.

Nhà có sách

.

“Nhà không có sách giống như thân thể không có linh hồn” (Marcus Tullius Cicero)

1. Bắt đầu năm Đệ Thất (lớp 6 ngày nay), tôi vừa đi học vừa dạy kèm từ lớp Vỡ lòng đến lớp Nhất cho lũ trẻ trong xóm. Nhận được bao nhiêu tiền từ các phụ huynh nghèo, tôi đổ hết vào việc mua sách. Nhà sách Văn Hóa đối diện chợ Cồn trên đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm), nhà sách Sông Đà gần chợ Hàn trên đường Độc Lập (này là đường Trần Phú)... ngay cả nhà sách Quế Chi ở Quận Ba (nay là Sơn Trà), lúc đó là “vùng sâu vùng xa” bên kia sông Hàn, cũng được tôi đạp xe qua đó “săn” sách.

Việc tổ chức Ngày Hội sách gia đình sẽ góp phần xây dựng Văn hóa đọc tại gia.
Việc tổ chức Ngày Hội sách gia đình sẽ góp phần xây dựng Văn hóa đọc tại gia.

Tôi chỉ chọn mua những loại sách vừa với “sức vóc” của mình, mê nhất là sách của Tự Lực Văn Đoàn, quá lắm thì rinh về mấy cuốn triết “nặng đô” của một số tác giả như Phạm Công Thiện, Jean Paul Sartre… Ba tôi nghiêng về sách Á Đông, có lần ông mang về bộ Chu Dịch, như bao quyển sách khác, tôi chúi đầu đọc suốt một ngày nhưng chẳng hiểu mô tê gì, chỉ thấy những hào, quẻ, Lưỡng nghi, Tứ tượng... quay như chong chóng trong đầu. Cứ thế, hai cha con cùng nhau “tha” sách về nhà, chẳng mấy chốc cái tủ nhỏ không còn chỗ chứa, ba tôi phải tự tay vẽ kiểu nhờ ông thợ mộc đóng một cái tủ sách có 4 cánh cửa kính thuộc loại… hoành tráng nhất xóm hồi đó.

Sau ngày thống nhất đất nước, sách thời bao cấp rẻ như cho, nhưng mua được sách ưng ý không phải dễ. Mỗi đầu sách chỉ về được mấy bản, muốn mua phải lân la làm quen với các cô bán sách. Để sở hữu được bộ “Từ điển Văn học” (2 tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983), hay Tập 30A và 30B của bộ “Tổng tập văn học Việt Nam”, tôi đã phải “mai phục” không dưới 4 lần ở nhà sách Yên Bái của Công ty Phát hành sách trên đường cùng tên. Cũng may, các cô hàng sách ngày đó rất... dễ thương, thấy tôi thường lân la lui tới hỏi thăm với giọng nói và ánh mắt đầy mộng mị về sách không bao giờ để cho “con mọt sách” phải tiu nghỉu ra về.

2. Thời học phổ thông, tôi biết một tay chơi sách có hạng nhà gần chùa Bà Quảng, Hòa Cường, tên là Trần Phước Tuấn. Sau bao đổi thay, chừ thôn xóm quê anh đã thành phố thị, anh vẫn dành nguyên một căn phòng trong ngôi nhà mới của mình trên đường Lý Nhân Tông để làm kho sách.

Thèm sách nhưng không có tiền mua, anh nảy ra “sáng kiến” là đọc sách cho thuê. Từ mùa hè năm Đệ Lục, mỗi sáng anh ra tiệm cho thuê sách ngấu nghiến đọc “cọp” đến trưa, xong ôm về một mớ đọc đến sáng hôm sau đem trả. Mới đầu anh đọc truyện tàu, truyện chưởng, về sau đọc tất tần tật các loại sách; đọc riết, thấy sách như món ăn hằng ngày, thiếu nó là “đói”.

Mỗi người một kiểu mê sách. Bác sĩ - nhà thơ Mai Hữu Phước không nhớ mình “mê” sách từ khi nào. Thời trung học phổ thông (1978 - 1981), có lần anh mượn được quyển “Hán Sở tranh hùng” dày cộm với thời gian cho phép chỉ được một đêm. Anh đọc suốt đêm, khi chỉ còn vài trang thì đèn hết dầu, phải xé từng trang quyển vở cũ đốt nối liên tiếp để đọc cho đến dòng cuối cùng.

Lần khác, anh đọc quyển “Tây du ký” đến quá lúc nửa đêm thì nghe tiếng gà gáy vang. Bà nội thức giấc. Sợ nội la, anh lẻn ra ảng nước rửa mặt, rồi xuất hiện trước mặt nội, giả bộ ngáp vài cái như người còn đang ngái ngủ và đàng hoàng ngồi vào bàn... đọc tiếp. Lần đó, anh đã trả sách đúng hạn mà còn được nội... khen biết lo dậy sớm học bài.

Anh Tuấn, quyển sách đầu tiên anh bỏ tiền mua là cuốn “Dưới mái học đường”, phóng tác của Cao Văn Thái từ cuốn “Les grands cœurs” (Hà Mai Anh dịch là “Tâm hồn cao thượng”) của văn hào người Ý Edmond de Amicis. Quyển sách “đầu đời” này đã mở ra trong tâm hồn anh những trang đẹp nhất về đời học trò áo trắng, thôi thúc anh thành lập một tủ sách gia đình. Lên Đệ Ngũ, anh sắm được một tủ sách Tự Lực Văn Đoàn và truyện Tàu, thuộc loại “có cỡ” trong đám bạn bè thời đó.

