.

Chinh phục những tầm cao

.

Gần 40 năm qua, nhất là từ thời điểm 1997, Đà Nẵng luôn vượt lên chính mình bằng những tầm cao về cơ sở hạ tầng lẫn đời sống văn hóa.

Từ một vùng đất nghèo khó, Nại Hiên Đông đã “vươn vai” thành một khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, văn minh với chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao. Ảnh: V.T.L
Từ một vùng đất nghèo khó, Nại Hiên Đông đã “vươn vai” thành một khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, văn minh với chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao. Ảnh: V.T.L

Từ độ cao của tòa nhà…

Bạn tôi lang thang trên Internet, tìm thấy ba tòa nhà ở Đà Nẵng lọt vào Danh sách tòa nhà cao nhất Việt Nam đăng trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Da Nang City Hall cao 166,9m, 34 tầng, hoàn thành năm 2014, cao nhất miền Trung. Novotel Sông Hàn cao 155,4m, 38 tầng, hoàn thành năm 2013. Azura, Danang World Trade Center cao 122,55m, 36 tầng, hoàn thành năm 2012. Hai cao ốc sau thì không còn lạ gì nữa, nhưng cái Da Nang City Hall thì bạn bảo lạ hoắc, mình ở Đà Nẵng mà có thấy “Xi-ty Hon” là cái nào đâu?!

Da Nang City Hall thực ra là tên gọi tiếng Anh của Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, tòa nhà mà bất cứ người dân Đà Nẵng nào cũng biết, bởi nó có kiến trúc hiện đại và được coi là biểu tượng phát triển đầy năng động của thành phố mình. Trước lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, khi tất cả các sở, ngành chuyển vào công trình có tổng mức đầu tư dự kiến 1.900 tỷ đồng này, đây sẽ là nơi làm việc cho khoảng 1.800 cán bộ, công chức và khoảng 600 lượt người đến giao dịch hằng ngày.

Bên cạnh tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố là khách sạn Novotel Sông Hàn (Novotel Da Nang Premier Han) của Tập đoàn Sun Group, được cho là một trong những khách sạn 4 sao đẹp nhất Đà Nẵng. Cả hai cùng nhau đi vào nhiều trang mạng, có người ví von đó là tòa tháp đôi làm nên nét duyên dáng phía bờ Tây sông Hàn. Nơi bờ Đông, gần đầu cầu Sông Hàn, là Cao ốc căn hộ Azura của Tập đoàn Vina Capital, có vốn đầu tư hơn 30 triệu USD, đã hoàn thành sau hơn 3 năm triển khai xây dựng.
6 năm trước, khách sạn Green Plaza chính thức đi vào hoạt động nhân kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng và trở thành một trong những khách sạn cao cấp đầu tiên tại Đà Nẵng. Một năm sau đó, tôi từng “tác nghiệp” trên tầng 20 của khách sạn 4 sao này để ghi lại những khoảnh khắc kỳ thú của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ hai. Trước giờ khai diễn, từ nóc nhà của cao ốc nằm trên đường Bạch Đằng này, du khách đến từ hai đầu đất nước đã không ngớt lời ngợi khen phố đêm Đà Nẵng. Thế mới biết vì sao trang tin nhanh bất động sản dothi.net cuối tháng 2-2012 đã “xếp hạng” tòa nhà Green Plaza ở vị trí cuối cùng trong “Top 5 địa điểm ngắm Đà Nẵng tuyệt đẹp từ trên cao” sau núi Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà và cầu Sông Hàn.

Trung tâm Hành chính thành phố và khách sạn Novotel Sông Hàn như một cặp tháp đôi với độ cao nhất nhì Đà Nẵng.
Trung tâm Hành chính thành phố và khách sạn Novotel Sông Hàn như một cặp tháp đôi với độ cao nhất nhì Đà Nẵng.

… đến chiều cao của cuộc sống

Đà Nẵng thực sự chuyển mình sau năm 1997, nhất là từ năm 2000 khi khánh thành cầu Sông Hàn - cây cầu đầu tiên bắc qua bờ Đông sông Hàn sau thời điểm 1975. Dân gian từng nói “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhứt”. Dù muốn dù không thì điều ray rứt đến đau lòng này vẫn còn làm cho rất nhiều người dân “quận Ba” ngày nay cảm thấy cần phải làm một điều gì đấy để “kéo” mình lên ngang tầm với “quận Nhứt”.  

