.

Đường tới chiến thắng

.

Năm 1964, tuyến hành lang Đông Trường Sơn tiếp tục bị địch đánh phá, ngăn chặn. Chuyển hàng bằng gùi thồ và xe cơ giới trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn không đáp ứng được yêu cầu của chiến trường. Chủ động, kịp thời đối phó với chiến tranh ngăn chặn của địch trên tuyến chiến lược 559, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn 98 công binh (Cục Công binh) và tháng 6 năm đó Trung đoàn được lệnh tăng cường cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường cơ giới.

 Hội nghị mừng công của chiến sĩ Binh trạm 238 Cục Hậu cần-QK 5, nơi ông Ngô Văn Hưng công tác thuộc Sư đoàn 471, sau khi ông trở lại chiến trường 559 lần 2. (Ảnh tư liệu ông Ngô Văn Hưng cung cấp)
Hội nghị mừng công của chiến sĩ Binh trạm 238 Cục Hậu cần-QK 5, nơi ông Ngô Văn Hưng công tác thuộc Sư đoàn 471, sau khi ông trở lại chiến trường 559 lần 2. (Ảnh tư liệu ông Ngô Văn Hưng cung cấp)

Mở đường thống nhất

Ngày 17 - 6 - 1964, Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ và trao cho trung đoàn 98 lá cờ thêu bốn chữ “Mở đường thống nhất”. Tháng 7 năm 1964, trung đoàn hành quân vào tập kết tại làng Ho (Lệ Thủy, Quảng Bình), bí mật hành quân bộ vượt đường số 9, vượt sông Sê Pôn vào tập kết tại La Hạp. Đến tháng 9 năm 1964 hoàn thành đường ô-tô từ Mường Noọng vào Bạc dài 140 km, mở đường sông từ Bạc đi Pác Ca Don và mở tiếp đường gùi thồ vào Tà Xẻng để giao hàng, giao quân cho Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ…

Ông Đoàn Văn Đạt lúc đó đang làm ở đội Khảo sát thiết kế-Viện Thiết kế, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được hai tờ quyết định đánh dấu bước chuyển công việc và cả lý tưởng của cuộc đời. Ông kể “ngày hôm trước tôi nhận được quyết định được cử đi Liên Xô học tập. Ngày hôm sau lại có quyết định điều động tăng cường cho đoàn 559. Tôi đã chọn quyết định thứ 2. Ông Đạt lên đường, vào tuyến đường Tây Trường Sơn, khảo sát thiết kế ở vùng trung và hạ Lào đến ngã ba La Hạp. Đoàn khảo sát đến đâu đường được mở ngay đến đó. Không đủ thước đo, các ông đã cắt dây mây nối lại từng đoạn khoảng 30-50m. 5 năm làm công tác khảo sát thiết kế trên cung đường dài 600-700km, ông Đạt cũng không nhớ mình đã nối bao nhiêu cây mây để làm thước trên con đường giữa đại ngàn.

Những năm sau này, các trung đoàn công binh tiếp tục được thành lập, bổ sung cho đoàn 559. Năm 1966, 18 tuổi, ông Ngô Văn Hưng xung phong nhập ngũ, tham gia huấn luyện ở Trung đoàn công binh-cầu đường 229 và được bổ sung cho Trung đoàn 10. Vật bất ly thân của các ông lúc đó là tấm bản đồ chi tiết đến từng tọa độ và dụng cụ địa bàn 5 tác dụng dùng để “soi đường”, cho biết con đường sắp mở sẽ qua bao nhiêu cái đồi, dốc, chiều dài con đường khoảng bao nhiêu cây số…Sau  khi đường 20 Quyết Thắng hoàn thành, đơn vị của ông mở tiếp đường nhánh vào làng Ho, làm đường trong lòng suối để làm kho hàng. Cuối 1966, đầu 1967, ông Hưng cùng đồng đội mở tiếp đường từ ngã ba La Hạp ở cây số 34 vào đến A Sầu ở km 101, đoạn đường này rất khó mở vì qua động con Tiên. Ở đây, khi mới mở được 7km thì Mỹ phát hiện ra lính công binh mở đường, chúng bắt đầu rải chất độc hóa học. Mỗi người được phát một túi phòng độc và 2 lọ cloraminB để lọc nước.

Tiểu đội xe không kính  

Sau khi con đường cơ giới hình thành, những chuyến xe chở hàng, chở vũ khí bắt đầu lăn bánh, tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Những cung đường đèo dốc một bên là vực thẳm, một bên là núi cao, đá tai mèo lởm chởm vẫn không ngăn được những tiểu đội xe, những người lái xe chỉ mới được huấn luyện lái 30-45 ngày, ngày đêm chinh phục con đường dài cả nghìn cây số.  Những chiếc xe được ngụy trang bằng lá cây, phía trên đầu xe cũng là một giàn cành cây; kính trước và kính hai bên xe bị vỡ tan tành bởi sức ép của những trận dội bom của địch.

