Một cô bé mắc bệnh tự kỷ, một bạn nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh sức khỏe ốm yếu, sống dựa dẫm hoàn toàn vào bố mẹ bỗng một ngày trở nên hoạt bát, có thể tự phục vụ bản thân, hòa đồng với bè bạn. Mọi thứ dường như dễ dàng hơn khi chúng được hòa mình vào thiên nhiên, sinh hoạt vui cười giữa vòng tay quan tâm của người lớn...
Những giờ sinh hoạt ngoài trời giúp trẻ nắm bắt thêm nhiều kỹ năng sống cần có. Ảnh: T.Y |
Mỗi ngày làm vui lòng một người
Cách đây tròn năm, chị K.A dẫn cháu gái Nguyễn Linh Ch., học sinh Trường tiểu học Phan Thanh đến đăng ký tham gia sinh hoạt cùng nhóm hướng đạo sinh (HĐS) thuộc Đạo An Hải tại Công viên 29-3. Chị nói với các HĐS ở đây rằng, Linh Ch. là đứa trẻ kém may mắn bởi ngay từ khi mới sinh ra, bé đã mắc chứng bệnh tự kỷ, khó gần gũi, suốt ngày không cười, không chơi với ai, hầu như không bày tỏ tình cảm yêu thương với người khác. Để chữa chạy cho con gái, gia đình nhiều lần đưa Ch. đi viện, tuân thủ phác đồ điều trị nhưng bệnh tật của bé vẫn không khá hơn được.
Nhờ những buổi sinh hoạt, huấn luyện kỹ năng sống cùng các huynh trưởng mà Linh Ch. ngày một dạn dĩ, biết tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân, quét nhà, dọn chén bát giúp bố mẹ… “Trước đây, bé học đâu quên đó, học lực trung bình thì bây giờ đã luyện được tính tập trung, chữ viết ngày một đẹp, học lực đã nâng lên loại giỏi. Điều khiến gia đình vui mừng nhất là bé đã hòa đồng cùng bạn bè, biết nghe lời người lớn và ít dần những biểu hiện tiêu cực”, chị K.A bày tỏ.
Tương tự, bé Nguyễn Thị Văn N., học sinh lớp 1/6 Trường tiểu học Đức Trí mắc bệnh tim bẩm sinh. Dù đã được phẫu thuật nhưng sức khỏe ốm yếu. Thương con, chị Th. từng bỏ thời gian tìm kiếm lớp dạy kỹ năng cho trẻ ở Đà Nẵng nhưng không có. Thông qua sự giới thiệu của bạn bè, chị Th. đưa N. đến sinh hoạt cùng nhóm hướng đạo. Chị Th. chia sẻ: “Trước khi đưa con đến đây, tôi đã tìm hiểu những thông tin hoạt động của phong trào hướng đạo trên website và mạng xã hội facebook. Những hình ảnh sinh hoạt lành mạnh, vui tươi và bổ ích của các HĐS đã thuyết phục tôi và tôi nghĩ rằng đây là nơi có thể giúp con mình rèn luyện sức khỏe và tính kỷ luật”. Cũng theo chị Th., từ ngày đưa con đến sinh hoạt tại Công viên 29-3 mỗi cuối tuần, bé tiến bộ thấy rõ. Dù mắc bệnh tim, nhưng bé đã quyết tâm tham gia cuộc thi đi bộ 1,5km để lấy chuyên hiệu Đi bộ, là 1 trong 23 chuyên hiệu quan trọng của ngành Ấu (một ngành trong phong trào hướng đạo) bên cạnh chuyên hiệu cứu thương, thắt nút, dịch morse…
Bên cạnh ngành Ấu tập trung những em nhỏ từ 6 đến 11 tuổi, trong phong trào này còn có ngành Thiếu (12-15 tuổi), ngành Kha (16-18 tuổi) và ngành Tráng dành cho thanh niên trên 18 tuổi. Việc này cho thấy, ở bất kỳ độ tuổi nào, các bạn cũng được hướng dẫn những kỹ năng sinh hoạt phù hợp. Điều khiến chị Th. và K.A cảm thấy thú vị là trong ngành Ấu có quy định “Mỗi ngày làm vui lòng một người” và có sổ việc tốt. Sổ việc tốt sẽ ghi lại việc tốt mà trẻ làm được mỗi ngày, làm cơ sở để đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Hai chị nhận thấy rằng, chính sự yêu thương, quan tâm của người lớn gắn liền với những quy định và cuốn sổ việc tốt đã giúp các em có những hành động tích cực hơn trong cuộc sống.
