.

Chuyện các loại cây

.

Sau khi xem qua đặc điểm một số cây lạ mọc ở núi Ngũ Hành Sơn, ông Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng, cho rằng có khá nhiều cây ông chưa nhìn thấy bao giờ và trong một số cuốn sách về hệ thực vật Việt Nam, các loài cây này cũng chưa được các nhà khoa học định dạng. Như vậy, có thể xem hệ thực vật ở núi Ngũ Hành còn nhiều bí ẩn có thể cần giới khoa học xem xét để giải mã.

Cây xác máu, tên khoa học là dứa lẵng la, có thể xem là cây bản địa của Ngũ Hành Sơn khi số lượng cây mọc dày đặc trên các ngọn núi (ảnh trái) và cây nhung vẫn còn là một bí ẩn với khoa học với những đặc điểm như hoa nằm trên lá, trái có vỏ màu đỏ như nhung... Ảnh: H.N
Cây xác máu, tên khoa học là dứa lẵng la, có thể xem là cây bản địa của Ngũ Hành Sơn khi số lượng cây mọc dày đặc trên các ngọn núi (ảnh trái) và cây nhung vẫn còn là một bí ẩn với khoa học với những đặc điểm như hoa nằm trên lá, trái có vỏ màu đỏ như nhung... Ảnh: H.N

Tên khoa học của cây xác máu là dứa lẵng la

Từ chân ngọn Thủy Sơn lên đến độ cao nhất của ngọn núi, nơi con người đã đặt chân khám phá, một loại cây thân như từng ngón tay vươn lên, lá dày, nhọn mọc khắp nơi trên các tảng đá. Chưa thống kê hết số lượng nhưng có thể loài cây này mọc nhiều nhất không chỉ ở ngọn Thủy Sơn mà các ngọn núi khác cũng ken dày. Theo nhân viên Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, loài cây này được gọi là cây huyết long (máu rồng), dân địa phương gọi là cây xác máu. Tên gọi này xuất phát từ chính loài cây, không phải vì mỗi cành cây vươn lên như đuôi con rồng uốn lượn, mà vì nhựa cây có màu đỏ như màu máu.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Kim cho biết, gọi cây xác máu là huyết long (còn gọi là huyết rồng) là không đúng vì đã có một loài cây tên huyết rồng, còn theo tên gọi dân gian là xác máu là đúng. Cây xác máu có tên khoa học là dứa lẵng la, thuộc họ dứa dại, cây có nguồn gốc từ các đảo Madagasca và được gây trồng làm cảnh ở nhiều nước khí hậu nhiệt đới. Dứa lẵng la được miêu tả là cây bụi mập, khỏe, phân cành nhánh lớn, gốc có nhiều rễ chống cao làm cho cây có dáng đẹp, cây có thể cao 15m, nhưng thường cho phân cành rộng và làm thành cây có độ cao trung bình 4-6m… Cây có hoa li ti, màu xanh, ra thành chuỗi như cây thần tài; quả bằng đầu ngón tay, màu xanh, khi chín màu vàng. Kỹ sư Kim cho biết dứa lẵng la thường mọc ở vùng đồi trọc, có nhiều núi đá, có thể gây giống loài cây này bằng tách chồi (cây mọc nhiều ở vùng núi Ninh Thuận nước ta).

Một hướng dẫn viên ở Ngũ Hành Sơn, cho biết người dân quanh khu vực thường hay lấy cành cây xác máu này về, tán ra để bôi khi bị bong gân. Trước đây cây ít được để ý, giới chơi cây cảnh cũng kiêng dè vì màu đỏ máu của nhựa cây, nhưng thời gian gần đây cây xác máu bị mất trộm khá nhiều. Anh Hòa cho rằng do người chơi cây cảnh chú ý đến thân cây, hình dáng cây nên điều “kiêng” kia giảm bớt, bởi vậy đây là loại cây cần bảo tồn ở Ngũ Hành Sơn.

