.

Bắt đầu cuộc sống tự lập

.

Đậu đại học, lên thành phố, vào ký túc xá (KTX)… đồng nghĩa với việc sống xa gia đình, xa vòng tay bảo bọc, che chở của cha mẹ. Lúc này, mỗi cá nhân phải tự lập để chu toàn cuộc sống của mình cũng như ứng xử với mọi người xung quanh. KTX trở thành nơi tự rèn luyện của mỗi cá nhân chứ không đơn thuần chỉ là nơi ở.

Mỗi sinh viên có thể phát triển, trau dồi kỹ năng sống cho mình bằng cách tham gia tích cực vào hoạt động Đoàn, hội, tình nguyện... TRONG ẢNH: sinh viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng dạy học cho trẻ em nghèo. Ảnh: M.T
Mỗi sinh viên có thể phát triển, trau dồi kỹ năng sống cho mình bằng cách tham gia tích cực vào hoạt động Đoàn, hội, tình nguyện... TRONG ẢNH: sinh viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng dạy học cho trẻ em nghèo. Ảnh: M.T

Rào cản trong thích nghi

Mặc dù xuất thân từ gia đình làm nghề nông tại Quảng Ngãi nhưng D.T (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học kinh tế Đà Nẵng) đã gây bất ngờ cho các bạn cùng phòng bởi… không biết cách cầm dao gọt trái cây hay làm những công việc cá nhân đơn giản hằng ngày như giặt áo quần. Là cô con gái duy nhất, lại có thành tích học tập xuất sắc, bạn được xem như “công chúa”, là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn cả họ tộc. Chính sự ưu ái này đã khiến D.T sốc khi bắt đầu cuộc sống tự lập.

Theo cô Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục trường Đại học Sư phạm thì D.T không phải là trường hợp duy nhất. Giờ đây, khi mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con, hầu hết các bậc cha mẹ chọn cách bảo bọc và làm giúp con mọi việc như một cách thể hiện tình yêu, tạo điều kiện tối đa để con học tập với mong muốn con sẽ đỗ đạt, thành tài mà không hiểu rằng, chính những kỹ năng sống được rèn giũa hằng ngày thông qua việc nhà, thông qua cách tự giải quyết những khó khăn nhỏ trong cuộc sống mới chính là biện pháp giúp con lớn cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp con tự tin và vững vàng khi rời khỏi gia đình. “Vì được bảo bọc quá kỹ càng trong cái “lồng ấp” gia đình, không có cơ hội được rèn luyện khả năng chịu đựng và nhường nhịn, không ít các sinh viên ngày nay mất đi năng lực thích nghi, điều chỉnh chính cuộc sống của mình. Thậm chí, nhiều sinh viên không có khả năng kiểm soát và thể hiện cảm xúc một cách tích cực, luôn đòi hỏi phải được thỏa mãn tất cả những nhu cầu riêng của mình, nếu không thì “thà chết sướng hơn”!

Thiếu kỹ năng sống nên nhiều sinh viên là thủ khoa đầu vào của khoa, của trường, có kết quả học tập rất đáng nể nhưng lại gặp những rào cản khi hòa mình vào môi trường tập thể. “Việc đậu đại học danh tiếng, với số điểm cao không phải bảo hiểm an toàn cho việc tốt nghiệp, cũng như thành công trên đường đời của sinh viên nếu thiếu đi khả năng thích nghi, hòa nhập”, cô Nguyệt nhấn mạnh.

