Đà Nẵng hiện có khoảng 70 ngôi nhà cổ, 80% trong số đó nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Kinh phí để sửa chữa, tu bổ nhà cổ gấp ba, gấp bốn lần xây mới một ngôi nhà hiện đại có diện tích tương đương. Phải tìm cho đúng gỗ, đúng thợ Kim Bồng thì may ra mới giữ lại được cái hồn cho căn nhà cổ.
Bà Ông Thị Mãn hiện sở hữu một trong những ngôi nhà cổ nhất làng Phong Nam. Ảnh: N.H |
Mới hơn 6 giờ mà quán cà-phê đầu làng cổ Phong Nam đã đầy đủ các gương mặt thân quen. Sau chuyện nắng mưa trần gian, mọi người xoay sang chuyện nhà cổ. Ông Ngô Văn Tưởng, 72 tuổi, hiện là thủ từ Nhà thờ chư phái tộc làng Phong Lệ, từng là một trong những “người trong cuộc” khi Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng đến khảo sát, lập hồ sơ về nhà cổ ở Phong Nam vào năm 2010, đã bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng thở dài. Chuyện gìn giữ những ngôi nhà cổ xưa do ông cha để lại giống như phim nhiều tập, xem hoài mà chưa thấy hồi kết. Cả làng Phong Nam trước năm 2000 có cả thảy 10 nhà cổ có tuổi đời gần hai trăm năm. Vậy mà bây giờ chỉ còn lại 4 cái… Cứ cái đà này chẳng mấy chốc chỉ còn mỗi cái đình và các nhà thờ tộc họ mà thôi. Chứ nhà cá nhân thì khó mà chống chọi với thời gian và… kinh phí tu sửa. Câu nói “Lực bất tòng tâm” của người xưa ngẫm ra thật chí lý!
Nghe những lời nói như rút ruột, rút gan của những cư dân làng cổ Phong Nam, chúng tôi chợt nhớ ra rằng tình trạng này đâu phải chỉ riêng ai. Một số nhà cổ ở làng cổ Túy Loan cũng rơi vào trường hợp tương tự. Anh Đặng Công Thương, chủ một ngôi nhà cổ ở Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang nói với báo giới rằng, ngôi nhà anh đang ở đã trải qua nhiều đời con cháu nên hư hỏng khá nặng. Kinh phí sửa chữa quá lớn so với thu nhập của một hộ làm nông nghiệp thuần túy như gia đình anh… Nên đành chắp vá theo kiểu con nhà nghèo, tới đâu hay tới đó!
Khi nghe chúng tôi muốn thăm những ngôi nhà cổ còn lại của Phong Nam, thôn trưởng Ngô Văn Khả hăng hái chạy chiếc Honda cổ lỗ sĩ từ thập niên 70 thế kỷ trước dẫn đường. Dường như mọi ồn ào, bụi bặm của phố phường được bỏ lại sau lưng khi chạy xe trên con đường làng ngai ngái mùi cây cỏ. Căn nhà của bà Ông Thị Mãn hiện ra như dấu ấn một thời quá vãng, ba gian hai chái còn khá nguyên vẹn với những cây cột gỗ ánh lên màu thời gian, nền nhà đất sét nện chặt với tro bếp trơn bóng. Lụt lội, nước ngập nhà lênh láng. Nước rút, bà và con cháu lại dọn bùn non, rải tro khắp nền nhà. Cứ thế, thời gian qua đi nền nhà thêm sẫm màu, láng bóng y như nền xi-măng vậy.
