Chất lên xe từ 5 đến 10 rổ đầy cá, những chiếc xe thồ lần lượt rời chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (gọi tắt chợ cá Thọ Quang) lúc trời còn nhá nhem tối tỏa về các chợ lớn, nhỏ trong thành phố. Mỗi cuốc xe giúp bác tài kiếm vài chục nghìn đồng, trở thành cái cớ để nuôi dưỡng tình yêu với nghề phu thồ vất vả.
Hình ảnh xe ôm chở cá rời chợ đã trở nên quen thuộc ở chợ cá Thọ Quang. Ảnh: T.Y |
Tầm 2 giờ sáng, chợ cá Thọ Quang càng nhộn nhịp bởi lượng người đổ về đây mỗi lúc một đông. Trên bến dưới thuyền, người mua kẻ bán tấp nập, và không thiếu cánh xe ôm đứng thành hàng chờ sẵn đón khách.
Anh Lê Minh, nhà ở đường Trần Thánh Tông chạy xe ôm hơn 2 năm cho biết anh đến chợ từ lúc 5 giờ chiều và ở lại đón, chở khách đến gần sáng hôm sau mới trở về nhà. Những ngày đầu, việc thay đổi giờ giấc lẫn thói quen sinh hoạt khiến anh Minh gầy sọp, người lúc nào cũng trong trạng thái lơ mơ. Vì phải thường xuyên thức đêm ở chợ cá, anh bắt chước đồng nghiệp nằm ngủ trên xe mỗi khi vắng khách. Có lần đang lơ mơ ngủ, nghe khách gọi, anh giật mình rớt luôn xuống đất. “Sau lần đó, sợ quá nên tôi trải miếng carton xuống đất nằm cho yên tâm. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa là ngồi co ro dưới mái hiên cả đêm”, anh Minh nhớ lại.
Dù có hơn 100 người hành nghề xe ôm cả ngày lẫn đêm tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nhưng người chờ khách ở chợ cá qua đêm như anh Minh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, có khuya, anh trở thành vị cứu tinh của những khách hàng “bất đắt dĩ”. Như Tết vừa qua, gần 1 giờ sáng anh nghe thấy tiếng kêu hốt hoảng phát ra từ phía tàu cá biển số Quảng Ngãi. Trong tàu có một công nhân té xuống hầm đá bị chấn thương vùng đầu, máu chảy ướt cả trán. Ngay lập tức, anh Minh chạy xe áp sát tàu cá, chở người bị nạn sang Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu, chờ làm các thủ tục rồi mới yên tâm ra về. Anh chia sẻ: “Hành nghề xe ôm vất vả, nhất là khi phải thức qua đêm, nhưng được sống giữa không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, xô bồ khiến tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Ban ngày, tôi dành thời gian nghỉ ngơi, đưa đón con đi học. Ban đêm, nếu không ra bến, không ngửi thấy mùi cá cảm giác thiếu thiếu điều gì đó”.
Có phân nửa đội quân xe ôm ở chợ cá Thọ Quang “sống” được là nhờ khách hàng quen. Tàu cập bến, có khách đón xe ôm lên cầu vượt Hòa Cầm đón xe về quê thăm gia đình, có khách đi chợ mua thức ăn, đồ uống xuống tàu, có khách tranh thủ thời gian tàu nằm bờ đón xe vào phố… Những cuốc xe, dù xa dù gần cũng mang lại cho người xe ôm nguồn thu nhập ổn định. Ông Tôn Thất Khanh, nhà ở KCC E1, phường Nại Hiên Đông mới gia nhập đội quân xe ôm hơn một tháng nay cho biết ông làm thợ nề, tranh thủ thời gian rãnh ra chợ cá hành nghề xe ôm. Trung bình mỗi ngày, ông bỏ túi gần 200.000 đồng. “Với người thất nghiệp như tôi số tiền trên không phải là nhỏ. Nghề nào cũng có cái được, cái mất của nó, quan trọng là mình làm ăn lương thiện để phụ giúp gia đình trong lúc khó khăn”, ông Khanh tâm sự.
