Tài sản lớn nhất của bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, với khí hậu trong lành, cảnh quan đa dạng, vừa có rừng, có núi, có suối, có biển rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Một góc Sơn Trà.(Ảnh do BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cung cấp) |
1. Chiều muộn. Chàng trai làng chài kéo mẻ lưới cuối cùng rồi ra về trước khi chiều xuống. Trên bãi vắng bỗng thấp thoáng bóng dáng chín bóng hồng trong xiêm y cổ kính. Các nàng vờn đôi cánh mềm múa ca một lát rồi xiêm y để lại trên bờ, vóc ngọc thỏa thuê đắm mình dưới làn nước trong xanh giữa một bên non một bên biển. Một nàng mải miết giữa không gian huyền hoặc, khi nắng chiều khuất sau đỉnh non xa mới sực tỉnh rằng chỉ còn lại mỗi mình mình. Nàng vội vã bay về trời, bỏ lại chiếc áo khoác bên bờ cát trắng.
Chàng trai xóm chài sáng hôm sau cầm chiếc áo đẫm sương còn vương hương người ngọc, mơ màng nghĩ về chủ nhân của nó. Nàng, cô út trong Cửu vị Tiên nương, bị Tây Vương Mẫu quở trách bèn quay lại tìm chiếc áo bỏ quên. Cuộc hội ngộ tiên - trần bất ngờ, sau phút đầu e ấp, họ đã tay trong tay, mắt nhìn mắt, nói với nhau bằng những điệu múa diễm tình.
Tiếng sóng chập chùng. Tiếng nhạc khi khoan thai, lúc dồn dập. Các nàng tiên trong khúc múa có tên là Chuyện tình Tiên Sa đêm ấy đã mang biển khơi vào tận Nhà hát Trưng Vương. Ánh đèn sân khấu mờ dần, khép lại huyền thoại một miền đất. Nụ cười của chàng trai làng chài và nàng tiên Thiên quốc tan dần vào bóng đêm, để lại trong lòng người xem chút cảm thức có thể “giải mã” vì sao nơi này có tên là Tiên Sa.
Đó là tiết mục “đỉnh” nhất mà chủ nhà đã chiêu đãi khách phương xa về dự Liên hoan Âm nhạc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam bộ lần thứ 3 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng 5 năm trước. Chuyện tình Tiên Sa, bằng ngôn ngữ hình thể miên man tiếng sóng, mượt mà dáng lụa và thanh mảnh vóc người, đã để lại ấn tượng trong lòng bạn bè và thôi thúc họ làm những chuyến tham quan qua bán đảo Sơn Trà.
2. Chuyện tiên xuống trần nơi bán đảo ấy chỉ là huyền thoại, nhưng là một huyền thoại đủ lãng mạn làm khách cảm thấy ray rứt nếu chưa một lần đến tận nơi để biết đâu có thể chạm vào những hạt cát từ dấu chân của các nàng tiên xưa để lại. Có điều, một thời gian khá lâu, bán đảo Sơn Trà vẫn chỉ là nơi cất giấu vẻ đẹp tiềm ẩn mà những điệu múa của các thiên tiên xưa chưa phải là phép mầu đánh thức. Ngay cả những loạt pháo rầm trời của liên quân Pháp - Tây Ban Nha trên vũng Tiên Sa bắn vào thành Điện Hải hơn một thế kỷ rưỡi trước hay tiếng gió xé toạc núi rừng Sơn Trà trong những trận bão lịch sử sau đó cũng bất lực.
Thế rồi, bảy năm trước, tại Hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc” do UBND thành phố tổ chức vào tháng 12, có ý kiến cho rằng: “Đà Nẵng đang sở hữu một tài sản lớn là bán đảo Sơn Trà, nhưng vẫn chưa khai thác hợp lý để biến nó thành một nét bản sắc chẳng nơi nào có được”. Có thể tìm đâu ra một thành phố có cả núi, cả sông, cả biển như Đà Nẵng? Thiên nhiên ưu ái ban tặng, nhưng con người vẫn còn lỗi nhịp với thời gian.
Để không “lỗi nhịp với thời gian”, thành phố đã chủ trương “khai thác hợp lý” để vùng bán đảo tiềm ẩn này có được tiếng nói chung giữa an ninh quốc phòng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch. Những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp lần lượt ra đời trên bán đảo, góp phần làm vang danh vùng đất Đà Nẵng khắp thế giới mà nổi tiếng nhất là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, được dự báo sẽ trở thành một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái tốt nhất thế giới. Tại đây, George Soros, “nhà tỷ phú thông thái nhất nước Mỹ”, đã cùng vợ và bạn bè lưu trú 3 ngày để đón năm mới 2013. Trung tuần tháng 11 năm ngoái, nơi đây cũng đã được Standard Chartered Bank chọn tổ chức Hội nghị Creative Connections (Những kết nối Sáng tạo), quy tụ lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp “khét tiếng” nước ngoài.
3. Bán đảo Sơn Trà tiềm ẩn những điều kỳ thú chưa khám phá hết. Nguyên trước đây có một hòn đảo với ba ngọn núi, dân gian dựa vào hình thể mà đặt tên cho núi: Hòn Nghê phía Đông Nam, Mỏ Diều phía Tây và Cổ Ngựa phía Bắc. Sau hàng trăm triệu năm bãi biển hóa nương dâu, những con nước lớn, nước ròng đã hình thành một bãi cát trắng nối đất liền với đảo và biến đảo thành bán đảo như ngày nay.