Kỹ năng sống không phải là một môn học của nhà trường, nó không được và không thể hình thành chỉ thông qua sách vở. Theo định nghĩa của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng được rèn luyện hoặc trải nghiệm được đúc kết từ thực tiễn, sau khi xử lý những tình huống phát sinh từ chính cuộc sống đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Theo đó, kỹ năng sống là kết quả của một quá trình lâu dài, có thể được huấn luyện nhưng trước hết phải chính bản thân trải nghiệm. Kỹ năng sống được hình thành có thể bởi những trò chơi ngày thơ bé như đánh trận giả, kéo co, cho đến những cách xử lý tình huống theo dạng “trò chơi lớn” mà các đoàn thể thanh niên thường tổ chức. Một buổi cắm trại nơi ven rừng, một tình huống vượt sông, một buổi nấu cơm mà không có bật lửa… những trò chơi giúp cá nhân trải nghiệm, hình thành và phát huy khả năng thích nghi, hợp tác, ứng xử... Kỹ năng sống được trau dồi trong suốt cuộc đời, chính vì vậy, mỗi sinh viên có thể phát triển, trau dồi kỹ năng sống cho mình bằng cách tham gia tích cực vào hoạt động Đoàn, hội, tình nguyện, giúp đỡ bạn học và biết chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Sự phóng khoáng, cởi mở và hết lòng trong các hoạt động tập thể sẽ cung cấp những kỹ năng cần thiết và tạo nên tâm lý tự tin, thoải mái, vui vẻ cho việc sống và học tập có chất lượng.

Kỹ năng nói “không”

Là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, với tính cách hòa đồng, vui vẻ, lại tháo vát, ưa sạch sẽ, bạn Ngọc Tú (khoa Kế toán) không gặp bất kỳ khó khăn nào khi hòa mình vào cuộc sống tập thể ở ký túc xá cho đến năm 3. Khi nhận ra giá trị và những cơ hội mà một chứng chỉ ngoại ngữ có thể mang lại cho mình, Ngọc Tú đã nói “không” với tất cả những chầu karaoke kéo dài thâu đêm, thay vào đó là một quyết tâm sắt đá phải học thêm tiếng Anh. Việc một cá nhân luôn “vì bạn bè”, luôn tham gia hết mình vào tất cả những cuộc vui giờ đây lại quay ra lặng lẽ cùng quyển sách tiếng Anh “chẳng để làm gì” đã khiến Tú gặp không ít sự xa lánh, gièm pha của bạn cùng phòng và cả bạn cùng khóa. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, chân thành, năng nổ trong các hoạt động tập thể của lớp, trường. Tú đã chứng minh cho bạn bè thấy mình đã có lựa chọn đúng với không chỉ điểm số ngoại ngữ rất cao trong chương trình học mà còn bởi tấm bằng Ielts 6 “chấm” – tấm bằng giúp bạn hoàn toàn yên tâm về công việc bởi nhiều công ty nước ngoài mời gọi về làm việc cũng như các cơ hội du học đang mở ra trước mắt.

Tương tự như Ngọc Tú, bạn Cẩm Tú, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng phải đối mặt với sự lạnh nhạt của bạn cùng phòng chỉ bởi… tinh thần học tập hăng say. Không như hầu hết những sinh viên năm một khác, Cẩm Tú bắt tay vào học với thái độ nghiêm túc nhất chứ không chạy theo “xu hướng xả hơi” như để bù lại những ngày tháng “địa ngục” luyện thi đại học. Chính việc chong đèn học đến khuya hay miệt mài lên thư viện bất kể thời tiết đã khiến Cẩm Tú trở thành đối tượng trêu chọc của một số bạn bè. Tuy nhiên, qua thời gian, bằng kết quả học xuất sắc cùng những thành tích nổi bật trong phong trào Đoàn, thái độ thân thiện, gần gũi, chân thành… đã giúp Cẩm Tú thuyết phục được hầu hết bạn bè, thầy cô và nhận vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Việc sống tập thể, hòa mình vào tập thể là điều rất cần đến kỹ năng sống, tuy nhiên, “hòa mình” nhưng vẫn tỉnh táo để nói “không” với các hoạt động vô bổ, không lành mạnh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thời gian học tập lại đòi hỏi kỹ năng, bản lĩnh hơn gấp bội bởi lúc này cá nhân có thể đi ngược lại với số đông. Đạt đến khả năng nói “không” với lời rủ rê, mời mọc hấp dẫn về những cuộc vui để hướng đến mục đích tốt đẹp hơn mới thực sự là có kỹ năng sống vững vàng, bởi nó không chỉ bao gồm khả năng hòa nhập, thích nghi mà còn cả “hành vi tích cực, cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với thách thức của cuộc sống hằng ngày” (WHO).

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.