Nhiều loài cây chưa có tên, chưa có trong sách

Khi chúng tôi đưa cho kỹ sư Nguyễn Hữu Kim nhìn mặt lá của cây nhung (tên thường gọi ở Ngũ Hành Sơn) với những bông hoa đực nhỏ, màu vàng đậm mọc trên mặt lá, ông rất ngạc nhiên vì chưa từng thấy loài cây này bao giờ.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Kim cho rằng những cây mọc trên đá có hệ sinh thái riêng. Loài cây chiếm đa số ở vùng đất đó mới được xem là cây bản địa, có khả năng tồn tại qua thời gian mới cần bảo tồn và cây muốn được bảo tồn phải có giá trị nhất định như có thể làm thuốc…

Cây nhung thuộc họ cây cổ thụ, trước trên ngọn Thủy Sơn có 3 cây lớn, nhưng 2 cây đã bị bão Xangsane và mới đây là bão Nari làm gãy. Khi 2 cây nhung gãy, Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn mới nghĩ đến cách bảo tồn cây còn lại. Nhưng bảo tồn như thế nào thì loài cây này vẫn là một bí ẩn cho những ai quan tâm đến nó. Theo những hướng dẫn viên của khu danh thắng, những người ngày nào cũng dẫn khách tham quan đi khắp các hang động của ngọn Thủy Sơn, thuộc từng loài cây ở đây thì ngoài cây nhung cổ thụ, có 2-3 cây nhung khác mọc rải rác trên núi, tuổi thọ của cây có lẽ khoảng 20 năm, rất chậm lớn và chưa cho trái. Ngoài những bông hoa đực mọc trên mặt lá, những bông hoa cái mọc ở nách lá, khi hoa tàn sẽ cho ra một chùm gồm 5 quả ghép với nhau, giống một bông hoa 5 cánh. Quả còn non màu xanh, khi già chuyển sang màu cam và đỏ rực, mịn màng giống một lớp nhung (vì thế người dân địa phương gọi là cây nhung). Hạt quả nhung màu đen, có thể rang lên ăn được, vị quả bùi như quả dẻ.

Hệ thực vật ở Ngũ Hành Sơn còn mang nhiều bí ẩn như ở đây có cây dẻ đỏ còn non mà không thấy cây mẹ ở đâu. Có thể hạt dẻ bị gió thổi bay xuống khu vực đường xuống Thủy Sơn và mọc thành cây. Theo kỹ sư Kim, dẻ đỏ là loại gỗ quý, có thể làm thoi dệt vải.

Hệ cây ở đây rất đa dạng, như cây Hải Châu lá mịn, nhỏ, trái cây như hạt ngọc màu đỏ; một loài cây chưa biết tên có những bông hoa màu đỏ đổ xuống như chuông; cây nguyệt quế cũng làm bạn với cây cối ở vùng đất này dù các cây chỉ có một khoảnh đất nhỏ để sống, còn lại chủ yếu sống trên núi đá. Tôi còn được thấy một loài cây nhỏ, nhìn rất bình thường, nhưng vào mùa hè, cây nở bông như hoa mai, ở phần cánh giữa bông có màu vàng như bông sứ, nhưng toàn bông hoa là một màu trắng tinh khiết.

Đặc biệt, trong động Tàng Chơn có 3 cây bồ kết mọc thẳng hàng được xem là một bí ẩn của những hướng dẫn viên cũng như khách tham quan. Bởi bồ kết thường mọc ở vùng đất thịt, có nhiều ánh sáng. Còn trong khoảng không gian rộng hơn chục mét vuông, trên cửa dẫn vào động Tàng Chơn thì 3 cây bồ kết này phải mọc trên đá, ánh sáng yếu. Ẩn số một cây bồ kết nhảy gốc thành 3 cây, mọc thẳng hàng được kỹ sư Kim loại bỏ vì ông cho rằng cả 3 cây có kích thước thân lớn chừng 40-50cm, đứng cách nhau chừng 2-3 gang tay, có thể có cùng tuổi thọ. Các hướng dẫn viên đặt ra giả thuyết là ngày xưa, khi người Chăm còn cát cứ vùng đất này, họ đã mang hạt bồ kết vào động và gieo thành 3 cây bồ kết như hiện nay. Giả thuyết này có cơ sở bởi trong động Tàng Chơn hiện còn lưu giữ một am thờ với các di tích như đá, tượng Chămpa. Ông Nguyễn Hữu Kim cho rằng một truyền thuyết về cây bồ kết gắn với người Chăm xưa càng làm cho động Tàng Chơn thêm huyền bí. Sự huyền bí này xem ra không chỉ bởi nhiều tầng văn hóa đang hiển hiện tại Ngũ Hành Sơn, mà cây cỏ thực vật cũng khoác một chiếc áo đa sắc màu, cần các nhà khoa học khám phá…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.