.

Nhớ làng

.

Gamzatov từng nói: “Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người”. Dù có đi đâu, ở đâu, ẩn sâu trong lòng của mỗi người là những ký ức đẹp về tuổi thơ, hình ảnh từng người thân trong gia đình đã đi qua cuộc đời họ. Đó thực sự là ký ức đẹp, đượm buồn và trong trẻo.

Con gái ông Le Nguyen lần đầu tiên được cưỡi trâu tại quê nhà.
Con gái ông Le Nguyen lần đầu tiên được cưỡi trâu tại quê nhà.

Tuổi thơ ở làng

Trong cuộc chuyện trò ngắn ngủi giữa tôi với ông Trần Văn Tân (59 tuổi), quê ở Hòa Vang hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ông ngân nga mấy câu thơ của Yến Lan “Mưa đưa thương nhớ về làng/Mưa làm xa những dặm đàng, bến sông/Chiều nay mở cửa ra trông /Thấy làng đâu? Chỉ thấy lòng mà thôi/Mưa ơi, thương nhớ bời bời/Bời bời thương nhớ, mưa ơi, khuất làng…” và nói rằng khi tình cờ đọc được bài thơ này, ông đã khóc. Xa quê trong nỗi nhọc nhằn, nên quê hương trong ông là những năm tháng tuổi thơ chạy theo quang gánh của má ra chợ đầu làng, được má mua cho ít bánh đúc nóng hổi gói trong miếng lá chuối xanh non; là những đêm trời vừa dứt cơn mưa vội theo chân ba cầm đèn pin ra đồng soi nhái về nấu cháo ăn khuya. Trong ký ức của ông khi nào ba cũng tranh thủ tìm bắt vài con “cá rô lên” mang về cho má nướng trui ăn với mắm gừng vào bữa cơm sáng mai.

Nhiều năm sinh sống ở Khánh Hòa, ông Tân trồng trong khu vườn nhà một cây ô ma, loài cây gắn liền với tuổi thơ của mình. Tán cây ô ma là nơi lũ chim sâu thường chọn làm tổ, chúng mang rác tre, lá cây dương liễu ngoài đồng về kết dính từ 2 đến 3 lá ô ma thành một tổ. Bạn bè ông ngày trước thường kết hoa ô ma xâu thành từng chuỗi cườm, đeo vào cổ, vào tay, giả làm cô dâu cười khúc khích. Ông bảo: “Chẳng hiểu sao, càng về già tôi lại càng nhớ những kỷ niệm, những năm tháng tuổi thơ cùng gia đình ở quê nhà. Nỗi nhớ cứ da diết, rưng rức trong lòng mỗi khi trời đổ mưa”.

Trong chuyến đưa gia đình về thăm quê nhà ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng mới đây, ông Le Nguyen, một thương nhân người Mỹ gốc Việt, sinh sống tại thành phố Los Angeles đã nhờ bạn bè dẫn đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố để tận mắt nhìn thấy sự đổi thay của quê hương mình. Trong thời gian lưu lại quê nhà, ông cùng gia đình về thăm làng rau Trà Quế ở Hội An để các con mình được làm đất, vun vồng, trồng rau, tưới nước, xay bột tráng mì, nướng bánh tráng.

Ông Le Nguyen chia sẻ: “Những năm tháng ở Mỹ, mỗi khi kể cho các con nghe về kỷ niệm quê nhà, tôi thường nhắc mình từng có tuổi thơ cưỡi trâu đi trên đường làng xanh mướt hàng tre dẫn ra đồng, từng phụ ông bà tưới nước trồng rau ở quê ngoại Đại Lộc (Quảng Nam)… Vì thế khi về Việt Nam, các con của tôi có nguyện vọng muốn biết con trâu nó như thế nào, trồng rau ra làm sao. Tại làng rau Trà Quế, chúng đã có 2 giờ trải nghiệm cùng người nông dân tại vườn rau. Nhìn các con nói cười vui vẻ, tôi thật sự hạnh phúc vì được thấy lại tuổi thơ của mình”.

Ra đi là để trở về

Mỗi người, vì một lý do nào đó buộc phải rời xa quê hương lập nghiệp nơi xứ người, đều đau đáu nỗi niềm được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Về vùng đất học Hòa Vang, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Tịch, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hòa Phong dành rất nhiều lời khen ngợi cho những người con Hòa Vang lập nghiệp phương xa có điều kiện đã trở về giúp đỡ tinh thần, vật chất giúp học sinh toàn xã không có em nào phải bỏ học vì nhà nghèo. Đặc biệt, Hội khuyến học (KH) xã Hòa Phong hiện đang quản lý 2 nguồn quỹ gồm Quỹ KH Liệt sĩ (LS) Đặng Vĩnh và Quỹ KH cụ Nghè Lâm Quang Tự với số tiền giúp đỡ mỗi năm hàng chục triệu đồng. Nhờ đó, phong trào KH trên địa bàn xã được đẩy mạnh, trở thành xã điểm trong công tác giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.

