.

Tìm cây di sản ở Đà Nẵng

.

Phải nói ngay rằng ở Đà Nẵng chưa có cây xanh nào được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) xét công nhận cây di sản, dù xét trên các tiêu chí, thành phố này có không ít cây đạt chuẩn.

Những cụ già làng Phước Trường dưới gốc me cổ thụ trong dịp đầu năm mới. Ảnh: T.Y
Những cụ già làng Phước Trường dưới gốc me cổ thụ trong dịp đầu năm mới. Ảnh: T.Y

Khó xác định tuổi của cây?

Theo quy định của VACNE, cây di sản là cây sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ, có dáng hình đặc sắc, thuộc loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử, tạo cảnh quan, môi trường sống xung quanh. Nếu là cây cổ thụ trong tự nhiên phải cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân; cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa. Cây được trồng phải trên 100 tuổi và gắn liền với lịch sử, mang nét văn hóa đặc thù của địa phương đó. Phong trào vinh danh cây di sản được VACNE phát động từ năm 2010, nhưng mãi đến đầu tháng 3-2014, UBND thành phố Đà Nẵng mới giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Đà Nẵng chủ trì, phối hợp Sở VH-TT&DL cùng các đơn vị liên quan lập hồ sơ đăng ký cây đa Sơn Trà là cây di sản Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, thời gian tới, cây đa Sơn Trà sẽ là cây di sản đầu tiên tại Đà Nẵng được công nhận.

 Có tên khoa học Ficus bengalensis, cây đa tại tiểu khu 63 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà được Hội Bảo vệ thiên nhiên & môi trường Đà Nẵng xác định “già” hơn 200 tuổi, có chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m. Tuy nhiên, việc xác định tuổi này đến nay còn dựa theo cảm tính, kinh nghiệm dân gian mà chưa dựa vào cơ sở khoa học nào cụ thể. Bởi trước đây, có rất nhiều bài báo lẫn công ty lữ hành du lịch gọi cây đa này là “bách niên đại thụ” hay “cây đa ngàn năm”. Đại diện một công ty du lịch tại Đà Nẵng thừa nhận, việc “tự phong” độ tuổi cho cây lúc đầu chỉ với mục đích thu hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh,  giúp liên hoàn tour “Lên rừng, xuống biển”, tham quan bán đảo Sơn Trà chứ không dựa trên cơ sở khoa học. Là người thường xuyên quan sát cây đa này, ông Phan Xuân Tiệp, Phó Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà mong muốn việc lập hồ sơ đề nghị công nhận cây đa Sơn Trà là cây di sản sẽ tạo cơ sở để các nhà nghiên cứu vào cuộc nhằm xác định chính xác độ tuổi của cây và lên phương án bảo tồn, gìn giữ.

Nếu ở Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) có cây me cổ thụ thời Tây Sơn tương truyền do ông Hồ Phi Phúc, thân phụ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trồng cách đây hơn 200 năm có chiều cao 24m, đường kính thân 1,2m đã được công nhận cây di sản thì ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cũng có một cây me cổ thụ trong khuôn viên làng Phước Trường, nên được dân làng gọi là cây me Phước Trường, cao khoảng 30m, cành lá sum xuê, gốc 2 người ôm không xuể. Ông Phan Văn Mai (trên 80 tuổi), tục gọi ông Tám Để hiện ở làng Phước Trường kể rằng, lúc ông Mai chừng 10 tuổi đã nghe ông cố mình kể rằng khi ông cố còn nhỏ đã thấy cây me này to lớn lắm rồi, điều này giúp ông Mai khẳng định cây me ít nhất phải có tuổi trên 200 năm. Ngoài tuổi đời khá cao, cây me Phước Trường còn là nơi diễn ra cuộc mít-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2-9-1945 của nhân dân khu Đông.

Tương tự, đầu tháng 3 vừa qua, thông tin một cây me cổ thụ khác tại An Giang được VACNE gắn bia cây di sản khiến người dân làng Phước Trường khấp khởi hy vọng cây me làng mình sẽ được công nhận trong tương lai không xa. Cây me này có chiều cao khoảng 30m, nhiều cành nhánh vươn ra xa khoảng 20m, được xác định chừng 600 năm tuổi. Nếu so sánh về chiều cao, cành tán rộng, thì cây me Phước Trường không thua gì cây me tại Bảo tàng Quang Trung hay cây me ở An Giang. Nếu lấy đó làm cơ sở, thì chuyện cây me Phước Trường ở Đà Nẵng đủ tiêu chuẩn cây di sản không có gì lạ.

Vinh danh để bảo tồn

Những ai từng có dịp đến thăm Thành Điện Hải Đà Nẵng sẽ nhìn thấy hai cây đa cổ thụ cao chừng 30m, có tán rộng che phủ một vùng đất rộng, gốc hơn 2 người ôm, nằm phía đông, phía tây tòa thành. Tuy nhiên, hầu như chưa có nguồn tài liệu nào ghi lại thông tin về sự hình thành, phát triển của hai cây đa, cũng như sự gắn bó mật thiết của nó đối với quá trình tồn tại của Thành Điện Hải. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cây chắc chắn sẽ có trước hoặc cùng thời gian xây dựng đồn Điện Hải, tức năm 1813 (Gia Long thứ 12). Nếu đúng như vậy, thì cây đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong buổi đầu kháng Pháp 1858-1860, đã tồn tại qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Ông Thiện khẳng định, xét trên các tiêu chí do VACNE đưa ra, cây đa Thành Điện Hải có nhiều cơ sở để trở thành cây di sản. Rồi ông liên tưởng, có thể, gốc đa từng là nơi những danh thần, danh tướng triều Nguyễn như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, Đào Trí, Nguyễn Văn Thành ngồi nghỉ chân, trò chuyện với tướng sĩ, quân lính làm nhiệm vụ bảo vệ thành.

Là đơn vị đóng chân tại Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng mong muốn các cấp, ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, nghiên cứu về hai cây đa này, đây sẽ là động thái tích cực nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa, nhân văn của dân tộc, làm phong phú thêm tư liệu về lịch sử xung quanh Thành Điện Hải.

Thiết nghĩ, việc xem xét, tìm hiểu lịch sử ra đời và phát triển của một số cây cổ thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thể hiện cách ứng xử nghiêm túc của con người với cây xanh, trước khi lấy đó làm cơ sở lập hồ sơ đăng ký xét công nhận “cây di sản”. Vấn đề này càng trở nên cần thiết khi mới đây, công trình xây dựng đường bao phía tây tòa nhà Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng đã khiến cây đa cổ thụ phía đông Thành Điện Hải có nguy cơ bật gốc, nhiều cành lá úa vàng, đứng trước nguy cơ chết héo nếu không có sự ngăn chặn kịp thời từ phía lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng.

Công nhận gần 600 cây di sản

Thông tin từ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) cho biết đến nay, đã có gần 600 cây thuộc 50 loài khác nhau ở hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước được phát hiện và công nhận là cây di sản. Cây được ghi nhận cao tuổi nhất là khoảng 2.100 năm, có từ thời An Dương Vương ở TP. Việt Trì (Phú Thọ). Cây cao nhất là cây samu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cao trên 70m. Cây đơn thân lớn nhất là cây tùng ở Đắk Lắk có đường kính 6,5m; cây đa ở đền Thượng (Lào Cai) tính cả rễ phụ có chu vi 45m...

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.