.

Những thảm rau trên đất trống

.

Những vạt rau húng quế, rau ngò xanh ngút ngàn, những hàng xà lách chạy thẳng tắp, những bông cúc vàng rực rỡ, vạn thọ khoe sắc thắm quanh các ô đất trống ở nhiều tuyến đường chưa vây bọc dân cư không dưng trở thành những điểm đến đầy ấn tượng cho du khách mỗi chiều dạo bước. Họ ngạc nhiên: Đà Nẵng đang có những giá trị vô giá mà các thành phố công nghiệp quá mải mê với sự phát triển của đô thị đã đánh mất và không thể tìm lại được.

 Một vạt rau trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: M.T
Một vạt rau trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: M.T

Nha sĩ người Mỹ, ông Arthur Labelle, thừa nhận rằng, trong kế hoạch khi du lịch xuyên Việt và dừng chân tại Đà Nẵng, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dành thời gian để chiều chiều đi dọc các luống rau xanh um, để đưa tay lên dấp dấp “tấm thảm” ken đặc húng quế và cảm nhận mùi thơm vừa lạ lùng, vừa thân quen từ các vạt rau tự phát của người dân nơi đây. Quá chán ngán với những tòa nhà chọc trời của thành phố California, chán ngán với những không gian bức bách gắn liền với bê-tông ở thành phố đông dân nhất nước Mỹ, ông Arthur thú nhận mình đã “fall in love” (trót yêu) Đà Nẵng để rồi đi đến quyết định chuyển hẳn đến sống và làm việc tại nơi có những tấm thảm rất đẹp ngay giữa thành phố này. Trong suốt 2 năm qua, chiều nào ông cũng dạo quanh các thảm xanh tại phường Phước Mỹ, Sơn Trà để “tận hưởng trọn vẹn không gian thiên nhiên chỉ có ở Đà Nẵng” - ông Arthur chia sẻ đầy hào hứng khi tham gia trải nghiệm cùng thu hoạch xà lách với người chủ vạt rau.

Những tấm thảm xanh này là kết quả của quá trình… làm lén của những người dân vốn trước đây là nông dân, sau khi quy hoạch thành phố, họ trở thành thị dân và đang tận dụng những lô đất bỏ trống để canh tác. Thật lạ lùng, có người đã qua mười mùa thu hoạch nhưng chẳng thấy chủ đất “nói năng” gì, nên họ lại tiếp tục công việc tưởng chừng như vô tận này. Các loại cây rau, hoa màu được luân phiên trồng suốt bốn mùa đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Điều này không chỉ mang đến lợi ích thiết thực cho người trồng trọt, làm giảm tình trạng mất vệ sinh, mất mỹ quan đô thị tại những khu đất bỏ hoang mà vô tình còn góp phần lồng ghép một cách tự nhiên giữa chính sách phát triển những mảng xanh trong thành phố và sự tham gia của cộng đồng trong việc xanh hóa đô thị.  Hầu hết các hộ dân đều mong muốn lãnh đạo thành phố sẽ tạo điều kiện để họ có thể ký cam kết cùng với chủ sở hữu các lô đất đang để trống trên địa bàn quận để họ có thể trồng rau màu trên những mảnh đất này và cam kết sẽ hoàn trả đất đúng thời hạn nếu người sở hữu có nhu cầu. Đây là cách để không chỉ mang lại thu nhập cho người dân, tăng mảng xanh cho thành phố mà còn tránh tình trạng “cỏ mọc bời bời” gây lãng phí nguồn đất và giảm vẻ đẹp của cảnh quan đô thị.

Các “nông dân thành thị” không chỉ tạo nên những lá phổi mini xen giữa các tòa nhà, giúp làm giảm đáng kể cái nắng oi ả của miền Trung, mà đặc biệt hơn lại ngẫu nhiên trở thành “điểm  duyên dáng thu hút du khách khi đến tham quan thành phố - những người đã mệt mỏi với ồn ào, xô bồ, những người “thèm” để đôi mắt và tâm hồn được “tắm” trong thảm xanh của cây cỏ” - ông Arthur khẳng định.

Trong lần công tác Đà Nẵng PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã bày tỏ lạc quan khi nhìn các vạt rau xanh um trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng… bởi theo ông, Đà Nẵng vẫn còn cơ hội để đem lại giá trị thật của cuộc sống - giá trị gắn liền với các mảng xanh, với không gian mở ra tự nhiên, với môi trường trong lành mà người dân muốn được sống, được hưởng thụ thật sự - chứ không phải là những tòa nhà chọc trời, một không gian hẹp của căn phòng hay những giá trị vật chất đơn thuần. Bài học đau đớn cho hầu hết các thành phố công nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam là đã quá mải mê với sự phát triển của kinh tế, đô thị để rồi đến khi nhận ra chính mảng xanh của cây cối, hoa màu mới thực sự là điều quý giá, bởi đó chính là cái hồn của đô thị thì đã muộn.

Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - 2 thành phố có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất nước - có thể được xem là ví dụ điển hình cho bài học này bởi giờ đây cả 2 đang quay quắt tìm các không gian sống mới với những mảng xanh để lọc bớt ô nhiễm, giảm tiếng ồn và trả lại sự khoáng đãng, nhẹ nhàng của cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, để không phải chịu đựng sự bức bách cùng bê tông trong các khu đô thị sầm uất. “Giữ lại mảng xanh cho người dân, cho con cháu mãi về sau mới thực sự giúp thành phố trở thành nơi có giá trị sống thật. Đây là cơ hội đồng thời cũng là đòi hỏi mà thành phố cần đặc biệt quan tâm”, ông Lương khẳng định.

Cả ông Arthur và ông Phạm Trung Lương đều chung một mong ước là những quán nhậu dày đặc dọc theo các tuyến đường sẽ thay đổi hình thức kinh doanh. Sẽ dành những khoảnh đất hiếm hoi quý giá đó để tạo thành những vạt rau xanh và những quán cà-phê sách nhỏ không chỉ đẹp, có giá trị về mặt kinh tế mà còn đóng vai trò như lá phổi hấp thụ khí các-bon, tạo không gian yên tĩnh cho người thưởng thức sách được đắm mình vào thiên nhiên hay thậm chí là tham gia vào quá trình gieo hạt, vun trồng và quẩy đòn gánh nước tưới cho các luống rau.

Nhỏ bé là vậy nhưng những luống húng quế, xà lách lại có thể góp phần rất lớn trong việc điều hòa môi trường không khí, hấp thụ khói bụi, giảm tiếng ồn và góp phần bảo vệ sức khỏe con người, và hơn cả là tạo nên sắc thái văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng, tăng vẻ đẹp cảnh quan và làm phong phú hơn cuộc sống tinh thần của cư dân đô thị.

MAI TRANG
 

;
.
.
.
.
.