.

Vị Tư lệnh chiến trường Trường Sơn

.

Tháng 12-1966, Đồng Sĩ Nguyên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao trọng trách - Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Đại tướng dặn dò ông như một người anh đối với đứa em ruột: “Người quê mình nói ít làm nhiều. Điều cơ bản nhất là bất cứ lúc nào anh em mình cũng phải ghi lòng lời Bác Hồ dạy: Thắng không kiêu, bại không nản”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính đến thăm bộ đội Trường  Sơn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính đến thăm bộ đội Trường Sơn.

Ngọn lửa cách mạng

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (Nguyễn Hữu Vũ hay Nguyễn Văn Đồng) sinh ngày 1-3-1923 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông bà nội, ngoại đều là những nghĩa binh Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược. Tuổi thơ của cậu bé Vũ sẽ bình lặng trôi đi như bao đứa trẻ khác trong làng nếu như không có một người đàn ông tên là Tế làm nghề thợ may đến “kiếm sống” ở chợ Sãi (Quảng Trị). Bọn trẻ rất mến anh Tế. Chúng rất thích nghe anh kể chuyện. Anh kể về hai bà Trưng, bà Triệu, rồi đến Lê Lợi, Quang Trung và sau này là nghĩa quân Cần Vương đánh thực dân Pháp. Xa hơn nữa, anh kể về một đất nước Nga xa xôi không có cảnh người bóc lột người. Những câu chuyện của anh Tế đã gieo vào lòng Vũ những tình cảm thiêng liêng và mới lạ.

Sau này, anh Vũ mới biết anh Tế (bí danh của đồng chí Nguyễn Văn Huyên) là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương bị giặc Pháp bắt tù đày những năm 1930. Năm 1937, anh được anh Tế đổi tên thành Nguyễn Văn Đồng và chính thức tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1938, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lúc vừa tròn mười lăm tuổi. Tháng 7-1945, anh được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh của tỉnh Quảng Bình. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, ngày 23-8-1945, toàn tỉnh Quảng Bình nhất tề đứng lên cướp chính quyền.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, trên cương vị Bí thư Huyện ủy, Huyện đội trưởng rồi chính trị viên Tỉnh đội, ông đã xây dựng được một thế trận toàn dân đánh giặc, rào làng chiến đấu. Những tấm gương của các làng Cảnh Dương, Cự Nẫm anh hùng đều được đúc rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn tỉnh.

Từ năm 1950, ông đã được học và làm việc trực tiếp với các cán bộ cao cấp của Đảng và quân đội. Ông đã được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh trực tiếp giao nhiệm vụ Trưởng ban tổ chức cán bộ các chiến dịch Trần Hưng Đạo (chiến dịch trung du), Hoàng Hoa Thám (chiến dịch đường số 18) rồi làm đặc phái viên bên cạnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Trung - Hạ Lào. Chiến dịch thắng lợi, ông lại được đồng chí Nguyễn Chí Thanh giao cho phụ trách công tác cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xuyên dãy Trường Sơn, bộ đội ta được đồng bào các dân tộc thiểu số dốc lòng giúp đỡ. TRONG ẢNH: Đồng bào Vân Kiều (Quảng Bình) cung cấp lương thực dọc đường.(Ảnh tư liệu)
Xuyên dãy Trường Sơn, bộ đội ta được đồng bào các dân tộc thiểu số dốc lòng giúp đỡ. TRONG ẢNH: Đồng bào Vân Kiều (Quảng Bình) cung cấp lương thực dọc đường.(Ảnh tư liệu)

Tư lệnh chiến trường Trường Sơn

Sau mười năm công tác ở Bộ Tổng tham mưu, Học viện quân sự cao cấp ở nước ngoài, đầu năm 1965 ông trở về nước làm Chính ủy Quân khu 4. Tháng 5-1965, mặt trận Trung - Hạ Lào được thành lập, ông được Bộ Tổng tư lệnh điều sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận. Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh tan nhiều đơn vị quân Hoàng gia Lào có quân Thái Lan phối hợp, giải phóng đường số 12 và đường 18, tạo điều kiện cho tuyến 559 mở đường vận tải cơ giới ở phía Tây Trường Sơn.

Sau lần bị thương ở giữa rừng Lào, ông được điều về làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Ông nghiên cứu kỹ quy luật đánh phá của máy bay địch để khai thác điểm mạnh, yếu của địch, ta, kịp thời chỉ đạo các đơn vị tác chiến. Ông rút ra kết luận quan trọng phổ biến trong toàn quân: Địch đánh được những ngày khô ráo chứ không đánh được ngày mưa; địch đánh được nơi này thì buông lơi nơi khác; địch chủ động, cơ động trên không nhưng cái yếu nhất của chúng là không làm chủ được mặt đất. Từ kinh nghiệm một lần không nhìn thấy được đường băng trên sân bay Gia Lâm để hạ cánh (vì sương mù) ông đã lợi dụng “thiên thời” những ngày trần mây thấp, cho các đoàn xe xuất kích, tăng chuyến.

Tháng 12-1966, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao trọng trách mới - Tư lệnh bộ đội Trường Sơn. Đại tướng dặn dò ông như một người anh đối với đứa em ruột: “Người quê mình nói ít làm nhiều. Điều cơ bản nhất là bất cứ lúc nào anh em mình cũng phải ghi lòng lời Bác Hồ dạy: Thắng không kiêu, bại không nản”.

