1. Ý tưởng văn hóa đọc phải bắt đầu từ trong tủ sách gia đình không mới. Tác giả Nguyễn Hương trong bài “Người Việt ít đọc sách: Cần những chính sách để thay đổi toàn diện” đăng trên trang tin điện tử Cinet.com của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hồi cuối tháng 10-2013 từng kể: “Trong mỗi gia đình Do Thái luôn luôn có một tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách phải được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ nhìn, dễ thấy từ khi còn nằm nôi. Để sách hấp dẫn trẻ, phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương cho các em chú ý”.
Vì vậy nói tủ sách gia đình là chiếc nôi của văn hóa đọc thì lẽ đương nhiên đòi hỏi mỗi nhà phải có tủ sách - thậm chí là tủ sách gia truyền như ở Do Thái, hay ít nhất phải có giá sách, và quan trọng hơn là phải có… sách. Nhưng chỉ ngần ấy thôi vẫn chưa đủ, bởi có khi trong nhà có rất nhiều sách trên giá/trong tủ mà chẳng ai chịu đọc thì vẫn chưa thể tạo nên văn hóa đọc từ tủ sách gia đình.
Văn hóa đọc chỉ có thể được hình thành khi những cuốn sách trong tủ/trên giá ấy thực sự nằm trên tay hoặc trên bàn làm việc hay trên đầu giường của các thành viên trong gia đình, trước hết là các thành viên lớn tuổi. Nếu không như vậy thì dẫu nhà có không ít sách hay/sách quý trưng ra đầy tủ đầy giá - thậm chí chịu khó nhỏ nước hoa lên sách đi nữa - nhưng văn hóa đọc vẫn mãi nằm trong tầm nhìn mà ngoài tầm với, và những sách quý/sách hay kia cũng chỉ quanh năm suốt tháng lặng lẽ đón bụi thời gian.
Đến Hội Sách để chọn những cuốn sách hay, cần thiết và hòa mình vào kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Ảnh: NGỌC HÀ |
2. Muốn tủ sách gia đình trở thành chiếc nôi của văn hóa đọc thì trong nhà phải có ít nhất một người mê đọc sách và nhờ thế mà mê… sách, và nhờ thế mà mê… mua sách. Bởi chỉ mới mê đọc sách thôi thì có khi chưa đủ động lực để mua sách cho riêng mình, và từ đó mà gầy dựng tủ sách riêng cho gia đình mình. Phần đông những người có tủ sách gia đình là những người mê mua sách, cảm thấy phấn chấn khi được cầm trên tay cuốn sách mình thích về nhà đọc rồi sau đó tự tay xếp vào tủ sách/giá sách. Cái cảm giác phấn chấn này được nhân lên khi cuốn sách còn chưa rọc trang, người đầu tiên đọc phải vừa háo hức vừa nhẫn nại dùng dao rọc sách.
Thậm chí có khi cuốn sách được chọn lựa nâng niu ấy không phải là cuốn sách mới đang thơm mùi mực in mà là cuốn sách cũ mèm từng qua tay nhiều người lật giở. Đây cũng là nỗi xúc động của người viết bài này vào năm 1973, khi đứng trên lề đường Công Lý ở Sài Gòn, tay cầm cuốn Giai nhân kỳ ngộ của cụ Phan Châu Trinh (học giả Lê Văn Siêu bình giải và chú thích) do Nhà xuất bản Hướng Dương in từ hồi tôi chưa đầy năm tuổi - năm 1958.
Tôi xúc động đến mức trước khi đọc một mạch suốt đêm truyện thơ mà cụ Phan diễn ca qua bản dịch Trung Quốc cuốn tiểu thuyết Kajin no Kigū của nhà văn Nhật Bản Tôkai Sanshi, tôi đã hào hứng ký tên vào trang đầu với ba chữ “Duyên kỳ ngộ”. Tất nhiên, ở đời phấn chấn nhất vẫn là phút giây tự tay xếp vào tủ sách gia đình cuốn sách do chính mình sáng tác/trước tác mới được in ra.
