.

Lưu giữ dấu tích xưa

.

Mỗi di tích lịch sử (DTLS) cách mạng đều mang trong mình những giá trị khác nhau về con người, vùng đất và trên hết là “kể” lại câu chuyện dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bia chiến thắng Gò Hà dựng lên khá đơn giản giữa rừng bạch đàn, trên tuyến đường ít người qua lại.  Ảnh: T.Y
Bia chiến thắng Gò Hà dựng lên khá đơn giản giữa rừng bạch đàn, trên tuyến đường ít người qua lại. Ảnh: T.Y

Để di tích không bị lãng quên

Cách trụ sở UBND xã Hòa Khương chưa đầy 2 cây số, Khu di tích Gò Hà nằm lọt thỏm giữa rừng bạch đàn thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích cấp thành phố năm 1999. Nhiều năm trôi qua, con đường dẫn đến Gò Hà vẫn không có gì thay đổi, mùa nắng đầy bụi, còn mùa mưa, bùn sình chắn mọi lối đi. Chưa kể, bia di tích chiến thắng Gò Hà được dựng lên khá lạc lõng, xung quanh không có rào chắn hoặc khuôn viên. Bia có chiều cao 152cm, rộng 143cm, dày 50cm, đặt trên đế rộng 254cm, cao 26cm, nội dung ghi “Tại đây đêm 31-10-1965, tiểu đoàn 1 (R20) được tăng cường một Trung đội bộ đội huyện Điện Bàn, một Tiểu đội đặc công Hòa Vang và du kích các xã Hòa Phong, Hòa Khương đã bí mật tiến công cứ điểm Gò Hà do một Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ đóng giữ trong công sự kiên cố. Kết quả ta đã tiêu diệt 200 tên địch, phá hủy 2 xe bọc thép, thu 100 súng các loại. Đây là trận tiến công tiêu diệt đơn vị Mỹ trong công sự vững chắc đầu tiên trên chiến trường khu 5. Chiến thắng Gò Hà lúc bấy giờ đã củng cố thêm niềm tin và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân Đà Nẵng”. Nếu đọc kỹ, dễ dàng nhận thấy câu đầu tiên trong tấm bia này khá rối rắm và chưa rõ nghĩa.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Khương không nhớ đơn vị nào đã lập bia chiến thắng Gò Hà và lập vào năm bao nhiêu. Ngoài Gò Hà, xã Hòa Khương còn 4 DTLS cách mạng khác đã dựng bia tưởng niệm như bia tưởng niệm trận đánh quân xâm lược Pháp tại Bàu Nam năm 1949, bia di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sĩ tại thôn Phú Sơn Tây… Trong đó, Gò Hà là địa chỉ được đưa vào nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên địa phương. Ông Huy chia sẻ: “Các bia di tích được lập trên địa bàn xã Hòa Khương hiện không đồng đều, mỗi nơi một kiểu, tùy theo kinh phí của chủ đầu tư. Như bia di tích chiến thắng Gò Hà qua nhiều năm không được tu bổ đã nhạt màu sơn, xuống cấp trầm trọng, nằm giữa rừng bạch đàn không được ai chú ý tới”.

 Là vùng đất cách mạng, nơi quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng bí mật xây dựng lực lượng đấu tranh giải phóng thành phố, Hòa Vang hiện có 5 DTLS cấp quốc gia, 2 DTLS cấp thành phố được công nhận và nhiều địa chỉ lịch sử khác hình thành qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang chia sẻ: “Để địa chỉ lịch sử không bị lãng quên, một số tổ chức đoàn thể như Hội CCB, Hội LHPN, Đoàn thanh niên đã chủ động về mặt kinh phí, thông tin đề nghị được lập bia tưởng niệm. Dù xấu hay đẹp thì điều đó cũng đáng trân trọng. Có chăng, trước khi xây dựng, các tổ chức hội cần đề đạt nguyện vọng của mình đến cơ quan chức năng, có sự trao đổi về kiến trúc để bia khi dựng lên bảo đảm yếu tố mỹ thuật, trở thành tác phẩm nghệ thuật thu hút người dân đến và tìm hiểu”.