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Thái Phiên tâm tình: “Câu nói dân gian cũng hàm ý chỉ ra những mặt thấp kém của quận Sơn Trà năm xưa, nơi mà cuộc sống người dân quanh năm khốn khó, với nghề thủy sản - nông nghiệp thuần nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng vẫn không thoát khỏi đói nghèo đeo bám. Câu nói ấy cũng là nỗi ray rứt của lãnh đạo quận ngay từ những ngày đầu thành lập, muốn có những giải pháp mang tính đột phá đưa quận Sơn Trà cất cánh vươn lên”.

Minh chứng cho sự “cất cánh vươn lên” của vùng đất bờ đông sông Hàn là phường Nại Hiên Đông, địa phương có diện tích 4km2 thì giải tỏa, chỉnh trang đô thị hết 3km2, trừ mặt nước ra là gần 100%! Sự kiện “bãi biển hóa nương dâu” ảnh hưởng đến 4.000 hộ dân toàn phường này diễn ra như một cuộc “thanh lọc bản thân”, có đau đớn chút ít nhưng kết quả thì ngoài mong đợi. Trước 1999, cả phường chỉ có độc con đường Nguyễn Trung Trực nhưng người dân cứ nhìn vào mặt đường mà gọi là đường đất đỏ. Giờ, hàng trăm tuyến đường mở ra và Nại Hiên Đông bỗng dưng trở thành địa phương không có kiệt, hẻm duy nhất của Đà Nẵng.

Hệ thống giao thông là huyết mạch góp phần giúp cho địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông Đặng Ngọc Tài cho hay, 10 năm trước khi chưa có Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, học sinh địa phương phải đi học nhờ ở Trường THCS Lê Độ bên phường An Hải Bắc với số lượng hằng năm học lên THPT chưa được 30 em. Đến nay cả phường đã có 900 em học ở Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, chưa kể 1.700 em học ở 2 trường tiểu học và trên 1 nghìn cháu nhỏ được chăm sóc ở Trường mầm non Họa My trên địa bàn.

Trường lớp khang trang, phố phường phát triển, người dân ngày càng biết đến giá trị của việc học. Ông Mai Văn Đào, cán bộ Văn phòng - thống kê UBND phường kể, ở khu vực Nại Hưng 3 có anh Lê Văn Hùng lúc nhỏ theo cha mẹ từ Hội An ra Nại Hiên Đông lập nghiệp. Nhà nghèo, 15 tuổi đã phải nghỉ học theo cha đi biển nên khi lập gia đình, anh cùng vợ dốc toàn lực cho con cái học hành. Con anh, một từng đậu vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nay đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; một đang học năm cuối Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh; một đang học năm hai Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Nại Hiên Đông đổi thay và “đổi đời” luôn cả gia đình tôi - anh chia sẻ.

Và giữ vững thứ hạng cao

Lãnh đạo quận Sơn Trà đề ra mục tiêu cho nhiệm kỳ 2010-2015 là xây dựng Sơn Trà thành quận trọng điểm của thành phố về phát triển du lịch - dịch vụ để vươn kịp tầm cao với “quận Nhứt”. Những giải pháp mang tính đột phá của quận cùng với nguồn vốn của trên 150 dự án được triển khai trên địa bàn đã góp phần nhanh chóng cải tạo diện mạo quận Sơn Trà từ “nhà không số, phố không tên” trở thành một khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, văn minh với chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao như hôm nay.

Từ tháng 9-2011, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng nhà cao tầng với khoảng 6 tòa cao ốc quy mô cao trên 25 tầng để bảo đảm kiến trúc mỹ quan đô thị. Đến nay, tuy vẫn chưa “lấp đầy” không gian kiến trúc nhưng các “nhà chọc trời” này đã ít nhiều thể hiện ý chí của Đà Nẵng vươn lên trong tầm cao mới.

Hôm 20-3 vừa qua, Đà Nẵng trở lại ngôi cao nhất trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, sau khi bị tụt thê thảm xuống tận thứ hạng 12 trong năm 2012. Gần 40 năm qua, nhất là từ thời điểm 1997, Đà Nẵng luôn vượt lên chính mình, việc “rớt hạng” này sẽ là bài học cho công dân thành phố trong việc chinh phục những tầm cao một cách bền vững, lâu dài hơn.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.