.

Loay hoay bài toán bảo tồn cổ vật

.

Theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam, cổ vật là các giá trị vật thể ghi dấu ấn văn hóa của con người, do con người tạo ra và có tuổi từ 100 năm trở lên. Cổ vật có giá trị bởi đây là nguồn sử liệu gốc để nghiên cứu về dấu ấn văn hóa của một thời kỳ lịch sử, phản ánh trình độ văn minh, cảm quan mỹ thuật, đời sống tâm linh, tín ngưỡng… của người dân trong quá khứ. Mang trong mình giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc nhưng nhiều cổ vật trên địa bàn Đà Nẵng đang chịu sự tàn phá của thời gian, thời tiết do bị lãng quên hoặc chưa nhận được sự bảo tồn đúng cách.

Hiện nay, đình Đà Sơn đang bảo tồn các sắc phong trong hộp sắt được gắn kiên cố vào tường và đặt trên cao nhằm hạn chế ẩm mốc.
Hiện nay, đình Đà Sơn đang bảo tồn các sắc phong trong hộp sắt được gắn kiên cố vào tường và đặt trên cao nhằm hạn chế ẩm mốc.

Cổ vật bị lãng quên

Hiện nay trên toàn địa bàn Đà Nẵng, Văn chỉ La Châu là văn chỉ duy nhất còn lại. Thế nhưng, nơi thờ Khổng Tử và các môn đệ, là biểu tượng cho sự khuyến học, khuyến tài thời xưa này đang bị bỏ quên, bị bào mòn bởi thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt. Phơi mình giữa nắng gió, trên một gò đất nhỏ giữa đồng lúa bao la của xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, 2 tấm bia còn lại của Văn chỉ La Châu đang “cái nằm”, “cái ngồi” và là nơi tụ tập vui chơi của trẻ chăn trâu.

Người có công sáng lập Văn chỉ La Châu là tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862), người làng La Châu. Ông đậu đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, đứng hàng thứ 4, khoa Mậu Thân 1848. Tên ông được khắc vào văn bia số 12, tại khu Văn thánh - Kinh thành Huế. Năm 1851, trong thời gian 3 năm cư tang mẹ tại quê nhà, ông đã gặp gỡ và bàn bạc với các thân hào, nhân sĩ trong hội Tư văn, huyện Hòa Vang, nhất là với tri huyện Nguyễn Huy Bính, xúc tiến xây dựng Văn chỉ. Công việc tiến hành đến cuối mùa xuân năm Nhâm Tý (Tự Đức thứ 5 - 1852) thì hoàn thành, chính ông là người chấp bút viết bài văn bia dựng trước Văn chỉ.

Năm 1885, để đối phó với phong trào Cần Vương ở Quảng Nam, quân Pháp đã thiêu hủy Văn chỉ La Châu, đến năm Thành Thái thứ 16 (1904) mới được trùng tu, sửa chữa. Năm Bảo Đại thứ 17 (1942), Văn chỉ tiếp tục được trùng tu, dựng một văn bia bằng đá cẩm thạch trắng nhằm ghi công đức, tài lực nhân dân và thân hào địa phương đóng góp. Kiến trúc của lần trùng tu sau cùng tồn tại cho đến năm 1969, Mỹ ném bom đánh sập hoàn toàn Văn chỉ La Châu, chỉ còn lại nền móng và 5 văn bia, trong đó vỡ 2 tấm.

Văn chỉ La Châu là cổ vật có giá trị, từng là nơi sinh hoạt tinh thần của nhân dân, là ấn chỉ về động lực thúc đẩy sự nghiệp học vấn, bảo tồn nền văn hóa dân tộc ở địa phương. Thế nhưng, giờ đây khi hỏi về ý nghĩa của Văn chỉ La Châu, người viết chỉ nhận được cái lắc đầu của rất nhiều người. Cụ Trương Khanh (thôn 3, La Châu, Hòa Khương), ở tuổi 101, được xem là pho sách sống của cả xã, giờ đây cũng chỉ biết được rằng: “Văn chỉ La Châu là cổ vật có giá trị chứ không thể nhớ được ý nghĩa của nó”. Chính vì sự mù mờ này mà giờ đây, đối với người dân Hòa Khương, Văn chỉ La Châu chỉ là 2 phiến đá có khắc chữ, mặc cho trẻ chăn trâu và mưa gió bào mòn những giá trị từng là tâm huyết của nhiều người, nhiều thế hệ.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng, chia sẻ cảm giác xót xa khi mỗi lần về thăm cổ vật là một lần thấy Văn chỉ thêm điêu tàn. Lời đề nghị xây dựng nhà bia hình tứ giác hoặc lục giác để ngăn nước mưa nhỏ giọt làm rỗ mặt bia đến nay vẫn chỉ là lời đề nghị. “Bia mờ thì mặc bia, bia cứ nằm phơi nắng phơi sương bởi thiếu người thực sự hiểu văn hóa, vì văn hóa. Hy vọng rằng, với mục tiêu đầu tư mạnh vào phục hồi, phát triển các thiết chế văn hóa của Bí thư Thành ủy Trần Thọ, trong thời gian đến, Văn chỉ La Châu sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức, bởi tuy Văn chỉ La Châu không còn nguyên vẹn, nhưng là một trong những Văn chỉ hiếm hoi còn lại ở Đà Nẵng, nếu được quy hoạch, tôn tạo sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống hiếu học và làm giàu thêm bản sắc văn hóa của thành phố”, ông Tuấn khẳng định.

