.

"Chung sống" với Facebook

.

Đến bây giờ các thầy cô giáo ở Đà Nẵng còn chuyền tai nhau câu chuyện về một học sinh học giỏi văn, đã từng đoạt giải văn cấp thành phố nhưng vì sử dụng mạng xã hội, dùng ngôn ngữ trò chuyện kiểu nhanh, ẩu, và em học sinh này sau đó thường xuyên dùng ngôn từ kiểu “vội vã” ngay trong chính hành văn của mình nên đã thi rớt vào trường công kỳ thi vào lớp 10… Bài học đó được thầy cô nói nhiều với các thế hệ học sinh, như một bài học đắt giá khi các em sử dụng mạng xã hội.

Mạng xã hội kết nối con người với nhau trên một thế giới ảo. Ảnh: Internet
Mạng xã hội kết nối con người với nhau trên một thế giới ảo. Ảnh: Internet

Học cách “chung sống” với Facebook

Cuối năm 2013, lần đầu tiên, Phòng Giáo dục quận Ngũ Hành Sơn tiến hành tập huấn về quản lý và sử dụng Facebook cho cán bộ quản lý, bí thư chi đoàn và giáo viên chủ nhiệm cho các trường THCS trên địa bàn, đặc biệt là giúp giáo viên chủ nhiệm có cái nhìn cụ thể về vấn đề này. Theo ông Trần Văn Hồng, Phó trưởng phòng Giáo dục quận, hiện nay nhiều giáo viên trẻ sử dụng Facebook, có thể kết nối với các em học sinh; còn nhiều giáo viên lớn tuổi không biết gì về Facebook sẽ bị hạn chế khi chưa hiểu hết các em nói gì, làm gì trên không gian ảo ấy.

Và các thầy cô phải biết và hiểu về Facebook, không phải là để quản lý các em vì đây là vấn đề riêng tư, mà là cách định hướng cho các em, phát huy mặt tốt của Facebook và sử dụng mạng xã hội này một cách hiệu quả, đúng pháp luật. “Chúng tôi khuyến khích các em sử dụng Facebook cho mục đích học tập. Thực tế nhiều trường hiện nay lập trang Facebook cho một môn học nào đó và qua đó các em cũng như giáo viên trao đổi rất thoải mái về môn học, đó là cách làm hiệu quả”, ông Trần Văn Hồng cho biết.

Tại Trường THCS Lê Lợi (quận Ngũ Hành Sơn), giáo viên chủ nhiệm trực tiếp hướng dẫn học sinh sử dụng các trang mạng xã hội và trò chơi trực tuyến đúng quy định; thực hiện phong trào đôi bạn cùng tiến để giúp nhau trong học tập và nhắc nhở lẫn nhau trong việc sử dụng các trang mạng xã hội, sử dụng Facebook, trò chơi trực tuyến đúng quy định. Ngoài ra, tổ tư vấn tâm lý học đường của trường thường xuyên giải đáp thắc mắc của các em trong học tập và trong cuộc sống, tránh cho các em chỉ biết chia sẻ trên mạng mà có thể không giải quyết được vấn đề. Trong khi đó, tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh cùng địa bàn quận, nội dung, cách sử dụng Facebook được giáo viên lồng ghép trong giờ sinh hoạt lớp và giờ chào cờ thứ hai hằng tuần; hoặc dạy lồng ghép trong các môn học như Giáo dục công dân, Tin học…

Theo ông Trần Văn Hồng, học sinh không nên chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội, tránh cho kẻ xấu lợi dụng thông tin ấy vào các mục đích xấu. “Chúng tôi giáo dục cho học sinh khi chưa biết, chưa hiểu rõ về các thông tin trên tường Facebook của người khác thì đừng nhấn nút “like”. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là giúp các em có định hướng tốt khi tiếp cận mạng xã hội, để sau này khi lớn lên các em hiểu mình muốn gì, mình cần thể hiện như thế nào trong một xã hội ảo, vừa đúng pháp luật, tôn trọng người khác cũng như hiểu rõ bản thân muốn gì”.

Nhìn nhận giá trị của Facebook

Nhiều ý kiến cho rằng, những mạng xã hội như Twitter hay Facebook không giúp kết nối người ta với nhau - thay vào đó, chúng cách ly con người với thế giới thực. Bởi mạng xã hội giúp con người giao tiếp và kết nối với nhau dễ dàng hơn, nhưng đó là trên một không gian ảo; trong khi có thể bạn quên mất giọng nói của bạn mình như thế nào, gương mặt người bạn khi biểu cảm một vấn đề ra làm sao và bạn sẽ không hiểu gì một con người thực nếu chỉ tương tác với họ ở trên máy tính hay điện thoại.

Mới đây, trên Facebook của một bạn gái có một câu than mà không biết nói sao: bạn bị tai nạn gãy chân, phải bó bột, có hơn mười bạn viết lời chia sẻ và cũng có hơn mười bạn nhấn nút “like”. Chủ nhân Facebook này đã kêu trời vì bạn bị đau như thế mà có nhiều người tỏ ra “thích/có thiện cảm-nghĩa động từ trong tiếng Anh”…

Mạng xã hội là nơi ta mở rộng quan hệ, tăng tính tương tác giữa người và người. Nhưng có không ít bạn trẻ đang xem nhà ảo như một cái bô rác tâm trạng để viết bài chửi trên trời dưới đất, hay treo lên tường những câu mạt sát, miệt thị người khác... Một thầy giáo THPT đã nghỉ hưu cho rằng, bạn nói gì, viết gì, phản ứng gì với những bình luận của người khác ở trên Facebook của bạn là trách nhiệm của chính bản thân. Mỗi cá nhân không thể kiểm soát hành vi của cộng đồng nhưng hoàn toàn có thể (và phải) kiểm soát hành vi của chính mình. Những phản ứng quá đà đều có thể gây tác dụng ngược.

Mạng xã hội khiến bất kỳ một gã vô danh tiểu tốt nào cũng cảm thấy như mình là một nhà báo quyền lực vô song. Kể cả khi nhà báo ấy ngu dốt, quan điểm sai lạc… Rồi thì trong cơn phẫn uất, bạ ai cũng lên án, vô tình biến cả bạn bè thành kẻ thù. TS Nguyễn Phương Mai (ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) trong cuốn Con đường Hồi giáo đã viết rằng: “Tôi cảm thấy lo lắng vì mình đang sống trong một thế giới mà tốc độ thông tin quá nhanh khiến người thường không mấy ai đủ thời gian để thích nghi. Một bức ảnh bây giờ không chỉ còn có sức mạnh hơn một nghìn con chữ nữa mà còn có thể biến một nghìn kẻ ngu xuẩn thành một nghìn kẻ sẵn sàng phanh ngực áo thành quân cảm tử. Ở thế hệ Facebook và You Tube này, chẳng mấy ai còn có thì giờ để đọc, để cân nhắc, chưa nói đến để suy ngẫm. Đập vào mặt một cái ảnh hay một cái clip thì lập tức tình cảm dồn lên đè bẹp tư duy, chân tay như bị chập điện rùng rùng trở thành vũ khí cho anh hùng bàn phím”.

Và ở đây, tôi rất tâm đắc với câu nói của Henry David Thoreau, mà TS Phương Mai dẫn ra trong cuốn sách: Ai cũng có thể ngồi xuống để viết, dù có thể chưa bao giờ dám đứng lên để sống.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.