.

Vừa mưu sinh vừa làm "hiệp sĩ"

.

Ở thời buổi mà người ngay lại đi sợ kẻ gian, ai cũng muốn an phận mà không dám đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu thì việc “hành hiệp” của những “hiệp sĩ đường phố” phải được xã hội quan tâm nhiều hơn.

Hiện không còn cảnh tranh giành khách giữa taxi và  xe thồ ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Hiện không còn cảnh tranh giành khách giữa taxi và xe thồ ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Nhanh như… bay

Chiếc xe chạy tuyến Quảng Bình - Đà Nẵng vào Nhà ga trả khách ở Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng) được dăm phút thì một hành khách la toáng lên: Bao gạo của tui ai lấy mất rồi? Nhìn nét mặt hớt hơ hớt hải đầy nước mắt của bà, các nhân viên bảo vệ bến xe phát hoảng. Hỏi ra, mới biết thời buổi ra ngõ đụng kẻ gian, bà phải giấu tiền và vàng gần trăm triệu đồng vào trong bao gạo để mang vào Đà Nẵng cho con mua nhà. Nhận được tin, Trưởng ban Bảo vệ Trần Tấn Đức liên hệ ngay với tổ xe thồ tự quản (XTTQ) thì được biết ít phút trước đó một anh xe thồ có chở một sinh viên cùng với một bao gạo về nhà trọ. Anh này nhận được điện thoại, tức tốc quay lại thì thấy bao gạo trị giá gần trăm triệu vẫn còn để bên góc phòng trọ.

Trong chuyện này, ông Đức nhận định, lỗi là do nhà xe sơ ý “lấy râu bà nọ cắm cằm anh kia” chứ anh sinh viên cũng thật vô tư, không hề biết mình nhận nhầm bao gạo của bà người Quảng Bình. Bà này sau đó gửi thư cảm ơn Bến xe Trung tâm Đà Nẵng đã “phá án” cực kỳ nhanh, chứ ở nơi khác chắc chắn mất đứt rồi!

Khi đứng chờ “bắt” khách, anh em chạy xe thồ theo dõi nhất cử nhất động của mọi người chung quanh, nhất là hành khách. Cái nghề nó buộc phải vậy. Trước đây, anh em Đội XTTQ tham gia phòng chống tội phạm phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) có lần đang chờ khách dưới gầm cầu vượt Hòa Cầm thì nghe tiếng la thất thanh “Cứu tôi với!” của một phụ nữ. Đội trưởng Lê Đức Tịnh vội vã quày xe chạy đến. Người phụ nữ hốt hoảng đưa tay ra bộ giật giật trước ngực rồi chỉ chiếc xe máy chở ba đang bỏ chạy về hướng ngã ba Huế. Anh Tịnh ra hiệu, anh em trong đội phóng theo. Đường đêm vắng, chiếc xe chở ba dù có chạy đường trời cuối cùng vẫn bị anh em áp sát, bắt gọn và giao cho công an. Đó là 3 đối tượng quê ở Quảng Ngãi chuyên giật dây chuyền phụ nữ đi trên đường, tiếng trong “giới giang hồ” gọi là “ăn bay”.

“Ăn bay” chỉ các đối tượng chạy xe rà rà trên đường theo dõi “con mồi”, thấy được là “bay” ngang qua giật dây chuyền, giật túi xách. “Ăn bay” là dân cướp giật có trình độ chuyên nghiệp, giật cái gì là đáng giá cái đó; còn “ăn hàng” là dân ăn tạp, đụng cái gì cũng “ăn” cả, có khi trong xách chỉ có mấy trăm nghìn đồng hoặc toàn… áo quần cũ nát.

Bà người Quảng Bình quá đỗi ngạc nhiên về tài xử lý cực nhanh của giới xe thồ Đà Nẵng, nhưng nếu được chứng kiến cảnh rượt đuổi bắt dân “ăn bay” trên đường phố thì hẳn sẽ “mắt chữ o miệng chữ a” nhiều hơn nữa. Dân “ăn bay” khi bị đuổi là cắm cổ đóng ga chạy bán sống bán chết, anh em xe thồ chỉ nhanh như bay mới có thể “nắm chóp” được.

“Khắc tinh” của tội phạm

Thiếu tá Nguyễn Công Hà, Phó trưởng Công an phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cho rằng anh em xe thồ ở Bến xe Trung tâm còn lanh hơn trinh sát của công an. Ma túy, mại dâm, trộm cắp, cướp giật, tiêu thụ hàng gian... mỗi nhóm đối tượng biểu hiện một hành vi khác nhau nhưng anh em đều nắm rõ, thậm chí nhớ kỹ chi tiết từng đặc điểm nhân dạng, giọng nói, nhờ đó đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp Công an phá nhiều vụ việc.

Đêm đó, anh Đ.Q.H. đang chờ đón khách trước bến xe thì thấy một thanh niên từ trên taxi bước xuống với 2 thùng các-tông và 4 túi xách. Một mình với từng đó hành lý xuất hiện lúc 2g sáng, rất khả nghi. Nghĩ thế, H. liền báo cho lực lượng tuần tra phường Hòa Minh đến tiến hành kiểm tra hành chính. Bất ngờ, đối tượng bỏ chạy vào trong bến xe. Lực lượng tuần tra truy đuổi, phối hợp với bảo vệ bến xe bắt giữ đối tượng. Đó là Nguyễn Hữu Hậu, sinh năm 1986, quê Hà Tĩnh, từng bị tù 42 tháng vì tội trộm cắp tài sản. Ra tù, Hậu lang thang đến Đà Nẵng, lợi dụng sơ hở trong việc bảo vệ kho thuốc ở Bệnh viện Đà Nẵng, đối tượng đã lấy cắp số thuốc trị giá khoảng 50 triệu đồng, định đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ thì bị bắt.