 Bia di tích tại thôn Quan Nam, xã Hòa Liên do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hòa Liên và Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 lập, nay đã xuống cấp trầm trọng.
Bia di tích tại thôn Quan Nam, xã Hòa Liên do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hòa Liên và Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 lập, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Tầm quan trọng của bia, biển di tích

Thông tin từ Trung tâm quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng cho biết, hiện toàn thành phố có 48 bia, biển DTLS ghi lại quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Đà Nẵng. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng nói rằng bia, biển đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi di tích. Bởi thông qua nó, những thông tin chính thống về di tích được hiện lên chính xác và rõ ràng. Hơn nữa, đó là những địa chỉ hết sức quan trọng trong sự nghiệp giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc ở mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Do vậy việc tầm soát, kiểm kê, tôn tạo bia, biển là rất cần thiết và cấp bách để DTLS không bị rơi vào tình trạng xuống cấp khó phục hồi”.

Việc lập bia, biển như thế nào cho phù hợp với quy mô, tính chất sự kiện lịch sử từng diễn ra, hài hòa với cảnh quan xung quanh thể hiện cách ứng xử đối với những giá trị văn hóa, lịch sử trong quá khứ. Xét về tính chất, DTLS nào cũng có thể dựng bia tưởng niệm. Những địa chỉ di tích quy mô nhỏ, không bảo đảm không gian để dựng bia sẽ được thay thế bằng cách gắn biển lên tường. Bia hay biển đều mang giá trị giống nhau, có kích thước nhất định nên số lượng chữ ghi trên đó phải giới hạn, bảo đảm thông tin rõ ràng, đủ nghĩa và không để xảy ra sai sót về chính tả.

Về điều này, ông Hồ Tấn Tuấn nhấn mạnh, những năm qua, các hội, đoàn thể có vai trò rất lớn trong việc đóng góp kinh phí tự xây dựng bia tưởng niệm tại các địa chỉ, DTLS gắn với vùng đất mình sinh sống hoặc từng chiến đấu. Để dựng được bia, họ cần lập hồ sơ (gồm đơn xin lập bia, nội dung liên quan đến di tích, các bản vẽ thiết kế) gửi đến Sở VH-TT&DL. Từ thông tin đó, thành phố sẽ tiến hành kiểm tra nếu bảo đảm tiêu chuẩn sẽ cấp phép xây dựng. Cũng theo ông Tuấn, ngoài mặt tích cực này, thì việc tự phát lập bia (không do nhà nước làm chủ đầu tư) sẽ dẫn đến một số hạn chế như kinh phí thấp, mẫu mã không đạt, câu chữ thiếu chuẩn, dễ xuống cấp, hư hỏng do không được quản lý, bảo vệ thường xuyên như bia chiến thắng Gò Hà, bia kho xăng Liên Chiểu, bia đầu cầu Nam Ô… Đôi khi vì điều kiện khách quan, bia dựng lên không đúng vị trí cũ, mà phải dời đến nơi khác (cách đó không xa) rộng rãi hơn. Nhưng để xử lý các bia, biển không đạt yêu cầu là việc không thể, bởi đây là vấn đề thiêng liêng, liên quan đến sự tri ân của con người đối với quá khứ.

Các DTLS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được xem là “nhân chứng sống” ghi lại quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân Quảng Nam, Đà Nẵng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Việc lập bia, biển là cách lưu giữ quá khứ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các thế hệ người Việt Nam. Loại hình DTLS cách mạng hiện nay khá đa dạng, phong phú, có mặt tại nhiều địa phương, nếu không được quan tâm đặc biệt, lập bia, biển để người dân dễ dàng phổ cập thông tin, nâng cao giá trị di tích thì nó rất dễ bị lãng quên theo thời gian và mục đích sử dụng. Chưa kể sẽ rất khó bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử nếu không được “ứng xử” một cách văn hóa, có trách nhiệm và thu hút người xem như một tác phẩm nghệ thuật.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.