Ông Hoàng Xuân Khả được biên chế vào C1, Tiểu đoàn 58 Anh hùng năm 1972- năm 19 tuổi, lúc chiến trường ác liệt nhất. Các ông được xe chở từ Hà Tây vào đến Nghệ An rồi hành quân vào Quảng Bình. Từ đây, những chuyến hàng chở vũ khí, lương thực được vận chuyển vào đến Lộc Ninh (Tây Ninh). Ban ngày đường nào kín mới cho xe chạy, còn phải thường xuyên chạy vào ban đêm, mùa mưa thì phải chạy sang đường Tây Trường Sơn; mỗi chuyến đi mất khoảng 10 ngày, mỗi xe chở 4-6 tấn hàng. Năm 1973 ông Khả chuyển về C3 tiểu đoàn 103, lúc này chiến trường yêu cầu tăng cung vượt chuyến, cánh lái xe thường trực sau tay lái với món ăn trường kỳ là lương khô.

Một lần chạy xe từ Tây Ninh về tuyến sau nhận hàng, ông gặp người anh con bác ruột đang làm y sĩ ở đoàn thu dung 70 đóng ở Gia Lai. Kể đến đây, ông Khả nghẹn ngào nhớ lại chuyện anh trai ông vào chiến trường năm 1970, đã hy sinh ở Quảng Bình cuối năm 1972. Khi nhận thư của chị gái ở Thái Bình gửi vào báo tin anh trai hy sinh, ông lặng đi bởi câu nói của người chính trị viên đại đội bảo ông phải cố gắng, phải quên tất cả mà đi và làm nốt phần việc của người đã khuất. Sau lần đó, ông không còn muốn nhận thư nhà nữa, dù ở quê có người bạn gái vẫn chưa kịp nói tiếng yêu... Sau 1972, giải phóng đến đâu tiểu đội của ông đóng quân ở đó. Khi Đà Nẵng, Tây Nguyên giải phóng thì cho xe chạy xuống quốc lộ 1, rồi rẽ sang đường 19 ở Quy Nhơn để vào Tây Ninh. Cuộc đời lái xe chở hàng ra chiến trường của ông Khả phải đến sau khi kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc mới dừng lại.

Ông Nguyễn Văn Bình, lái xe thuộc đơn vị C14, Cục vận tải tăng cường cho đường 559 kể, thời gian huấn luyện lái xe chỉ được 30 ngày. Khi đã cầm lái, không kể đó là  xe Zin 57, Zin 130 hay Hồng Hà  đều có thể lái được và phải lái xe trong điều kiện hết sức ngặt nghèo: những đoạn nào rừng rậm, không có máy bay đánh phá là tranh thủ đi ban ngày, còn hầu hết là phải đi ban đêm, chỉ được bật đèn gầm. Chỉ lái một tay, còn nửa người còn lại nhoài đầu ra ngoài cửa để nhìn đường. Mỗi trung đội xe có khoảng 10-12 xe, có 1 thợ sửa chữa, 1 y tá đi theo đoàn và 2-3 xe mới có một lái xe dự phòng. Với những đoạn đường vừa bị dội bom, trong khoảng 10-15 phút phải giải phóng xong mặt đường để xe qua, nếu không sẽ bị ách tắc. Nhiều lần ông cùng anh em đưa gạo trên xe xuống lót đường ở những đoạn đường lầy lội để xe đi. Giành giật với địch từng thước đường, từng giờ thông đường...

Những năm chiến tranh, mỗi người lính trước khi vào đường 559 được phát một quyển sổ trong đó có đoạn ghi những loại rau, cây rừng gì có thể ăn được. Ông Ngô Văn Hưng kể, những người lính đi soi tuyến và mở đường như ông phải chịu cái đói đến “mờ mắt”. Từ tháng 12-1966 đến tháng 5-1967, mỗi người chỉ được ăn 2 lạng gạo mỗi ngày. Đồng bào Pa Ko, Vân Kiều chặt cây báng về ngâm 1 tuần dưới suối rồi mới giã lọc bột cây báng để ăn, các ông chưa khi nào chờ quá vài ngày. Đến khi đường ô-tô  mở tới, lương thực được tiếp tế nhiều hơn, mỗi ngày các ông được tăng lên 7 lạng gạo, cái đói mới xua tan.

Mùa khô năm 1966-1967 đánh dấu bước chuyển lớn về chiến thuật vận tải của Đoàn 559 từ “phòng tránh tích cực” sang “tiến công” hợp đồng binh chủng. Nhiều tuyến đường phụ, đường vòng được mở thêm để đảm bảo thông đường cho xe chạy. Đến cuối năm 1967, mạng lưới đường đã lên 2.959 km đường ô-tô, trong đó có 275 km đường chính, 576 km đường vòng, và 450 đường vào cùng các kho chứa…Những con đường hình thành, những chuyến hàng vào được các chiến trường nhờ những người lính như ông Đạt, ông Hưng, ông Khả và hàng vạn người lính-anh hùng khác…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.