.

Thuận lòng dân, rộng lòng đường

.

“Hồi trước đường chỉ rộng 2 mét, bà con hiến thêm 2 mét nữa mới có đường rộng, ô-tô vào đến cuối xóm như bữa ni. Có đường đẹp, nhìn cái nhà cũng sáng sủa, đẹp hơn”, chị Phạm Thị Nguyệt ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang khoác tay một vòng chỉ những ngôi nhà khang trang, tường rào cổng ngõ thoáng đãng quanh xóm. Nghề nuôi chim cút của vợ chồng chị cũng “phất” lên hơn một năm nay, “tất cả đều nhờ có đường mới”…

Đường làng ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, Hòa Vang khang trang hơn rất nhiều sau khi người dân hiến đất mở rộng đường. Ảnh: H.L
Đường làng ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, Hòa Vang khang trang hơn rất nhiều sau khi người dân hiến đất mở rộng đường. Ảnh: H.L

Chị Nguyệt ở Điện Hòa, Điện Bàn, về làm dâu Trà Kiểm tính đến nay gần 15 năm. “Xứ này hồi chị mới về còn heo hút lắm, đường đất thì bé tí, tre mọc chắn hết lối đi. Đường hẹp quá, xe bò kéo vào ra cũng khó, thế là bà con mỗi nhà tự lùi tường rào vào chừng 50 phân - 1 mét. Đến năm 2006, đường bê-tông nông thôn hình thành, rộng được 2 mét, hết chịu cực với đất bụi. Nhưng nói thiệt là cách đây 2 năm đi mới sướng cái chân, khi đường rộng gấp đôi như chừ đây”. Giờ thì nhà nào cũng tường rào, cổng ngõ khang trang, không xây kiên cố thì cũng lưới mắt cáo. Ngày mùa, xe tải chở lúa về tận cổng, vì giờ ở quê, xe bò kéo cũng hiếm dần…

Ông Nguyễn Hiển, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Trà Kiểm dẫn tôi đi khắp thôn. Từng con đường liên thôn, đường liên xã nối qua xã Điện Thắng được trải nhựa phẳng lì. Làng quê yên bình đến lạ. Thấy khách đến nhà, ông Nguyễn Thanh Xuân và bà Nguyễn Thị Sâm bỏ dở công việc phơi bao đậu phụng mới hái. Ông bảo, làm đường giao thông nông thôn không khó, vì ở quê bảo dân hiến đất mở đường là bà con làm ngay. “Đất ở quê không có giá như đất ngoài thành phố, 1-2 mét đất cũng chỉ thêm vài hàng đậu, bắp, nhưng bù lại có con đường rộng thì bà con ai cũng thuận”. Năm 2012, khi thôn Trà Kiểm mở rộng đường, nhà ông Xuân lùi thêm vào 2 mét, chiều dài chừng 70 mét. Để có con đường này, bà con ở đây đã 3 lần hiến đất làm đường. Hồi trước đường chỉ là một lối đi hẹp, đường đất, tre trải tùm lum, mùa mưa rất khó đi, tối đi đâu phải có đèn pin nếu không dễ gặp rắn. Ông Xuân đã phải mua hẳn một bụi tre của nhà hàng xóm phía trước để mở rộng đường…

Trong bản báo cáo thành tích về phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ông Nguyễn Hiển viết năm 2013, ở phần người dân Trà Kiểm hiến đất làm đường, những gia đình hiến dưới 100m đất không được nhắc tên, vì quá nhiều những nhà như thế. Thôn đã mở rộng 1.560m đường giao thông kiệt hẻm, rộng từ 3-5 mét. Ngoài ra người dân còn đóng góp 187 triệu đồng để làm đường. Như tuyến đường chạy qua nhà ông Hiển không có trong kế hoạch mở đường, mấy chục hộ dân vẫn xin được đóng góp chung cho toàn thôn, mỗi nhân khẩu 200 nghìn đồng. Ông Hiển bảo, năm 2012, trong 1 năm cả 5 tuyến đường của thôn đều đồng loạt thi công mở rộng, cả thôn như một đại công trình. Chi bộ, đoàn thể, chính quyền… cùng vận động bà con. “Thực ra nói vận động cho “to” chứ các chú chỉ thông báo chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, thế là bà con theo “rào rào”. Nhà nào có tường rào, cổng ngõ kiên cố cũng tự động đập bỏ, làm mới, mà chỉ một số được hỗ trợ vài bao xi-măng. Cả thôn cùng nhất trí, đồng thuận mới có đường đẹp như bữa nay”, chú Hiển chia sẻ.

