.

Tự cứu trước khi... nhà nước cứu

.

Trong 9 di tích nằm trong danh sách di tích đưa ra khỏi danh mục di tích đăng ký bảo vệ (theo Quyết định số 8845/QĐ-UB ngày 18-12-2013 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) thì có đến 2 di tích ở địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. 2/9, một tỷ lệ đủ bất ngờ để thúc giục chúng tôi đi tìm hiểu.

Quay phim để cứu di tích khỏi sai lệch nguyên bản khi trùng tu.  (Ảnh chụp qua bình phong bị hư hại ở đình Đại La)
Quay phim để cứu di tích khỏi sai lệch nguyên bản khi trùng tu. (Ảnh chụp qua bình phong bị hư hại ở đình Đại La)

10 năm vắng bóng một di tích

Một ông lão lọ dọ đi trên đường, nghe chúng tôi hỏi nhà ông Hai Liệt thì ông cười “Hai Liệt đây”, rồi chỉ vào căn nhà nằm sau bóng cây xoài: Còn nhà Hai Liệt thì đằng kia. Ông trước ở Xóm Cồn, Xuân Thiều, khi giao mặt bằng cho dự án mở rộng Khu công nghiệp Hòa Khánh thì xuống ở khu tái định cư Hòa Hiệp 2, bên đường Nguyễn Bá Phát. Đúng như một vị đang chuẩn bị lễ cầu an ở đình Xuân Thiều giới thiệu, ông Hai Liệt rành chuyện Xóm Cồn rõ như lòng bàn tay.

Xóm Cồn có hai miếu và một văn thánh. Miếu Hàm Trung đã được xếp hạng di tích cấp thành phố. Miếu Tân Lập, còn gọi là miếu Xóm Cồn, hiện còn nằm trơ vơ trên cồn cát cao bên đường số 5 dẫn vào Khu công nghiệp Hòa Khánh. Cách không xa đó, ngay trong lòng đường số 5 hiện nay, từng là nơi tọa lạc của Văn thánh Xuân Thiều. Chú biết không, giọng ông chùng xuống, Văn thánh lập ra là để thờ ngài Khổng Tử và các bậc hiền nhân trong làng, cốt dạy con người giữ giềng mối nhân luân, đạo nghĩa thánh hiền. Đâu phải làng mô cũng được lập. Tui nghe nói tuốt trong Nam Phước, Duy Xuyên, mới có một cái như rứa.

Văn thánh Xuân Thiều có cách đây ngót nghét gần 200 năm, mặt quay vô hướng Bàu Tràm, ông Hai Liệt nhớ lại. Mỗi năm đến Rằm tháng Ba âm lịch là các vị túc nho, sĩ tử cùng dân làng tề tựu về đây làm lễ tế Thánh. Ông nghe nói thỉnh thoảng cũng có các chí sĩ như Nguyễn Duy Hiệu (Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam), Đỗ Thúc Tịnh (người lập Văn chỉ La Châu), Trần Cao Vân (cùng Thái Phiên chủ xướng khởi nghĩa Duy Tân)... từ các nơi về dự. Tháng 8-1945, đây là nơi cán bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, về sau là điểm gác tiền tiêu để cảnh báo cho nhân dân, cán bộ và du kích mỗi khi quân Pháp đi càn…

Có lẽ do nhận thấy Văn thánh Xuân Thiều giữ vai trò quá quan trọng đối với đời sống nhân dân quanh vùng nên giặc Pháp đã bắn ca-nông làm đổ một phần tường thành phía Tây. Khi “Tây” rút lui, ông Hai Liệt tham gia đội thanh niên đến tu bổ các gian thờ bên trong, còn bờ thành thì vẫn để nguyên như thế.
Rồi chừng như muốn trải lòng cho hết tâm tư, ông bảo chúng tôi chở ông đi khảo sát thực địa, mặc dù đã chiều muộn. Chú biết không, giọng ông buồn buồn phía sau lưng tôi, năm 1999, thành phố ra cái quyết định đưa Văn thánh Xuân Thiều vô danh mục di tích đăng ký bảo vệ thì 5 năm sau cả di tích không còn một viên gạch. Họ mở rộng khu công nghiệp Hòa Khánh, đề nghị dời Văn thánh về bên cạnh miếu Hàm Trung, sau này dời thêm miếu Tân Lập về luôn đó để thành cái cụm di tích lịch sử - văn hóa của làng.

Đến trước miếu Hàm Trung, ông dò từng bước trên con đường dốc thoai thoải bên trái dẫn lên miếu. Lục tìm một lát thấy mấy hộp diêm trong miếu chỉ còn cái vỏ, ông lững thững quay ra, đưa tay sửa lại mấy lư hương trên cái hương án lộ thiên đặt phía sau bức bình phong. Giọng ông nghẹn lại: Cả cái Văn thánh uy nghi một thời chừ chỉ còn trơ trọi mấy cái nồi hương, chân đèn. Mười năm rồi, xót lắm…

Ông Hai Liệt chạnh lòng trước những gì còn sót lại của Văn thánh Xuân Thiều.
Ông Hai Liệt chạnh lòng trước những gì còn sót lại của Văn thánh Xuân Thiều.

