.

Đọc để yêu thương

.

Người ta quên dần “sách gối đầu giường” khi tìm đến loại hình “sách kê trên mạng”. Nhưng dù với hình thức nào thì đọc sách vẫn cứ là một cách để đến với cuộc đời bằng một trái tim yêu thương, mơ mộng.

Đọc sách vẫn là một cách để đến với cuộc đời bằng một trái tim yêu thương, mơ mộng. Ảnh:N.H
Đọc sách vẫn là một cách để đến với cuộc đời bằng một trái tim yêu thương, mơ mộng. Ảnh: N.H

Mấy ngày trước, cô học trò cưng vốn là sinh viên năm tư Học viện Cảnh sát Hà Nội ghé thăm nhân dịp nghỉ hè. Món quà Tràng An mà em cất công đem về tôi không phải là me, sấu, ô mai chua ngọt… mà là Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, em nói đùa: “Con nghĩ quyển sách ni có nhiều món ngon hơn nhà hàng đặc sản! Cô tha hồ nhấm nháp”. Nhìn ánh mắt lấp lánh cười của em, tôi thật sự ấm lòng. Tôi cẩn thận đặt món quà em tặng lên kệ sách như đặt trái tim nhỏ đang đập vào lồng ngực thời gian.

Không như các em hôm nay, thế hệ chúng tôi, những đứa học trò nhà quê những năm 80 của thế kỷ trước, “đói” sách đến trầm trọng. Cái thư viện bé nhỏ, cũ kỹ nằm trên tầng hai của Trường Trung học Hòa Vang ngày ấy đối với chúng tôi là một thế giới kỳ diệu. Rảnh giờ nào là chúng tôi tót ngay lên thư viện tranh thủ đọc sách… Đọc chưa xong thì đánh dấu lại để lần sau đọc tiếp.

Cứ như thế, Chí Phèo, Thị Nở, Tám Bính, Lão Hạc… từ tác phẩm bước ra khiến trái tim học trò sụt sùi thương cảm. Ngày ấy, để có tiền ra hiệu sách nhân dân mua một quyển sách không phải là điều đơn giản. Phải dành dụm từ mọi nguồn như mót khoai sắn, rọc lá chuối, thậm chí cả việc… nhổ tóc sâu cho ngoại! Đã không ít lần bọn học trò nghèo chúng tôi ngẩn ngơ hàng giờ sau buổi học để ngắm mấy cái gáy sách bóng loáng như Thép đã tôi thế đấy (Nikolai A. Ostrovsky), Sông Đông êm đềm (Sholokhov), Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoy)… mà chẳng mua quyển nào khiến mấy cô bán hàng lắc đầu ngao ngán!

Người ta hay nói “sách gối đầu giường” để chỉ những quyển sách mà ta yêu quý và thích đọc nhất nhưng với chúng tôi, đám học trò nhà quê hết đến trường là ra ruộng thì phải gọi là “sách lận lưng” mới đúng. Đi làm đồng hay chăn trâu, cắt cỏ… lúc nào cũng bọc theo quyển sách. Và tất nhiên được bảo vệ cẩn thận bằng một lớp giấy dầu (cách gọi “nhà quê” chúng tôi chỉ cái bao ni-lông) quấn quanh và bỏ vào trong áo… Tranh thủ lúc mọi người nghỉ tay ăn nửa buổi (bữa lỡ) là lôi sách ra đọc. Nhờ đó, những câu thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Anh Thơ… đã được chúng tôi thuộc nằm lòng giữa cánh đồng rì rào gió thổi. Nhiều bữa dậy sớm nấu cám heo, tranh thủ lửa bập bùng lôi sách ra đọc mê mải đến nỗi lửa rơm cháy lan vào ống quần khét lẹt!

Phải nói hồi ấy, chúng tôi “đói” sách kinh khủng nên cái bệnh thèm sách trở thành bệnh kinh niên. Bạ cái gì đọc cái đó mà không suy nghĩ. Có lần, trong giờ học môn Văn, thấy đám con trai giấm giúi chuyền tay nhau quyển vở dưới hộc bàn, cô Nguyễn Thị Vinh, một cô giáo trẻ người Bắc được tăng cường vào miền Nam trong những năm đầu giải phóng, tịch thu “tang vật”. Bọn học trò sợ xanh mặt vì đó là truyện chép tay và tất nhiên là nội dung không mấy trong sáng. Sau tiết học đó, cô giáo đã gọi cả bọn đến khu tập thể, nơi cô ở để nói chuyện. Khá bất ngờ khi ra về mỗi đứa được cô cho mượn một cuốn truyện văn học đàng hoàng cho chúng tôi “chống đói” tạm thời! Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, chúng tôi thầm cám ơn cô giáo cũ, người đã khai sáng cho chúng tôi biết mình phải đọc cái gì để lớn lên, để biết yêu thương cuộc đời này hơn nữa…

Ngày nay, nhiều người cho rằng giới trẻ không mấy mặn mà với sách kinh điển. Thật ra, nếu đã yêu sách thì sao lại còn phân biệt sách xưa và sách nay, miễn đáng đọc là được “gối đầu giường”. Có thể nói đối với nhiều người thì ngoài gia đình, con cái, thì sách như một gia tài dành dụm cả đời người. Một giá sách được đặt trong phòng khách hay phòng làm việc của chủ nhân khiến không ít người ngưỡng mộ.

Cuộc sống ngày một hiện đại hơn, người ta đọc sách bằng nhiều cách như đọc trên mạng, thư viện sách điện tử chứ không hẳn phải khuân một đống sách về nhà ngồi đọc. Và tất nhiên, người ta quên dần “sách gối đầu giường” khi tìm đến loại hình “sách kê trên mạng”. Nhưng dù với hình thức nào thì đọc sách vẫn cứ là một cách để đến với cuộc đời bằng một trái tim yêu thương, mơ mộng. Tôi thích cảm giác mới lạ của Mark Grist khi nói về cô nàng mê đọc sách: “Này, một số người thích mông. Một số lại thích ngực. Tôi không bảo rằng tôi không thích chúng. Nhưng điều quan trọng nhất, điều tuyệt vời nhất với tôi đó là một cô gái đầy đam mê, thông minh và biết mơ mộng. Nên tôi thích một cô gái hay đọc sách”.

Hẳn là cô gái của Mark Grist có rất nhiều “sách gối đầu giường”, những quyển sách giúp cô trở nên đam mê, thông minh, mơ mộng, những tố chất đủ để nhà thơ, nhà văn kiêm diễn viên người Anh này phải lòng.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.