Lấy đêm làm ngày
Trung bình mỗi ngày, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đón khoảng 50 tàu cá trong, ngoài thành phố cập cảng, mang về bến gần 200 tấn hải sản các loại bán cho các công ty và người buôn bán ở chợ. Bên cạnh đội xe ôm chuyên chở người, ra chợ thủy sản, sẽ thấy ngay một đội xe ôm khác chuyên chở cá trên dưới 50 người trang bị những chiếc xe máy cũ kỹ, phía sau cột miếng gỗ to làm bệ đỡ. Tầm 5 - 6 giờ sáng, khi các tiểu thương từ khắp nơi đổ về, cũng là lúc cánh xe ôm này làm việc. Trong chốc lát, những thùng chậu, rổ đựng đầy cá tươi được người lái xe ôm giúp tiểu thương bưng đặt lên xe, nhanh chân chở về các chợ. Chị Phạm Thị Nguyệt, bán cá ở chợ Hòa Khánh cho biết mỗi ngày khoảng 3 giờ sáng chị có mặt tại chợ cá Thọ Quang mua cá về bán. Khi lựa cá xong, chị sẽ gọi “mối” quen giúp chị chở cá về chợ Hòa Khánh. Chị chia sẻ: “Tôi không đủ sức chở hơn 100 ký cá về chợ nên tuy tốn kém ít tiền để thuê xe ôm, nhưng được cái họ rất nhiệt tình, giúp mình vận chuyển đến tận nơi bày bán”.
Anh Trần Văn Quý, sống ở KCC trên đường Chu Huy Mân nhiều năm gắn bó với nghề thồ cá nói rằng nghề này rất vất vả, nếu không đủ sức khỏe khó làm được. Không ít người ra cảng hành nghề, đành bỏ dở công việc hoặc chuyển địa điểm làm ăn. Chạy xe ôm, anh kiêm luôn việc bốc dở, bê lên đặt xuống từng rổ cá nặng hàng chục ký. Do công việc nặng nhọc nên trong tư trang của anh bao giờ cũng có chai dầu nóng, phòng xoa bóp khi cần. Có hôm vừa về nhà, mối hàng gọi, thế là xách xe chạy đi. Anh Quý nói: “Nếu mình không nhận chở cho “mối” một, hai lần là coi chừng mất mối. Vì thế họ gọi giờ nào cũng phải có mặt kịp thời, trừ khi ốm đau không thể đi được”.
Ở chợ cá Thọ Quang hiện có hơn 30 cặp vợ chồng vợ bán cá, chồng hành nghề xe ôm. Do đó, chuyện hai vợ chồng cùng rời nhà lúc 2, 3 giờ đêm trở thành chuyện bình thường. Như vợ anh Quý bán cá tại chợ Nại Hiên Đông, hằng ngày đi, về cùng chồng nên chuyện thức đêm, ngủ ngày trở thành thói quen. Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trỗi, tổ 24C Tân Thái, phường Mân Thái gắn với cảng cá từ năm 2000 đến nay. Lúc đầu, sau khi bỏ nghề đi biển, anh Trỗi thường ra chợ phụ vợ chọn cá chở về bán ở chợ Chiều. Ra miết thành quen, anh bàn với vợ hành nghề xe ôm chuyên chở cá về chợ cho tiểu thương. Từ đó, mỗi ngày anh chở 4, 5 chuyến cho “mối” quen, thu nhập trên dưới 200.000 đồng. Suốt ngày ngoài bến, người anh Trỗi lúc nào cũng phảng phất mùi vị biển, lâu dần trở nên thân thuộc với vợ chồng anh lúc nào không hay.
Từ năm 2011, Ban chỉ đạo xây dựng điểm “Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang an toàn, văn hóa” quyết định thành lập tổ xe thồ tự quản (XTTQ), gồm 38 thành viên có lý lịch, sức khỏe tốt. Trong quá trình hành nghề, thành viên mặc đồng phục, có bảng tên. Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Phương, tổ trưởng tổ XTTQ lo lắng, với số lượng xe thồ đang hành nghề tại chợ cá Thọ Quang, việc có một tổ XTTQ là quá ít, chưa tạo điều kiện cũng như tập hợp được đông đảo anh em tham gia.
Thức cùng chợ cá Thọ Quang, chúng tôi cảm nhận được phần nào nỗi nhọc nhằn của những người đêm đêm thoăn thoắt chất hàng, phóng xe rời chợ cá, kịp mang tới các chợ những giỏ hải sản trĩu nặng, tươi ngon khi trời vừa sáng. Hy vọng, nay mai, khi XTTQ phát triển mạnh, những người xe ôm càng có được chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để ổn định cuộc sống và bền lâu với nghề.
TIỂU YẾN