Lập “bản sao” cho di tích

Phố sắp lên đèn thì chúng tôi về đến nhà ông Hai Liệt. Ông xởi lởi: Hồi phá dỡ Văn thánh tui thấy họ cử người đo, vẽ, chụp ảnh… nói là để sau này làm lại cho giống. Dân chờ miết, chẳng biết “sau này” là hồi mô. Chỉ thấy thỉnh thoảng có mấy nhà báo như mấy chú về tìm hiểu, nghe nói để lên báo, lên đài chi đó. Lên chi lên, chứ bà con ưng “lên” lại cái Văn thánh như hồi xưa, chứ để lâu quá thì các vị thánh họ “quở”...

Để lưu giữ “bản chính” của di tích thì chụp ảnh là một trong những phương án tối ưu được chọn; tuy nhiên, nếu có điều kiện thì quay phim sẽ tốt hơn nhiều. Mới rồi, tôi được theo tổ công tác của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng đi ghi hình một số di tích ở huyện Hòa Vang, trong đó có đình Đại La, di tích được xếp hạng cấp thành phố năm 2007.

Đình Đại La có khoảng 150 năm nay, qua 2 lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét xưa như rồng có dáng mềm mại, tư thế đẹp. Theo dự án mở rộng đường Hoàng Văn Thái nối dài thì đình Đại La không phải di dời, chỉ có điều lề đường phía trước đình chỉ còn 3m chứ không phải 5m như toàn tuyến đường. Chư phái tộc làng Đại La có nguyện vọng dời lui đình về phía sau khoảng trên 10m trong khuôn viên đất đình để có sân sinh hoạt. Một lãnh đạo Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố cho biết: Dân làng Đại La đã có biên bản thống nhất ý kiến, nếu được thành phố thống nhất di dời, trong tháng 4 này sẽ tiến hành di dời luôn.

Để đi trước một bước, tuần rồi Trung tâm đã cử tổ công tác về quay phim toàn bộ các kết cấu của đình. Anh Nguyễn Thanh Lựu, người quay phim, cho biết ghi hình động sẽ lưu lại được nhiều góc độ, thấy rõ được hình khối, cấu tạo từng chi tiết của đình. Sau này khi trùng tu hoặc xây mới sẽ mang ra đối chiếu để giữ nguyên nét đình xưa.

Nghe thế, chạnh nghĩ, lời hứa xây lại Văn thánh Xuân Thiều đã bước qua năm thứ 10 rồi, không biết hình ảnh xưa có còn giữ lại?

Tự cứu trước khi… nhà nước cứu

Nguyên nhân để 9 di tích bị đưa ra khỏi Danh mục di tích đăng ký bảo vệ nói trên là không đủ tiêu chuẩn, cụ thể là mất hẳn như Văn thánh Xuân Thiều. Di tích đã được đăng ký bảo vệ, nếu qua kiểm tra hằng năm theo Luật Di sản văn hóa mà cơ quan chức năng nhận thấy không bảo đảm về việc chăm sóc, bảo vệ của sở hữu địa phương, sẽ đề nghị thành phố ra quyết định đưa ra khỏi danh mục này. Ngay cả các di tích đã được xếp hạng, nếu tình trạng ban quản lý địa phương không chăm sóc, để di tích xuống cấp, hư hỏng thì cơ quan chức năng cũng sẽ đề nghị thành phố thu hồi bằng xếp hạng.

Lâu nay sở hữu các di tích (chủ yếu là các đình làng) thường có tâm lý là trông cho di tích của mình được xếp hạng để được trùng tu bằng kinh phí Nhà nước. Đây là một quan niệm sai lệch. Xếp hạng chỉ là công nhận danh hiệu thôi, chứ không có nghĩa là sẽ “đổ” ngân sách về để “cứu” di tích, mà bản thân chủ sở hữu di tích phải tự cứu lấy mình để giữ vững danh hiệu. Ví như UNESCO khi công nhận Hạ Long là Di sản văn hóa thế giới cũng đâu có rót tiền về cho Hạ Long, mà còn “hăm dọa” sẽ rút danh hiệu cao quý này nếu Hạ Long không chịu cải thiện môi trường…

Khi chúng tôi trao đổi những điều nói trên, ông Hai Liệt phân trần: Nhưng mà cái Văn thánh Xuân Thiều thì không phải do dân làng chúng tôi không biết cách chăm sóc để di tích xuống cấp, hư hỏng, các chú ơi…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.