Ông Trần Tấn Đức nguyên là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Đà Nẵng) nên không còn lạ gì thủ đoạn của các đối tượng, nhất là đối tượng sử dụng ma túy. Cuối năm ngoái, Lương Văn Phố, sinh năm 1984, quê Nghệ An, xuống xe đi vào nhà vệ sinh, đang sử dụng ma túy thì bị anh em xe thồ phát hiện, báo bảo vệ đến mời vô văn phòng làm việc. Thấy đối tượng mang theo trên người 3g heroin, ông Đức đã giao cho Đội điều tra về tội phạm ma túy Công an quận Cẩm Lệ xử lý.  

Muốn phát hiện đối tượng sử dụng ma túy phải hiểu được tiếng lóng của loại tội phạm này. N.H.K., tổ trưởng tổ xe thồ đêm ở Bến xe Trung tâm kể, có lần, anh nghe hai thanh niên chuyện trò với nhau. Ăn cơm chưa? Chưa, 8 giờ tối mới có cơm. Cơm đen hay trắng? Chưa biết cơm trắng hay cơm ghế đây. Biết chúng đang chờ mối đưa ma túy tới, anh cùng anh em mai phục và bắt gọn cả nhóm.

8 năm qua, kể từ khi chính thức thành lập các tổ XTTQ, sau hàng trăm vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng, với cơ sở hạ tầng hiện đại, văn minh, đã từ “điểm nóng” biến thành điểm đến an toàn, lịch sự. Trung tá Nguyễn Phước Quang, Trưởng Công an phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, cho rằng anh em chạy xe thồ là “khắc tinh” của tội phạm, đối tượng từ các nơi khác đến đều không dám “hó hé” ở Đà Nẵng, nhất là Bến xe Trung tâm. Điện thoại đường dây nóng của HĐND thành phố cũng không còn đổ chuông vì hành khách hoảng sợ báo tin xe thồ tranh giành khách với taxi.

Hiệp sĩ đường phố?

Bến xe Trung tâm Đà Nẵng nằm giáp ranh ở “vùng biên giới”, bên trong thuộc địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, nhưng phía trước cổng lại thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Thoạt nghe thì có vẻ “rối rắm” trong vấn đề quản lý, nhưng các bên đã thống nhất rằng, địa phương nào quản lý tổ xe thồ của địa phương đó, còn các vụ việc xảy ra trên địa bàn địa phương nào thì Công an nơi đó trực tiếp xử lý.

Năm 2006, Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng đã phối hợp với Công an hai phường Hòa An và Hòa Minh tổ chức các tổ XTTQ. Muốn gia nhập, theo ông Lê Viết Hoàng, Tổng giám đốc công ty, anh em phải có đủ 4 điều kiện: đơn xin vào tổ, có giấy xác nhận hộ khẩu thường trú do Công an địa phương cấp, có giấy phép lái xe và phải có xe chính chủ. Hồ sơ quản lý từng người (lưu trữ tại công ty và Công an 2 phường) có ảnh, ngoài lý lịch trích ngang còn có phần ghi cụ thể các hình thức khen thưởng, kỷ luật. Ban giám đốc công ty cùng với Công an hai phường tổ chức tuyên truyền, vận động anh em tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm.

Đà Nẵng có nhiều tổ XTTQ tập trung ở các chợ lớn, nhưng đông nhất là ở Bến xe Trung tâm với gần 200 người, nổi tiếng nhất là tổ XTTQ phường Hòa Thọ Đông, đơn vị đã từng được HĐND thành phố tặng 12 chiếc xe máy để hành nghề. Do đặc thù công việc, họ chạy xe “trên từng cây số” và sẵn sàng “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Ngành Công an đã thưởng “nóng” rất nhiều chiến công xuất phát từ nguồn tin của những “hiệp sĩ đường phố” này.

Một số địa phương, như tỉnh Bình Dương chẳng hạn, đã ban hành Quy chế về tổ chức, hoạt động của CLB Phòng chống tội phạm, nơi quy tụ các “hiệp sĩ đường phố” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khi “hành hiệp”, nếu “hiệp sĩ” bị thương hoặc thiệt mạng thì được xem xét hưởng chế độ chính sách theo quy định. Nếu tài sản bị hư hại thì được xem xét hỗ trợ.

Đà Nẵng nên chăng có một ứng xử tương tự, bởi ở thời buổi mà người ngay lại đi sợ kẻ gian, ai cũng muốn an phận mà không dám đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu thì việc “hành hiệp” của những “hiệp sĩ đường phố” phải được xã hội quan tâm nhiều hơn. Từ việc phát hiện, tìm trả lại hành lý bỏ quên đến những vụ việc phòng chống tội phạm, họ đã góp phần làm cho môi trường xã hội thành phố Đà Nẵng ngày một trong sạch hơn.

Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.