Bà Lê Thị Hiên, người hiến 620m đất làm đường, gắn với đất và người Trà Kiểm đến nay chẵn 86 năm, bảo “có được con đường đẹp, nhiều người đi mới vui con ạ”. Con đường mới chạy ngang giữa vườn nhà bà, mảnh vườn hồi trước đến mùa mưa là ngập nước, chỉ trồng sắn được một mùa. Giờ sau khi có đường, có cống, mảnh vườn cũng thuận lòng cho bà 2 mùa sắn khoai, đậu phụng và bắp, không còn để hoang như trước.

Trà Kiểm là một trong những thôn đầu tiên ở Hòa Vang mở rộng đường giao thông kiệt hẻm một cách nhanh chóng và thuận lợi. Tất cả đều nhờ bà con đồng lòng nhất trí, đồng thuận với chủ trương. Mở rộng đường giao thông nông thôn cũng trở thành tiêu chí được các xã hoàn thành sớm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm từ 2011-2013, đã có 52,5km đường giao thông kiệt xóm được bê-tông hóa.

Ở phố, người dân hai phường Hòa An và Hòa Phát, quận Cẩm Lệ tự nguyện hiến đất mở rộng đường Tôn Đản năm 2011 từng gây “tiếng vang” lớn ở nhiều địa phương khác. Từ một con đường chỉ rộng 6m, dài hơn 2,5km, nối từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Trọng Tấn, được nâng cấp để có chiều dài hơn 2,8km, lòng đường rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m, có đầy đủ hệ thống thoát nước, cấp nước, cây xanh, vệ sinh môi trường, hệ thống điện chiếu sáng… Thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước đền bù 100% giá trị vật kiến trúc như tường rào, cổng ngõ, mái hiên, hàng quán; đền bù 50% giá trị đất thu hồi; không đền bù cây cối. Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng gần 700 hộ dân nhận thấy đây là công trình đem lại nhiều lợi ích nên đồng thuận. Giờ nhìn con đường Tôn Đản khang trang, không còn bụi mù trong mùa nắng và lầy lội trong mùa mưa; đặc biệt là Tết Nguyên đán vừa qua, cả con đường rực rỡ trong sắc vàng hoa cúc bà con chưng ngay trên vỉa hè, mới thấy là có được con đường đẹp, cần sự đồng lòng nhất trí cao trong tất cả người dân.

Thuận lòng dân, rộng lòng đường. Điều này, giá như được vận dụng vào nhiều địa bàn khác ở các quận trung tâm thành phố như Hải Châu, Thanh Khê. Nơi đây, còn có rất nhiều khu vực chằng chịt những kiệt hẻm, chỉ cần một nhà có đám tang, là lối đi muôn phần bức bối. Dù rằng, phía trong những bức tường rào ngăn cách với những đường kiệt, hẻm bé xí, có rất nhiều gia đình diện tích đất vườn còn đủ chỗ cho một chiếc ô tô con trở đầu. Khép lại bài viết này, xin mượn lời của ông Trần Văn Bình, cán bộ hưu trí, ở phường Xuân Hà, (đường Trần Cao Vân): “Giá như mấy con đường hẻm nhỏ như khu vực chúng tôi ở có thể mở rộng đường để xe cứu thương, xe chữa cháy vô được. Vì có ở phố mới thấm thía chuyện đường hẻm nhỏ, mà có chuyện bất trắc xảy ra thì chỉ có con đường mới cứu được dân”.

Phát huy nội lực trong nhân dân, cộng với người dân có ý thức, có trách nhiệm, đồng tình hưởng ứng trong phong trào làm đường giao thông nông thôn; hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến 37.686m2 đất, chặt cây, phá dỡ tường rào, cổng ngõ, đóng góp kinh phí vật liệu (cát, sạn), giúp Hòa Vang về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hòa Vang

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.