Nắm trong tay một binh chủng hợp thành, ông quán triệt cho cán bộ cấp dưới tư tưởng chủ đạo: “Chủ động tiến công, chủ động phòng tránh”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Ông cho bố trí lưới lửa phòng không tầng thấp, tầng cao, vòng trong, vòng ngoài, bảo vệ tối ưu cho những đoàn xe ra tiền tuyến. Ông yêu cầu các trận địa phòng không, không được đóng xa đường quá, mà phải đứng ở vị trí đánh địch có hiệu quả nhất. Đại bản doanh của ông cũng “chốt” sát tuyến đường.

Ông xác định nhiệm vụ của bộ đội Trường Sơn là chi viện kịp thời cho các mặt trận. Địch bắn phá bến phà Long Đại (Quảng Bình), ông đề xuất làm thêm các bến mới, ngụy trang thật cẩn thận, lúc tắt pháo sáng là đưa phà qua sông. Các bến đã bị lộ, ông cho sửa lại vài chiếc phà hỏng, có hình nộm người và xe pháo kéo đi kéo lại vào giờ cao điểm để “hút” địch về đó, làm mồi cho pháo phòng không. Những con đường đã lộ, địch phá, ta cho san lấp hố bom để nghi binh. Giặc Mỹ thả “cây nhiệt đới”, “người gác đường” để phát hiện các đoàn xe của ta, ông cho lấy đầu máy của các chiếc xe đã hỏng đem đến các mỏ đá lộ thiên cho máy nổ lên để máy bay địch đến “đào” cho ta “đá hóa mặt đường”. Ông xây dựng hệ thống đường dọc, đường ngang, đường kín, đường hở mà nhiều chiến lược gia quân sự Mỹ và phương Tây gọi là “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.

 Giặc Mỹ biến núi rừng Trường Sơn thành nơi thử nghiệm những công nghệ quân sự hiện đại của chúng với “Siêu pháo đài bay” B52, AC130. Chúng ném xuống hàng triệu tấn bom mìn hỗn hợp, hàng triệu lít chất độc, làm mưa nhân tạo, tạo mù, tạo khói để ngăn cản hoạt động cơ giới của ta. Mỹ đã xây dựng “Hàng rào điện tử McNamara” hơn 100 cây số từ vĩ tuyến 17 theo đường 9 đến sông Sê pôn biên giới Việt - Lào  vẫn không ngăn chặn được con đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến.

Từ buổi đầu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, ta đã có một lực lượng bộ đội Trường Sơn hùng mạnh trên 120.000 người, bao gồm lực lượng thanh niên xung phong có trên mười ngàn người, và chín sư đoàn. Hệ thống đường vận tải tổng cộng trên 16.700km. Trong mùa xuân 1975, hai sư đoàn vận tải với mười ngàn đầu xe đã chở gọn ba quân đoàn, ba sư đoàn bộ binh từ nam Quảng Bình vào miền Nam chiến đấu, đồng thời bảo đảm cơ động hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, quân - binh chủng tham gia trận đánh cuối cùng.

Ông đã được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Sau khi đất nước thống nhất, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách mới: Ủy viên Bộ chính trị kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng...

Ghi ơn bà con dân tộc thiểu số

Tôi đã được nghe dân làng Trung Thôn (Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình) kể nhiều về cuộc đời huyền thoại của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Tôi cũng đã được đọc gia phả dòng họ của ông do Thiếu tướng Nguyễn Anh, em trai ông viết lại. Gia đình ông là một gia đình cách mạng. Anh em, con cháu ông một lòng một dạ đi theo Đảng. Đến nay có trên 70 đảng viên cộng sản, 25 sĩ quan và 3 tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi tôi viết bài “Nghệ thuật quân sự của Tư lệnh chiến trường Trường Sơn”, đọc xong ông bảo: “Cháu phải viết thêm về bà con dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, sự hy sinh của bà con dân tộc mình to lớn lắm”. Ông cũng nhắc nhở thế hệ con cháu phải giữ lấy Trường Sơn, đó là địa huyệt quân sự quan trọng, là sống lưng của cuộc chiến tranh giữ nước.  

Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên như một bài ca, như con đường huyền thoại mà ông đã lăn lộn suốt cả cuộc đời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội”.  Ông thương yêu và rất quý từng giọt mồ hôi, từng giọt máu của người lính. Ông đã khóc khi hàng trăm chiếc xe bị máy bay AC130 của địch bắn cháy. Ông khóc khi một chiến sĩ lái xe gục ngã trên buồng lái, mắt vẫn nhìn thẳng, tay còn nắm chặt vô-lăng.

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với Vũng Chùa, Đảo Yến, từ Hà Nội ông đã vào tận quê mẹ Quảng Bình để tiễn đưa. Cũng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con ra đi từ vùng gió Lào cát trắng, ông luôn đau đáu hướng về quê hương Bình Trị Thiên khói lửa, hướng về nơi ông đã cùng đồng bào, đồng chí đấu tranh gian khổ để giành lại non sông, đất nước. Ông Nguyễn Thanh, anh trai của ông năm nay đã 102 tuổi nói rằng: Ban đầu Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có ý định dừng chân tại Lý Hòa (Bố Trạch) khi “trăm tuổi”, nơi có thể nhìn ra biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Nay đã có Bác Giáp, người anh Cả của toàn quân canh giữ biển Đông. Ông muốn nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi mà một thời cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã sống trọn đời với con đường Trường Sơn, con đường huyền thoại mang tên Bác - con đường mà ông đã cống hiến tuổi thanh xuân, sức lực và trí tuệ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Ghi chép HOÀNG MINH ĐỨC

;
.
.
.
.
.