu tự, cầu duyên, cầu lộc... mà nhiều người Hoa, người Nhật cũng đến để viếng cảnh, cầu khấn một điều tâm linh gì đó. Ai một lần đến cũng mong được vốc trong lòng bàn tay những giọt nước nhỏ từ đôi vú đá treo trên thạch động mà theo dân gian kể thì vua Minh Mạng đã vô tình sờ vào làm một bên không còn nhỏ nước nữa. Chuyện xưa thực hư thế nào chẳng rõ, nhưng chắc một điều là ngày nay ngay cả khách Tây, qua giới thiệu của các hướng dẫn viên, cũng muốn một lần chạm tay vào vú đá để cảm nhận sự mát lạnh đầy huyền hoặc như vị vua ngày nào.

Không ai biết đã có bao nhiêu người cầu tự, cầu duyên thành công tại đền Ông Tơ Bà Nguyệt nằm ở gian bên tả của Trang Nghiêm tự trong động Huyền Không. Bởi tâm linh là vậy, dầu có thành công hay không thì người cầu khấn vẫn quay lại làm lễ tạ. Cầu lộc cũng thế, người ta đến khấn bà Ngọc Phi hay còn gọi bà Chúa Tiên trong đền thờ nằm bên trái động, tương truyền, bà là tiên trên trời xuống hạ giới chăm lo đời sống muôn dân. Hằng năm từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 3 âm lịch, khách hành hương từ khắp nơi đổ về đây lễ bái, cầu lộc rất đông.

2. Không xa động Huyền Không, chếch về phía sau chùa Tam Thai là động Linh Nham, nơi đây thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế nên còn gọi là động Ngọc Hoàng. Hằng năm ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, nơi đây nườm nượp người đến viếng lễ thưa trình với Ngọc Hoàng việc làm ăn, gia sự trong năm qua và cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới, lễ phẩm thường có cá chép (lý ngư), lễ xong mang thả xuống sông.

Gần đến giao thừa, hàng nghìn người từ các nơi đổ về chùa Quán Thế Âm dưới ngọn Kim Sơn nơi mé Tây khu danh thắng để xin xăm, xin lộc đầu năm. Chị Phượng kể, không riêng gì người Đà Nẵng mà bà con các tỉnh lân cận, thậm chí có người từ Sài Gòn còn đi máy bay ra ăn Tết, nhờ người quen ở Đà Nẵng sắm lễ trước, tới giao thừa là mang đến chùa. Cứ thế, dòng người rồng rắn nối nhau từ đêm tới sáng, tạo nên một cảnh tượng tâm linh kỳ thú. Không xa đó, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em vua Minh Mạng), đền thờ công chúa Huyền Trân, miếu Ông Chài… cũng nghi ngút trầm hương.

Khách hành hương lại đổ về phía Tây khi lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào 19-2 âm lịch. Trong khi đó, ngọn Thủy Sơn phía Đông, nơi dày đặc chùa chiền, hang động lại chưa có một hội hè gì xứng tầm. Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban quản lý Khu danh thắng, đã đề xuất việc tổ chức lễ hội Vu Lan vào rằm tháng 7 hằng năm tại động Âm Phủ để làm “đối trọng”. Những chuyện tích đầy màu sắc Phật giáo về thuyết luân hồi nhân quả ở hang động rộng, đẹp và huyền bí không kém động Huyền Không này sẽ hướng con người về Lòng lành, Tính thiện.

Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện vẫn còn thiếu một lễ hội ở phía Đông để “cân bằng” với lễ hội Quán Thế Âm ở phía Tây (ảnh trái) và vẻ tâm linh huyền hoặc của Ngũ Hành Sơn “cám dỗ” cả khách quốc tế. (Ảnh: V.T.L)
Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện vẫn còn thiếu một lễ hội ở phía Đông để “cân bằng” với lễ hội Quán Thế Âm ở phía Tây (ảnh trái) và vẻ tâm linh huyền hoặc của Ngũ Hành Sơn “cám dỗ” cả khách quốc tế. (Ảnh: V.T.L)

3. Khi đêm xuống, cả một vùng núi non nhuốm màu huyền bí, vẻ nhộn nhạo đời thường lắng xuống, sự thanh tịnh thanh khiết ban ngày vốn trú ngụ đâu đó trong chốn thâm nghiêm các hang động dần lan ra khắp nơi. Những mái ngói rêu phong, những tượng Phật bí nhiệm… ngay cả những bậc đá mòn thếch theo thời gian cũng muốn nhắn gửi cùng con người một điều gì đó mà ánh sáng ban ngày chưa thể nói được. Đêm Ngũ Hành Sơn là một “của trời cho” vô giá mà con người chưa khám phá, chưa khai thác hết.

Nhiều năm leo từng bậc đá, viếng từng cảnh chùa, ông Tươi nao nao cảm giác như rằng mình đã bỏ lỡ một điều gì đấy. E rằng cầm vàng và không khéo để vàng rơi, ông đã xin chủ trương khai thác các hoạt động ban đêm ở khu danh thắng. Với diện tích chỉ hai cây số vuông mà đã có đến 13 cảnh chùa và 17 hang động, năm ngọn Ngũ Hành sẽ càng huyền bí hơn với không gian những đêm Rằm, mồng Một bàng bạc sắc màu tâm linh thoát tục.

Có lần gặp một đoàn khách Nhật Bản lên viếng chùa Tam Thai, qua hướng dẫn viên, tôi biết đến một người tên là Suzuki Ichiro đến từ Tokyo. Ông khách này cho biết, nhà ông ở gần chùa Nisshinkustu, nơi mà cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, nhất là ở thủ đô Tokyo, chọn làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và gặp gỡ giao lưu của đồng hương trên đất khách. Ở Ngũ Hành Sơn, với cảnh chùa liên hoàn từ Tam Thai đến Linh Ứng, nếu mở ra loại hình viếng chùa vào ban đêm thì nơi đây sẽ hút khách không thua gì các chùa ở Nhật.

4. Ngũ Hành Sơn là xứ sở của đền chùa và là điểm đến của du lịch tâm linh. Hội nghị quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình và Tổ chức Du lịch thế giới phối hợp tổ chức hôm hạ tuần tháng 11 vừa qua nhằm phát triển mô hình du lịch mới này, hy vọng sẽ đánh thức vùng đất tâm linh Ngũ Hành Sơn.

Nhà thơ Tản Đà khi xưa đến Ngũ Hành Sơn đã viết: Rủ nhau lên động Huyền Không/Bụi trần rũ sạch như không có gì. Ngày đó ông chưa viếng hết cảnh trí Ngũ Hành Sơn chăng, hay là vì Huyền Không động với ông quá đỗi thiêng liêng huyền bí nên đã riêng dành những câu thơ ưu ái đến vậy? Nếu có dịp “quay lại”, hẳn ông sẽ có cái nhìn khác hơn về toàn cảnh Ngũ Hành Sơn, bởi rồi đây khi du lịch tâm linh được triển khai, hang động, chùa chiền nơi này sẽ càng nhuốm màu thoát tục, nhất là lúc chiều xuống và đêm lên. Và, nhiều người sẽ đến rồi quay lại nơi này chỉ vì muốn rũ sạch bụi trần dù trong chốc lát như thi sĩ vùng núi Tản sông Đà gần 70 năm trước…

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.