.

Du lịch có trách nhiệm

.

Đà Nẵng đang tạo điểm nhấn để biển trở thành điểm đến quyến rũ, thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và tận hưởng không gian vừa có sông, có biển, vừa được bao bọc bởi núi non. Tuy nhiên, để du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn giữ gìn được môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn được những nét đẹp văn hóa đã thành “thương hiệu” của Đà Nẵng là việc làm không dễ.

Các rặng san hô là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật, đóng vai trò như “rừng dưới đáy biển” (ảnh trái) và vẻ đẹp của các cá thể voọc tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cung cấp)
Các rặng san hô là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật, đóng vai trò như “rừng dưới đáy biển” (ảnh trái) và vẻ đẹp của các cá thể voọc tại bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cung cấp)

Lên rừng ngắm voọc

Thời gian tới, một trong những sản phẩm du lịch sẽ được Ban quản lý bán đảo Sơn Trà tập trung hướng đến là tổ chức các tour ngắm voọc và xem đây là điểm nhấn trong chiến dịch thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng. Từng đoàn khách khi đến với núi Sơn Trà sẽ được hướng dẫn viên cung cấp ống nhòm và dẫn sâu vào rừng nguyên sinh, men theo những tuyến đường có sẵn để tìm đến khu vực chuyền cành và tìm thức ăn quen thuộc của đàn voọc để chiêm ngưỡng loài linh trưởng độc đáo đặc biệt quý hiếm trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, việc quảng cáo và tổ chức các tour ngắm voọc sẽ giúp cho khách du lịch hiểu được rằng bán đảo Sơn Trà là nơi duy nhất trên thế giới may mắn sở hữu 300 cá thể voọc chà vá chân đỏ đang sống trong tự nhiên.  Cũng vì lý do này, ông Vũ mong muốn khách du lịch đến đây không chỉ ngắm mà còn trân trọng đàn voọc bằng những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa như đi nhẹ, nói khẽ, không xả rác hay làm bất kỳ hành động nào ảnh hưởng đến tính nguyên sơ của bán đảo nói chung cũng như sự an toàn của bầy voọc nói riêng.

Việc tổ chức các tour ngắm voọc là bài toán tiến thoái lưỡng nan cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà, bởi đây là cách để đánh thức vẻ đẹp của “khu rừng già” bị lãng quên trong thời gian qua cũng như là cách để giới thiệu cho người dân Đà Nẵng và thế giới biết được vai trò, giá trị của loài voọc, góp phần nâng cao vị thế du lịch cho thành phố. Tuy nhiên, nếu những hoạt động du lịch này được thực hiện quá mạnh mẽ, ồ ạt, các tuyến đường được mở ra quá nhiều lại là cách nhanh nhất để giết chết sự đa dạng sinh học cũng như tính nguyên vẹn của hệ sinh thái trên bán đảo, đặc biệt đối với loài voọc. Bởi, các tuyến đường mở ra để phục vụ sự đi lại của du khách cũng đồng nghĩa với việc chia nhỏ khu vực sống và cắt đứt nguồn lương thực của những gia đình voọc - loài linh trưởng chỉ có thể di chuyển bằng cách chuyền cành.

Theo ông Larry Ulibarri, chuyên gia Dự án nghiên cứu bảo tồn động vật, người đã có 15 năm sống và nghiên cứu về loài voọc ở Việt Nam, mô hình cho sự phát triển song song giữa du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học không phải là điều không tưởng nếu Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng sớm hình thành thói quen bảo vệ rừng cho người dân bằng cách tăng cường tuyên truyền về cảnh đẹp, môi trường trong lành và giá trị đa dạng sinh học cao mà bán đảo Sơn Trà đang nắm giữ. Hành động vì một Sơn Trà xanh ngay hôm nay là cách duy nhất để bảo tồn và không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu về môi trường của các thế hệ mai sau. “Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng”, ông Ulibarri nhấn mạnh.

Lặn biển ngắm san hô

Không mới như tuyến “Lên rừng ngắm voọc”, tour “Lặn biển ngắm san hô” được Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà triển khai thực hiện từ khá sớm. Chính các hộ ngư dân được chuyển đổi ngành nghề từ đánh bắt gần bờ sang hoạt động du lịch sẽ là người đồng hành, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm ngắm san hô, câu cá với du khách. Không chỉ dừng lại ở đó, với mục đích làm mới tour lặn ngắm san hô, trong thời gian qua, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà đã phối hợp cùng Công ty TNHH Sông Hội – đơn vị có kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên sông nước, biển đảo – mở rộng tour lặn ngắm san hô kết hợp với tham quan các điểm du lịch hấp dẫn khác, tạo điều kiện để khách du lịch tận hưởng hết không gian hùng vĩ mà lãng mạn của vùng bán đảo sơn thủy hữu tình.

Quy mô và phương pháp kinh doanh của Sông Hội và các ngư dân biển có nhiều điểm khác nhau, tuy nhiên, phương châm “du lịch có trách nhiệm”, khai thác đi đôi với bảo tồn là tiêu chí chung trong cách làm của cả Sông Hội và các ngư dân. Theo ông Trần Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sông Hội, các rặng san hô đóng vai trò như “rừng dưới đáy biển”, là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa môi trường biển. Rặng san hô còn là cái nôi cho việc sinh sản và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loại thủy sinh vật ở cả vùng bờ và từ ngoài khơi vào theo mùa. Từ thực tế này mà việc bảo tồn san hô có vai trò sống còn đối với việc  bảo đảm “sức khỏe” cho vùng biển Sơn Trà.

Mấy chục năm gắn liền với vùng biển Sơn Trà, ông Nguyễn Dinh (61 tuổi) - một ngư dân đã chuyển đổi từ đánh bắt ven bờ bằng ghe nan nhỏ, thúng máy sang tàu du lịch - cho biết, hệ thống san hô tại vùng biển này trước đây rất đẹp, dày và phong phú. Tuy nhiên, trong khoảng 30 năm, với nhu cầu cao về đá mỹ nghệ, hòn non bộ, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nhà nhà, người người đổ xô đi hái san hô, thậm chí “hái san hô” từng được xem là một nghề lâu dài của nhiều hộ dân. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng phá hoại môi trường sinh sản và phát triển tự nhiên của các dải san hô, phá hủy môi trường sinh thái, làm cạn kiệt các nguồn lợi thủy hải sản có giá trị.

Ý thức được tầm quan trọng của những rặng san hô nhiều màu sắc, đẹp đến nao lòng này, trong mỗi tour lặn ngắm san hô của ông Trần Hùng, tất cả du khách sẽ được phổ biến về lợi ích, giá trị của san hô, mọi hành động xả rác, đặc biệt là túi ni-lông đều bị nghiêm cấm khi du khách tham gia tour. Tàu thuyền được kiểm tra, bảo trì thường xuyên để hạn chế tuyệt đối tình trạng ô nhiễm xăng dầu, việc neo đậu phải được tiến hành cẩn trọng, 100% sử dụng neo bù để không có bất kỳ tổn hại đến rặng san hô.

Tương tự như việc đi nhẹ, nói khẽ khi lặng nhìn lũ voọc, từng công việc tưởng chừng như rất nhỏ để bảo vệ rặng san hô mà những người có trách nhiệm luôn nghiền ngẫm chính là một trong những biện pháp bảo tồn thiết thực được đặt ra để giữ cho giá trị đa dạng sinh học trên bán đảo Sơn Trà không bị mất đi.

MAI TRANG
 

;
.
.
.
.
.