Buổi sáng hôm ấy, trời vừa đủ nắng để soi rõ đôi mắt buồn của người già trải qua những trầm kha của cuộc đời. Bà bảo, căn nhà này do ông nội của bà để lại. Do các anh em trai của bà chết trong chiến tranh, nên bà được kế thừa như của hồi môn. Bà vẫn còn nhớ như in lời cha dặn: “Có nghèo khổ mấy cũng giữ ngôi nhà, không được bán hay phá dỡ…”. Mấy chục năm qua, bom đạn không làm suy suyển căn nhà nhưng thời gian thì có thể. Cúi xuống vỗ vỗ vào chân cây cột chái nhà phía tây, lời nói muộn phiền của người già nghe như tiếng khóc: Cây cột ni mục chân rồi, tui phải nhờ mấy đứa thanh niên kê gạch lên chứ không thì ngã mất…
Cũng theo lời bà, ngày trước cụ nội bà mua gỗ tận ngoài Huế, thuê thợ Kim Bồng ở Hội An về làm riết 5 tháng trời mới xong. Bây giờ già rồi, gánh hàng rau của bà cũng chỉ đủ cơm cháo, lấy tiền đâu mà sửa. Mấy năm trước, cái ngạch cửa bị mục, bà phải rứt ruột lấy chỉ vàng dành dụm mua gỗ, thuê người sửa lại. Bây giờ lại đến cái cột, không biết lấy chi mà sửa… Rồi như sực nhớ ra điều gì, bà quay sang hỏi chúng tôi: Mấy con có quen ai trên thành phố không? Hồi trước có cán bộ về đây đo đạc, ghi chép, chụp ảnh bảo làm hồ sơ lên thành phố để giúp bà giữ lại căn nhà. Vậy mà lâu rồi không thấy…!
Cũng như bà Mãn, căn nhà của ông Ngô Tấn Viêm được làm từ những năm 1946. Nhà có vẻ bề thế hơn nhưng vẫn không chống chọi nổi với thời gian. Những năm chiến tranh, Mỹ bắn ca-nông trúng mái nhà, cửa gãy, ngói đổ hoang tàn. Cả gia đình ông Viêm chạy đôn chạy đáo, mua lại ngói cũ của một số nhà dỡ bỏ ở Miếu Bông về lợp. Riêng bộ cửa bàn khoa tinh xảo không ai làm được nên đành thay bằng cửa gỗ kiểu thời nay. Căn nhà hiện nay của ông Viêm dùng để thờ tự, con cháu quây quần trong những ngày giỗ chạp. Còn việc sinh hoạt của cả gia đình đều nằm trong căn nhà hiện đại hơn xây bên cạnh ngôi nhà cổ.
Đó cũng là hiện trạng chung của hầu hết các nhà cổ ở Hòa Vang hiện nay, như nhà cổ Tích Thiện đường của anh Đỗ Hữu Minh ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn. Ước muốn gìn giữ căn nhà cha ông xưa không chỉ riêng của người muôn năm cũ mà còn là tâm huyết của những người trẻ tuổi ngày nay. Kế thừa ngôi nhà ngói ba gian kiểu cổ gần hai trăm tuổi của tổ tiên để lại, anh Minh đã cố công gìn giữ nguyên trạng căn nhà như một lời tri ân của con cháu. Trong khu vườn tràn ngập không gian cổ tích, ngôi nhà gợi bao nỗi niềm xưa cũ. Duy chỉ ngôi nhà mái bằng bên cạnh ngôi nhà cổ dường như hơi lạc lõng trong tổng thể chung. Nói về điều này, anh Minh tâm sự: “Trước đây có căn nhà ngang dùng cho sinh hoạt chung cho người trong nhà như ăn, ngủ và thậm chí là chỗ nằm cho sản phụ lúc sinh con. Khi nó xuống cấp, lúc ấy không có điều kiện nên gia đình đành phải xây theo kiểu tân thời. Giờ cứ tiếc mãi!...”.
Được biết kinh phí để sửa chữa, tu bổ nhà cổ gấp ba, gấp bốn lần xây mới một ngôi nhà hiện đại có diện tích tương đương. Phải tìm cho đúng gỗ, đúng thợ Kim Bồng thì may ra mới giữ được cái hồn cho căn nhà cổ. Kinh phí sửa chữa nằm ngoài tầm tay nên chủ nhân nhiều ngôi nhà cổ, biết là đang nắm giữ một di sản văn hóa, nhưng cũng đành ngậm ngùi buông tay bất lực. Vậy nên, anh bảo, giữ nét xưa nhà cổ nếu chỉ có tâm, có tình thôi thì chưa đủ, liệu mai này, nhà cổ có còn không…
NHƯ HẠNH