3. Khi nói văn hóa đọc phải bắt đầu từ trong tủ sách gia đình, người ta chủ yếu hướng đến các độc giả nhỏ tuổi, có khi nhỏ tuổi tới mức chỉ có thể… nhìn sách hoặc… nghe đọc sách. Cho nên mới có chuyện các bậc phụ huynh Do Thái thường nhỏ nước hoa lên sách để tạo mùi hương hấp dẫn sự chú tâm của con em mình đối với sách trong tủ/trên giá. Và nhiều ông bố, bà mẹ trẻ ở nước ta hiện nay vẫn vừa giữ con vừa đọc sách cho con nghe.
Từ đó mà nảy sinh vấn đề chọn sách gì để đưa vào tủ sách gia đình cho phù hợp với những người đọc sách/nghe đọc sách nhỏ tuổi này. Ở đây truyện cổ dân gian Việt Nam và cả truyện cổ dân gian thế giới có lẽ là sự lựa chọn hàng đầu, bởi các câu chuyện thần kỳ từ ngày xửa ngày xưa kia luôn có sức ám ảnh và khơi gợi trí tưởng tượng bay bổng trong tâm hồn trẻ thơ. Cũng cần ghi nhận rằng một trong những tác phẩm kinh điển của văn chương Trung Hoa là cuốn tiểu thuyết Tây Du ký được cho là do Ngô Thừa Ân sáng tác, từ mấy trăm năm nay vẫn đồng hành cùng độc giả nhỏ tuổi và không chỉ độc giả nhỏ tuổi ở nước ta.
Đương nhiên mỗi lứa tuổi đều có yêu cầu chọn sách riêng, chẳng hạn tương quan giữa kênh chữ và kênh hình trong truyện tranh cần khác nhau theo từng lứa tuổi. Ngoài ra để có nhiều hơn văn hóa đọc từ tủ sách gia đình, các ông bố bà mẹ cũng có thể dành thời gian đưa con đến hiệu sách tìm mua sách - không chỉ để cùng con chọn đúng sách mà còn nhằm tạo nên trong con niềm đam mê… sách và niềm đam mê… mua sách.
4. Đối với mỗi con-người-xã-hội, văn hóa đọc xuất phát từ tủ sách gia đình suy đến cùng cũng chỉ là một phần của văn hóa đọc, song lại là phần căn bản nhất, có sức bền nhất. Thật ra ở đây không cần phải có nhiều sách, chỉ cần có vài cuốn sách hay và quan trọng hơn là cần có người lớn trong gia đình xem mấy cuốn sách hay ấy là sách gối đầu giường - thậm chí còn dùng bút ghi chú bên lề hoặc gạch dưới những chỗ cảm thấy thú vị tâm đắc trong khi đọc - là đủ để tạo nên một văn hóa đọc đầy hấp dẫn từ chiếc nôi tủ sách gia đình.
Ông cụ thân sinh ra tôi vốn là người lam lũ làm ăn nuôi con từng bữa, không thể mua nhiều sách như con trai ông sau này, nhưng chính ông lại là người đầu tiên khơi gợi cho tôi và thậm chí thổi bùng trong tôi niềm đam mê đọc sách, niềm đam mê sách và niềm đam mê mua sách. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, ông đã mua về nhà và thường xuyên nghiền ngẫm hai cuốn sách “Học làm người”: một là cuốn Đắc nhân tâm/How to Win Friends and Influence People và hai là cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống/How to Stop Worrying and Start Living - đều do Nguyễn Hiến Lê chuyển ngữ từ nguyên tác của Dale Carnegie. Tôi vẫn nhớ rõ ông cụ dùng bút bi xanh gạch thật đậm nét dưới nhiều câu trong cuốn Đắc nhân tâm ngày ấy, chẳng hạn như câu: “Luôn nhớ rằng tên một người luôn là âm thanh êm đềm, ngọt ngào và quan trọng nhất đối với họ”… Hạnh phúc thay cho những ai sớm thụ đắc văn hóa đọc từ một tủ sách/giá sách gia đình!
BÙI VĂN TIẾNG