Có lẽ do đặc điểm tự nhiên này mà bán đảo Sơn Trà đã trở thành một “tài sản lớn” của Đà Nẵng, nơi lưu giữ một quần thể động - thực vật đặc trưng cho sự giao lưu giữa khí hậu miền Nam và miền Bắc, được bảo tồn khá nguyên vẹn trên diện tích 4.370 héc-ta.
Cầm trên tay danh mục 19 loài thực vật và 29 loài động vật quý hiếm ở rừng đặc dụng Sơn Trà được xếp vào Sách đỏ Việt Nam do Phó hạt trưởng Lê Phước Bảy cung cấp, tôi ngạc nhiên sao có nhiều loài “nguy cấp” đến vậy. Lan quế và Vàng anh đầu đen được ký hiệu CR (cực kỳ nguy cấp). Cây Đinh hương, Lan Hoàng thảo xương cá, Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là chân đỏ), Gà tiền mặt đỏ có ký hiệu EN (nguy cấp). Một số loài cây khác như Gụ lau, Côm Hải Nam, Cẩm lai... cùng với một số loài con khác như Cu li nhỏ, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi dài, Sóc chân vàng… được ký hiệu VU (sắp nguy cấp)…
Khi được hỏi số lượng từng loài là bao nhiêu, ông Bảy cho biết khoảng năm 1995 hay 1996 gì đó có điều tra tổng quan ban đầu về danh mục các loài, từ đó đến nay vẫn chưa có điều tra cơ bản nào để nắm cụ thể về số lượng, dù đơn vị đã đề nghị nhiều lần.
Hôm đó thứ sáu, ông Bảy bảo đơn vị neo người, tôi đành một mình dích dắc chạy xe lên độ cao 600m. Rừng xanh loáng nắng trưa nhưng không khí vẫn mát lành như một mảng của Bà Nà ai đem đặt xuống chốn này. Những Lan quế, Đinh hương, Cẩm lai... ẩn dấu sự “nguy cấp” đâu đó trong rừng, nhưng những Sóc chân vàng, Khỉ đuôi dài, Cu li đỏ... báo động sự thiếu vắng “hậu duệ” của mình bằng cách không còn xuất hiện trên đường như trước…
4. “Tài sản” lớn nhất của bán đảo Sơn Trà, theo đánh giá của Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, là khu bảo tồn thiên nhiên, với khí hậu trong lành, cảnh quan đa dạng, vừa có rừng, có núi, có suối, có biển rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái.
Để góp phần bảo vệ tài sản vô giá này, Ban quản lý đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) triển khai chương trình Vì một Sơn Trà xanh với “tác phẩm đầu tay”, theo Giám đốc GreenViet Trần Hữu Vỹ, là lần ra quân tổng vệ sinh bán đảo Sơn Trà hồi giữa tháng 3 năm nay. Gần 200 người gồm sinh viên, cán bộ nhân viên của 2 đơn vị và một số doanh nhân, người dân, du khách tự nguyện tham gia, họ chia làm nhiều nhóm tỏa đi quanh khắp bán đảo thu gom rác.
Trước đó, hai đơn vị cũng đã cho ra đời một “sản phẩm” khác có tên là Tôi yêu Sơn Trà nhằm giới thiệu đa dạng sinh học, vẻ đẹp thiên nhiên của bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là hình ảnh loài Voọc chà vá chân nâu đến với người dân, du khách, đồng thời kêu gọi các thành viên tham gia chương trình thu gom rác dọc các tuyến đường du lịch trên bán đảo.
Cả hai chương trình không ngoài mục đích giới thiệu du khách những giá trị tiềm ẩn của Sơn Trà và nhắc nhở họ nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bán đảo. Khách đến Sơn Trà theo tour còn có các hướng dẫn viên nhắc nhở, nhất là khách thông qua Ban quản lý, chứ khách đi tự do theo từng nhóm thì cứ vui chơi xong là… xả rác rồi vô tư ra về!
Một bên là phát triển du lịch (Ban quản lý), một bên là bảo tồn sinh học (GreenViet), thoạt nghe sự phối hợp tưởng chừng mâu thuẫn, nhưng thực tế họ có cùng mục tiêu là hướng đến du lịch bền vững để góp phần phát triển thành phố.
5. Dấu chân chàng trai làng chài và những cô tiên xưa đã trở thành huyền tích. Những hạt cát ngày nào lạo xạo dưới những gót chân son chừ không biết đi đâu về đâu. Chỉ biết nàng tiên ở lại đã sẵn lòng cho con người mượn đôi cánh trắng làm nhịp cầu Thuận Phước bắc qua cửa sông.
Hè năm nay Đà Nẵng không tổ chức Trình diễn pháo hoa quốc tế và bù vào đó là những hoạt động đình đám của “Mùa du lịch biển” diễn ra từ ngày 30-4 đến ngày 5-5. Trong hơn 20 hoạt động, có một số hoạt động liên quan đến bán đảo Sơn Trà như: khai trương chùm tour Sơn Trà; đua xe đạp vòng quanh bán đảo Sơn Trà; trưng bày ảnh “Đa dạng sinh vật Sơn Đảo”; thi câu cá tranh giải “Tay câu cá vàng Sơn Trà”; phát động chương trình trồng cây xanh, bảo tồn động, thực vật với chủ đề “Vì một Sơn Trà xanh”...
Không rõ trong số khán giả của tổ khúc múa Chuyện tình Tiên Sa năm nào có những ai quay lại để được nghe câu hát trong ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phan Ngọc: Bồng bềnh, thuyền bồng bềnh bên đảo nhỏ quê ta, ru em chiều mênh mang theo về con sóng. Biển thì thầm thì thầm mát dịu một bản tình ca…
VĂN THÀNH LÊ