Đơn cử như Quỹ KH LS Đặng Vĩnh chính thức ra mắt đầu năm học 2011-2012 tại xã Hòa Phong, do vợ chồng bà Đặng Thị Vân-Nguyễn Minh Triết (trú tại TP. Hồ Chí Minh), là em gái LS, sáng lập và tài trợ toàn bộ kinh phí. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình bà Đặng Thị Vân một lần về quê trao tặng từ 30 đến 35 triệu đồng cho con em nghèo toàn xã. Bà Vân kể rằng, anh trai bà, LS Đặng Vĩnh sinh năm 1932, vốn là người hiếu học và học rất giỏi. Ông từng là học sinh Trường tiểu học An Phước, sau đó chuyển vào Tam Kỳ học Trường trung học Phan Châu Trinh.

Nhưng trước tình hình đất nước có nhiều biến động, ông xếp bút nghiên cùng bè bạn lên đường nhập ngũ, làm trợ lý cho ông Đàm Quang Trung, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 Quân khu 5. Năm 1950 trong một trận tấn công đồn địch tại xã Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) ông hy sinh ở tuổi 18. “Lúc còn sống, anh trai tôi có tâm niệm sau này đất nước giải phóng sẽ trở về quê lập quỹ KH, giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn theo nghiệp học hành. Khi cuộc sống đã qua thời thiếu ăn thiếu mặc, thể theo ý nguyện của anh trai, tôi cùng chồng về làng lập quỹ mang tên anh”.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Minh Triết, chồng bà Vân cũng từng đưa vợ về quê nhà tại xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam) lập một quỹ KH mang tên em trai ông, LS Nguyễn Việt Hùng đã mất trong kháng chiến chống Mỹ. Ở tuổi 75, bằng những hành động thiết thực, tấm lòng của vợ chồng bà Vân với quê hương được người dân trong làng kính trọng và dành nhiều tình cảm yêu mến. Ngay cả các con bà, phần lớn được sinh ra và lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ủng hộ ba mẹ bằng cách đóng góp thường xuyên vào nguồn quỹ KH giúp đỡ quê hương. “Ở tuổi vợ chồng tôi, mỗi năm được một lần về thăm quê, được ăn tô mỳ Quảng Túy Loan, được ngắm dòng sông hiền hòa chảy dọc theo những bờ tre thật đẹp, được nghe chất giọng quê mình cảm thấy hạnh phúc không còn gì bằng. Đó không chỉ là niềm vui tuổi già, mà nỗi nhớ làng, nhớ hàng xóm láng giềng cũng được xoa dịu đi phần nào”, bà Vân nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tịch, một buổi chiều cuối năm 2010, chị Lê Thị Tuyết nhà ở Cẩm Toại Trung dẫn con trai Lê Văn Linh vừa đậu khoa Luật, ĐH Khoa học Huế đến nhà gặp ông và khóc bảo rằng, mình không thể xoay xở ra tiền cho Linh nhập học. Với tình hình này, chị sợ con sẽ phải nghỉ học giữa chừng. Trước sự lo lắng của người phụ nữ nghèo, ông Tịch dùng lời lẽ động viên hai mẹ con và khi họ đã ra về, ông ngay lập tức viết thư gửi cho những người bạn cùng làng đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh kể về hoàn cảnh của mẹ con chị Tuyết và yêu cầu được giúp đỡ.

Hơn một tuần sau, những người bạn tại Sài Gòn đã quyên góp gửi về cho cậu học trò nghèo 6 triệu đồng làm lộ phí nhập học và mua sắm bước đầu cho cuộc sống xa nhà. Không chỉ thế, hằng năm, ông Tịch luôn dành cho Linh một suất học bổng để động viên, khuyến khích em tiếp tục sự học. Cách đây hơn một tuần, Linh ra trường với tấm bằng loại giỏi, được nhận vào làm việc tại Tòa án Nhân dân quận Thanh Khê. Có lẽ, sự nhiệt tình và hết lòng vì đàn em thân yêu của ông Tịch đã tạo niềm tin cho những người con phương xa muốn thông qua ông gửi chút quà về giúp đỡ quê hương.

Có những người xa quê, may mắn sống tại một nơi có “hội đồng hương” để sinh hoạt, chia sẻ đã là hạnh phúc. Có những người từ khi sinh ra và lớn lên chỉ biết quê hương qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Nhưng tôi tin rằng, ẩn sâu trong lòng họ, là những ký ức đẹp về tuổi thơ, hình ảnh từng người thân trong gia đình đã đi qua cuộc đời họ. Đó thực sự là ký ức đẹp, đượm buồn và trong trẻo.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.