Hướng cho bản thân đi con đường đúng
Hiện nay, phong trào HĐS được xác định là một phong trào tự nguyện, phi chính trị, không phân biệt tôn giáo, mục đích là để trẻ phát huy toàn diện về thể chất, trí tuệ, cảm xúc và tính cộng đồng. Trong đó, những kỹ năng sống trở thành phương tiện hữu ích để hoàn thiện tính cách một con người.
Em Nguyễn Đăng Quỳnh Trâm, học sinh lớp 9/7, Trường THCS Trưng Vương tham gia phong trào hướng đạo được 4 năm cho biết em đã tự tin rất nhiều trong giao tiếp và cách ứng xử với mọi người. Trâm chia sẻ: “Trước đây nếu ai đó bỏ em ở giữa đường, em sẽ không biết làm gì để thoát khỏi tình huống đó nhưng từ khi tham gia sinh hoạt hướng đạo, các trưởng đã dạy em rằng, nếu gặp tình huống đó, em nên bình tĩnh hỏi thăm người đi đường, nhờ họ gọi vào số điện thoại ba mẹ cũng như chỉ đường về nhà. Em còn được các trưởng hướng dẫn cách nghe điện thoại như thế nào khi bố mẹ vắng nhà, cách vượt cầu leo, kỹ năng dựng trại…”.
Mục đích của phong trào hướng đạo hiện nay là góp phần cùng gia đình và nhà trường hoàn thiện những kỹ năng cần có của các em nhỏ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Giúp một người khi trưởng thành có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, trở thành người công dân tốt, biết trọng danh dự, lời nói, có trách nhiệm với cộng đồng và sống hữu ích trong xã hội.
Huynh trưởng Lê Thọ, phụ trách ngành Ấu nói rằng, điều thu hút trẻ em là những chuyên hiệu đạt được trong suốt quá trình rèn luyện, những việc tốt chúng làm sẽ được người lớn công nhận, khuyến khích và động viên, nhằm giúp trẻ trở thành con ngoan trò giỏi. Đạo phó phụ trách sinh hoạt Phạm Văn Thành, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết ông tham gia phong trào hướng đạo khi còn là cậu bé. Môi trường này đã giúp ông trang bị những kỹ năng sống từ những tình huống nhỏ nhất, từ đó áp dụng vào môi trường sư phạm, hướng dẫn cho học sinh của mình. Cũng theo ông Thành, hiện Đạo An Hải ở Đà Nẵng có khoảng 500 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt, hướng tổ chức này trở thành một trong những môi trường đào tạo kỹ năng sống lý tưởng cho trẻ em. Ở đó, mỗi huynh trưởng luôn là tấm gương trong lời ăn tiếng nói, tác phong ăn mặc, giao tiếp cho các HĐS noi theo. Ngoài ra, phương pháp hướng đạo còn là phương pháp tiệm tiến, thấm từ từ, mang tính giáo dục và khuyên răn con người sống tốt.
10 điều luật trong hướng đạo mà mỗi HĐS phải tuân theo: 1. HĐS trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của HĐS; 2. HĐS trung thành với Tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự; 3. HĐS giúp ích mọi người bất cứ lúc nào; 4. HĐS là bạn khắp mọi người và coi HĐS nào cũng như ruột thịt; 5. HĐS lễ độ và liêm khiết; 6. HĐS yêu các sinh vật; 7. HĐS vâng lời cha mẹ, huynh trưởng mà không biện bác; 8. HĐS gặp khó khăn vẫn vui tươi; 9. HĐS cần kiệm của mình và của người; 10. HĐS trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Từ những lời hứa này, một HĐS sẽ dần hoàn thiện tính cách, kỹ năng cũng như cách ứng xử của mình khi gặp những tình huống nhất định. |
TIỂU YẾN