Anh Phước, qua bao thăng trầm, tủ sách nhà anh không khỏi mất mát, hư hỏng, nhưng vẫn còn giữ được 2 quyển sách mà ba anh mua từ hơn... 50 năm trước. Đó là cuốn Giảng luận Việt văn (bình giảng các tác gia Việt Nam và thế giới) và Đường thi trích dịch, mỗi cuốn dày tới 600 - 700 trang. Nhiều tủ sách gia đình ở Đà Nẵng hiện lưu giữ nhiều sách cổ, sách quý. Theo anh, nếu liên kết được các tủ sách này với nhau thì sẽ tạo ra một nguồn tư liệu khổng lồ, giúp cho các học sinh, sinh viên, các thầy cô và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này cũng phải có những thỏa thuận và quy ước nhất định để tăng cường tính trách nhiệm và gìn giữ sách, nhất là sách của những người có cái thú chơi sách!

3. Có người bảo, “hãy cho tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Xét về câu này thì nhà văn Nguyễn Kim Huy, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng, cũng không thể biết được chính xác mình là... loại người gì! Anh gọi đùa mình là “người thập cẩm”. Vì, do yêu cầu công việc của tổng biên tập một NXB tổng hợp, ngoài việc đọc tự nguyện theo yêu thích, bắt buộc anh phải đọc tất tật mọi bản thảo (đa số sẽ trở thành sách) từ Từ điển, Tôn giáo, Khoa học Kỹ thuật đến Triết học, Sử học, Văn học nghệ thuật...

Vì thế, tủ sách gia đình của anh hiện giờ cũng thuộc loại… thập cẩm. Về xuất xứ, có thể phân ra làm hai loại: Sách của NXB Đà Nẵng và số còn lại là sách các NXB khác. Về nguồn sách, anh sắp xếp theo ba loại: Sách mua về, sách được tác giả tặng biếu và sách do mình làm, mình viết hoặc tham gia viết. Loại thứ ba được anh nâng niu nhất (dù ít nhất), cũng dễ hiểu thôi, khi gia chủ đã làm việc tại NXB Đà Nẵng tròm trèm 30 năm rồi!

Vợ anh (giáo viên Ngữ văn THCS), các con anh cũng là những người mê sách, quý sách nên tủ-sách-thập-cẩm nhà anh cũng không bị hắt hủi lắm, chỉ tội hơi lộn xộn vì hay bị lục tìm. Và “hậu quả” của việc sách hay bị lục tìm này, như anh nói vui, là con cái... lây cái tính ba. Con gái anh rất giỏi Tin học (Giải nhất Phần mềm Sáng tạo toàn quốc hồi lớp 5) nhưng đã bắt đầu làm thơ, có thơ đăng ở Non Nước từ lớp 1, sau đó trên Đà Nẵng Cuối tuần, Văn nghệ Trẻ... Con trai anh sáng mai thi lên THPT mà tối còn ôm đọc Trò chuyện với mưa của Hoàng (Trọng Dũng)!

Nhà hùng biện La Mã cổ đại Marcus Tullius Cicero có câu nói để đời: “Nhà không có sách giống như thân thể không có linh hồn”. Nhiều người có ý phê phán rằng hiện nay, trong nhiều ngôi nhà sang trọng, người ta hay trưng bày Tủ rượu (hầu hết rượu ngoại, cực quý cực đẹp) chứ không phải Tủ sách. Theo anh, không sao cả, quan trọng là có đọc nó hay không. Rượu cũng hay như sách, có khi người ta thích ngắm thì giá lại cao hơn nhiều! Nhưng, giá như phòng khách có Tủ rượu và phòng làm việc có Tủ sách thì càng tuyệt vời.

Với những nhà có sách, dù sách mới tinh còn thơm mực in hay sách cũ nét chữ đã ít nhiều phai nhạt, tất cả vẫn ẩn tàng đâu đó ngọn lửa đầy sùng kính của tín đồ một giáo phái có tên là Tri thức. Trong nhà của nhà văn Kim Huy, “lửa” đã lây lan! Anh đã khá thành công trong việc xây dựng Văn hóa đọc tại gia và có thể hy vọng, tin tưởng ở những điều tốt đẹp từ sự lan tỏa tích cực của ngọn lửa tri thức đó…

Nhà văn Nguyễn Kim Huy, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng: “Việc cần làm ngay” là tổ chức Ngày Hội sách gia đình

Tủ sách gia đình cực kỳ quan trọng với tuổi thơ. Và cái thú vị của tuổi thơ khi đọc sách là... vô giá, không có niềm vui nào, sự say mê nào có thể bằng được khi mình năn nỉ mượn được một cuốn sách hay và ngấu nghiến đọc ngay khi cầm được nó trên tay. Với tuổi thơ, thì nội dung và cả câu chữ của sách thấm thẳng vào máu, vào tim óc, gây ngây ngất khó phôi phai lắm, không như khi lớn lên rồi ta đọc sách theo kiểu tra cứu, tìm hiểu đầy lý trí…

Trong tình hình văn hóa đọc đang bị báo động như hiện nay, tôi nghĩ, “việc cần làm ngay” là tổ chức Ngày Hội sách gia đình, giới thiệu sách cổ, sách quý, quảng bá sách... Rất may là vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định lấy ngày 21 tháng 4 là “Ngày sách Việt Nam” hằng năm. Hy vọng sách và văn hóa đọc sẽ sớm được phục hưng như vị trí vốn có, phải có của nó!

VIÊN PHÚC QUÂN (ghi)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.