Văn chỉ La Châu - biểu tượng cho sự khuyến học, khuyến tài thời xưa đang bị bỏ quên, bào mòn bởi thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt. Ảnh: M.T
Văn chỉ La Châu - biểu tượng cho sự khuyến học, khuyến tài thời xưa đang bị bỏ quên, bào mòn bởi thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt. Ảnh: M.T

Cổ vật không được bảo tồn đúng cách

Đình Đà Sơn, tọa lạc tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu được xem là ngôi đình có lịch sử cổ xưa nhất của thành phố Đà Nẵng. Đình hiện còn lưu giữ 7 sắc phong có từ thời phong kiến, tuy nhiên, qua thời gian và thiếu biện pháp bảo tồn đúng cách, số sắc phong này đang bị hư hỏng nặng bởi mối mọt. Tình trạng xuống cấp do thiếu kiến thức để bảo tồn những sắc phong quý báu này không chỉ xảy ra đối với Đà Sơn mà là tình trạng chung ở nhiều đình khác. 12 sắc phong tại đình Phú Thượng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đã bị mối mọt và chuột gặm nhấm đến mức không thể đọc được chữ. 8 sắc phong tại đình Hòa An (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng chịu chung số phận khi bị mục nát và chỉ còn 3 sắc phong nguyên vẹn. Đình Lỗ Giáng (Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) có đến 16 sắc phong nhưng cũng bị mục nát do nước mưa thấm và hiện chỉ còn lại duy nhất 1 sắc phong tuy rách nhưng may mắn vẫn có thể đọc được chữ. Điểm chung ở hầu hết các đình này là do thiếu sự bảo quản hợp lý, sự lưu tâm không đúng mức mà thành phố đang mất đi những cổ vật quý báu, có ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật.

Ông Đàm Trung Nhơn, trưởng ban đại diện hội đồng chư phái tộc làng Đà Sơn cho biết, từ khi khai sinh lập địa, sắc phong thường được bảo vệ trong ống tre, hộp gỗ rất dễ bị ngấm nước và mối mọt. Để hạn chế tình trạng này, hiện nay đình Đà Sơn đang bảo tồn sắc phong trong các hộp sắt được gắn kiên cố vào tường và đặt trên cao nhằm hạn chế ẩm mốc. Tuy nhiên, rõ ràng đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Việc bảo tồn một cổ vật có giá trị như vậy không chỉ đòi hỏi đội ngũ làm việc tâm huyết mà còn phải có kiến thức, am hiểu về cách bảo tồn các văn bản dạng giấy. Bên cạnh đó, phải thường xuyên thống kê, phân loại và đánh giá tình trạng hiện vật, bảo quản nghiêm ngặt mới mong giữ gìn cổ vật lâu dài, bền vững.

Theo thời gian, đình cùng với các sắc phong đang ngày càng gắn chặt với đời sống tâm linh và lịch sử của dân làng, chỉ riêng việc nghiên cứu bộ sắc phong cũng có thể thấy được sự phát triển của nghệ thuật làm giấy qua các thời kỳ. Việc giám định, bảo tồn cổ vật trong di tích góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của các cổ vật. Ông Đàm Trung Nhơn bày tỏ hy vọng rằng, trong thời gian đến, công tác đầu tư bảo tồn di sản văn hóa sẽ được đẩy mạnh để có thể khai thác hết giá trị văn hóa của di sản nói chung và của sắc phong nói riêng, góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa của thành phố.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.