Giữa nhịp sống đô thị hối hả, tất bật, đâu đó vẫn tồn tại vòng quay những chiếc xe đạp thồ xưa cũ và chậm chạp của các bác tài mà phần lớn đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Hình ảnh bóng người đổ dài theo vạt nắng trên chiếc xe đạp thồ cũ kỹ hay sự đối xử ấm áp giữa người chở thuê và người thuê chở đã mang lại cho Đà Nẵng một vẻ đẹp lấp lánh cái nghĩa, cái tình.
Ông Lưu Thế, 84 tuổi, đang chuẩn bị chở làn đựng thức ăn, hoa quả đến “Ngôi nhà có giàn trầu không”.Ảnh: M.T |
Chợ Cồn được mệnh danh là trung tâm buôn bán của người dân Đà Nẵng, sầm uất và náo nhiệt. Chợ được bao quanh bởi đội ngũ xe thồ gắn máy hùng hậu, sẵn sàng chuyên chở khách và hàng hóa với số lượng lớn, cồng kềnh. Nằm khiêm tốn trong một góc nhỏ của chợ là 3 chiếc xe đạp thồ “cỗ lổ sĩ”, được ràng buộc bằng vô số những mảnh vải dường như để giúp các bộ phận trên xe không long rơi ra từng mảnh. Vỗ nhẹ vào chiếc xe chỉ còn cái chuông là không kêu của mình, ông Lưu Thế, 84 tuổi móm mém cười: “Nhãn hiệu Thống Nhất đó con, vì nó già như lão nên xích hơi rệu rã chớ bền lắm”. Toàn ngôi chợ sầm uất này chỉ còn 3 người làm nghề xe đạp thồ, người “trẻ” nhất năm nay đã 78 và già nhất là 86. Họ không chào mời hay tranh giành khách, mà chấp nhận lùi nép vào một góc chợ, cần mẫn, đều đặn thồ hàng từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều với các mối quen, chắt chiu từng đồng cho những ngày tháng “nếu lỡ không còn đạp xe được nữa”.
Khách thuê xe đạp thồ thường là các cô, các chị buôn bán trong chợ, họ nhờ những cuốc xe đạp để gửi con cá, mớ rau, lạng thịt cho chồng con ở nhà. Khách còn là những người chỉ vì muốn kiếm thêm thu nhập cho các bác tài lớn tuổi mà nhờ chở làn thức ăn về nhà rồi tự mình thong thả cuốc bộ quay về chứ không chọn những chiếc xe máy, vừa có thể thồ hàng, vừa có thể chở người, tiện lợi và nhanh chóng. Khách được các bác tài gọi bằng cái tên mang đặc điểm riêng có của từng ngôi nhà như “nhà có giàn trầu không”, “nhà có giàn hoa giấy”… Bác tài được khách nhớ và gọi tên bằng số tuổi “ông 86”, “ông 84” hay “ông 78”. Những cái tên theo số được cộng dần theo từng năm, thay đổi theo từng năm, thế nhưng cả khách lẫn người thồ xe đều bằng lòng với cách gọi tên độc đáo và không lẫn vào đâu được này.
Là khách quen thường xuyên của “ông 86” - Hồ Văn Minh, chị Ngọc Trâm chia sẻ: thương lắm những hôm mưa bão, trái gió trở trời, ông bị hành hạ bởi bệnh khớp kinh niên nhưng vẫn đội mưa đi đạp thồ. Một lần len lỏi vào con hẻm nhỏ trên đường Hùng Vương, đường trơn trượt lại thêm cái chân đau đã khiến ông cùng xe đạp đổ nhào, toàn bộ trứng, đậu trong làn rơi ra vỡ nát. Trong chuyến hàng này, ông đã nhất quyết không nhận tiền bởi “thiệt hại” do mình gây ra. Chính sự cần mẫn, thật thà và quyết tâm giữ uy tín trong nghề của ông đã khiến chị Ngọc Trâm thường xuyên nhờ ông chở hàng, kể cả việc đứng giữa trưa nắng để đợi ông quay về sau cuốc thồ hàng cho người khách khác, mặc cho sự chào mời từ phía những chiếc xe máy xung quanh. “Lớn tuổi, hiền hậu và tự trọng, chỉ có một cách giúp đỡ tiền “trà nước” mà ông chấp nhận là nhờ ông thồ hàng với số tiền chị gửi nhỉnh hơn một chút”, chị Trâm cho biết.
Chợ Mới trên đường Hoàng Diệu nối dài cũng chỉ còn lại 3 chiếc xe đạp thồ khiêm tốn nằm nép mình bên vệ đường. Mặc dù số tuổi của các bác tài tại đây có phần trẻ hơn: 52, 73 và 78 tuổi nhưng tình cảm của người thuê chở và người chở thì vẫn đong đầy. Hằng ngày, ông Lê Lập, 73 tuổi vẫn đều đặn chở từng buồng chuối (trung bình 20kg/buồng) cho bà Huỳnh Thị Tú (77 tuổi). Mỗi lần dọn hàng ông phải đi đến 7 lượt bởi chiếc xe đạp cũ và sức lực không cho phép ông chở nhiều hơn, điều này đồng nghĩa với việc dọn hàng lúc tờ mờ sáng và chiều nhá nhem của bà Tú luôn trễ nải hơn người khác.
Trễ nãi là vậy nhưng bà Tú vẫn vui vẻ trở thành bạn hàng thân quen của ông bởi: “Cái tình, cái nghĩa có với nhau từ ngày mới lập chợ, đã 30 năm trôi qua, không thể vì mấy phút chờ đợi mà quay lưng với người đã cẩn thận chèn nhiều lớp vải dưới buồng chuối chỉ để đảm bảo chuối không bị bầm dập khi qua những đoạn đường xóc nảy, không thể quay lưng với người luôn sẵn sàng từ chối những khách hàng khác để ưu tiên chở chuối của tôi đến mọi ngóc ngách của Đà Nẵng cho bạn hàng”.
Sự cần mẫn, chịu khó và thật thà của ông Lập đã góp phần duy trì những mối bán hàng thân quen cũng như tạo nên sự yên tâm hoàn toàn của bà Tú khi giao hàng cho ông thồ. Sự kiên nhẫn chờ đợi trong những lúc dọn dẹp hàng quán mặc cho rất nhiều xe máy chào mời của bà Tú giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định hằng tháng cho ông Lập. Sự giúp đỡ nhau chân thành của người thuê và người chở đã làm cho không khí buổi chợ như nhẹ nhàng, vui vẻ hơn, xua tan hoàn toàn suy nghĩ về những chao chát, giành giật thường có ở nơi cửa chợ.
Những vòng quay đều đặn của các “tài xế” tóc đã bạc phơ vẫn len lỏi trong những con phố Đà Nẵng. Đạp xe không chỉ là công việc mưu sinh mà dường như còn là một thói quen khó bỏ, là mối quan hệ gắn bó với người đi chợ, với người buôn bán, điều khiến cho cuộc sống tuổi già tuy có vất vả nhưng không đơn điệu, tẻ nhạt. Mỗi lần nhìn thấy họ, lòng lại cầu mong, đó là những chiếc xe đạp thồ cuối cùng trong thành phố…
MAI TRANG